Gẫm & Bình

“Không gian bên trong”: câu chuyện đến từ làng của Nguyễn Duy Mạnh 23. 08. 16 - 6:47 am

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông

Vừa là nghệ sĩ, vừa là một “anh giáo làng” đúng nghĩa, Nguyễn Duy Mạnh hiện sống ở một xã không hẳn nghèo và chẳng còn thuần nông miền trung du Vĩnh Phúc. Sự đổi thay cấu trúc kinh tế ở nông thôn quê anh đã bị đẩy lên thành bi kịch đầy vết rạn nứt, phân rã trong đời sống văn hóa, nếu nhìn theo con mắt âu lo của một nhà giáo và một nghệ sĩ mẫn cảm.

Sáng tác và tham gia liên tục các triển lãm mỹ thuật từ 10 năm nay, biểu hiện nghệ thuật của Nguyễn Duy Mạnh chủ yếu là những hình thể thương tật, chắp ghép trong không gian hội họa đầy dự cảm bạo lực; hoặc trong các sắp đặt tùy thuộc (site-specific) là những vật thể hình u bướu, vây thắt bởi những mạng, những xúc tu thít chặt…

“Vô đề 2”, sợi chỉ, ghế gỗ, kích thước đa dạng, 2013

Đằng sau những biểu hiện đó là một câu chuyện muốn được kể bằng đồ vật và chất liệu.

Trong các sắp đặt của Nguyễn Duy Mạnh thường có các nông cụ như: cái cày, cái liềm, bồ cào; các mảnh “linh tinh” của đồ vật, mảnh vỡ của bát sứ, khóa cũ, cái lược, cái ghế… và chúng luôn bị buộc chặt thành từng cục, treo lơ lửng bằng các sợi vải tổng hợp màu đen, xen kẽ vài màu rực rỡ(1).

Chúng được gom nhặt cần cù trong vài năm từ phế thải ở làng. Làm ruộng chưa chắc đủ ăn, nhiều hộ bỏ sang gia công hàng tiêu dùng. Sợi vải là phế liệu của nghề dệt thảm chùi chân, bện cây lau nhà, những vật dụng quen thuộc với thành thị nhưng chẳng phải truyền thống của cái làng thuần nông.

“Phân hủy”, 180 x 30 x 30 cm, Sợi màu, nông cụ, 2014

Và Mạnh thấy trong thay đổi có những thứ dần biến mất.

Muốn hình ảnh hóa sự biến dịch của một cấu trúc lớn bằng cái nhìn vừa phê phán, vừa bối rối.

Không gian bên trong, triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Duy Mạnh sẽ như một cuộc “đại phẫu” tham vọng khám phá “phía bên trong”, theo cả nghĩa sinh học về một thực thể, lẫn sự phức tạp đầy thách thức tạo hình của không gian vật lý.

Vẫn sẽ là các sợi vải tổng hợp, vẫn sẽ là một chất liệu gắn với sự xuất hiện riêng biệt của một nghệ sĩ trẻ. Mặc dù sản phẩm công nghiệp nguồn gốc hóa dầu đó chưa hẳn đã gắn chặt với đời sống của Nguyễn Duy Mạnh như sự ám ảnh sống chết của Joseph Beuys với tấm chăn nỉ và các miếng mỡ(2), nhưng dự cảm bất an của anh nhìn từ góc độ văn hóa và môi trường chắc hẳn cũng có thể dễ dàng chia sẻ, nhất là trong đời sống hôm nay.

“Xe trượt tuyết”, Joseph Beuys, 1969. Chất liệu: Xe trượt gỗ, chăn ni, dây nịt, đèn pin, mỡ.

*

(1). Tác phẩm của Nguyễn Duy Mạnh tham gia Triển lãm Điêu khắc toàn quốc 2013 và Festival Mỹ thuật trẻ 2014.
(2). Joseph Beuys (1921-1986), nghệ sĩ nổi tiếng người Đức có rất nhiều tác phẩm sử dụng chất liệu nỉ, mỡ, bởi khi còn là lính dù, Joseph Beuys đã từng được người Tatar cứu sống và chữa lành vết thương bằng mỡ và ủ ấp bằng chăn nỉ khi máy bay của ông bị bắn rơi năm 1944.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả