Nghệ sĩ thế giới

Dana Schutz: bảng màu rực rỡ, chủ thể vặn vẹo 10. 08. 16 - 6:18 am

NNT st và lược dịch

 

Dana Schutz, Ký tên, 2009. Sơn dầu và màu acrylic trên vải, 203.8 x 229.2 cm

Là một trong những nghệ sĩ trẻ có tầm ảnh hưởng lớn nhất nổi lên từ thập kỉ qua, Schutz được biết đến rộng rãi nhờ trí tưởng tượng mãnh liệt, chủ đề mạnh mẽ và bảng màu rực rỡ.

Các tác phẩm của Dana Schutz được miêu tả là “chênh vênh trên bờ vực của truyền thống và cách tân”. “Các bức tranh của tôi một phần dựa trên những đại tự sự. Các bức tranh trôi nổi ra-vào các thể loại hình họa. Tranh tĩnh vật trở thành nhân hoa, chân dung trở thành sự kiện và phong cảnh trở thành công trình xây dựng.

“Tôi theo đuổi thứ lĩnh vực mà trong đó các chủ thể được tạo dựng và phá hủy, hữu hình và vô dạng, tĩnh và động. Gần đây tôi có vẽ tranh về các nữ thần điêu khắc, tranh tĩnh vật (mà lại) mang tính phù du (transitory still lifes), những con người tạo nên sự vật, những con người được tạo nên và những người có khả năng tự ăn mình.

“Mặc dù bản thân các bức tranh không mang tính tự sự chuyên biệt, tôi thường tạo nên các hệ thống và tình huống tưởng tượng để mang tới thông tin. Các tình huống này thường vẽ ra một nơi mà sáng tạo là điều thiết yếu, khán giả tiềm năng không tồn tại, sự vật vượt quá chức năng của chúng và hiện thực dễ bị biến hóa.” Dana Schutz 2004.

 Mời các bạn xem một số tranh của Dana:

“Twister Mat” (Thảm trò chơi Twister), 2003, sơn dầu trên vải, 214 x 229cm

Trong Twister Mat (Thảm xoắn), Schutz dựng nên một khung cảnh đầy dã tâm. Sử dụng hội họa như một phương tiện để hiện thực hóa các kịch bản bất khả thi, nơi mà sự phi logic được ca tụng là “chức năng của trí tưởng tượng”, Schutz trình bày một buổi dã ngoại bị bóp méo một cách kinh dị (mà lại) như một chuyện bình thường chốn thôn dã. Vừa hài hước vừa kinh tởm, Schutz sử dụng trường phái siêu thực để đào sâu dục vọng nguyên sơ, gợi nên một sự thân mật dung tục…

 

“Face Eater” (Kẻ ăn mặt), 2004, sơn dầu trên vải, 46 x 58cm

Từ một chuỗi các bức tranh về những kẻ-tự-ăn-thịt-mình, “Kẻ Ăn Mặt” vừa hài hước vừa dị hợm. Phông nền tối đẩy sự kinh hoàng của chủ thể lên cực cận: như nhìn qua một ống nhòm về một cái lưỡi liếm láp phần nhãn cầu còn lại của chính mình. Một ngụ ngôn vừa thách thức vừa gây khó chịu, Schutz đã sáng tạo ra một giống loài thà tự nuốt chửng bản thân còn hơn là chịu đựng sự yếu kém của chính mình.

 

“Reclining Nude” (Mẫu khoả thân nằm nghiêng), 2002, sơn dầu trên vải, 122 x 152 cm

Tưởng tượng bản thân là họa sĩ cuối cùng trên Trái đất, và Frank là chủ thể (và khán giả) cuối cùng, series Frank của Dana Schutz khám phá các mối quan hệ về quyền lực giữa hoạ sĩ, chủ thể và người xem như một cuộc làm tình tay ba hóm hỉnh (nếu không muốn nói là khổ-bạo dâm). Dana Schutz vẽ đi vẽ lại nhân vật chính của mình, như một bức ảnh trên lịch buồn bã, bị lạm dụng đến tội nghiệp trong nhiều tư thế và bố trí cảnh khác nhau. Trong Frank trên bãi biển, cô vẽ chàng trong tư thế nằm ườn ra như tên trai bao hạng hai trong vũng nước biển xám xịt đục ngầu lúc hoàng hôn.

 

“Frank in the Desert” (Frank trong sa mạc), 2002, sơn dầu trên vải, 183 x 137cm

Bị giam giữ trên một hòn đảo hư cấu trong trí tưởng tượng của Dana Schutz, Frank được vẽ đi vẽ lại, cuộc sống đơn độc sau khi đắm tàu của chàng chịu sự soi xét tỉ mỉ của nét cọ của nữ hoạ sĩ.  Trong “Frank trong Sa mạc”, Frank giờ là một người đàn ông hoang dại đầy râu tóc, là kẻ chăm thú mang tham vọng thành nhà cải cách, hay một nhà sinh thái học nổi loạn chuyên nghiên cứu về những trò kỳ quặc của phái nữ. Dana Schutz vẽ nạn nhân của cô với một sự mơn trớn tinh quái: chàng đã quá chán ngán trò đùa. Schutz trả thù bằng cách khiến chàng bị cháy nắng và bị rỗ hai cánh tay.

 

“Sneeze” (Hắt xì), 2002, sơn dầu trên vải, 48 x 48 cm

“Hắt xì” làm mọi thứ mà một bức tranh chân dung không nên làm: vừa bóp méo vừa không xu nịnh, Schutz đã dựng nên một sự tĩnh lặng của ký ức, chỉ gián đoạn nó bằng dòng nước dãi có vận tốc lớn và những giọt nước mũi nhầy nhụa kinh tởm. “Hắt xì” là một bức tranh vẽ kiểu truyện tranh nhưng về căn cốt là sai. Nó giống một bức ảnh chụp nhanh không ra gì hơn là một sản phẩm của truyền thống nghệ thuật danh giá.

 

“Tapestry” (Thảm thêu), 2005, len nhuộm, 212.5 x 1 x 245 cm

Biến cách vẽ theo lối Biểu hiện của mình thành một tấm thảm thêu giản dị, Dana Schutz chứng minh bản thân là một bậc thầy về bối cảnh và màu sắc. Nét cọ bầy bản năng của cô được “thanh tẩy” thành những hình dạng dẹt và tông màu pantone. Trong tác phẩm này, Dana Schutz phô bày chàng nhạc công ngớ ngẩn của mình với vẻ lộng lẫy lúng túng đặc trưng. Với đôi mắt lồi, làn da tím, móng chân như móng bồ câu, chiếc lưng gù, chàng và cái thảm của cô trở thành một khung cảnh cuốn hút về sự nhàn rỗi đến khó chịu. Vẽ theo phong cách trippy của thập niên 1970s, Schutz dệt nên sản phẩm trang trí của riêng mình, tái tạo lại dòng siêu thực kinh dị của riêng mình thành một kiểu đời sống thật quái dị.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả