Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 6): lăn để thở và điểm ngọt 29. 07. 16 - 5:51 am

Candid

(Tiếp theo bài 5)

Có thể nhiều người đến lúc này đã thấy sốt ruột vì sao tôi chưa bàn đến việc tập thở để bơi, và tập vài buổi rồi nhưng vẫn chưa thể bơi được hết chiều dài của bể. Ai cũng biết thở rất quan trọng, chúng ta không thể nhịn thở được quá lâu, với người thường ở dưới nước quá 2 phút mà không thở là đã có thể mất mạng. Mặt khác khi nhịn thở, cơ thể không đủ khí oxy sẽ tích tụ lại khí cacbonic CO2 khiến chúng ta bị ngộ độc khí CO2, gây nhức đầu. Thế nên thường khi ở dưới nước, chúng ta rất lo lắng tìm cách để thở.

“Unbound”, Eric Zener, (2012), sơn dầu trên canvas. Hình từ trang này

Lý do tôi chưa bàn đến việc thở là vì ở giai đoạn đầu của tập bơi, chúng ta không thể đồng thời chú ý cùng một lúc đến nhiều thứ, khi ta đang tập trung vào động tác tay, động tác chân, nếu ta lo ngoi lên để thở, lập tức sẽ quên mất vị trí của tay chân. Mặt khác ở giai đoạn này bơi được mấy chục mét mà sai động tác thì cũng không ý nghĩa gì. Chúng ta sẽ làm lần lượt từng đoạn ngắn để thực hiện cho đúng từng động tác, giúp cơ thể của chúng ta nhớ bằng trí nhớ cơ bắp.

Kinh nghiệm của tôi khi mới tập là vì muốn bơi thật dài ngay lập tức nên thường tập bơi thêm dài khi chưa đúng kỹ thuật, kết quả là tốn rất nhiều thời gian mới nhận ra kỹ thuật của mình vẫn chưa đúng, ngoài ra lại thở sai nên cuối mỗi buổi tập thường rất đau đầu do thiếu oxy.

“Changing Tides”, Skip Myers. Hình từ trang này

Đến giờ khi đã quen với việc giữ thăng bằng của cơ thể, chúng ta sẽ bước thêm một bước để tập thở khi bơi. Thở trong bơi sải khó với hầu hết mọi người. Thường để thở chúng ta tốn rất nhiều năng lượng, thở sai cách dễ bị sặc nước. Chính vì thở sai, dẫn đến việc ngộ độc CO2, cơ thể sinh ra acid lactic làm mỏi cơ, sặc nước nên hầu hết không thể bơi sải quá dài.

Để có thể thở được khi bơi sải, chúng ta sẽ chia động tác thở ra nhiều giai đoạn để tập lần lượt:

Ôn lại tư thế skating: Lưu ý vị trí của tay, thả lỏng cổ, mắt nhìn đáy bể.

Tư thế skating. Hình từ trang này

 

Cơ thể nghiêng một cách vừa phải, như ở hình giưã, không bị nghiêng quá mức như hình bên phải, hoặc nghiêng chưa đủ như hình bên trái.

Lăn để thở: rất nhiều người mắc lỗi khi bơi sải đỏ là họ cong cổ, nhấc cằm hướng lên về phía trước như khi bơi ếch, lúc này lập tức cơ thể chúng ta mất đường thẳng, sức nổi kém, cơ thể chìm xuóng nước. Chúng ta phải nhớ dù trường hợp nào cũng phải giữ cơ thể trên một đường thẳng. Để tập khan, hãy nằm trên thảm tập yoga, tay trái làm tay dẫn nằm hơi nghiêng như tư thế skating, giữ nguyên tư thế lăn người, vai phải đi trước, cằm quay theo vai, mắt nhìn lên trần nhà. Lưu ý trong suốt quá trình đó, cả cơ thể chúng ta vẫn giữ nguyên đường thẳng. Với cách làm như thế, miệng của chúng ta đã ra khỏi nước để thở một cách thoải mái.

.

 

Xem hình ta có thể thấy, khi lăn như vậy, từ vị trí 10h miệng của ta đã ra khỏi mặt nước và có thể thở.

Tập dưới nước, ta tập xuất phát ở vị trí skating, mắt nhìn đáy bể ở vị trí 6h, lăn để thở, chân vẫn tiếp tục đạp, khi thấy thở đủ, tiếp tục úp mặt xuống nước, nhìn ở vị trí 6h. Cứ thế tiếp tục skating.

Khi tập động tác này, nhiều người sẽ bị sặc nước, sẽ bị chìm, lý do là do chúng ta phá vỡ đường thẳng của cơ thể, do tay dẫn không thả lỏng… Cứ tiếp tục tập ta sẽ dần dần quen thôi.

Động tác sai do cứng vai dẫn đến mất vị trí tay dẫn khi lăn để thở. Hình từ trang này

 

Tư thế đúng

Để tránh hít nước vào khi thở cần lưu ý, luôn thở dưới nước nhưng không thở hết hơi, giữ lại ít hơi khi miệng ra khỏi mặt nước thì thở nốt, há miệng ra, lúc này không khí sẽ tràn vào mà không cần hít hơi.

Điểm ngọt (Sweet spot):

Khi đã quen, ta tập động tác bơi ở điểm ngọt. Động tác bơi này gần như bơi ngửa, điểm khác biệt là ta không hoàn toàn nằm ngửa trên mặt nước mà chỉ giữ cơ thể ở một góc khoảng 145 -150 độ. Gọi là điểm ngọt là vì lúc này chúng ta sẽ có cảm giác cơ thể hoàn toàn cân bằng trên mặt nước, cơ thể như lưỡi dao cắt nước, ta có thể thở thoải mái để bơi hết chiều dài của bể:

Những lưu ý khi thực hiện:

– mắt nhìn lên trên,
– Giữ cổ trên một đường thẳng với xương sống
– chân đá nhẹ nhàng, mũi chân thẳng, biên độ nhỏ
– nếu có thể kết hợp xoay hông nhẹ nhàng khi đá chân

Video của bài tập sweet spot tại đây

Khối lượng tập: 10 chiều dài của bể với động tác lăn để thở, 10 chiều dài của bể với động tác sweet spot. Trước và sau buổi tập, các bạn tập thêm các động tác cơ bản của các bài trước.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

13:32 Saturday,31.3.2018 Đăng bởi:  Candid
Bản thân em về sau cũng ít bị nước vào tai hơn hoặc có thể quen rồi nên không khoa chịu hoặc cũng bị hơi ngoc đầu. Bơ thẳng thì cứ từ từ luyện sẽ quen. Em luyện bơi nhắm mắt mà vẫn thẳng tắp.  Lúc đầu toàn đâm vào tường. Tốt nhất là bác nhờ ai quay lại gửi video để phân tích.
...xem tiếp
13:32 Saturday,31.3.2018 Đăng bởi:  Candid
Bản thân em về sau cũng ít bị nước vào tai hơn hoặc có thể quen rồi nên không khoa chịu hoặc cũng bị hơi ngoc đầu. Bơ thẳng thì cứ từ từ luyện sẽ quen. Em luyện bơi nhắm mắt mà vẫn thẳng tắp.  Lúc đầu toàn đâm vào tường. Tốt nhất là bác nhờ ai quay lại gửi video để phân tích. 
23:43 Friday,30.3.2018 Đăng bởi:  lui
Nay là buổi thứ hai em tập lăn để thở. Cú đầu tiên luôn luôn bị nước vào tai trái. Mấy cú sau thì không bị. Chẳng hiểu ra sao.
Ngoài ra, lúc xoay qua phải để thở, em phải đập chân mạnh hơn để xoay nên hao mòn sức đoạn này không ít. Nên chỉ bơi xa nhất là 30m là phải ngừng lấy hơi.
Còn sweet spot bơi ngửa thì em toàn bị hơi lệch về bên trái. Không giữ bơi thẳng
...xem tiếp
23:43 Friday,30.3.2018 Đăng bởi:  lui
Nay là buổi thứ hai em tập lăn để thở. Cú đầu tiên luôn luôn bị nước vào tai trái. Mấy cú sau thì không bị. Chẳng hiểu ra sao.
Ngoài ra, lúc xoay qua phải để thở, em phải đập chân mạnh hơn để xoay nên hao mòn sức đoạn này không ít. Nên chỉ bơi xa nhất là 30m là phải ngừng lấy hơi.
Còn sweet spot bơi ngửa thì em toàn bị hơi lệch về bên trái. Không giữ bơi thẳng được. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả