Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 5): Thiền khi bơi 27. 07. 16 - 5:05 am

Candid

(Tiếp theo bài 4)

Nói đến bơi sải rất nhiều người có những suy nghĩ như sau: bơi sải là một môn dựa vào sức mạnh là chính, bơi sải ầm ĩ, đạp nước tung tóe nên mất sức, bơi sải nhiều sẽ bị to vai, bơi sải không phù hợp với bơi đường dài… thế nên đa phần mọi người đều chọn bơi ếch, các thầy cũng chỉ dạy bơi ếch là chính. Hiện nay ở các bể bơi trong thành phố rất phổ biến các khóa dạy bơi cho trẻ em, các khóa đấy đa phần đảm bảo dạy cho trẻ con biết bơi ếch chỉ sau 10 buổi. Các vị phụ huynh cũng chủ yếu đăng ký cho con mình học các khóa như thế này và yên tâm là con mình đã bơi được. Đó là những quan niệm hết sức sai lầm.

Bơi ếch. Hình từ trang này

Tôi có trao đổi với một vài vận động viên và được cho biết, ở nhiều nước bơi lội phát triển hơn Việt Nam, họ dạy cho trẻ con bơi sải trước tiên và bơi ếch sau cùng. Tuy nhiên ở Việt Nam vì các bậc phụ huynh sốt ruột, nhiều người thúc ép HLV, mặc cả với HLV để con mình biết bơi được nhanh nhất với giá rẻ nhất nên hầu như các HLV đều chọn việc dạy bơi ếch cho trẻ. Một số ít HLV vẫn chọn bơi sải để dạy cho trẻ con dù sẽ mất nhiều thời gian hơn vì các ích lợi sau:

– Bơi lội là một môn đòi hỏi phải có thời gian tập luyện và trải nghiệm nhiều mới có được kỹ năng sinh tồn dưới nước. Với 10 buổi tập chưa đủ để cho đứa trẻ nhớ được các kỹ năng dưới nước. Nhiều đứa chỉ sau một mùa hè khả năng bơi đã quay lại gần như cũ.

– Bơi sải mất nhiều thời gian hơn để tập nhưng là nền tảng của bơi ngửa, bơi bướm. Biết được bơi sải sẽ dễ dàng học được các kiểu kia.

– Bơi sải đúng kỹ thuật sẽ tốn ít sức và bơi được lâu nhất. Ở nước ngoài các cuộc bơi đường trường, VĐV đều sử dụng kỹ thuật bơi sải chứ không dùng bơi ếch.

– Bơi sải có lợi cho các bệnh về cột sống trong khi động tác của bơi ếch lại có hại cho cột sống. Không nên bơi ếch đường dài vì sẽ gây sức ép lên cột sống.

– Bơi sải do nhịp thở lâu hơn nên có lợi cho hệ tim mạch.

Hình từ trang này

Ngoài ra thi thoảng tôi thấy trên web share các bài viết cổ súy cho việc học cách sinh tồn chỉ bằng việc thở dưới nước, nổi người để đợi người khác cứu. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm vì những bài học như thế chỉ áp dụng trong bể bơi, việc giữ mình sống sót ở môi trường sông, biển là việc rất khó, kể cả những người bơi giỏi trong bể, khi ra môi trường tự nhiên rất dễ bị ngợp, choáng tâm lý.

Do vậy, khi tập dù bạn muốn có kết quả thật nhanh, có cảm thấy sốt ruột vì uống nước mãi mà chưa biết bơi thì cứ nhớ khẩu quyết “muốn nhanh cứ phải từ từ”để hoàn thành các bài tập kỹ thuật. Khi đã hoàn thiện kỹ thuật thì tự nhiên bạn sẽ thành thạo bơi.

“Swimmer In Yellow” của Gareth Lloyd Ball. Hình từ trang này 

Khi ở dưới nước chúng ta thường có tâm lý sợ hãi, chính nỗi sợ làm chúng ta luống cuống; chúng ta vội vã, thở hổn hển, động tác thừa thãi, đập chân đập tay cuống cuồng, phung phí năng lượng, nhanh xuống sức. Theo Thiền, khi tâm ta động thì mọi thứ đều động. Để có thể có tâm lý ổn định, chúng ta sẽ tập bơi một cách thiền định, thiền trong khi bơi. Tên của bài tập lần này là Zen switch.

Ta sẽ chia động tác này làm hai phần tập.

Phần 1: Giơ tay khỏi mặt nước: Xuất phát ở tư thế skating, ta bơi nghiêng, tay trái làm tay dẫn, tay phải để ở đùi như nhét tay vào túi quần. Chầm chậm rút cùi tay phải lên khỏi mặt nước, cổ tay thả lỏng, ngón tay chỉ xuống dưới như ở hình bên trên trong hình minh hoạ. Giữ tay ở vị trí này một lát rồi lại đưa tay về đùi ở vị trí túi quần. Lần lượt làm đi làm lại kết hợp giữa skate và giơ tay. Lúc nào hết hơi thở lại đứng lên thở rồi tiếp tục. Lưu ý làm thật nhẹ nhàng, vì chúng ta đang thiền. Lắng nghe nước bao xung quanh cơ thể.

.

Khi làm lần đầu tiên ta sẽ thấy khi rút tay lên khỏi mặt nước lập tức thân ta chìm sâu xuống phía dưới, vì lúc này ta không giữ vững hình dáng khí động học và sự thăng bằng của cơ thể. Đừng nản từ từ ta sẽ làm quen và giơ tay lên mà cơ thể không chìm. Chính vì vậy mà các bài tập superman glider và skate rất quan trọng. Buổi tập nào ta cũng nên khởi động bằng các bài tập này.

Phần 2: Tương tự như phần 1 nhưng thay vì đưa tay phải về đùi ở vị trí túi quần, ta xiên tay về phía trước, chọn 1 đích phía trước nằm cách mặt nước khoảng 15-20 cm để đưa tay đến, lúc này cơ thể sẽ lật tương tự như bài spear switch. Động tác làm chậm rãi, ta sẽ thấy cơ thể chúng ta tiến lên trong nước một cách êm ái nhẹ nhàng.

Video của bài tập tại đây.

 Khối lượng tập:

4 lần superman
4 lần superman với chân đập
4 lần skating
4 lần spear switch
8 lần zen switch
4 lần superman với chân đập

Mẹo khi tập: Trong quá trình tập tôi đã tự phát hiện ra để tránh giúp tâm khỏi động, tránh bị phân tâm tôi nhắm mắt khi bơi. Lúc này không bị tác động bởi ngoại cảnh, cảm giác nước tăng lên rõ rệt, sẽ chú tâm vào từng động tác. Ngoài ra việc tự kỷ ám thị luôn nhắc mình rằng, không chống lại nước, nương theo nước, làm bạn với nước cũng sẽ giúp chúng ta vượt qua được nỗi sợ khi ở dưới nước.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

7:20 Thursday,28.7.2016 Đăng bởi:  Candid
Bơi đói vì chúng ta phung phí năng lượng tuy nhiên để đốt mỡ bụng cũng rất tốt, hợp với chị em, bài sau sẽ thêm bài tập bổ trợ.
...xem tiếp
7:20 Thursday,28.7.2016 Đăng bởi:  Candid
Bơi đói vì chúng ta phung phí năng lượng tuy nhiên để đốt mỡ bụng cũng rất tốt, hợp với chị em, bài sau sẽ thêm bài tập bổ trợ. 
22:03 Wednesday,27.7.2016 Đăng bởi:  LC
Bài học bơi của Candid hot quá, vừa thiết thực vừa đáng iu. Làm cho ai cũng muốn thực hành, lao ngay xuống ...mương mà tập chăng? Vì các bể bơi đông quá thể. Có lẽ phải ra sông Hồng thôi ! Và các bạn nhớ đem theo đồ ăn nhé, bơi xong đói cực, ăn khoai cũng ngon như bít tết vậy ...
...xem tiếp
22:03 Wednesday,27.7.2016 Đăng bởi:  LC
Bài học bơi của Candid hot quá, vừa thiết thực vừa đáng iu. Làm cho ai cũng muốn thực hành, lao ngay xuống ...mương mà tập chăng? Vì các bể bơi đông quá thể. Có lẽ phải ra sông Hồng thôi ! Và các bạn nhớ đem theo đồ ăn nhé, bơi xong đói cực, ăn khoai cũng ngon như bít tết vậy ... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả