|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnVẽ thế nào thì được giải? 03. 10. 10 - 1:43 pmPhương Quỳnh Sáng ngày 1. 10, đường phố Hà Nội quang đãng hơn ngày thường nhờ cấm ô tô khởi đầu “tuần Đại lễ 1000 năm”. Tại số 19 Điện Biên Phủ, đại sứ quán Đan Mạch, diễn ra buổi họp báo công bố 8 nghệ sĩ trẻ lọt vào vòng chung kết giải Talent Prize 2010. Một cuộc thi hội họa do Quỹ Đan Mạch (CDEF) khởi xướng với một người thủ thắng duy nhất được 1000 USD và tổ chức một triển lãm cá nhân. Tuy giải thưởng không lớn lắm (2700 USD, 1000 làm tiền giải, 1700 sẽ dành để tổ chức triển lãm cá nhân cho họa sĩ) nhưng con số họa sĩ tham gia được BTC công bố cũng là một con số đáng kinh ngạc: 165 họa sĩ với 700 tác phẩm được gửi đến qua ảnh. Lượng ứng viên khá đông đảo này làm người ta liên tưởng đến các cuộc thi tài năng trẻ khác dành cho các ca sĩ chưa nổi tiếng tại Việt Nam như Sao Mai điểm hẹn, Bài hát Việt và… Viet Nam Idol (tuy thực sự thì số bạn trẻ muốn làm họa sĩ “thực thụ” đông không thể sánh được với số người mong làm ca sĩ “thực thụ”. Tỷ dụ như số thí sinh đăng ký thi VietNam Idol 2010 là 30.000 người. Một con số rất đáng để CDEF thèm muốn). Có chuyện liên tưởng giữa hội họa và âm nhạc (ca khúc) này bởi CDEF cũng nghĩ ra một màn bầu chọn công chúng qua mạng cuối cùng để chọn người đoạt giải, tương tự kiểu Bài hát Việt. (8 họa sĩ lọt vào vòng trong là, xếp theo ABC:) Nguyễn Xuân Hoàng Bạn vào trang này để bình chọn: http://www.cuocthitainang2010.com/binh-chon-tai-nang) Mở đầu buổi họp báo, các nhà báo được phát thông cáo và một bài viết tổng quan về giải của một thành viên Ban giám khảo, bà Natalia Kraevskaia (thường gọi là bà Natasha, vợ góa của cố họa sĩ Vũ Dân Tân). Trên kia, có ba người ngồi nơi bàn Ban tổ chức. Một là ông Đại sứ Đan Mạch – kiêm chủ tịch quỹ CDEF nhiệm kỳ mới, có vẻ đẹp trung niên rắn rỏi. Hai là bà Natasha với khuôn mặt rất Nga. Ba là họa sĩ Việt kiều tài danh sống tại Việt Nam Lê Quang Đỉnh (nghệ danh là Đinh Q. Le). Nhìn Lê Quang Đỉnh, nếu không được giới thiệu anh là họa sĩ, rất dễ nhầm tưởng anh là một thương gia thành công. Ông đại sứ Đan Mạch thông báo sơ qua kết quả cuộc chấm giải, ông xin lỗi vì không thể phát âm đúng tên 8 họa sĩ vào chung kết. Tuy nhiên ông vẫn cố gắng đọc tên họ và sau đó cô Đặng Hương Lan, phụ trách văn hóa và báo chí của đại sứ quán dịch lại. Tiếp đó, bà Natasha nói sơ qua về kết quả chấm giải và những điều “cụ tỷ” ngoài bài viết “Những xu hướng mới – những cái tên mới” của bà (bài viết được phát cho báo chí, sẽ in trong catalog của triển lãm 8 họa sĩ). Bà Natasha nhấn mạnh rằng qua cuộc thi này, thấy rõ nghệ thuật của lớp trẻ đã thay đổi rõ. Trước đây, theo bà, nghệ thuật (của thời họa sĩ các họa sĩ thế hệ trước, thời bà mới đến Việt Nam sống, chắc thế) thường phản ánh những điều lý tưởng chứ không phản ảnh thực tế. Bây giờ, các họa sĩ trẻ đã xông hẳn vào thực tế. Thế kỷ trước (trước năm 2000), người ta vẽ về xã hội là vẽ đúng thời điểm đó, bây giờ thì các họa sĩ trẻ muốn kết nối cả quá khứ – hiện tại –tương lai trên cùng một mặt tranh (bà ví dụ tranh loạt tranh vẽ cầu Long Biên của Đào Anh Việt. Nhưng tôi nghĩ rằng không biết bà có nhầm không? Bởi cái gọi là thủ pháp “đồng hiện” thì trước đây cũng có, và họa sĩ “thế kỷ trước” cũng “tương” lên tranh khá nhiều chứ không phải ít. Chỉ có thái độ là khác thôi). Bà Natasha nói thêm là đương đại thì không chỉ là hình thức mới, chất liệu mới. Có nhiều tác phẩm lụa và sơn mài (hai chất liệu tưởng chừng chỉ có thể vẽ theo truyền thống) được gửi đến nhưng vẫn rất đương đại. Một ví dụ thành công về việc cách tân từ chất liệu truyền thống, theo bà là loạt tranh lụa lọt vào chung kết của Lê Hoàng Bích Phượng (mà bất cứ ai nhìn qua cũng thấy ngay là có ảnh hưởng tranh Nhật). Cuối cùng, bà Natasha phàn nàn rằng bà đã “giáo đầu” từ hôm họp báo phát động cuộc thi rằng các họa sĩ trẻ đừng nên vẽ giống tranh Tàu, nhưng số tranh bắt chước Tàu vẫn được gửi đến khá nhiều…
Họa sĩ Lê Quang Đỉnh nói thêm về khâu chọn chấm giải. Anh bảo do có quá đông ứng viên nên Ban giám khảo (3 người) đã chọn cách là mỗi người chọn 15 họa sĩ mình thích. Từ 165 còn xuống 45 họa sĩ. Phiên chọn đầu tiên thì cả ba thành viên BGK đều nhất trí được 5 họa sĩ sẽ vào chung kết. Còn lại ba họa sĩ nữa (cho đủ 8 người) thì gây khá nhiều tranh cãi giữa các thành viên. Cuối cùng là màn hỏi đáp giữa các phóng viên, khá là rộn rã. Một phóng viên của báo Tiền Phong đã khai mào bằng câu hỏi về sự “giống nhau” trong dư luận giữa tranh của hai họa sĩ Đào Anh Việt và Lương Văn Trung. Sự giống nhau này, theo người hỏi, không phải là đề tài đề cập, mà là về bút pháp và mầu sắc.
Bà Natasha và họa sĩ Lê Quang Đỉnh đều cho rằng chúng tôi không thấy có gì giống nhau giữa ý tưởng và các vấn đề đề cập, ngoại trừ có cùng một bút pháp, và anh Đỉnh còn thêm rằng nếu có sự tương đồng về bút pháp thì hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì các họa sĩ nằm chung trong một nhóm cộng đồng thường có sự ảnh hưởng lẫn nhau là lẽ thường.
Phóng viên lại hỏi tiếp rằng nếu có hai họa sĩ cùng một bút pháp sao không chỉ chọn một, để cơ hội có thể mở thêm ra với những bút pháp khác. Một phóng viên mặc quân phục (chắc ở một báo ngành quân đội, hoặc công an) hỏi rằng tranh đồ họa khắc gỗ là một thế mạnh của Việt Nam, sao không thấy có đại diện nào trong vòng chung kết. Bà Natasha trả lời rằng có một số tác phẩm tranh khắc trên gỗ được gửi đến, cũng hay, nhưng tiếc quá nó lại giống tranh của một nữ họa sĩ trẻ Việt Nam đã thành danh rồi là họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang. Nhà văn Việt kiều Nguyễn Văn Thọ (không hiểu ông đến dự cho vui hay đại diện cho báo nào) hỏi hai câu khá quan trọng. Ông nói rất dài, nhưng câu thứ nhất có đại ý là BGK chấm qua ảnh thì có chính xác được không. Bởi hội họa thì giữa việc xem thực và xem qua ảnh khác nhau rất nhiều (chưa kể việc có photoshop chẳng hạn). Họa sĩ Việt kiều Lê Quang Đỉnh lắng nghe câu hỏi, có đoạn anh tỏ ý không hiểu, phải nhờ dịch ý lại bằng tiếng Anh (cũng lạ, hai người Việt hẳn hoi, tuy là Việt kiều mà lại không thông hiểu nhau qua tiếng Việt. Hay là tiếng Việt ở Đức và tiếng Việt ở Mỹ có những biến thái khác nhau?). Khi đã hiểu, anh Đỉnh trả lời rằng do nhiều họa sĩ quá, nên không thể bắt họ gửi tranh đến cả để xem tranh thật, nên đành chấm qua ảnh. Đến đây thì ông đại sứ chen lời rằng BGK chúng tôi toàn là chuyên gia có uy tín (ý hẳn là BGK chất lượng nên khỏi phải lo về chuyện chuyên môn, dù xem tranh qua ảnh cũng siêu hơn hẳn người thường xem tranh thực). Câu thứ hai của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là việc chấm kiểu “bình chọn mạng” ấy có bình đúng được không, bởi công chúng số đông là một sự quá tản mát về thị hiếu. Anh Đỉnh trả lời là do BTC muốn dùng cách chấm mạng cuối cùng ấy để kéo sự thu hút của đông đảo giới trẻ đến với mỹ thuật. Và cũng biết là ý thích của công chúng thì tản mát nên BGK đã “lọc” trước chỉ còn 8 họa sĩ. Và ai muốn bầu cho nó chuẩn thì có thể đến xem tranh thực của 8 họa sĩ triển lãm vào ngày 18/10 tại ĐHMT (42 Yết Kiêu, cuộc bầu chọn mạng bắt đầu từ 10/10 – 31/10). Đây cũng là lần đầu tiên BTC thử nghiệm cách bầu chọn mạng này. Nếu như nó chưa chuẩn, thì năm sau sẽ thay đổi. (Nói thì vậy, nhưng mọi người hẳn còn nhớ cuộc thi “tài năng trình diễn” cũng của Quỹ Đan Mạch mấy năm trước. Cũng đã dùng cách bầu chọn của công chúng. Kết quả là số phiếu bầu cao nhất thuộc về họa sĩ Trường Art, điều này thì xin miễn bình luận.) Một phóng viên khác hỏi BGK rằng năm họa sĩ vào chung kết mà cả ba thành viên BGK đều thống nhất chọn ngay từ đầu là những ai. Còn ba họa sĩ phải gây tranh cãi giữa BGK là ai.
Anh Đỉnh cười và từ chối trả lời, nguyên do được giải thích là sợ rằng nói ra, các báo viết lại, sẽ ảnh hưởng tới cuộc bầu chọn của công chúng. Có vẻ như BGK đã hiểu nhầm ý hỏi của câu này. Ý của câu hỏi trên là BGK tuy có quyền tuyệt đối ở cái sân chơi này, nhưng “ai canh chừng những kẻ canh chừng người khác”, BGK chấm người ta, thì công chúng có quyền “chấm” ban giám khảo ở cách xem định hướng của họ và gu của họ như thế nào chứ? Thế nhưng cuối cùng thì câu hỏi này vẫn bị bỏ ngỏ. Bà Natasha nói thêm rằng số được chọn chỉ có 8 người, đúng như yêu cầu của BTC. Thế nhưng không phải nhiều họa sĩ không được chọn là kém hơn 8 người này. Điều đó làm bà cũng rất tiếc. Anh Đỉnh nói thêm là anh tham gia chấm giải cuộc thi này để biết xem họa sĩ trẻ bây giờ nghĩ gì, làm gì. Và anh cũng sẽ dự định tiếp xúc và mời một số họa sĩ trẻ không được chọn, nhưng có nhiều tiềm năng tốt, đem tranh triển lãm ở Sàn Art. Cũng còn một số câu hỏi muốn được nêu thêm, nhưng ông đại sứ chắc nghĩ là thời gian đã muộn nên nhẹ nhàng cảm ơn và chấm dứt cuộc họp báo. * Bài liên quan: Ý kiến - Thảo luận
23:10
Thursday,17.10.2013
Đăng bởi:
Thanhhuu001
23:10
Thursday,17.10.2013
Đăng bởi:
Thanhhuu001
Zhao Yannian China, born 1924 Nightmare #2, 1989 Woodcut Museum purchase: R. Charles and Mary Margaret Clevenger Fund Mình thấy một chi tiết ở góc dưới của bức "Cầu Long Biên và thân phận" quá giống với bức một bức tranh khắc gỗ của Trung Quốc là bức này. Còn bức "gay" của Phạm Tuấn Tú mình thấy dường như bạn này chưa phân biệt được giữa người đồng tính và chuyển giới thì phải. Nhân vật trong bức tranh đó là người chuyển giới mà.
23:28
Wednesday,3.8.2011
Đăng bởi:
NGUYỄN HỒNG SƠN
Hôm nay tớ có thời gian vào xem lại tranh và các bài viết liên quan của các bạn! ý kiến rất đa chiều, với riêng tớ, tớ thấy các bạn xứng đáng là những người được chọn, và chúc riêng cho Phạm Tuấn Tú những câu chúc không bao giờ cũ.
...xem tiếp
23:28
Wednesday,3.8.2011
Đăng bởi:
NGUYỄN HỒNG SƠN
Hôm nay tớ có thời gian vào xem lại tranh và các bài viết liên quan của các bạn! ý kiến rất đa chiều, với riêng tớ, tớ thấy các bạn xứng đáng là những người được chọn, và chúc riêng cho Phạm Tuấn Tú những câu chúc không bao giờ cũ.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Zhao Yannian China, born 1924 Nightmare #2, 1989 Woodcut Museum purchase: R. Charles and Mary Margaret Clevenger Fund
Mình thấy một chi tiết ở góc dưới của bức "Cầu Long Biên và thân phận" quá giống với bức một bức tranh khắc gỗ của Trung Quốc là bức này.
Còn bức "gay" của Phạm Tuấn Tú mình thấy dường như bạn này chưa phâ
...xem tiếp