Điện ảnh

Phim từ đĩa: Fury – xem phim để hiểu về xe tăng 26. 07. 16 - 5:10 am

Lui

Phim với đề tài Thế chiến thứ hai rất nhiều, nhưng phim hay thì gần đây hầu như không thấy, có chăng chỉ là lấy bối cảnh để kể một câu chuyện thường nặng về tính hành động giật gân.

May thay, vào cuối năm 2014, chúng ta có được một cái tên đáng giá của thể loại phim chiến trường từ sau Giải cứu binh nhì Ryan của Spielberg.

Đó là Fury của đạo diễn David Ayer, một bộ phim có cốt truyện khá đơn giản nhưng gai góc như chính những gì diễn ra ở chiến trường.

Poster phim – hình từ trang này

Bối cảnh diễn ra vào giai đoạn cuối của cuộc chiến năm 45, quân Đồng Minh đang tràn vào Đức. Đức sắp thất thủ nên dồn toàn lực để phòng vệ, cả trẻ em và phụ nữ đều bị bắt tham gia vào cuộc. Những người kháng cự sẽ bị giết và mang đi treo cổ thị chúng.

Nhân vật chính là Fury, một chiếc xe tăng dòng Sherman của quân đội Mỹ, cùng năm người điều khiển, trong đó có Don Collier – Brad Pitt đóng – làm chỉ huy. Don là một chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm, anh đã cùng Fury và các đồng đội của mình hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ, qua nhiều trận chiến ở khắp các mặt trận từ Bắc Phi đến châu Âu, một điều hiếm thấy ở quân đội.

Fury – hình từ trang này

Từ đoạn này trở đi, một phần nội dung phim sẽ bị tiết lộ, người đọc nên cân nhắc khi đọc tiếp.

Khác với những phim chiến trường khác, Fury không mở đầu bằng một trận đánh ác liệt mà là một cảnh hoang tàn sau một trận chiến. Một sĩ quan của Đức đang cưỡi ngựa đi qua xác những binh lính thì bị một người nhảy ra từ một chiếc xe tăng chộp lấy và đâm nhiều nhát vào mặt. Người này chính là Don. Cũng chính từ lúc này trở đi, người xem sẽ thấy được sự căm hận của Don và đồng đội nhằm vào quân Đức, những người mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến này.

Lúc này, đội của Don vừa mất đi tay súng máy giỏi nhất thời bấy giờ. Một người lính trẻ khác được điều động gia nhập đội. Trái hẳn với Don, anh này chỉ mới tham gia quân ngũ được vài tuần với vai trò thư ký đánh máy và bị ép phải ra chiến trường. Khỏi phải nói là Don tức giận như thế nào. Tuy nhiên việc gì cần làm cũng phải làm, Don vẫn đốc thúc cả đội chuẩn bị lên đường cho nhiệm vụ tiếp theo.

Don dạy chàng lính trẻ cách giết một tên Nazi – hình từ trang này

Cuộc chiến diễn ra ngày càng khốc liệt. Đội tăng Sherman của Mỹ do Don chỉ huy lúc đầu có 5 chiếc, sau mất dần do bị súng chống tăng phục kích và sự vượt trội về đẳng cấp của xe tăng Tiger của Đức Quốc Xã. Trong một lần bị tập kích, một mình chiếc Tiger đã hạ được cả hai chiếc Sherman của Mỹ. Fury đã phải dốc toàn lực mới hạ được nó.

Nói thêm về các loại xe tăng thời bấy giờ (tham khảo từ wikipedia). Fury là xe tăng M4A3 thuộc dòng Sherman, dòng xe tăng hạng trung có số lượng nhiều nhất của quân đội Mỹ ở Thế chiến thứ hai. Sherman nổi bật về chi phí thấp và sản xuất nhanh (quân Mỹ thời này đã sử dụng hơn 19.000 chiếc, chưa kể hơn 17.000 chiếc Mỹ giao cho quân Anh). Lý do khác khiến Mỹ dùng loại xe tăng này còn là do thiết khế khẩu pháo sử dụng đạn 75mm có thể dễ dàng chiến thắng dòng xe tăng tầm trung của quân Đức là Panzer III và Panzer IV (đời đầu).

Chiếc xe tăng Fury – M4A3 Sherman với kíp 5 người gồm 1 chỉ huy, 1 lái chính, 1 pháo thủ, 1 súng máy kiêm phụ lái và 1 nạp đạn kiêm thợ máy. Hình từ trang này

Tuy nhiên, khi Đức cho ra đời xe tăng Tiger I thì cán cân đảo ngược. Tiger I sử dụng loại đạn pháo 88 mm có sức xuyên phá mạnh hơn Sherman rất nhiều cộng với lớp giáp trước dày gần 120mm khiến cho đạn 75mm của Sherman trở nên vô dụng. Điểm yếu duy nhất của Tiger I là bên hông xe, nhưng để hạ được nó phải cần đến một kíp chiến đấu dày dạn kinh nghiệm.

Việc quân Đức có số lượng Tiger I khá nhiều là một bất ngờ lớn với quân Đồng minh. Điều này khiến cho Tiger I là một nỗi kinh hoàng với đội tăng của Mỹ. Lưu ý là Sherman là dòng xe tăng chạy xăng (khác với thông thường dùng dầu diesel) nên nó rất dễ cháy. Chỉ cần Sherman trúng một phát đạn 88mm của Tiger I thôi thì kíp 5 người bên trong chỉ có vài giây để thoát ra ngoài trước khi bị thiêu sống. Do đó, quân Đức gọi nó là “Tommy Cooker”, nghĩa là “nồi nấu lính Mỹ”.

Trong phim, bạn sẽ thấy Fury chật vật đến mức nào khi chạm trán với Tiger I. Sau trận đánh, khi đang trên đường tiến về mục tiêu, Fury cán phải mìn và phần bánh xích bị hỏng nặng. Trong khi chờ sữa chữa, anh lính trẻ đi thám thính thì phát hiện ra một binh đoàn 300 quân của Đức đang tiến đến. Các đồng đội dự định sẽ bỏ lại Fury mà bỏ chạy do tương quan lực lượng của hai phía là quá chênh lệch, nhưng Don từ chối. Anh biết rằng nếu để binh đoàn này đi qua, họ sẽ tiến thẳng đến khu hậu cần của Mỹ, một nơi trọng yếu không có khả năng kháng cự và quân Mỹ sẽ thiệt hại lớn. Don khuyên đồng đội của mình ra đi để anh ở lại chiến đấu một mình vì Fury là nhà anh, anh chưa từng và sẽ không bao giờ rời bỏ nó. Bị tinh thần quả cảm của Don thuyết phục, đồng đội của Don cũng quyết định ở lại cùng anh, sát cánh đối đầu với cả một binh đoàn vượt trội cả về quân số cũng như trang bị.

Hình từ trang này

Fury có những cảnh chiến tranh đầy cuốn hút làm người xem không thể rời mắt khỏi màn hình. Mỗi khi anh chàng Bible (Shia LaBeouf đóng) hét lên “On the way”, người xem như nín thở theo dõi đường bay xé gió của quả đạn pháo. Đan xen vào giữa những cảnh chiến trận khốc liệt là những nút mở giúp người xem lấy lại nhịp thở. Dù vậy, những chi tiết của phim phơi bày cho người xem thấy được sự tàn bạo và nhẫn tâm mà chiến tranh gây ra cho con người.

Người viết luôn thích Brad Pitt trong vai các nhân vật anh hùng kiểu sắt đá và quyết đoán nhưng bên trong cũng tràn đầy tình cảm. Ở Fury, ta sẽ được chứng kiến lại anh chàng Achilles thành Troy với súng trong tay.

Nhưng khác với lần trước, lần này anh hùng đã không còn đơn độc.

Hình từ trang này

 

Ý kiến - Thảo luận

16:24 Monday,8.8.2016 Đăng bởi:  candid
Chi tiết 1 cái tăng chặn cả đoàn quân Đức hoá ra lấy từ một trận của Audie Murphy, chỉ khác cái tăng mà Murphy dùng để chặn là M10 và kết cục thì Murphy vẫn sống. Cuộc đời của Murphy lại khá giống với Captain America.
...xem tiếp
16:24 Monday,8.8.2016 Đăng bởi:  candid
Chi tiết 1 cái tăng chặn cả đoàn quân Đức hoá ra lấy từ một trận của Audie Murphy, chỉ khác cái tăng mà Murphy dùng để chặn là M10 và kết cục thì Murphy vẫn sống. Cuộc đời của Murphy lại khá giống với Captain America. 
0:12 Wednesday,27.7.2016 Đăng bởi:  Gấu H

Mình hy vọng bài này sẽ viết nhiều về xe tăng dưới một góc nhìn nghệ thuật được rút ra sau khi xem Fury, tuy nhiên bài viết lại không giải quyết được vấn đề này vì cung cấp rất ít thông tin...
Về xe tăng trong Thế chiến 2:
Khi Thế chiến 2 bùng nổ thì chiến thuật lấy thịt đè người trong Thế chiến I vẫn còn nặng trong tâm thức của nhiều
...xem tiếp

0:12 Wednesday,27.7.2016 Đăng bởi:  Gấu H

Mình hy vọng bài này sẽ viết nhiều về xe tăng dưới một góc nhìn nghệ thuật được rút ra sau khi xem Fury, tuy nhiên bài viết lại không giải quyết được vấn đề này vì cung cấp rất ít thông tin...
Về xe tăng trong Thế chiến 2:
Khi Thế chiến 2 bùng nổ thì chiến thuật lấy thịt đè người trong Thế chiến I vẫn còn nặng trong tâm thức của nhiều tướng lĩnh các phe. Các quốc gia dành nhiều tài nguyên cho việc phát triển tàu to súng lớn, các đơn vị bộ binh khổng lồ và các phòng tuyến phòng thủ dày đặc.
Và trái với nhầm lẫn của nhiều người, ở thời điểm đầu Thế chiến 2 người Đức lại không nắm ưu thế về công nghệ xe tăng cũng như năng lực quân sự của Đức không quá khổng lồ như vào năm 1941. Xe tăng thời điểm này đa phần là xe tăng hạng nhẹ, còn xe tăng hạng nặng thì còn khá sơ khai. Hai quốc gia có xe tăng hạng nặng là Nga và Pháp, xe tăng Đức mà gặp mấy con Bis siêu nặng của Pháp thì chỉ có chạy dài.
Thời kỳ này có 2 cách phân loại xe tăng: dựa trên hạng cân nhẹ-trung-nặng; dựa trên mục đích gồm càn bộ binh (chủ yếu đi hỗ trợ bộ binh, giáp mặt dày, trang bị súng to nổ mạnh xuyên yếu) – đấu tăng (giáp rất dày, súng to nòng dài để xuyên cho khỏe).
Đến khi cuộc chiến tới cao trào (cao trào của Thế chiến 2 là ở Mặt trận phía Đông với cuộc tắm máu Xô–Đức, còn thật ra mà nói thì các quốc gia còn lại đánh Đức dở như hạch) thì cả Liên Xô và Đức đều đã phát triển được các chiến thuật xe tăng riêng và các xe tăng hiện đại.
Huyền thoại về ác mộng xe tăng Đức bắt đầu ở thời kỳ này khi Đức có trong tay một mớ xe tăng đánh dấu bước ngoặt về kỹ thuật-công nghệ của loài người như Tiger, Tiger II (King Tiger), Panther… Ngoài ra đám Tank-Destroyer (Pháo tự hành diệt tăng, chuyên nấp cắn trộm) của Đức cũng gây ra bao tổn thất cho phe Đồng Minh. Đức cũng có nhiều tank-ace nhất, với những con số giật mình như Kurt Knispel với thành tích hạ 168 tăng đối phương, hay Michael Wittmann hạ 138 tăng và 132 pháo… Trong khi đó cao nhất ở phe Đồng Minh là Dmitry Lavrinenkov với 58 xe.
Dĩ nhiên để làm ra tăng xịn thì người Đức dẫn đầu về mấy công nghệ sau:
- Công nghệ - kỹ thuật động cơ và truyền động. Những cái tên vô cùng sang chảnh như Maybach, Porsche, BMW… đều xuất hiện trong danh mục nhà sản xuất động cơ và truyền động cho tăng Đức.
- Công nghệ đúc và công nghệ chính xác, giúp làm giáp và nòng pháo (pháo không phải cứ to dài là ngon mà còn cần an toàn, chỉ sợ bắn phát tòe nòng kíp lái tử nạn).
- Công nghệ quang học: người Nga cũng phát triển được dòng tăng hạng nặng IS ngang ngửa, thậm chí về sau còn mạnh hơn Tiger về thông số, tuy nhiên vẫn chưa dám quá tự tin vì một câu chuyện đơn giản - kính ngắm của Đức (vâng, là của Carl-Zeiss ạ) giúp phát hiện và lấy đường ngắm chuẩn xác ở cự ly 2km. Do vậy một chiếc IS-2 của Nga dù về thông số có thể hạ Tiger của Đức ở cự ly 2km, tuy nhiên ống ngắm của Nga lại không thể đảm bảo ngắm chính xác nên đành vào gần. Nhân tiện, trước và trong Thế chiến 2 thì Nikon của Nhật chỉ chuyên làm kính cho các thể loại máy ngắm dùng trong chiến tranh.
Sherman và nguyên nhân khiến Đức – Nhật bại trận
Sherman thuộc vào nhóm tăng hạng trung, lúc sinh ra chưa rõ để làm gì nhưng càng về cuối cuộc chiến càng được phân cho nhiệm vụ càn bộ binh là chính. Với chất lượng làng nhàng so với các tên tuổi lớn đang vẫy vùng ở mặt trận phía Đông như Tiger, Panther hay T34-85, IS thì rõ ràng Sherman còn lâu mới được ngồi chiếu trên. May mắn cho lính Mỹ là Hitler ria bàn chải quyết khô máu, ăn thua đủ với Stalin nên điều đa phần các sư đoàn tăng thiện chiến nhất qua phía Đông, nếu không cho dù không thắng nhưng chắc chắn quân Đức sẽ khiến danh sách tử trận của Mỹ dài thêm nhiều trăm trang nữa, và dĩ nhiên là sẽ không tồn tại khái niệm Tây Đức vì còn lâu Mỹ mới mò tới được Đức.
Ở mặt trận phía Tây (bắt đầu từ 1944, vâng, là năm 1944 trước ngày Đức Phát xít sụp đổ những 01 năm) lính Mỹ gặp toàn lính mới, lính dự bị, xe tăng Panzer IV (hạng trung) và một ít tăng hiện đại mà cũng vật vã mãi mới tiến lên được. Tăng Sherman của Mỹ chủ yếu làm cái khiên cho bộ binh, lỡ may gặp phải một em Tiger thì rút lui, bắn loạn xạ để cầm chân cho máy bay tới ném bom và pháo kích tung lên. Trong Fury, đám Sherman của Mỹ được tâng quá đà, trên thực tế thì đám này sẽ cháy mất vài con ngay khi gặp đám pháo chống tăng của Đức, còn khi bị Tiger chơi trò tập kích thì chết ráo. Dĩ nhiên có “một số” ngoại lệ, nhưng chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ bé nên thôi không dám phán là Fury điêu toa.
Còn tại sao lại ghép tăng Sherman với chuyện Đức – Nhật thảm bại ư? Đơn giản vì Sherman đại diện cho nguyên nhân mà Mỹ - Liên Xô thắng trận – năng lực công nghiệp của 2 quốc gia này. Trong cả Thế chiến II, Đức sản xuất được 1.347 tăng Tiger (1942-1944), 492 tăng Tiger II (1943-1945). Còn Mỹ thì làm khơi khơi được 54.000 Sherman các loại (1941-1945), còn Liên Xô gớm hơn với 57.000 xe T-34 các đời (1940-1945). Hay nói theo cách đơn giản, với 10 đồng thì Đức làm được 2 tăng, Mỹ được 7 tăng còn Liên Xô 8 tăng. Tuy nhiên, Đức chỉ có 10 đồng còn Mỹ và Liên Xô mỗi ông có vài trăm đồng. Vì cơn khát tài nguyên phục vụ công nghiệp mà Đức – Nhật vốn dĩ nắm ưu thế kỹ thuật công nghệ nhưng thiếu quy mô mới khởi binh, và cũng vì nguồn lực công nghiệp có hạn mà Đức – Nhật phải hộc máu tức tưởi nhìn Mỹ - Xô tràn vào lấy sạch các thành tựu nghiên cứu để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp của mình hơn nữa.
Thế mới bảo, kể từ khi nổ ra Cách mạng Công nghiệp thì ai nắm nguồn lực công nghiệp lớn hơn kẻ đó thắng (ngoại trừ Chiến tranh Việt Nam). Đó không chỉ là việc sản xuất được bao nhiêu vũ khí – khí tài, mà còn là câu chuyện có đủ nhiên liệu mà vận hành không, có đủ tàu để chở số khí tài đó đi lòng vòng qua mấy đại dương không, có đủ khả năng thay thế, sửa chữa ngay không, thậm chí là có đủ khả năng đào tạo người để vận hành không. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại cũng có nước công nghiệp phát triển mà vẫn có nguy cơ bị “củ hành” là Nhật Bản, vốn bị gọi là “người khổng lồ chân đất sét”, vì khi hữu sự, nếu đồng minh đều té hết (đừng có tin Mỹ, Mỹ mới lật mặt với Philippines cách đây có 20 năm thôi) thì Nhật Bản lại hộc máu tập 2 mà nhìn quân nước “nào đó” thản nhiên kéo tới vùng biển của mình để hút dầu.
Nhân tiện, mình cũng hy vọng ở phim Fury nhiều hơn, tuy nhiên phim có mùi cố gân lên làm mình làm mẩy với những câu chuyện sâu sắc về tính người, có điều chưa tới mà còn giả giả. Đoạn chiến đấu cuối cùng khiến mình xếp phim này vào diện Action movie chứ không phải War movie.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả