Khác

Tác phẩm phái sinh và án lệ chưa từng có trong tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam 14. 11. 19 - 3:35 pm

Hân Hân

(Tiếp theo bài 1)

Trong phiên toà sơ thẩm xử lý vụ tranh chấp giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS của đạo diễn Việt Tú xuất hiện hai điểm nổi bật, đó là:

– “Việc tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của phía đạo diễn Việt Tú nhằm kết luận Tinh Hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của kịch bản Ngày Xưa“, và

– “Kết luận của Hội đồng thẩm định do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập”

Tác giả phản tố tác phẩm phái sinh của chủ sở hữu?

Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) đã quy định cụ thể về thời điểm, nội dung, trình tự và thủ tục, cùng hậu quả pháp lý của phản tố. Khoản 3 điều 200 của BLTTDS 2015 nêu rõ yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ được chấp nhận “trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

Tháng 12/2017, Công ty Tuần Châu Hà Nội nộp đơn kiện đạo diễn Việt Tú ra TAND TP. Hà Nội, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng với cáo buộc: đạo diễn Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu vở thực cảnh Ngày Xưa khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn này. Đạo diễn Việt Tú đã phủ nhận những cáo buộc nói trên và Toà án bắt đầu xử lý vụ án từ thời điểm đó.

Như vậy, đã xảy ra một sự bất hợp lý, trái quy định của pháp luật khi tới tận tháng 8/2018, tòa mới thụ lý yêu cầu phản tố của Công ty DS, trong đó đề nghị bác bỏ toàn bộ yêu cầu của Tuần Châu Hà Nội, yêu cầu Tuần Châu Hà Nội thừa nhận việc xây dựng tác phẩm Tinh Hoa Bắc Bộ trên nền tảng vở diễn Ngày Xưa và bồi thường thiệt hại.

Trước đó, tháng 5/2018, TAND TP. Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, trong đó yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội và các bên liên quan chấm dứt mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày Xưa.

Một trong những phán quyết của phiên tòa sơ thẩm đã kết luận Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu của kịch bản Ngày Xưa. Nếu chiếu theo phán quyết này, tòa phúc thẩm đã thụ lý phản tố vô lý của phía đạo diễn Việt Tú. Bởi, là chủ sở hữu, Tuần Châu Hà Nội có quyền phái sinh tác phẩm. Và, những trường hợp phái sinh của vở diễn Ngày Xưa đều phải được phía Tuần Châu Hà Nội cho phép.

Như vậy, phán quyết Tinh Hoa Bắc Bộ là phái sinh của Ngày Xưa của TAND TP. Hà Nội dựa trên kết luận của Hội đồng thẩm định (do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập gồm 4 nhà chuyên môn) trong 19 ngày đối với vụ kiện kéo dài hơn một năm liệu có hợp lý?

Một cảnh trong vở diễn Tinh Hoa Bắc Bộ.

Hội đồng thẩm định có được quyền kết luận về phái sinh?

Được biết, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập Hội đồng thẩm định vào ngày 2/11/2018 với 4 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng NSƯT Đạo diễn Lê Chức; 3 Ủy viên Hội đồng là NSƯT Đạo diễn Trần Minh Ngọc, PGS.TS Trần Trí Trắc, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Kết luận của hội đồng được công bố ngày 21/11/2018 với các tài liệu dùng để xem xét và đưa ra ý kiến chuyên môn, bao gồm: Kịch bản của Tinh Hoa Bắc BộNgày Xưa; video quay lại hai vở diễn; liệt kê phân cảnh của hai vở diễn; bản vẽ thiết kế 3D, thiết kế cảnh quan và ý tưởng nghiên cứu cho Ngày Xưa.

Phía Tuần Châu Hà Nội khẳng định: không cung cấp video hai vở diễn này cho TAND TP. Hà Nội cũng như cho Hội đồng thẩm định. Bởi lẽ, Công ty này cho rằng họ thậm chí còn không biết Hội đồng thẩm định gồm những ai, cũng không nhận được yêu cầu của Hội đồng thẩm định phải cung cấp tài liệu để làm thẩm định.

Cũng theo Công ty Tuần Châu Hà Nội, trước khi xảy ra tranh chấp, kịch bản vở diễn Ngày Xưa dưới tên gọi khác là Thuở Ấy Xứ Đoài chưa được phía công ty của đạo diễn Việt Tú bàn giao, vở diễn mới được thử nghiệm, chưa được cấp phép biểu diễn chính thức. Liên quan đến bản quyền tác phẩm, khán giả đi xem những buổi diễn thử Thuở Ấy Xứ ĐoàiTinh Hoa Bắc Bộ đều không được phép quay phim, chụp ảnh.

Cũng từ đây, nhiều khúc mắc xoay quanh vấn đề video của cả hai vở diễn được mang ra thẩm định cũng đã xuất hiện. Cụ thể, video do phía nào cung cấp, có đủ dữ liệu và căn cứ để làm công tác so sánh hai tác phẩm hay không? Video này quay lại những cảnh gì? Chất lượng quay thế nào? Thời lượng bao nhiêu? Những chi tiết được liệt kê giống nhau giữa hai video? Chưa kể, trong luật đã xác định, “chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục…”. Và, quy trình thủ tục của những chứng cứ được thu thập là gì?

Hiện nay, ở Việt Nam, phái sinh vẫn là một khái niệm nhạy cảm gây nhiều tranh cãi, vậy nên cần phải có một hội đồng chuyên môn được chấp nhận bởi cả bốn cả bên liên quan: TAND TP. Hà Nội, Công ty Tuần Châu Hà Nội, Công ty DS – đạo diễn Việt Tú và đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam gửi thư tay tới TAND TP. Hà Nội với lời khiếu nại cho rằng anh đã bị “bỏ quên” trong phiên toà sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp.

Thiết nghĩ, trong khi Tuần Châu Hà Nội không hề biết tới hội đồng thẩm định này, và khi mà kết quả chỉ dựa trên một sự lựa chọn thiên về cảm tính như vậy thì kết quả có lẽ sẽ không thể thuyết phục được những bên bị “thiệt”. Với vai trò thẩm định về mặt nghệ thuật, hội đồng này chỉ nên cung cấp thông tin tham khảo cho tòa án chứ không có chức năng kết luận về tác phẩm phái sinh.

Án lệ chưa từng có này cũng cho thấy, hiện nay chúng ta đang thiếu đi một cách xác định mang tính định lượng mà nôm na là “cân-đong-đo-đếm” rõ ràng với vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ hay nhỏ hơn là cách nhận biết một tác phẩm phái sinh.

*

(Bài đã đăng trên báo Tầm Nhìn)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả