|
|
|
|||||||||||||
Tạp hóa - Xã hội“Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ 15. 12. 20 - 4:56 pmĐặng TháiHạng mục phim hay nhất của Giải thưởng Điện ảnh Viện hàn lâm Hoa Kỳ (Oscar) lần thứ 45 có 5 đề cử, trong đó phim thắng giải được coi như một kiệt tác của nghệ thuật điện ảnh: Bố già (The Godfather – 1972). Điều đó làm lu mờ các đề cử còn lại, trong đó phim Những người di cư (Utvandrarna – 1971) cũng có 4 đề cử khác, chưa tính đề cử Oscar lần thứ 44 cho phim không nói tiếng Anh hay nhất. Nếu như Bố già nói về các thế hệ người Ý bỏ mảnh đất Sicily cằn cỗi đến Mỹ làm mafia, thì Những người di cư cũng nói về dòng người Thụy Điển vì đói nghèo mà tìm đường đến Mỹ trước đó một thế kỷ. Là câu chuyện của Thụy Điển nhưng cũng là câu chuyện nước Mỹ, phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết 4 tập của nhà văn Vilhelm Moberg, được coi như một đỉnh cao của văn chương Thụy Điển. Những cuộc di cư này không chỉ quyết định số phận mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng to lớn đến cả lịch sử hiện đại của Thụy Điển. Hiện nay Thụy Điển có hơn mười triệu dân, trong đó số người da trắng gốc Thụy Điển ước tính khoảng 8 triệu. Vậy mà tại Mỹ, số người Thụy Điển và gốc Thụy Điển lên tới hơn 4 triệu. Từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, có khoảng 1,3 triệu người Thụy Điển đã lên tàu sang Mỹ. Ví dụ năm 1912, khi mà việc nhập cư vào Mỹ đã giảm rõ rệt thì số lượng hành khách trên tàu Titanic (từ Anh đi Mỹ) mang quốc tịch Thụy Điển (chủ yếu ở khoang hạng ba) vẫn nhiều thứ tư chỉ sau người Anh, Mỹ và Ai-len. Diện tích của Thụy Điển khoảng 450.000 km2 trong khi dân số đầu thế kỉ 17 chưa đến 2 triệu người, mật độ dân cư vô cùng thấp khiến cho con người (hay lực lượng lao động và binh lính) là nguồn tài nguyên quan trọng nhất; việc di cư khỏi Thụy Điển bị nghiêm cấm. Năm 1747, Quốc hội Thụy Điển cho tuyên truyền rộng rãi lợi ích của việc trồng khoai tây nhằm chống đói đã khiến loại củ này trở nên phổ biến, cung cấp nguồn lương thực rất lớn cho phần lớn nông dân nghèo. Vắc-xin đậu mùa được người Anh phát minh năm 1796 đã giảm hẳn tỉ lệ trẻ em tử vong ở Thụy Điển. Tiếp đó, sau hai cuộc chiến tranh với Nga (1809) và Đan Mạch-Na Uy (1814), Thụy Điển chính thức chấm dứt hoàn toàn chiến tranh cho đến tận ngày nay. Các yếu tố trên kết hợp tạo nên sự gia tăng dân số vượt bậc. Năm 1850, dân số đạt ngưỡng 3,5 triệu người. Và khó khăn bắt đầu diễn ra. Đất đai cằn cỗi của một nước Bắc Âu lạnh giá không đủ để tạo ra lượng lương thực cần thiết để nuôi sống từng ấy con người. Ruộng đồng bị chia nhỏ manh mún, dân không đất cày ngày càng nhiều. Thụy Điển khi ấy là một nước nông nghiệp lạc hậu nhất châu Âu, đa số dân chúng là nông dân, công nghiệp không có gì. Vì thế mà lệnh cấm di cư ra nước ngoài được dỡ bỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng dám liều mình bước lên tàu băng qua đại đương sóng gió. Sự đói nghèo tích tụ như đống rơm khổng lồ, chỉ chờ thiên tai như một mồi lửa châm vào. Năm 1867 lạnh giá bất thường, tháng 6 vẫn còn tuyết, năm 1868 nắng hạn triền miên, bò chết như ngả rạ, năm 1869 dịch bệnh bùng phát. Nạn đói năm 1867-69 là nạn đói cuối cùng ở châu Âu do thiên tai gây ra. Sáu mươi nghìn nông dân Thụy Điển sang Mỹ thay vì phải ăn bánh bằng vỏ cây hoặc chết đói trong khi các đồn điền vẫn xuất khẩu yến mạch sang Anh cho ngựa kéo xe ăn. Nhà văn Vilhelm Moberg sinh năm 1898 trong gia đình nông dân nghèo có 6 người con và chỉ 3 trong số đó sống sót bao gồm cả ông. Gia đình giữ lại được căn nhà và ông được đi học 6 năm cũng nhờ tiền của họ hàng bên Mỹ gửi về, ông suýt nữa cũng theo cô chú đi Mỹ nhưng rồi quyết định ở lại. Các tác phẩm của Moberg là những đại diện đầu tiên cho tiếng nói của tầng lớp lao động và nông dân bị bần cùng hóa ở Thụy Điển. Bốn tập của tiểu thuyết được chuyển thể thành hai bộ phim Những người di cư (1971) và Miền đất mới (1972) với chi phí sản xuất đắt nhất từng có ở Thụy Điển. Những người di cư Nhân vật chính là vợ chồng Karl-Oskar và Kristina, yêu và lấy nhau khi ngoài 20 tuổi như bao gia đình nông dân khác ở tỉnh Småland. Hai vợ chồng có 4 đứa con, thêm miệng ăn nhưng thời tiết thì không thuận lợi, khi nắng hạn khi mưa lớn, sét đánh cháy kho thóc. Bữa ăn của hầu hết các nhân vật lúc nào cũng chỉ có bánh mì hoặc khoai tây và cá trích muối. Một người chăm chỉ và khỏe mạnh như Karl-Oskar, lao động cật lực trên mảnh ruộng của gia đình với chất đất cằn và đầy đá, cũng không hiểu nổi vì sao càng làm thì càng nợ nần và đói nghèo thêm. Em trai Karl-Oskar là Robert đi làm thuê, bị chủ đánh đập nên chạy về nhà trốn, quyết tâm đi Mỹ. Cả hai anh em tình cờ nhận ra có chung chí hướng khi Karl-Oskar đọc được mẩu quảng cáo về việc rất cần người làm trang trại, trả lương xứng đáng, ăn ở tử tế bên Mỹ, còn Robert đọc sách và biết được Mỹ là vùng đất tự do, dễ làm giàu, nơi không có quý tộc phong kiến và ai cũng có thể gọi Tổng thống bằng “ông” xưng “tôi”. Nhưng Kristina thì không đồng ý đi Mỹ vì quá xa xôi, nhà lại có 4 đứa trẻ con, băng qua đại dương khác nào đánh cược tính mạng cả nhà, hơn thế nữa, người phụ nữ nông thôn nào cũng chùn bước khi nói đến bỏ quê nhà mà đi. Ngày làm lễ rửa tội đặt tên cho đứa con trai mới sinh, Kristina mới chuẩn bị một nồi cháo đại mạch nấu sữa ăn mừng. Lũ trẻ đói quanh năm, háo hức đòi chấm mút nhưng bị đuổi ra ngoài và dặn là sau buổi lễ, đến tối cả nhà mới được cùng ăn. Tối đến, cả nhà dáo dác đi tìm đứa con gái lớn và phát hiện ra nó đã lẻn vào nơi đặt nồi cháo cho nguội rồi ăn gần hết cả nồi. Đứa bé ăn quá no, đại mạch ngấm nước nở ra, bục dạ dày và đến sáng thì chết. Thật khó tưởng tượng rằng Thụy Điển cũng có chuyện “Một bữa no” kiểu Nam Cao như thế. Đêm hôm sau, Kristina nói với chồng rằng mình không còn phản đối chuyện đi Mỹ nữa, chết trên biển hay chết đói ở đây thì cũng như nhau. Câu chuyện trước ngày quyết định tha hương cầu thực của bất kì người nào, thời đại nào dường như cũng thế cả. Đoàn người của Karl-Oskar trước ngày lên đường còn có thêm những người khác xin gia nhập. Chú của Kristina, Danjel và vợ con tự làm lễ tại nhà vì phẫn uất trước sự độc quyền tôn giáo của Nhà thờ Lutheran Thụy Điển. Hai mẹ con cô gái điếm Ulrika, một “tín đồ” tham dự các buổi lễ của Danjel vì cô khinh rẻ những kẻ phục vụ trong nhà thờ, rao giảng đạo đức và khinh miệt mẹ con cô trong khi chính họ cũng tìm đến cô. Một anh béo làm cùng trang trại với Robert cũng bị đối xử tệ bạc (rồi nghe Robert bảo gạo ở Mỹ ngon nhất thế giới) và một người bạn của Karl-Oskar, xin đi để trốn thoát một cuộc hôn nhân không hạnh phúc mà nhà thờ không cho phép ly hôn. Thành phần của đoàn người này đã tóm gọn tất cả những lý do cơ bản khiến người ta quyết định rời làng quê Thụy Điển đến Mỹ. Khiến cho tuyên truyền của chính quyền Thụy Điển khi đó cho rằng những kẻ đi Mỹ chỉ đều là những thành phần xấu xa, cặn bã của xã hội. Đoàn Karl-Oskar lênh đênh trên tàu buồm hai tháng rồi lại ngồi tàu hỏa 2000km mới đến bang Minnesota. Nhiều người bỏ mạng, nhưng chuyến đi đằng đẵng đã được đền đáp bằng đất đai màu mỡ và mênh mông không người khai phá, chỉ sợ không có sức mà cày cấy, cứ lấy cái rìu khắc lên cây là thành đất của mình. Trong sách và ngoài đời là một Đến năm 1920, diện tích đất canh tác của người Thụy Điển ở Mỹ bằng 2/3 tổng diện tích đất nông nghiệp của Thụy Điển. Những người Thụy Điển khỏe mạnh, chăm chỉ lần đầu tiên thấy sức lao động của mình được người chủ coi trọng như tài nguyên quý. Nhà tư bản đường sắt James Hill đã nói: “Cho tôi người Thụy Điển, thuốc lá bột và rượt uýt-ki, tôi có thể xây đường sắt đi xuyên cả địa ngục”. Nói rộng ra, cả 12 bang vùng Trung Tây nước Mỹ được xây dựng bởi bàn tay những người Thụy Điển nói riêng và người Bắc Âu, người Đức nói chung. Đến tận ngày nay, người Mỹ ở các vùng khác vẫn còn quan niệm rằng cứ người Trung Tây là mắt xanh nước biển, tóc vàng, chủ yếu làm nông nghiệp, chăm chỉ và hơi ngốc nghếch. Bang Minnesota hiện còn rất nhiều thành phố nhỏ và thị trấn mang tên những người Thụy Điển tiên phong. Moberg mất hơn 10 năm để hoàn thành bộ tiểu thuyết, sang Mỹ và nghiên cứu từng bức thư gửi về Thụy Điển. Câu chuyện không chỉ vô cùng chân thực mà còn khai thác rất sâu khía cạnh tâm lý của các nhân vật, yếu tố được hàng triệu người di cư đồng cảm mà các tư liệu lịch sử không nhắc đến, ví dụ như Kristina, sau này bị “cắt hộ khẩu” ở Thụy Điển, phải lấy quốc tịch Mỹ, nhưng đến tận lúc chết vẫn gọi Thụy Điển là “nhà”. Khi những con tàu hơi nước vượt đại dương khổng lồ ra đời thì việc di cư sang Mỹ càng rẻ và nhanh hơn, số người Thụy Điển sang Mỹ mỗi năm bằng cả 20 năm trước. Cộng đồng người Thụy Điển tại Mỹ càng phát triển, không chỉ nông thôn mà trong số những nữ minh tinh màn bạc Hollywood nối tiếng nhất, có Ingrid Bergman và Greta Garbo xếp hàng đầu. Ngày nay tượng Karl-Oskar và Kristina được dựng ở Karlshamn, Thụy Điển – nơi hai nhân vật lên tàu và ở Lindström, Minnesota nơi Moberg đến nghiên cứu lấy bối cảnh tiểu thuyết, có cả lễ hội Ngày Karl Oskar. Ở Thụy Điển, việc người dân di cư ồ ạt, có những người sang Mỹ rồi thành đạt, quay lại Thụy Điển sống nhưng không chịu nổi thói quan liêu và phân biệt đẳng cấp, cuối cùng lại đi Mỹ, dẫn đến việc chính quyền cũng phải tự đặt câu hỏi tại sao. Năm 1910, 1/5 số người Thụy Điển trên Trái Đất sống ở Mỹ. Quốc hội Thụy Điển thành lập Ủy ban di cư để nghiên cứu và tìm giải pháp cho vấn đề này. Ủy ban bác bỏ quan điểm siết chặt luật di cư mà thay vào đó là “học hỏi những khía cạnh tiến bộ của nước Mỹ”. Báo cáo trình Quốc hội dài 21 chương nêu những vấn đề cần cải cách để giảm dòng người di cư mà bản chất chính là những vấn đề cốt yếu để phát triển đất nước bao gồm: quyền bầu cử (cho đàn ông) cho dân chủ, phát triển công nghiệp cho kinh tế, cải thiện tình hình nhà ở cho an sinh xã hội, giáo dục phổ thông để rút ngắn bất công giữa các giai cấp. Báo cáo có hàng trăm ý kiến của “Thụy Điển kiều”, sau 40-50 năm định cư ở Mỹ vẫn giận dữ và lên án sự đè nén, bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến Thụy Điển. Thụy Điển nhanh chóng bước vào thời kỳ cải cách, phát trển kinh tế mạnh mẽ, trung lập trong cả hai cuộc đại chiến thế giới, và dòng người di cư dừng hẳn sau năm 1930. Sau nửa thế kỷ, Thụy Điển dần trở thành một nước giàu có và văn minh bậc nhất thế giới nhưng họ không quên quá khứ. Năm 1995, hai thành viên của ban nhạc ABBA đã viết vở nhạc kịch hiện đại “Kristina đến từ Duvemåla” dựa trên bộ tiểu thuyết của Moberg. * Cùng một tác giả: - Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel - “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn - Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc? - Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn! - 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc - “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười - Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ - Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người - Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam - Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía - Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji - Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người - Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava - Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết… - Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc - Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt - Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa - Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung - Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá - Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun - Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo - Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo - Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh - Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng - Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic - Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu - Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng - Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu - Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà - Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp - Quốc bảo thường để cất đi - Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ - Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn - Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối - Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển - Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối - Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!” - “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|