Đi & Ở

Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun 13. 10. 16 - 5:49 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1)

Ngắm núi lửa sục sôi trong hoàng hôn đỏ rực

Mặc dù núi lửa phun trào không phải chuyện đùa, dung nham nóng chảy có thể lấy đi cả nghìn sinh mạng trong một thời gian ngắn, nhưng hàng vạn du khách vẫn đến Vanuatu mỗi năm để được tận mắt chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ trong lòng núi lửa. Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, Cục khí tượng địa chất Vanuatu thường xuyên quan trắc và cung cấp thông tin cho người dân về mức độ hoạt động của núi lửa. Có sáu cấp độ từ 0 đến 5, ngày mình đến núi lửa đang ở cấp độ 1, cấp độ 3 là chính quyền sẽ không cho phép đến gần núi lửa.

Núi Yasur được mệnh danh là “ngọn núi lửa đang hoạt động dễ tiếp cận nhất thế giới” vì xe có thể chạy lên đến sát gần miệng núi lửa. Hành khách chỉ còn việc xuống xe và leo bộ chừng 30 phút trên một đoạn đường không dốc lắm. Vì thế trong đoàn có cả những bác đã lớn tuổi. Từ khách sạn đến chân núi phải mất hai tiếng chạy đường đất. Với mình thì có thể coi là hơi xóc nhưng với các chị em cô bác Tây thì như kiểu lòng mề lộn tung lên cả. Những con đường đất này được mở cũng là nhờ nguồn viện trợ của Chính phủ Australia. Ở gần thị trấn thì thấy một công ty Trung Quốc đang tiến hành xây những đoạn đường bê-tông đầu tiên trên đảo, họ đang cưa, chặt những cây cổ thụ khổng lồ ven đường.

Khoảng chân núi lửa nhìn từ trên không. Ảnh: Đặng Thái.

Xe đến gần núi lửa thì một màu xám xịt mênh mông bắt đầu hiện dần ra. Tro núi lửa phủ kín cả một vùng rộng lớn. Trên nền đất, các lớp tro bị gió thổi tạo thành hình những lớp sóng như đồi cát ở Nam Trung Bộ nước ta. Dọc theo hai bên đường là những cây dương xỉ mọc chen nhau, khổng lồ như thể chúng vẫn đứng đấy từ triệu năm về trước. Xe băng qua những khối đá khổng lồ từng bị nung chảy bởi dung nham có màu đỏ như son (gọi là mắc-ma). Anh lái xe giải thích là chúng tôi đang chạy qua lòng một con sông rất lớn trước đây, còn giờ đã cạn khô vì biến đổi khí hậu. Cảnh tượng hùng vĩ giống như trong các phim khoa học viễn tưởng về khủng long và kỷ Jura vậy.

Xe đi rất lắc nên khó chụp nhưng vẫn có thể thấy độ khổng lồ của dương xỉ. Ảnh: Đặng Thái

Khi đến gần miệng núi thì bắt đầu nghe thấy âm thanh của tự nhiên mới dữ dội làm sao. Đầu tiên là những tiếng “sóng” vỗ ầm ầm như ở biển, rồi đến những tiếng nổ như bom phát ra từ phía dưới sâu khiến nhiều chị em phụ nữ phát hoảng. Mỗi đoàn có ba hướng dẫn viên người địa phương đi cùng, một người dẫn đầu, một người bọc hậu và một người đi ở giữa để đảm bảo an toàn. Một bác gái lớn tuổi dù rất sợ phải nắm chặt tay người hướng dẫn nhưng vẫn cố gắng tươi cười để động viên các bạn đồng hành (chắc cũng đang vãi ra quần).

Đoàn người tiến đến gần miệng núi, hoàng hôn buông xuống rực rỡ mà huyền ảo (không thấy được trên ảnh đâu!). Ảnh: Đặng Thái

Anh hướng dẫn viên nói rằng mới năm bảy chục năm trước, ông bà anh vẫn còn sinh sống trong bộ tộc. Thổ dân Tanna coi Yasur như một vị thần, là “Mẹ thiên nhiên”. Từ xa xưa họ tin rằng từ núi lửa này sinh ra mưa, sinh ra nắng, cho mùa màng bội thu hay tạo ra giông tố. Nhưng cách tiếp cận thần thánh của họ lại khác với chúng ta, không hề khiếp sợ, thờ cúng mà ngược lại tìm cách thấu hiểu và sẻ chia với “Mẹ thiên nhiên”. Thầy pháp của bộ tộc thường ngồi ở miệng núi lửa để lắng nghe những âm thanh ầm ì hay sôi sục mà đoán biết thần linh đang “giận dữ” hay không hoặc dựa vào “giọng nói” đó để sáng tạo ra những bài hát cho dân làng.

Bất chợt một tiếng nổ vang trời phát ra, mặt đất rung lắc nhè nhẹ và rồi dung nham đỏ rực phun lên, hàng trăm tia lửa nóng bỏng tung lên trong ánh hoàng hôn thật là một cảnh tượng ngoạn mục không bút mực nào tả xiết. Phải cảm nhận bằng tất cả các giác quan mới thấy được hết cái phi thường của Mẹ thiên nhiên. Mùi lưu huỳnh bốc lên, tro bụi bay ào ào chạm vào da thịt, gió trên đỉnh núi cao gào rú và nguồn nhiệt lượng khổng lồ trong lòng đất vẫn trào dâng mãnh liệt. Gió mạnh như quạt ba tiêu, đứng cũng khó vững, mà sau lưng là vách núi. Tro bám hết vào mặt mũi, tóc tai, quần áo, tối về cởi tất dốc ra còn thấy tro.

Dung nham nóng hàng nghìn độ đang phun lên từ dưới sâu. Ảnh: Đặng Thái

Không ai muốn rời đi, mọi người đều cố nán lại đợi núi lửa phun trào thêm nhiều lần nữa để ngắm và để chụp ảnh (là chính). Cứ thế trời dần tối, màn đêm phủ xuống thì ngọn lửa kia càng sáng rực, những dòng dung nham bắn lên rõ mồn một. Mình hình dung như đây là cái lò rèn khổng lồ của một vị thần mà mỗi một nhát búa nện xuống là một âm thanh kinh thiên động địa vang lên và muôn ngàn tia lửa bắn ra. Trời tối mịt thì cả đoàn mới tạm thỏa mãn và lục tục kéo nhau xuống núi. Nhiều người vượt cả vạn dặm đến đây theo đúng nghĩa đen (từ Mỹ) đã được vừa ý ra mặt.

Do không có máy ảnh chuyên nghiệp nên không tự tay ghi lại được. Đành chọn một tấm ảnh kiểu bưu thiếp. Nhưng đúng là ngoài đời nhìn giống như ảnh này thật. Ảnh: Andrew J Swann.

Ra khỏi khu vực miệng núi lửa thì cả một không gian bao la hiện ra trước mắt tôi. Ngoài ánh sáng mập mờ ở phía đỉnh núi lửa thì xa tít tắp đến tận chân trời không hề có bất kì một ánh đèn nhân tạo nào. Cả không gian đen đặc lại. Nhưng chỉ cần ngửa cổ nhìn lên trời thì một thế giới hoàn toàn khác lại hiện ra: cả dải ngân hà đang lấp lánh, chạy dọc trên trời, thật gần đến mức có thể đưa tay ra chạm được.

Mọi người lên xe để quay về khách sạn. Những bản làng dọc con đường mấp mô không hề có bất kì một tia sáng nào của cái “văn minh” mà chúng ta đang hưởng thụ. Một đoàn làm phim của Australia đã mời những thổ dân ở đây đóng bộ phim “Tanna”, ra mắt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 (2015). Bộ phim kể về câu chuyện tình có thật của một đôi trai gái, vì không muốn tuân theo cuộc hôn nhân giữa hai bộ tộc do tộc trưởng sắp xếp mà đã dẫn nhau lên miệng núi lửa ăn nấm độc tự sát. Từ đó (năm 1987), các bộ tộc trên đảo từ bỏ tập tục sắp đặt hôn lễ mà thuận theo sự lựa chọn của tình yêu. Hầu hết các diễn viên là những người chưa một lần trong đời biết đến một bộ phim là gì, họ chỉ đơn thuần thể hiện lại những gì họ vẫn làm trong cuộc sống thường nhật. Phim rất hay và bối cảnh trong phim (đảo Tanna) thì tuyệt đẹp.

Núi lửa ở đảo Tanna. Hình từ trang này

Đèn xe rọi sáng mới thấy bên đường vẫn có những người dân đang đi lại, vác củi, bế con hay xách nước. Con sông cạn khô khi trước khiến mình băn khoăn một câu hỏi: liệu văn minh đi cùng với sự tàn phá môi trường có thực sự đem lại hạnh phúc cho người dân nơi đây, khi mà nụ cười vẫn thường trực trên môi họ, những người không biết đến tivi nhưng lại sở hữu một không gian sống bao người thèm muốn?

Tái bút: Còn một chuyện chưa kể thế này, là trên xe cùng đi là một đôi người Pháp. Biết mình đến từ Việt Nam thì ngạc nhiên lắm, anh chồng tự giới thiệu là bà nội anh người Việt Nam, ông nội thì da trắng ở mãi đảo Martinique (lãnh thổ hải ngoại của Pháp bên Ca-ri-bê). Mình cũng không tiện hỏi sao hai cụ lại lấy nhau. Tiếng Anh của hai vợ chồng rất kém, nói câu được câu không, tiếng Pháp của mình thì chỉ dừng lại ở un, deux, trois. Nghĩ thời thế cũng thật lạ kì, ông mình và ông hắn ngày bé đi học đều đọc thuộc lòng bài đầu tiên rằng “Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa” (Nos ancêtres étaient des Gaulois), hắn lại còn mang dòng máu Việt, thế mà cuối cùng hai người ngồi đây lại không nói được với nhau câu nào.

Rồi mình thiu thiu ngủ, hai vợ chồng biết mình ngu tiếng Tây nên phát loa hết công suất, nói liên tục suốt hai tiếng đi, hai tiếng về. Tiếng Pháp vốn ngọt ngào mà giờ như búa bổ, có lúc mình nghe loáng thoáng thấy Vietnamien, hình như có cả Annamite, hay là chúng nó nói xấu mình? Mình cay lắm, quyết tử thủ đến tận lúc về khách sạn, trong đầu cố nhớ lại khi mẹ dạy lúc bé để rặn ra được một câu sao cho thật tự nhiên. Mình bước xuống xe, thản nhiên nói: “J’ai tellement faim. Je voudrais manger quelque chose.” (Tớ đói quá, giờ chỉ muốn ăn cái gì một tí). Cô vợ trợn mắt như Trương Phi còn anh chồng thì dừng nói đột ngột như hóc xương cá, hai vợ chồng ngồi chết lặng một lúc trong xe. Mình nhảy chân sáo đi vào gọi luôn hai miếng bifteck à point ăn cho đã! Xin hẹn gặp lại các bác ở bài sau.

*

Phần tiếp theo: “Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo”

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả