Khác

Câu chuyện kiểm duyệt 22. 12. 10 - 3:21 pm

Từ ArtInfo - T.D lược dịch

Ảnh chụp từ video “Ngọn lửa trong Bụng tôi”

NEW YORK- Từ đầu tháng 12 đến giờ, sự kiện Viện Smithsonian quyết định loại bỏ một tác phẩm video của nghệ sĩ David Wojnarowicz khỏi một triển lãm tại National Portrait Gallery đã gây phẫn uất cho nhiều người quan tâm tới nghệ thuật. Quyết định này ra đời sau khi có vài cuộc biểu tình của những nhóm Công giáo và Cộng hòa bảo thủ, và tác phẩm bị loại là Ngọn lửa trong bụng tôi (A Fire in My Belly) của Wojnarowicz, thực hiện từ năm 1987, với những con kiến bò trên cây thập tự. (Triển lãm nói tới có tên Hide/Seek: Difference and Desire in American Portraiture (“Giấu/Tìm: Khác biệt và Mong muốn trong Chân dung Mỹ”) –  một triển lãm về bản sắc tình dục.

Một tác phẩm của Wojnarowicz có tên “Face in Dirt” (Mặt trong Bụi đất)

Viện Smithsonian là một học viện nghiên cứu và tập đoàn bảo tàng viện của chính phủ Hoa Kỳ. Viện có trụ sở chính tại Washington, DC nhưng cũng có những phân viện và chi nhánh các thành phố khác. Khối bảo tàng của Viện có tổng cộng 142 triệu hiện vật. Kinh phí Viện do Bộ Tài chánh trang trải và quyền lợi của Viện được Bộ Tư pháp đại diện. Viện có hơn 20 bảo tàng và gần 20 trung tâm nghiên cứu. National Portrait Gallery là một trong số những cơ sở nghệ thuật của Viện. Chính vì thế Viện mới có thể ra quyết định với các triển lãm tại cơ sở này.

Lần này, để phản đối hành động kiểm duyệt của viện Smithsonian, một loạt các bảo tàng, gallery, và nghệ sĩ đã cùng nhau lên tiếng và thậm chí xuống đường biểu tình. Số lượng người tham gia cho đến ngày 20. 12. 2010 đã lên đến con số hàng ngàn.

Đoàn người biểu tình tại NewYork

Gallery PPOW ở New York chẳng hạn, là gallery đại diện cho tài sản để lại của Wojnarowicz, nói quyết định của Viện là một “phát ngôn thù hằn“, một “sự xúc phạm đến di sản của Wojnarowicz, người đã cống hiến cả đời mình cho phong trào hành động xã hội và cộng đồng nghệ thuật.” Gallery bèn post luôn video này lên mạng, lại còn nhận gửi bản sao DVD cho bất kỳ nhóm nào muốn chiếu để phản đối Viện Smithsonian (còn để xem riêng thì không được nhe). Yêu cầu gửi đĩa đổ về ngập lụt. New Museum tại New York là tổ chức quan trọng đầu tiên chiếu lại video này, ngay tại sảnh vào. Và New Museum không đơn độc. Nhiều tổ chức nghệ thuật trên thế giới đã đăng ký xin bản sao tác phẩm để chiếu lại, từ Courtauld Institute of Art ở London (dự định có hẳn một tọa đàm về vụ này), tới Viện Nghệ thuật ở Chicago, và nhiều cơ sở nhỏ cùng các trường nghệ thuật khác nhau…

Phê bình gia Jerry Saltz cũng tham gia biểu tình

Transformer, một cơ sở nghệ thuật phi lợi nhuận tại New York cũng đã cho chiếu video này trên trang của họ. Transformer còn kêu gọi mọi người cùng tham gia biểu tình. 100 người, đa phần là nghệ sĩ, mang mặt nạ vẽ mặt Wojnarowicz và nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud (Wojnarowicz từng có một series ảnh nổi tiếng trong đó ông đeo mặt nạ giấy vẽ Rimbaud), đã tham gia. Họ đứng im lặng suốt một đêm bên ngoài National Portrait Gallery. “Đây là một biểu hiện của tình đoàn kết, một lời kêu gọi những nhà làm luật của chúng ta, rằng im lặng có nghĩa là chết,” giám đốc của Transformer là Victoria Reis, tuyên bố.

Vụ kiểm duyệt này là một cuộc tấn công vào nhân dân Mỹ“, nhiếp ảnh gia Dawoud Bey tham dự biểu tình, phát biểu có hơi đao to búa lớn.

Một người biểu tình mang áp-phích có hình Wojnarowicz khâu miệng. Năm 1990, nghệ sĩ này đã khâu miệng mình lại, phản đối sự im lặng của chính phủ Mỹ trước đại dịch AIDS. Bạn có thể xem ở link đầu bài.

Trong khi đó, tờ Washington City Paper tường thuật, hai nhà hoạt động vùng D.C là Mike Blasenstein và Mike Iacovone đã bị cảnh sát bắt giam và cấm suốt đời không được bén mảng đến các cơ sở của Viện Smithsonian (có nghĩa là rất nhiều) sau khi hai vị này cố chiếu video “A Fire in My Belly” trên một máy iPad bên trong bảo tàng.

Hội Các Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật đã gửi một lời khiển trách nặng nề đến Viện Smithsonian và National Portrait Gallery, coi quyết định rút bỏ tác phẩm video kia chỉ vì nhượng bộ trước áp lực của những người bảo thủ là “cực kỳ đáng tiếc”. Hội này (AADM) kết luận: “Dùng vũ lực để rút một tác phẩm nghệ thuật khỏi một cuộc triển lãm là làm (nghệ sĩ) nản chí trong trao đổi ý tưởng. Việc ấy khiến xói mòn những nguyên tắc về tự do thể hiện, về số đông, về sự khoan dung…, là những nguyên tắc nền tảng của nước Mỹ. Việc làm ấy cũng sẽ là mối đe dọa với những nguồn tài trợ cho viện.

Cho đến nay, tức gần cuối tháng 12. 2010, con số người biểu tình đã lên đến hàng ngàn, và bị chủ tịch Liên đoàn Công giáo Bill Donohue gọi thô bạo là “bọn chấy rận thân kiến” (pro-ant crawlers).

Những biểu ngữ hôm nay đã là: “Smithsonian, hãy ngừng kiểm duyệt“, và “Im lặng=Chết“. Biểu ngữ sau có từ hồi những năm 80, cái thời người ta tranh đấu để đòi sự công nhận cho những con người như Wojnarowicz, đã chịu đựng và chết vì AIDS, trong khi những người đạo đức như Donahue thì cho rằng họ chết vì tình dục là đáng đời lắm.

Một nghệ sĩ trẻ, 29 tuổi, đeo mặt nạ màu hồng vẽ Wojnarowicz, nói: “Tác phẩm của David Wojnarowicz đối với tôi đầy sức mạnh, thế mà giờ nghe nói bị kiểm duyệt gạt khỏi triển lãm, tôi thấy trầm cảm ghê gớm. Tôi ở đây để cho viện Smithsonian hiểu rằng, chúng ta sẽ không để những cuộc tấn công của cái gọi là quyền tôn giáo hạ gục được.”

Biểu tình tại bảo tàng Cooper Hewitt

Chúng tôi hy vọng rằng các nhà tài trợ, các nhà cho vay, các nghệ sĩ sau này sẽ suy nghĩ kỹ trước khi tham gia các chương trình của Smithsonian tương tự như cái này,” nghệ sĩ này nói tiếp. “Smithsonian thực sự cần cho mọi người biết rõ quan điểm đạo đức của họ ngay từ đầu, rồi chúng ta sẽ thấy mọi việc sẽ ra sao. Chúng ta sẽ không chấp nhận cho kiểm duyệt trên đất nước này.”

Trong khi đó, một cuộc tuần hành mới diễn ra nhưng trong hòa bình, trước bảo tàng Cooper-Hewitt, với cảnh sát dựng một hàng rào chắn và đứng yên canh chừng. Một sự yên lặng bão tố, “phản ảnh nỗi giận dữ đang lớn dần đối với Viện Smithsonian,” William Dobbs của nhóm Art+, nói. “Chúng tôi tới đây để gửi một thông điệp rất rõ ràng: dừng kiểm duyệt, trả video của Wojnarowicz về lại. Ngay. Vấn đề này lớn hơn tác phẩm video cụ thể kia. Đó là vấn đề một thể chế đối xử ra sao với một nhóm thiểu sổ về tình dục, thiểu số về văn hóa. Tôi muốn nói rằng Hide/Seek là một triển lãm đột phá. Phải công bằng mà đặt ra câu hỏi là sao đến thế kỷ 21 rồi mà một triển lãm thế vẫn còn là đột phá chứ!”

Nhân viên và cảnh sát đứng canh chừng trước bảo tàng Cooper-Hewitt

Nhưng tổng thư ký của Smithsonian, G. Wayne Clough, từ chối lắng nghe những lời kêu gọi ấy, thậm chí còn từ chối không cho nghệ sĩ AA Bronson rút một tác phẩm rất riêng tư của mình khỏi triển lãm.

Trong khi đó, đám đông tụ tập bên ngoài vẫn kiên trì vẫy khẩu hiệu giữa tiết trời giá lạnh. “Hãy nhập cùng chúng tôi để tiếng nói bạn xộc vào tận trong bảo tàng,” tiếng một người thét. “Kiến trong quần tôi, lửa trong lòng tôi!” lại một người khác ngân nga. “Sao lại kiểm duyệt?” Ai đó rít lên…

Nhiều học giả đã coi sự kiện Smithsonian kiểm duyệt là một đợt tái diễn của những cuộc chiến tranh văn hóa hồi những năm 1990, và giám đốc của National Portrait Gallery, Martin Sullivan, nói rằng vụ kiểm duyệt này chỉ là “chuyện nhỏ” so với cuộc khủng hoảng lớn hơn mà ông dự đoán sẽ xảy ra vào năm sau, khi quốc hội của phe Cộng hòa sẽ dùng tiền tài trợ như một thứ dùi cui văn hóa.

Ý kiến - Thảo luận

22:28 Saturday,25.12.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chúng em cảm thấy sự kiện kiểm duyệt văn hóa luôn là điều hồ thẹn đối với bất kỳ xã hội văn minh nào. Nhưng còn đáng xấu hổ hơn khi xung quanh chúng em vẫn có những nghệ (không sĩ) tự kiểm duyệt, tự thiến đứt nguồn cơn cảm hứng sáng tạo của chính mình, tự đầu hàng trước tiền bạc và danh hão. (Đôi khi chúng em bây giờ
...xem tiếp
22:28 Saturday,25.12.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chúng em cảm thấy sự kiện kiểm duyệt văn hóa luôn là điều hồ thẹn đối với bất kỳ xã hội văn minh nào. Nhưng còn đáng xấu hổ hơn khi xung quanh chúng em vẫn có những nghệ (không sĩ) tự kiểm duyệt, tự thiến đứt nguồn cơn cảm hứng sáng tạo của chính mình, tự đầu hàng trước tiền bạc và danh hão. (Đôi khi chúng em bây giờ cũng đã chớm mắc căn bệnh "tự xén" này rồi đấy ạ. Lo quá :-<). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả