Nhiếp ảnh

Photo Fair lần II: quyết thoát khỏi lối mòn “dễ ăn” của nhiếp ảnh 05. 08. 16 - 6:55 am

Thông tin từ BTC

VIỆT NAM PHOTO FAIR II – HỘI CHƠ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM LẦN II
Từ ngày 6 – 14. 8. 2016
Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ

.

Đây là cuộc chơi quy tụ những tay máy nhà nghề và bán chuyên thuộc các lĩnh vực khác nhau: chân dung, thiên nhiên, cuộc sống đường phố, trừu tượng, phong cảnh… Tuy khác nhau về phong cách cũng như kỹ thuật, song họ đều có một điểm chung: đó là muốn tạo dựng một sân chơi sòng phẳng giữa người sáng tác và người thưởng thức văn hóa, tại đó mọi giá trị về văn hóa và tác quyền được tôn trọng tối đa, đồng thời tôn trọng mọi sự khác biệt trong lao động nghệ thuật.

Bất kỳ ai cũng biết, tại Việt Nam từ lâu vẫn tồn tại một thực trạng đáng buồn hoặc còn có thể coi là bi kịch của sáng tác, đó chính là sự sao chép và mỗi người tự triệt tiêu tính độc lập của chính mình. Không chỉ trong nhiếp ảnh mà tình trạng này đã và đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa nghệ thuật. Những bức tranh na ná nhau về bố cục, những tác phẩm ảnh loanh quanh với đồi cát, người dân tộc thiểu số phơi bày làn da nhăn nheo, những lưới cá kéo ngược ánh nắng vàng, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín và mùa vào nước… Đôi khi các tay máy kỳ cựu vẫn than vãn về vấn nạn “ảnh cừu”; “ảnh đua bò”… tràn ngập trong các cuộc thi toàn quốc hoặc địa phương, bởi đã thành tập quán, cứ sau mỗi kỳ trao giải tại cuộc thi nào đó, ngay sau đó giới nhiếp ảnh sẽ tràn ngập tại nơi mà tác giả đoạt giải đã chụp, lặp lại cả về thời gian, góc máy, hướng sáng và thậm chí cả nhân vật.

Sự sao chép lẫn nhau còn ảnh hưởng tới phong cách sống của giới trẻ, điều này thể hiện qua những trào lưu chụp sen, chụp cánh đồng tam giác mạch, chụp đường Phan Đình Phùng mùa lá rụng… Đó là chưa nói tới vấn nạn photoshop đang ám ảnh giới cầm máy hiện đại, mọi người mặc nhiên chấp nhận ảnh chỉnh sửa một cách thô thiển, điều này không phải là điều xa lạ, thậm chí có những tranh cãi đáng xấu hổ mới đây về một số Triển lãm ảnh tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh…và còn rất nhiều chương trình khác nữa.

.

Và tất cả đang kéo đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam thụt lùi so với các quốc gia láng giềng tới một tầm mức đáng kinh ngạc.

Không cam chịu hòa vào những cuộc chơi ảnh trào lưu và phong cách chụp facebook, nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu đã hợp tác cùng với nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh, nghệ sĩ Nguyễn Việt Hùng; Lê Bích; Kiều Quốc Khánh cố gắng tạo lập một sân chơi, tuy nhỏ nhưng đầy cá tính nhằm đưa tới cho cộng đồng một cách nhìn nhận mới về nhiếp ảnh. Quy tụ những tay máy độc lập, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của những kiểu cách chụp màu mè và hời hợt, họ đang muốn cất lên tiếng nói về tính độc lập trong sáng tác, đồng thời muốn xóa bỏ tư tưởng dễ dãi mà xã hội thường mặc định về những tác phẩm nhiếp ảnh. Không phải vô cớ mà từ xưa tới nay, tác phẩm nhiếp ảnh luôn bị đánh giá ở tầm mức rất thấp so với các loại hình nghệ thuật khác. Rất ít ai đánh giá cao công sức của những người cầm mày, dù để có được một tác phẩm ưng ý, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã phải trải qua nhiều ngày ngoài nắng gió với những thiết bị nặng và vướng víu. Do đó, Photo Fair được lập ra với định giá rõ ràng cho từng tác phẩm, qua đó khẳng định về giá trị của một bộ môn nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng và đòi hỏi những giá trị đích thực khi tham gia.

.

Không so sánh với những triển lãm ảnh mang tính phong trào hoặc triển lãm mỹ thuật chính quy, Photo Fair thuần túy là cuộc chơi của những con người tâm huyết muốn trao tặng cho cộng đồng những tác phẩm chân thực nhất. Tại đây, người yêu nhiếp ảnh sẽ có cơ hội giao lưu cùng các tác giả, thưởng thức những vẻ đẹp cuộc sống và sở hữu chúng với khoản chi phí xứng với tầm vóc nghệ thuật. Cũng tại Photo Fair, khán giả sẽ cùng các tác giả tham gia vào các talkshow nghệ thuật, tham dự ngày hội chụp ảnh miễn phí và một số hoạt động khác. Photo Fair còn hướng tới mục tiêu kết hợp cùng giới truyền thông sản xuất các chương trình về tác quyền nhiếp ảnh, một vấn đề vẫn đang nhức nhối trong toàn xã hội. Một sân chơi sòng phẳng và thú vị đang dần trải rộng, chào đón những tay máy không muốn đi theo lối mòn.

.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả