|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhThe BFG: Gã khổng lồ Spielberg và người bạn 03. 08. 16 - 7:05 amPha Lê(SOI: Phim có tiết lộ chút nội dung, các bạn cân nhắc trước khi đọc bài nhé) * Nếu được xem ở rạp (và phải là xem ở rạp) thì mỗi lần thưởng thức một tác phẩm của đạo diễn Stephen Spielberg xong là tôi bị cái chứng này khi bước ra khỏi phòng: nhức đầu. Chả oan ức gì nếu nói rằng đây là “tội” của đạo diễn hết. Hiếm ai quay đẹp như Spielberg, và không một ai có thể quay cảnh góc rộng đẹp như Spielberg, chẳng ai đa cảm như ông mà lại không hề sợ rằng cái đa cảm ấy sẽ biến phim mình thành sến. Kết quả là hình ảnh trong phim của Spielberg đẹp đến mức đời thực đâm xấu. Bước ra khỏi rạp, đèn huỳnh quang đập vào mặt như tra tấn kèm theo dòng người lổn nhổn với bao bộ quần áo lộn xộn, đầu của người vừa thưởng thức Spielberg xong cứ thế mà quay quay không thương tiếc. Nói thế có vẻ tội cho Janusz Kaminski, nhà quay phim gắn bó với Spielberg từ lâu, và trong bộ phim The BFG mới nhất (viết tắt của Big Friendly Giant – hay dịch tạm là Gã khổng lồ thân thiện) Spielberg tiếp tục mời Janusz cộng tác với mình. Janusz tất nhiên đầy tài năng, nhưng nói cho công bằng cái tài của ông là quay được cảnh theo ý Spielberg muốn, bởi xem phim Janusz quay cho đạo diễn khác thì chúng chẳng bao giờ đẹp thế, cũng chẳng có nét riêng gì. Trái lại, Roger Deakins có làm việc với đạo diễn thối hay đạo diễn tài thì phim nào ông quay cũng huyền bí. Nói vậy không có nghĩa tôi bảo mọi người ùn ùn đi xem The BFG đi, do tôi cảm giác rằng đây là tác phẩm ít người thích, kể cả những kẻ nghĩ mình sành phim “khó xem”. Đứa con tinh thần mới nhất của Spielberg này, theo cách nào đấy, không dành cho chúng ta. Nó khá “ích kỷ”, nó là phim Spielberg làm riêng cho tình yêu của mình với tác giả Roald Dahl, cho tình bằng hữu ông có với bà Mathison kèm theo chút tiếc nuối rằng ông không thể làm gì hơn nữa cho bà. Trên hết, The BFG là phim Spielberg làm cho mình, một nghệ sĩ cả đời cống hiến, làm bao tác phẩm hướng tới những cái to, và giờ đây ông chỉ muốn ngồi xuống dồn tiền (lắm khi chẳng lấy lại được) để làm những cái nhỏ. The BFG dựa theo cuốn truyện cùng tên dành cho thiếu nhi, do nhà văn viết truyện trẻ em cau có nhất thế giới Roald Dahl cau có viết nên. Sophie – cô bé nhân vật chính – mất bố mẹ và sống trong trại trẻ mồ côi, nơi bà viện trưởng quan tâm đến mình hơn là đến đám trẻ con bà phải nuôi. Cô đơn, buồn bã dẫn tới lắm đêm mất ngủ, Sophie cù nhây đọc sách suốt buổi tối và cô bé tình phát hiện thấy một gã khổng lồ lang thang khắp đường phố London. Để tránh bị đánh động rằng trên đời này có khổng lồ thật, gã khổng lồ bắt cóc bé Sophie và đem cô bé về thế giới của ông.
Dù ban đầu sợ hãi, nhưng bé Sophie nhanh chóng nhận ra rằng người khổng lồ bắt cóc mình cũng thuộc hội đời tôi cô đơn. Ông quyết không ăn thịt người, và trong giới khổng lồ ông thực chất lùn cũng như thấp bé nhất, bị bạn bè trêu là “thằng còi”. Thấy ông ra sức bảo vệ mình – thứ đáng ra chỉ để làm đồ ăn cho đồng loại – Sophie bắt đầu xem ông như bạn, và gọi ông bằng tên BFG, tức gã khổng lồ thân thiện. The BFG tính ra chỉ có vậy, nó kể về tình bạn giữa hai con người bị cho là kỳ cục trong cái xã hội không biết rằng chính chúng còn kỳ cục hơn. Người xem có thể nhíu mày không rõ tại sao Spielberg chi chừng ấy tiền, quay những cảnh kỳ công, nên thơ đến tê tái chỉ để kể về một cô bé kết bạn với một gã khổng lồ. Thế nhưng nếu có người nào hiểu được tinh thần của Roald Dahl, thì đấy là Spielberg. Gốc là dân Na-uy nhưng sinh ra với lớn lên ở Anh, Roald Dahl luôn cảm thấy mình như kẻ ngoại đạo, đặc biệt ở trường. Bố mẹ Roald muốn con mình hưởng nền giáo dục cấp tiến của Anh Quốc, nhưng xúi quẩy thế nào cậu bé Roald thường xuyên bị thầy cô đánh, dùng roi hành hạ, bị không ít bạn bè phỉ báng, trêu chọc. Tác giả thuộc dạng… thù dai, và ôm mối hận với bạn cùng lớp cũng như với đám “người lớn xấu xa” cho tới lúc lớn. Những câu chuyện của ông, từ The BFG, Charlie và xưởng sô-cô-la, đến tuyệt phẩm Matilda, đều kể về những cô bé cậu bé cô đơn, kẹt trong một thế giới kỳ cục, bị mọi người xung quanh chê bai ruồng rẫy do chúng có tính cách khác thường. Tuy truyện có “người lớn tốt” giúp đỡ các bé vào phút chót, kẻ ác thường là những “người lớn xấu”. Đề tài cỏ vẻ hơi quái đản cho truyện thiếu nhi, nhưng trẻ con mê mệt Roald Dahl do chúng cảm thấy rằng ông nhìn nhận chúng một cách nghiêm túc và nói chuyện với chúng một cách thật thà. Truyện của ông không làm chúng sợ, không có chi tiết kinh dị, nhưng chẳng chứa toàn điều đẹp đẽ mà nghe riết lại đâm giả tạo. Roald chỉ cho trẻ em thấy vài điều xấu chúng lờ mờ cảm nhận được, và có thể chúng đang trải qua, nhưng an ủi rằng nếu có một gia đình đàng hoàng, gặp được người lớn tốt, hay có một tình bạn đẹp như Sophie có với BFG, trẻ em có thể chiến thắng những tên bắt nạt to lớn bề thế hơn mình. Tâm điểm của truyện cũng như phim là tình bạn giữa Sophie với BFG, Spielberg hiểu điều đó, nên 2/3 của bộ phim gần như chẳng có gì ngoài Sophie và BFG tìm hiểu lẫn nhau, dẫn đến thông cảm cho nhau. Cảnh ở thế giới khổng lồ đẹp đó, từ dựng đến quay phim cái gì cũng đầy yêu thương đến xốn hết cả ruột, nhưng đối với nhiều người việc xem tình bạn chớm nở giữa hai kẻ cô đơn có thể không hấp dẫn mấy. The BFG còn thuộc loại chẳng có bao nhiêu cảnh hành động, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng bao dung từ phía khán giả, nó tìm niềm vui trong công tác sáng tạo nên một vương quốc khổng lồ đầy kỳ thú, nhưng vương quốc ấy cuối cùng chỉ để phục vụ công tác vui chơi khám phá của những đứa dưới 10 tuổi, dạy chúng về tình bằng hữu, chứ không hề quan tâm đến chuyện liệu người lớn có bị chán. Mà trẻ con thì biết rồi đấy, bọn nó có khả năng bỏ ra hàng giờ đồng hồ cho những trò người lớn vu rằng chẳng có khỉ gì kịch tính hay hấp dẫn, ví dụ như xem cái phim này. Tuy nhiên, nếu người lớn hiểu thực sự mình không hơn trẻ con là bao, và nếu mình như chúng thì chí ít thế giới sẽ đẹp lên một xíu, The BFG là bộ phim dành cho họ. Học được cách quăng lắm vấn đề to tát đi để lo những cái nhỏ sau khi xem tác phẩm này không chừng sẽ có ích cho những ai đang bù đầu vào cái to tát. Spielberg quay cảnh góc rộng đẹp không? Đẹp đến ghen tị, đến chán bản thân vì thấy sao mình bất tài; mà The BFG còn đầy những cảnh quay góc rộng nữa chứ, nhiều hơn hẳn so với các phim khác của Spielberg, vốn nhìn chung đã có lắm các cảnh quay kiểu này. Nhưng chúng có chủ đích hẳn hoi chứ đâu phải để trình diễn suông. Spielberg đang “lừa” khán giả, bao thước máy paranoma đã khiến cảnh gần trở nên nổi bật hơn, khiến chúng ta tập trung hơn vào chúng, vào những hành động nhỏ bé nhiều hơn nữa. Một trong những cảnh quay cận lặp đi lặp lại xuyên suốt phim là cảnh BFG tìm kính của bé Sophie để giấu mỗi lần đám bạn khổng lồ bặm trợn tới “viếng nhà”. BFG làm thế do muốn bảo vệ bé Sophie, không muốn đám du côn biết đến sự hiện hiện của bé và ăn thịt bé. Nhưng ngoài chuyện ấy, Sophie còn cần kính do bé bị cận, BFG thương Sophie nên không muốn kính của bé bị đám bị thịt ham gây hấn vô tình nghiền thành cám. Cảnh BFG giấu kính luôn là cảnh quay vô cùng gần và hẹp, và chúng lặp đi lặp lại rất nhiều, chứng tỏ Spielberg hiểu rằng với một phim cho trẻ con, nói về tình bạn, phim ấy phải có những cử chỉ nhỏ và những cử chỉ nhỏ phải thể hiện sự quan tâm, cũng như thể hiện nó một cách thật đều đặn, trung thực. Nói vậy không có nghĩa The BFG là siêu phẩm, phim thật tình hơi nấc cục chỗ nọ chỗ kia. Biết sao được, sau khi Sophie với BFG trải qua 2/3 bộ phim không làm gì khác ngoài làm bạn của nhau, Spielberg dường như sực tỉnh, nhớ rằng mình phải cho phim cái kết để trẻ con còn ra về, nên chỗ nối giữa phần cuối của The BFG có hơi trật khớp so với hai phần đầu. Hình như Spielberg cũng biết đều ấy, nhưng hình như ông chẳng màng lắm, do bà Mathison đã không còn. Thời chân ướt chân ráo đến Hollywood, Melissa Mathison vừa tạo được chút tiếng tăm nhờ viết kịch bản phim The Black Stallion (Việt Nam từng dịch thành Hắc mã huyền bí) là đã dính vào xì-căng-đan do dan díu với đạo diễn Francis Ford Coppola (lúc ấy đang có vợ). Lúc Mathison bị giới truyền thông nghi ngờ, chính Spielberg đã bỏ ngoài tai lời đồn đại, làm quen với bà do ông hiểu rằng Mathison có tài. Sau một thời gian, Mathison đưa cho Spielberg kịch bản bà viết, một kịch bản làm nên lịch sử, vì nó là kịch bản phim E.T. Spielberg thích E.T, mến Mathison đến mức lúc quay nó thành phim, ông nhất quyết bắt bà đến trường quay thường xuyên, cố vấn cho ông, góp ý để ông biết quay như thế là có thể hiện tốt nội dung bà viết hay chưa. Ông tin bà nên quay đúng các yếu tố trong kịch bản dù đấy là những yếu tố ông nghi ngờ. Kết quả thì ai cũng biết rồi, E.T trở thành tác phẩm kinh điển, một bộ phim để đời, và còn là phim ăn khách nhất thập kỷ ấy.
Mathison với Speilberg trở thành bạn thân, dù sự thành công quá mức của E.T khiến bà không thể viết ra cái gì hay hơn thế và không còn cộng tác với Spielberg trong các phim sau, nhưng hai người luôn là bạn thân. Bẵng đi một thời gian rất lâu, Mathison quay lại viết kịch bản, giúp Spielberg chuyển thể cuốn sách The BFG của tác giả Roald Dahl – tác phẩm Spielberg yêu thích, ấp ủ muốn biến nó lên màn bạc bao lâu nay. Bà đã hoàn thành kịch bản, lẽ ra nó phải đánh dấu sự trở lại hoành tráng của bộ đôi Spielberg – Mathison. Lẽ ra Spielberg phải mời người bạn mình hết lòng yêu quý này đến trường quay thường xuyên để cố vấn, góp ý cho mình như thời thực hiện E.T. Buồn cho Spielberg, Mathison mắc bệnh ung thư, bà phải nằm điều trị và qua đời trước khi bộ phim hoàn thành. Mathison ra đi vĩnh viễn, để lại cho Spielberg một tác phẩm phản ánh sự mất mát của ông. Vị đạo diễn có thể hạnh phúc đắm chìm trong tình bạn giữa bé Sophie với BFG suốt 2/3 bộ phim, nhưng sau đó dù không muốn, ông hiểu rằng phim phải kết thúc, nên ông đành buông nó ra, khiến đoạn cuối nom hơi vội vã, không khớp với các đoạn đầu, và có chút gì đó thoáng buồn. Mối quan hệ giữa hai con người tất nhiên chẳng bao giờ hoàn hảo, cuộc sống nó thế, trộm nghĩ tình bạn giữa Spielberg và Melissa Mathison hẳn phải có lúc nọ lúc kia. The BFG cũng vậy, nó không hoàn hảo, nhưng giống tình bạn của vị đạo diễn với nữ kịch tác gia, nó vẫn đẹp đến kỳ lạ. Lúc dòng chữ “Dành cho Melissa của chúng tôi” hiện lên vào cuối phim, người hiểu chuyện sẽ nhận thấy rằng tác phẩm hơi trật khớp chỗ A chỗ B của Spielberg còn đầy ắp thứ để học và đầy những thước phim đáng ngưỡng mộ hơn hàng tỷ phim thuộc loại mượt mà của tỷ đạo diễn khác. * Ghi chú: Phim dù hợp với trẻ em nhưng tiếc thay, Việt Nam không làm thuyết minh, mà phim này đọc phụ đề thì hơi khó cho các bé do BFG nói nhiều, cũng chơi chữ nhiều. Bởi vậy thành phần duy nhất lý ra nó không kén cuối cùng lại khó xem phim tại Việt Nam, quả trớ trêu Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp) Hà Nội Cụm rạp CGV: 2D, 3D chiếu đến 7.8 Tp.HCM Cụm rạp BHD: 2D, 3D chiếu đến 4.8
Ý kiến - Thảo luận
17:19
Wednesday,14.9.2016
Đăng bởi:
Dương Trần
17:19
Wednesday,14.9.2016
Đăng bởi:
Dương Trần
Pha Lê có thể chia sẻ vài thông tin về cách thức hoạt động của các rạp chiếu phim ở nước ngoài được không, đặc biệt là các rạp kiểu art-house hay rạp hạng B? Mình đang muốn mở một rạp chiếu nhỏ ở tỉnh lẻ theo kiểu độc lập, không phụ thuộc vào nguồn phim nhập khẩu của các ông lớn nhưng chưa biết nhiều lắm về vụ này.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp