Gẫm & Bình

‘Không gian bên trong’ (phần 1):
vẽ cái điều khủng khiếp ai cũng biết mà ít ai vẽ 24. 08. 16 - 6:42 am

Vũ Lâm

1.
Hồi sinh viên, tôi có người bạn, không phải dân có đạo, nhưng chỉ vì sinh vào ngày Noel nên đâm ra mê Kinh Thánh, suốt ngày ôm Bible mà tán, bắt chúng tôi nghe. Công nhận là trong Kinh Thánh: Cựu ước, Tân ước, Khải huyền… có vô vàn câu hay (Kinh mà, thì tất nhiên là Khủng rồi). Câu nào cũng có thể làm đề từ tiểu thuyết, hay thơ, cho nó sang. Nghe bạn đọc ông ổng lắm, giờ cũng chẳng nhớ nhiều, chỉ nhớ vài câu tự nhiên nó đọng lại, ví dụ như Chúa dạy: Các con muốn đi truyền đạo của ta, phải khôn ngoan như rắn và ngây thơ như chim bồ câu. Hoặc lúc Chúa “dụ” một thánh tông đồ vốn làm nghề ngư phủ đi theo đạo, Người nói; Hãy theo ta, ta sẽ dạy ngươi cách lưới người thay vì lưới cá. Chỉ một vài câu thế là đã tóm tắt được một cách sâu sắc nhất bản chất của tôn giáo (tôn giáo nói chung, không riêng gì đạo Gia-tô)

Chúa Jesus thuyết giáo ngư phủ. Hình từ trang này

Đi khắp các bãi biển của bốn tỉnh miền Trung mùa “hậu Formosa”, nắng vàng cát trắng bi ển xanh trời thẳm mà thấy vắng teo, anh xe điện nằm còng queo ngủ, chị chủ quán hải sản ngồi ngáp ruồi, cô lễ tân khách sạn gác chân lên quầy chơi điện tử. Nhớ lại mấy câu trên mà cười ruồi, nghĩ rằng khi Chúa nói với tông đồ rằng hãy theo ngài để đi đánh lưới người, không biết hậu sinh hiện đại có nên vơ lấy mà hiểu thêm rằng ý Ngài còn nói cho tương lai ấy không chỉ là về đạo của Ngài mà còn tổng kê cả cho ngành du lịch. Du lịch thì chả là lưới người là gì, đỡ vất vả hơn đánh cá nhiều, nhưng người không đến, thì biết lưới vào đâu?

Lại tự nhiên nghĩ đến một số cái giống như những cái lưới, trong triển lãm Không gian bên trong của một nghệ sĩ trẻ quê Vĩnh Phúc mới triển lãm hồi tháng Bảy qua. Và đây mới là chuyện chính đề…

.

2.
Nghệ sĩ tạo hình Nguyễn Duy Mạnh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông ở trung du Vĩnh Phúc. Anh đã từng muốn ra Hà Nội, học và lập thân bằng nghề mỹ thuật ở thủ đô, nhưng do hoàn cảnh khó khăn riêng của cá nhân, chàng họa sĩ trùng tên với anh ca sĩ hát “Kiếp đỏ đen” này chịu nép mình quay lại với quê hương, học trường tỉnh, rồi về quê gõ đầu trẻ, trở thành một “anh giáo làng” trăm phần trăm. Chỉ có điều, việc nép mình đó không làm dí bẹt đi được nhu cầu và ý chí sáng tạo của một cá nhân được thiên phú cho tính cách nhạy cảm khác biệt và không chịu yên phận – một phẩm chất đầu tiên của người làm nghệ thuật.

Vượt qua môi trường sinh sống và công việc không mấy ủng hộ cho sự sáng tạo, Nguyễn Duy Mạnh bền bỉ sáng tác và đều đặn tham gia các triển lãm lớn nhỏ trong nước từ 10 năm nay cả bằng sắp đặt, điêu khắc và tranh. Điều này cần một bản lĩnh hơn mức bình thường. Bởi cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ may mắn hơn về đường học hành và điều kiện sống, có năng lực, nhưng tư chất và sự quan tâm chẳng có gì đành quanh quẩn “đầu trở xuống, cuống trở lên” kiếm miếng sống nơi đô thị. Rảnh không biết làm gì thì lê la quanh phố kiếm chén trà cốc bia rồi… “chém gió quần quật” (nói câu này, thì chính tôi ngẫm lại mình cũng ngậm ngùi cho cái thân tôi quá!)

Nghệ sĩ Nguyễn Duy Mạnh

Tôi nghĩ rằng khi ai nói ra cái gì thì đều cũng có một phần lý đúng của nó, cộng lại với nhu cầu luôn muốn tự khẳng định (với tư cách một sinh vật đứng dưới mặt trời muốn khẳng định sự tồn tại) của bất kỳ cá nhân nào. Nhưng phải nói là tôi không thích cái cách xem tranh người ta rồi hững hờ tương một câu: A, cái này hao hao cái tôi biết. Ví dụ, xem qua tranh của Duy Mạnh, các bạn tung ra một câu giống Lê Quảng Hà hay I Nyoman Masriadi gì đó, thế rồi nhấp chuột, có khi còn chưa thèm nhìn kỹ người ta vẽ cái gì… 

“Liên minh”, Lê Quảng Hà, lacquer, 100 x 240cm, 2007

Nếu tính cho đến cùng, thì lại dẫn câu nói của người xưa: “Không có gì mới dưới ánh mặt trời” (mà bạn Vũ Đức Trung đã mượn làm tiêu đề triển lãm của mình, năm 2011). Ờ, trông hình thằng người này quen quen, tôi gặp nó mấy nghìn năm trước rồi thì phải…Việc làm nghệ thuật từ cuộc sống và những nỗi quặn đau của chính mình mới động được đến tâm thức của người khác, chứ còn ảnh hưởng thì ai mà chẳng phải chịu ảnh hưởng. Ai mà đẻ ra đã tự đi được? Ai không phải đứng lên vai của người khác? Về chuyện “ảnh hưởng” của các họa sĩ trẻ với Mao-pop lâu nay, họa sĩ Đào Hải Phong đưa ra một công thức thú vị, là có thể ảnh hưởng, nhưng không được “quá bán”. Nhưng chuyện “quá bán” là như thế nào, xin để bàn vào một dịp khác, vì như thế sẽ quá lan man.

Vậy tranh của Mạnh vẽ cái gì? Một loạt tranh được đánh số có tên là “Chấn thương”, nhìn kỹ thấy hóa ra anh vẽ về một chủ đề khủng khiếp, mà không cần “UBATGTQG” * đặt hàng. Một hiểm họa đang là “máy xay thịt”, “tiêu tốn” người Việt nhanh kinh hoàng, nhanh hơn bất kỳ những lầm lẫn nào của ngành y tế hay những bệnh dịch hiểm nghèo. Đó là vấn đề tai nạn giao thông, mà thậm chí có người còn so nó với chiến tranh. Lục lọi lại trí nhớ, thì thấy rằng trong trí nhớ nhan nhản những triển lãm “chim, hoa, cá, gái” hay “đả kích chính trị, châm biếm xã hội” khua khoắng loạn cả lên… Mà một chủ đề nghiêm trọng của đời sống hàng ngày của người Việt, cực kỳ đương đại đấy, thì hình như chưa họa sĩ nào đề cập (hoặc do tôi chưa được xem) đến bao giờ thì phải. Còn Nguyễn Duy Mạnh, sau này tôi mới được biết là anh vẽ từ sự ám ảnh liên quan đến đời tư của anh…

Nguyễn Duy Mạnh, “Chấn thương số 4”, Sơn dầu,135 x 94cm, 2011

Nếu không làm nghệ thuật từ những mối quan tâm hiện thực va đập vào mắt, vào tim mình thường ngày, mà lấy hứng khởi từ hơi khói ở đâu đâu, thì hình như trong bình luận văn học người ta có từ là “ngọn lửa giả” thì phải. Mà giới đàn ông chúng ta (là một “động vật xã hội” hướng ngoại, hay ngóc cần ăng-ẳng-ten ngóng ra bên ngoài) rất hay bị nhiễm cái thói đau thay cái đau của thằng khác, sướng hộ cái sướng của thằng khác; chứ nhà cửa của chính mình thì bung bét, ngõ xóm nơi mình ở thì rác rưởi cứt chó, an ninh xã hội cho đến tâm hồn khu phố hay cái làng nhỏ làng to mình sống đang nhiễu nhương bỏ cha đi thì kệ mẹ nó đi xem bóng đá, tợp bia cỏ và bàn chuyện I-ÉT hay Xê-Ét gì đó…)

Những nguyên cớ cho nghệ thuật của Mạnh sinh ra đều bắt đầu từ chính cuộc sống thực, “chấn thương” thực của anh, dai dẳng, dai dẳng cho đến mức nó trở thành bình thường hằng ngày, cho đến mức sự nhẫn nại cũng trở thành tự nhiên, giản dị. Có điều, nghệ thuật trong lòng anh có chấp nhận thế không?

* Chú thích: UBATGTQG (viết tắt của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia)

 (Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

12:32 Wednesday,24.8.2016 Đăng bởi:  LC
Bác Người Xem khó tính thế, em thì đã có kinh nghiệm đọc bài Mưa Rừng phê bình. Đầu tiên là mấy giọt dạo đầu lưa thưa lộp độp tưởng không đâu vào đâu, nhưng đến đoạn hai đoạn ba thì dông tố sấm sét dội xuống lắm, mưa ào ào ướt đầm và rét run, ở rừng nó khác ở phố. Bác ạ ...
Hức
...xem tiếp
12:32 Wednesday,24.8.2016 Đăng bởi:  LC
Bác Người Xem khó tính thế, em thì đã có kinh nghiệm đọc bài Mưa Rừng phê bình. Đầu tiên là mấy giọt dạo đầu lưa thưa lộp độp tưởng không đâu vào đâu, nhưng đến đoạn hai đoạn ba thì dông tố sấm sét dội xuống lắm, mưa ào ào ướt đầm và rét run, ở rừng nó khác ở phố. Bác ạ ...
Hức 
9:50 Wednesday,24.8.2016 Đăng bởi:  Người xem tại Hà Nội

Sợ thật, bảo sao nghệ thuật ta cứ đì đẹt, thầy với thợ cứ thế này. Không có ý chê đâu nhưng nghệ sỹ thì chán quá, giờ này còn mang dây nhợ ra chăng thì thua nghệ rồi. Lại được 2 "nhà phê bình" thi nhau tán - các anh không hiểu nghệ thuật nó thuộc về bản chất, hay thì không ai dìm nổi mà dở thì càng tán nó lại càng ôi diêu. Anh Mưa Rừng cũng tự nhận là ngư
...xem tiếp

9:50 Wednesday,24.8.2016 Đăng bởi:  Người xem tại Hà Nội

Sợ thật, bảo sao nghệ thuật ta cứ đì đẹt, thầy với thợ cứ thế này. Không có ý chê đâu nhưng nghệ sỹ thì chán quá, giờ này còn mang dây nhợ ra chăng thì thua nghệ rồi. Lại được 2 "nhà phê bình" thi nhau tán - các anh không hiểu nghệ thuật nó thuộc về bản chất, hay thì không ai dìm nổi mà dở thì càng tán nó lại càng ôi diêu. Anh Mưa Rừng cũng tự nhận là người cầm bút mà gân cổ cãi chuyện tranh giống anh Inđô nghe buồn cười và cùn quá. Nghệ thuật là của đường nét hình khối với bút pháp, màu sắc, anh lại bảo phải xem nội dung nó vẽ cái khác đấy, nó vẽ tai nạn kìa. Thật sự là bó tay chấm cơm với anh.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Luật của comment

RaumuongNoigian & SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả