|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt Nam“Cậu bé vàng” Nguyễn Việt Trung đem tuổi 20 của F. Chopin đến Hà Nội 26. 08. 16 - 8:20 pmTrần Thị Trường - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Rất hiếm khi tại Nhà hát lớn Hà Nội, hòa nhạc cổ điển lại hội tụ nhiều gương mặt người nổi tiếng (trong văn học nghệ thuật) như chương trình của đêm 24. 8. 2016 – một chương trình hòa nhạc cổ điển đặt vé trước. Từ Đặng Hữu Phúc, Trịnh Tú, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Việt Hà, Lê Thiết Cương, Phạm Hà, Nguyễn Đình Toán… đến nhạc trưởng người Nhật Tesuiji Honna, người không trong vai trò chỉ huy hôm nay mà đến nghe trong tình cảm tâm thế một khán giả. Ngoài tình yêu với âm nhạc cổ điển, với các tác phẩm của các tác giả F. Schubert, A. Dvorak và F. Chopin, những người kể trên đã đến đêm diễn bởi sự ngưỡng mộ dành cho tiếng đàn của cậu bé vàng, pianist Nguyễn Việt Trung. Theo gia đình sang Ba Lan lúc mới 6 tháng tuổi, học đàn khi 4 tuổi, năm 7 tuổi, Việt Trung theo học trường nhạc chuyên nghiệp. Vào năm 13 tuổi, tại Festival giao lưu văn hóa Hungary-Ba Lan, Trung chơi bản Nocturne No 20 của Chopin và nhận được sự yêu mến từ khán giả, thậm chí họ đã yêu cầu cậu đánh lại đến tận 4 lần. Sau đó, báo chí ở Ba Lan ca ngợi Trung là ‘cậu bé Việt Nam, trái tim Ba Lan’. Các giáo sư tiến sĩ nghệ sĩ piano thế giới và Việt nam gọi Trung là “cậu bé vàng”. Đến khi 20 tuổi, Việt Trung đã sở hữu 10 giải thưởng âm nhạc lớn của châu Âu, là một trong 8 tài năng trẻ piano xuất sắc trên thế giới. Tháng 11. 2014, Trung nhận được học bổng toàn phần do Bộ Văn hóa Ba Lan trao tặng. Đầu năm 2015, Trung và hai người bạn Ba Lan trong đội tam tấu cũng đã giành được giải thưởng cao quý nhất của cuộc thi học sinh giỏi toàn Ba Lan hệ trung học (Grand Prix Na CEA)… Khó có thể kể hết giải thưởng mà Trung đã nhận được. Đang học đại học âm nhạc tại Ba Lan nhưng trong dịp nghỉ hè về thăm gia đình, Nguyễn Việt Trung nhận lời tham gia chương trình của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Trung muốn được cống hiến và thụ hưởng giây phút cùng khán giả quê nhà thăng hoa trong giai điệu của F. Chopin. Trước đây ba tuần, Việt Trung đã làm “chóang váng” giới chuyên môn bởi tác phẩm kinh điển của Debussy tại Học viện Âm nhạc Hà Nội. Bản concerto số 2 cung Fa thứ của F. Chopin đã được Việt Trung khám phá thành công bởi sự hướng dẫn của các giáo sư tiến sĩ người Ba Lan nổi tiếng. Bản Concerto này là tiếng lòng của Chopin. Được gọi là bản số 2, nhưng thực ra được viết trước bản số 1, do công bố sau nên người ta gọi là Concerto số 2. Tác phẩm triết lý về “lý tưởng” và sự “bất hạnh”, giai điệu miêu tả lạc thú lớn lao trong niềm thất vọng cũng lớn lao không kém. Rất khó để thể hiện thành công một tác phẩm như vậy nếu không có kỹ thuật điêu luyện thăng hoa cùng cảm xúc sâu lắng. Thông thường các pianist thế giới chọn Concerto số 1 cung Mi thứ, hầu như họ đều biết rằng Concerto số 2 không dễ chinh phục khán giả. Nhưng Trung đã đi con đường khó, giống như NSND Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ bậc thầy đã viết tên Việt Nam trên bản đồ âm nhạc thế giới tong cuộc thi Chopin năm 1980, với Concerto số 2, mà hôm nay Trung diễn. Không phải diễn, mà là miêu tả bằng âm thanh một cách thần kỳ tâm hồn Chopin ở thời điểm 1829-1930, khi ông ở tuổi 20, giàu hoài bão và lý tưởng, bắt đầu yêu và nếm trải đau khổ… Khán giả vỗ tay nồng nhiệt thán phục. Vẫn mộc mạc và giản dị, Việt Trung đưa tay gạt mồ hôi trên trán, cúi xuống cảm ơn sự nồng nhiệt ấy của khán giả. Em hướng vào nhạc trưởng Lê Phi Phi và Dàn nhạc, người đã cùng em làm nên thành công này. Tiếng vỗ tay vang mãi. Và em đã đáp lại, tặng khán giả bằng Prelude No.4 op 28 của F. Chopin (một tác phẩm không có trong nhạc mục đêm diễn). Nói như Nhạc trưởng trẻ tuổi Nguyễn Khắc Thành, một violon trong dàn nhạc, thì nghe thêm bản này càng thấy yêu tiếng đàn của Trung, tiếng đàn sâu sắc hơn nhiều những gì ta nhìn thấy ở vẻ bề ngoài của tuổi 20 trường đại học. Tài năng lớn, có lẽ luôn là như vậy.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|