Khác

Thể lệ tham gia giải kiến trúc FuturArc Green Leadership Award 02. 10. 16 - 7:16 am

Ảnh và thông tin từ BTC. Thúy Anh dịch

Năm ngoái, kiến trúc sư Lê Minh Quang của Việt Nam đạt giải thưởng kiến trúc FuturArc Green Leadership Award (Tinh thần Lãnh đạo Xanh). Tìm hiểu thấy công trình và giải thưởng thú vị nên Thuý Anh dành thời gian dịch thông tin về giải. Hy vọng các kiến trúc sư Việt Nam ngày càng tiếp cận, ứng thí và đạt nhiều giải thưởng quốc tế đích thực, góp phần nâng tầm vị trí kiến trúc Việt Nam trên trường quốc tế.

.

Cuộc thi kiến trúc FuturArc Green Leadership Award (Tinh thần Lãnh đạo Xanh FuturArc)

Các dự án dự thi được định nghĩa là mới, được sửa chữa, phục dựng, hoặc chuyển đổi, phải hoàn thành trước 21/12/2015, nằm tại châu Á hoặc Úc. Không nộp phí đăng ký tham gia. Người tham gia hoàn tất trực tuyến mẫu đơn đăng ký, sau đó đăng nhập với tên người dùng và mật mã và truy xuất vào trang hồ sơ chính và tải lên các tài liệu dự thi.

Vì đây là cuộc thi công nhận cả tập thể đội ngũ đứng sau dự án hoàn tất, do vậy người đăng ký thi đóng vai trò là người đại diện cho các thành viên trong dự án và sẽ được yêu cầu nhập thông tin cả tập thể.

Có sáu loại hình dự án: nhà đơn, nhà phức, thương mại, công nghiệp, nội thất và xã hội. Nếu dự án nhiều mục đích sử dụng ví dụ thương mại và nhà ở, (thì) mục đích nào nổi trội tính theo phần trăm diện tích sử dụng sẽ được xếp vào loại hình tương ứng. Loại hình dự án xã hội là những dự án liên quan các hoạt động xã hội ví dụ bình đẳng xã hội, quản lý tài nguyên cộng đồng, tái định cư, tạo công ăn việc làm, vân vân.

.

Tài liệu dự thi gồm bốn loại: bảng thuyết minh, báo cáo, hình chụp và đơn tuyên bố

1. Bảng thuyết minh:

Tối đa bốn bảng khổ A1 (84 x 59.4 cm), canh ngang, trên đó trình bày sơ đồ tổng thể (site plan), sơ đồ nền (floor plan), bảng vẽ các mặt (elevations), bảng vẽ mặt cắt (cross sections), bảng vẽ chi tiết (detail drawings), giản đồ (schematics), biểu đồ (diagrams) và hình chụp cần thiết cho việc hình dung và hiểu dự án. Bảng là tập tin điện tử định dạng PDF hoặc JPEG, ghi rõ mã số dự thi và loại hình dự thi. Các hình ảnh trên bảng có chế độ màu RGB, độ phân giải 72 dpi, dung lượng mỗi bảng không lớn quá 2,5 MB. Nhóm dự thi lưu giữ tập tin độ phân giải 300 dpi nhưng không nộp, ban hành chánh sẽ thông báo nộp khi cần.

2. Báo cáo:

Nêu rõ mã số và loại hình dự thi, tối đa 10 trang A4 gồm cả hình minh họa, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, cách dòng gấp đôi thoáng dễ nhìn. Báo cáo mô tả các quy trình cơ bản, mục tiêu và kết quả, sẽ được thêm điểm nếu mô tả được hiệu năng sử dụng so với các dự đoán trong bảng vẽ. Báo cáo là tập tin điện tử định dạng JPEG hoặc PDF, tối đa 2,5 MB.

3. Hình chụp:

Nộp tối thiểu 8 hình chụp dự án hoàn thiện, mỗi hình tối đa 2,5 MB, tối thiểu cỡ trang A4 và độ phân giải 300 dpi.

4. Đơn tuyên bố:

Bài dự thi phải có sự đồng ý bằng chữ ký của chủ sở hữu/khách hàng và giấy phép bản quyền. Nhóm dự thi tải mẫu đơn về, nhập thông tin dự án, lấy chữ ký, lưu trữ đơn dưới định dạng PDF hoặc JPEG và nộp với các tài liệu dự thi khác. Mẫu một Giấy đồng ý của chủ sở hữu/khách hàng, mẫu hai Giấy phép bản quyền, mẫu ba Nội dung tuyên bố, mẫu bốn Thành viên nhóm và các chi tiết liên quan.

Nhóm dự thi có thể được yêu cầu thuyết trình, trả lời phỏng vấn trên Skype khi diễn ra các cuộc họp của ban giám khảo. Nhóm dự thi cũng được khuyến khích nộp tài liệu phim ảnh âm thanh giúp ban giám khảo hiểu thêm về dự án, độ dài không quá 5 phút. Nhóm dự thi có thể phải tạo điều kiện cho ban giám khảo đến hiện trường dự án đánh giá thực tế nếu được yêu cầu.

.

Tiêu chí đánh giá

Ban giám khảo muốn thấy dự án mang đến kết quả cụ thể và đo lường được như thế nào, do vậy nhóm dự thi được khuyến khích bám sát các tiêu chí sau:

1. Tính hiệu quả: giảm cầu tài nguyên + hiệu quả sử dụng lớn hơn, tái chế phế phẩm tiêu dùng, phương pháp mang tính chu kỳ

2. Tính khỏe mạnh: về mặt vật lý, tâm lý và cảm xúc cho từng cá nhân và cả cộng đồng

3. Tính sinh thái: cao ốc và cảnh quang đề cao sự tái sinh và hệ sinh thái

4. Tính đưa vào phù hợp: dựa trên cảm nhận tốt về địa điểm, tự tin nắm rõ nguồn lực và đặc thù địa phương

5. Tính tích hợp: phối hợp chặt chẽ giữa thiết kế và thực hiện

6. Sự ủng hộ: nhận được sự ủng hộ của các bên liên quan, công trình là chất xúc tác cho sự đổi mới

7. Tính thích nghi: thích nghi tốt với các thay đổi thời tiết, thấy trước tương lai

8. Khả năng nhân rộng: có thể ứng dụng nhân rộng trong phạm vi nhỏ và toàn thành phố

Factory on the Earth (Malaysia), thắng giải hạng mục công trình thương mại tại FuturArc Green Leadership Award 2015. Ảnh từ trang này

Nhìn chung, ban giám khảo sẽ đánh giá các yếu tố vật liệu, chiến lược, hệ thống và công nghệ được kết hợp trên tinh thần sử dụng trí tưởng tượng ra sao trong việc mang đến một kiến trúc đáp ứng khí hậu tốt và xoay quanh con người, vừa thiết thực lại vừa đem lại cảm giác thích thú. Riêng loại hình dự thi công trình xã hội sẽ đặt nặng thêm việc phối hợp giữa công tác thiết kế với yếu tố bình đẳng xã hội, mục đích sau cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan tham gia và hưởng lợi từ công trình. Với mọi loại hình công trình dự thi, ban giám khảo cũng xem xét dữ liệu khi công trình được đưa vào sử dụng (post-occupancy data), do vậy nhóm tham gia nên cố gắng mô tả công trình hoặc hướng phát triển sử dụng bên ngoài các ý đồ thiết kế trên bảng vẽ. 

Ban giám khảo sẽ trao giải cho tối đa ba dự án thuộc mỗi loại hình. Ngoài ra ban giám khảo cũng có thể trao các giải khuyến khích.

Các dự án giành giải sẽ được trao cúp FuturArc Green Leadership Award và được tặng quyền thuê bao đọc miễn phí tạp chí FuturArc. Mỗi nhóm được trao một cúp và mỗi thành viên nhóm nhận riêng chứng nhận. Giải thưởng được trao dựa trên chất lượng dự án bất kể nguồn gốc xuất xứ. Ngoài bằng khen, các dự án thắng giải và khuyến khích có thể sẽ được công bố trên trang web FuturArc và xuất hiện trong các ấn bản Tạp chí FuturArc

.

FuturArc Green Leadership Award (Tinh thần Lãnh đạo Xanh FuturArc) được cho ra đời năm 2009 bởi Tập đoàn BCI với mục đích tìm kiếm các công trình tại châu Á giàu tính sáng tạo và giàu trách nhiệm đối với sinh thái. Cuộc thi công nhận ĐỘI NGŨ đứng sau dự án, tức các kiến trúc sư, chủ đầu tư, cố vấn, nhà thầu – một tập thể giúp nâng tầm khái niệm công trình Xanh tại châu Á.

Tạp chí FuturArc là nhà tổ chức cuộc thi. Tạp chí phát hành hai tháng một lần ghi nhận ảnh hưởng của các công trình lên xã hội và môi trường, ca ngợi các kiến trúc đề cao trách nhiệm xã hội và sinh thái.

Ban Hành chính của cuộc thi là BCI Asia Construction Information Pte Ltd, công ty con của Tập đoàn BCI (BCI Media Group) – nhà cung cấp hàng đầu thông tin về các công trình xây dựng tại Châu Á Thái Bình Dương. Ra đời năm 1998 đến nay tập đoàn có 23 văn phòng trên 10 quốc gia chuyên thu thập thông tin các dự án xây dựng thuộc mọi giai đoạn, và cả thông tin thị trường xây dựng, từ 13 quốc gia.

Công ty còn có cuộc thi giải thưởng phần thưởng (khác với giải thưởng bằng khen trên) FuturArc Prize chuyên về thiết kế, với giá trị phần thưởng năm 2016 là: giải nhất 15.000 đô la Singapore + 2 năm tạp chí, giải nhì 8.000 đô la Singapore + 1 năm tạp chí, giải ba 4.000 đô la Singapore + 1 năm tạp chí, (một hoặc nhiều) giải khuyến khích 1 năm tạp chí.

Dự án The Golden Island (Đảo vàng) của nhóm Tobias Kea (Indonesia), thắng giải nhất hạng mục chuyên nghiệp tại FuturArc Prize 2015. Ảnh từ đây

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả