Nghệ sĩ thế giới

Christie’s và Trung Quốc: mối quan hệ lắt léo 26. 12. 10 - 8:25 pm

David Barboza -Ngọc Trà dịch

 

 

Tác phẩm "Lấy nhau được 50 năm" của Xing Dong Wang trong triển lãm

Thượng Hải – Hồi tháng chín năm 2010, trong Tuần lễ Nghệ thuật Châu Á, nhà đấu giá Christie’s đã mời hàng trăm nhà sưu tập giàu có, các học giả và nhà tài trợ nghệ thuật đến trung tâm của mình tại New York ở Rockfeller Center dự cái mà nó mô tả là một triển lãm và hội thảo đặc biệt về sự vươn lên của nền nghệ thuật đương đại Trung Hoa.

Nhưng 29 tác phẩm trưng bày tại đây lại không phải là những những tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc quan tâm đến chính trị vốn đã giúp Christie’s thu về hàng triệu đôla tiền bán đấu giá trong năm năm trở lại đây. Thay vào đó, nhóm nghệ sĩ này – gồm chủ yếu là các họa sĩ trường phái tả thực đã bị các nhà sưu tập và giám tuyển ngoài nước phớt lờ – được một ủy ban do chính phủ Trung Quốc ủy nhiệm, lựa chọn ra. Và không có tác phẩm nào được đem ra bán đấu giá.

Show trưng bày có tên Trans-Realism, là một phần của một vụ hợp tác bất thường giữa Christie’s và một nhánh của Bộ Văn hóa Trung Quốc. Sự hợp tác này rất đáng chú ý vì nó bắt đầu chỉ hơn một năm sau khi chính phủ Trung Quốc buộc tội Christie’s đã tìm cách bán hai bức tượng đồng thời nhà Thanh mà Bắc Kinh khăng khăng cho là đã bị trộm khỏi nước này 150 năm trước.

Những người đứng đầu của Christie’s sau đó đã xin lỗi vì thương vụ trên và nói họ sẵn sàng đi theo một hướng tiếp cận khác để làm việc với Bắc Kinh.

Chúng tôi muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, với người dân Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc, với các bảo tàng và nghệ sĩ Trung Quốc,” Andrew Foster, giám đốc điều hành quốc tế của Christie’s làm việc tại London nói.

Và một phần của sự hợp tác ấy là: Christie’s đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho một loạt triển lãm của các tổ chức Trung Quốc, thí dụ như Trung tâm Trao đổi Văn hóa Quốc tế thuộc Bộ Văn hóa. Tuần lễ Nghệ thuật Châu Á nói ở trên chỉ là show đầu tiên. Với show đó, Christie’s đã trả tiền vận chuyển các tác phẩm, xuất bản catalog triển lãm và thậm chí trả chi phí đi lại cho các nhân viên của bộ văn hóa Trung Quốc.

 

 

Tác phẩm "Xám 2 - Đỏ 3" của Hou Yong trong triển lãm

 

Trong một email, một phát ngôn viên của Christie’s nói bản thân anh ta chưa từng thấy có một tiền lệ nào như thế, mặc dù Christie’s vẫn làm việc thường xuyên với các tổ chức bán-chính phủ để khuyến khích nghệ thuật. Anh cũng từ chối tiết lộ số tiền Christie’s phải chi cho những show đã lên kế hoạch. Thỏa thuận trên đã làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ một số chuyên gia nghệ thuật, họ cho rằng việc Christie’s quyết định lăng xê các nghệ sĩ mà chính phủ Trung Quốc lựa chọn sẽ thay đổi vai trò của một nhà đấu giá và có thể ảnh hưởng đến uy tín của Christie’s với các nhà sưu tầm.

Họ cũng quan ngại rằng Christie’s đã cúi đầu trước áp lực từ một bộ văn hóa thường xuyên tìm cách bịt miệng các nhà phê bình và những nghệ sĩ mà nó không có cảm tình. Ví dụ, Bắc Kinh đã cực lực phản đổi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà li khai chính trị Lưu Hiểu Ba, thậm chí đã triệu đại sứ Nauy đến để nhấn mạnh quan điểm. (Giải Nobel Hòa Bình được quyết định tại Nauy.)

Và chính phủ Trung Quốc cũng đã liên tục hành động chống lại Ngải Vị Vị, một trong những nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới, vì coi những gì ông phát biểu là những tuyên bố chính trị chống chính phủ. Gần đây nhất ông Ngải đã bị buộc phải đóng cửa một trong những studio nghệ thuật mới mở của mình ở Thượng Hải và không được phép rời nhà cho đến sau khi một cuộc họp bàn về việc dỡ bỏ studio được tiến hành xong.

Việc Tổ chức các cuộc triển lãm “rõ ràng là một động thái chính trị”, Joan Lebold Cohen, một nhà sưu tập New York và là một chuyên gia về nghệ thuật đương đại Trung Quốc, nói. “Đó là nhằm tìm cách lấy lại sự ưu ái của chính phủ.”

 

 

Tác phẩm "Sân chơi" của Chenke trong triển lãm

 

Nhưng các chuyên gia khác nói cuối cùng, cũng như hầu hết các tập đoàn khác đang cố bành trướng vào thị trường Trung Quốc, Christie’s cũng phải gần gũi lấy lòng Bắc Kinh, một chính phủ với quyền lực khổng lồ điều khiển cách thức hoat động kinh doanh ở đây.

Mối hợp tác này đến vào thời điểm mà cả Christie’s và Sotheby’s, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới, đang mạnh mẽ tiến bước để chiếm lĩnh thị trường đấu giá đang bùng nổ tại Trung Quốc, một thị trường đã tăng trưởng đạt con số 3.2 tỷ đôla vào năm 2009 chỉ từ 1.1 tỷ đôla vào năm 2004, theo số liệu của Artron, một nhóm có trụ sở đặt tại Bắc Kinh.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn hạn chế các doanh nghiệp phương Tây tổ chức các cuộc bán đấu giá trong phạm vi Trung Hoa lục địa, mặc dù họ có thể tổ chức ở Hong Kong. Làm thế là để các nhà đấu giá Trung Quốc như Poly Auction và Guardian được dịp phát triển mạnh mẽ.

Các cuộc đấu giá ở Hồng Kông của Christie’s cũng rất béo bở – mang về khoảng 2.7 tỷ đôla tiền bán tác phẩm và các loại phí trong vòng sáu năm trở lại đây. Và công ty đang lấn sang vào Trung Hoa lục địa bằng cách kí các thỏa thuận ủy quyền với nhà đấu giá Trung Quốc Forever Auctions vào năm 2005.

Nhưng cú thúc của Christie’s vào Trung Quốc đã bị đe dọa vào đầu năm 2009, khi Christie’s tiến hành cuộc mua bán hai tác bức tượng đầu thú bằng đồng thuộc bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của Yves Saint Laurent tại Paris. Người ta tin rằng các bức tượng này đã bị trộm khỏi Trung Quốc sau khi quân đội Anh và Pháp phá hủy Cung điện Mùa hè (Hạ cung) của hoàng gia vào năm 1860 trong Chiến tranh Nha phiến.

 

 

Tác phẩm "Đấu thỏ - đấu chuột"

 

Đến hôm nay, Trung Quốc vẫn xem việc phá hủy cung điện này như một biểu tượng của việc các thế lực phương Tây đã xâm lấn đất nước họ như thế nào. Vì thế khi Christie’s công bố thông tin về buổi đấu giá, Bắc Kinh đã yêu cầu trả ngay về Trung Quốc hai bức tượng mà họ nói là đã bị ăn cắp. Christie’s nói, tuy bản thân cũng nhận ra tính nhạy cảm của vấn đề xoay quanh bức tượng, nhưng không đồng ý loại chúng ra khỏi buổi đấu giá.

Cuối cùng một thương gia Trung Quốc đã đặt giá 40 triệu đôla cho hai bức tượng. Nhưng ông này sau đó từ chối trả tiền và rồi thừa nhận rằng ông ta chỉ cố tình phá hoại buổi đấu giá. (Hai bức tượng sau đó được trả về cho những người thừa kế của Ngài Saint. Laurent.)

Ngay sau buổi đấu giá, Ủy ban Di sản Văn hóa Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một thông cáo giận dữ nói rằng “Christie’s đã ngoan cố tiếp tục buổi đấu giá, đi ngược với tinh thần của các công ước quốc tế và thông hiểu toàn cầu là các vật tích văn hóa phải được trả về với nguồn gốc xuất xứ của chúng.”

Thông điệp là rất rõ ràng: chính phủ có thể xem xét việc cấm cửa nhà đấu giá Christie’s khỏi thị trường Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ những người có liên quan đến buổi đấu giá, tuyên bố trên đánh động các vị chức sắc ở Christie’s. Họ cấm nhân viên của mình không được bàn về vấn đề này. Và vì thế năm nay Christie’s đang tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh bằng cách đưa ra “phi vụ” hợp tác với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế thuộc Bộ Văn hóa, một nhánh chuyên làm việc về các triển lãm quốc tế.

 

Tác phẩm "Clip" của Li Da Fang trong triển lãm

 

Tang Jing, một phó giám đốc điều hành thông tin tại trung tâm, cho biết Christie’s đã đề nghị được hỗ trợ tài chính và cung cấp địa điểm cho một cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại Trung Quốc, và mang đến hai nhà giám tuyển nổi tiếng thuộc chính phủ là Fan Dian, giám đốc Bào tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, và Pan Qing, một giám tuyển tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.

Christie’s thậm chí còn đồng ý cho phép các giám tuyển của chính phủ tuyển chọn các nghệ sĩ mà chính phủ cảm thấy là “có tính đại diện cao hơn”.

Christie’s đã cho chúng tôi một cơ hội ‘tiêu tiền của họ và làm việc chúng tôi thích,’” Ms. Tang nói trong một cuộc phỏng vấn. “Họ bảo chúng tôi, ‘Chúng tôi chỉ muốn quảng bá cho dòng nghệ thuật chính thống mà người Trung Quốc ưa chuộng’.”

Cuộc hợp tác là bất thường vì Christie’s thường không làm việc với các chính phủ để lăng xê các nghệ sĩ chưa có tên tuổi rõ ràng và vì triển lãm này không nhằm mục đích trưng bày các tác phẩm mà một ngày nào đó Christie’s sẽ bán.

Nhưng các chuyên gia về bảo tàng nói rằng dù đây là một cặp “đũa lệch”, thì bản thân show trưng bày cũng không có gì sai.

Nếu là một bảo tàng thì đây là điều không tưởng,” Melissa Chiu, giám đốc Hội đồng và Bảo tàng Châu Á tại New York nói. “Nhưng với tư cách một doanh nghiệp thì điều này là chấp nhận được. Hầu hết mọi người chấp nhận việc Christie’s đầu tiên và trên hết là một doanh nghiệp. Và Christie’s rõ ràng đang cố gắng tạo dựng một mối quan hệ với chính phủ.”

Ms. Pan, giám tuyển show “Trans-Realism”, nói chính phủ và Christie’s cũng có cùng mục tiêu. Cả hai đều hăm hở muốn mở rộng sự hiểu biết vốn chật hẹp về nền nghệ thuật đương đại Trung Hoa.

Cô nói trong những năm gần đây, thị trường đấu giá nóng bỏng đã bị thống trị bởi một nhóm các nghệ sĩ Trung Quốc ưa thích các đề tài chính trị.

 

Tác phẩm "Những cô gái của núi Ba Tao" của Yu Hong Co trong triển lãm

 

Chúng tôi đều muốn quảng bá cho nghệ thuật Trung Quốc, và không chỉ là những nghệ sĩ vốn đã nổi tiếng trên thị trường,” cô nói. “Không phải là chúng tôi nói họ không hay. Nhưng chúng tôi muốn nói, ‘Còn những nghệ sĩ khác mà Phương Tây nên thừa nhận.’”

Với tâm điểm là chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, và với lời khuyên của Christie’s, các giám tuyển đã chọn ra 29 tác phẩm của 17 nghệ sĩ Trung Quốc, bao gồm Yang Feiyun, Yu Hong và Xin Dongwang, cho một triển lãm tổ mở cửa cùng lúc với Tuần lễ Nghệ thuật Châu Á và cuộc tiên duyệt mùa thu của nhà đấu giá Christie’s về nghệ thuật châu Á.

Christie’s và chính phủ đang cân nhắc tổ chức một show trưng bày nữa, có thể sẽ tập trung vào tranh vẽ mực và thư pháp.

Về cuộc tranh luận liên quan đến hai bức tượng đầu thú bằng đồng, Lu Jun, giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế, bóng gió là chính phủ vẫn chưa quên chuyện đó.”

“Họ không thể trộm của chúng tôi rồi không trả lại được,” ông nói.

Một vài phút sau, ông nói thêm, “tôi sẽ gợi ý họ hiến tặng hai hay ba thứ gì đó từ cuộc đấu giá của họ để làm tình hình khá hơn.”

Nhưng ông Lu cũng ca ngợi Christie’s đã sắp xếp một buổi trưng bày mà ông cho là đáng nhớ.

“Giờ chúng tôi đang xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn từ dưới lên,” ông nói thêm, “tôi muốn đưa ra một thông điệp là cuộc hợp tác đó đã thành công.”

“Và chúng tôi không tốn đồng nào cả. Mọi chi phí đều được Christie’s lo.”

 

 

Tác phẩm "Mutuality" của Zhong Shan trong triển lãm

Tháng 11. 2010

*

(Từ Internet)

Ý kiến - Thảo luận

2:40 Friday,31.12.2010 Đăng bởi:  zenith phuong
Bài này hay quá. Cảm ơn Soi và người dịch.
...xem tiếp
2:40 Friday,31.12.2010 Đăng bởi:  zenith phuong
Bài này hay quá. Cảm ơn Soi và người dịch. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả