Nghệ sĩ Việt Nam

Trần Ngọc Đức nói về ‘Tĩnh vật’:
lời còn rối hơn tranh 22. 10. 16 - 6:58 am

Thông tin từ BTC

 

.

“TĨNH VẬT” – TRIỂN LÃM CÁ NHÂN CỦA TRẦN NGỌC ĐỨC

Khai mạc: 18:00, ngày 25. 10. 2016
Thời gian: từ 25 – 29. 10. 2016 (mở cửa từ 8:00 – 22:00)
Địa điểm:  57 Tú Xương, P.5, Q.3, TP.HCM

Vấn đề lựa chọn phong cách tĩnh vật

Trong loạt tranh tĩnh vật bàn tiệc, ấn tượng ban đầu tác động đến cái nhìn người xem: nhiều hình tượng, quá nhiều đồ vật được thể hiện, quá nhiều sự tranh chấp giữa hình với hình, hình với màu, hình với không gian, vệt màu sắc chồng chéo đan xen, gam màu mạnh. Bức tranh cho cảm giác một không gian rối rắm, bức bối, hỗn độn, khó chịu.

“Những ước mơ”, 140 x 120 cm

Trong hội họa, đề tài tĩnh vật thường được nghệ sĩ thể hiện nhiều và bằng những phong vị khác nhau, để truyền tải biểu đạt cảm xúc chủ quan. Bố cục tĩnh vật thường được nghĩ đến là sự sắp xếp một vài đồ vật có ý nghĩa để góp tiếng nói biểu đạt cái cảm xúc lớn của toàn tác phẩm mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Tuy nhiên phương hướng sử dụng bố cục dàn trải, nhiều yếu tố tĩnh vật cũng đã được nhiều họa sĩ thể hiện. Vậy vấn đề ý đồ biểu đạt thông qua hình thức thể hiện bố cục nhiều chủ thể của tôi là gì?

Xuyên suốt mỗi tác phẩm, tôi muốn tạo nên một không gian vật chất giằng co, chen lấn, xâm chiếm, hòa tan, hoang mang , nhiều chiều liên tưởng. Khi mang cho những đồ vật một thân phận, bàn tiệc như một thế giới thu nhỏ , sự góp mặt của mỗi yếu tố đều có ý nghĩa, góp phần cho một liên tưởng đến một nội dung lớn. Giữa các đồ vật vẫn có sự xắp xếp vai trò biểu tượng, chính phụ, việc sử dụng nhiều hình tượng và sự bố cục các đồ vật bằng áp đặt hay vô thức cho tôi hài lòng về cảm nhận ý tứ tôi muốn thể hiện. Có thể nói tôi tham lam phơi bày tất cả mọi thứ trong thế giới thu nhỏ đó , như kể lể cho người xem một câu chuyện có nhiều tình tiết, nhiều mối liên quan đan xen, nhiều nội dung, nhiều bất định. Người xem đang đứng trước một thế giới đa cảm đang dồn dập phô ra mọi thứ cho họ kết nối cảm nhận. Bức tranh đôi khi hiền hòa trong sáng, khi cô đơn đến lạ lùng, khi rối rắm không lối ra, có khi lại muốn căng tràn nổ tung như một quả bóng.

“Những ranh giới bị phá vỡ”, 140 x 120 cm

Vì cách bố cục hình trong loạt tranh không dùng thủ pháp bố cục truyền thống ghi nhận đối tượng ở một vị trí cụ thể, cố định. Trong tranh tôi mọi yếu tố dường như có thể di chuyển tự chúng (có thể ẩn nấp, lơ lửng đâu đó rổi xuất hiện bất ngờ hái hước), cái chung giữa chúng chi là cùng xuất hiện và tồn tại trong một không gian để tương hổ cho nhau cùng nói về một nội dung tôi cảm nhận. Có vẻ vô lý về cái nhìn phối cảnh nhưng lại thấy hài hòa với hình thức. Cách bố cục tự do về hình, đưa vào bố cục nhiều hơn hai hình tượng chính, xuất hiện ở những nhóm chính và sự dàn trải có vẽ ngẫu nhiên, sự lan man của những thành tố phụ tạo ra nhiều chiều cảm nhận về nội dung một vấn đề, sự chồng chéo, nhâp nhằng có khi hoang mang khó chịu như cảm giác lần đầu khi ta thực quan sát và suy xét về vấn đề đó.

“Chơi vơi không điểm tựa”, 140 x 120

Tôi sử dụng màu mạnh, rực. Bút pháp là những vệt cọ vô hướng đan chồng lên nhau tạo nên hình, sự thuận lợi cho việc sử dụng lối bố cục này. Tính chất hình có tính rung, động, tạo không khí cho một không gian màu có tính biểu hiện, lung linh nhưng gay gắt. Màu sắc là một yếu tố năng động nhất trong hội họa, màu có mối liên hệ mật thiết với cảm xúc, viêc sử dụng thủ pháp nét, màu tự do cho tôi thoải mái tạo nên một không gian mình muốn để biểu lộ những xúc cảm muốn bày tỏ.

Lối bố cục và thủ pháp dùng màu này thực sự cho tôi sự tin thoải mái, cũng là phong cách tôi sử dụng cho nhiều tác phẩm tôi sáng tác trước đây như tĩnh vật, phong cảnh và chủ thể nhân vật.

Họa sĩ Trần Ngọc Đức

Đôi điều về loạt tranh tĩnh vật “Bàn tiệc” 

Loạt tranh “Bàn tiệc” gồm 17 bức tranh sơn dầu. Lấy cảm hứng từ những đồ dùng thân thuộc trong đời sống thường nhật, mang cho đồ vật vô tri hơi thở cuộc sống ghi lại những cảm xúc, dấu ấn trong tiến trình cảm nhận cuộc sống.

Trong hội họa có nhiều đề tài cho họa sĩ chọn khai thác về chủ đề này. Mỗi cá nhân có những cách riêng làm phương tiện cảm nhận thế giới xung quanh. Song với tôi, tôi thích chọn những đồ vật bình dị gần gũi để thể hiện. Chiếc bàn được bày trí bằng những đồ vật nhiều màu sắc biểu lộ nhiều cảm xúc luôn đầy ám ảnh, gây cho tôi nhiều suy nghĩ và đưa tôi vào những không gian liên tưởng khác lạ. Ở đâu đó, những chiếc bàn dù gần gũi hay chỉ thoáng qua, chiếc bàn tàn dư của một bữa ăn hay hào nhoáng sang trọng của một buổi tiệc thịnh soạn trong cái nhìn riêng tôi đều mang tự mình những sắc thái tình cảm riêng.

“Bữa tiệc tàn”, 140 x 120 cm

Trong mắt tôi những đồ vật cụ thể đó như đang tồn tại trong một thế giới đầy sống động thu nhỏ mà mang nhiều ngụ ý. Mỗi yếu tố như có một thân phận riêng trong tổng thể một không gian cụ thể để góp phần kể cho một câu chuyện, một cảm xúc nào đó. Với đồ vật trên một chiếc bàn, ở những thời điểm khác nhau, chúng có những mối tương quan và mang những sắc thái khác lạ. Và giữa chúng, có những đồ vật đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh chung, gây ấn tượng làm lưu mờ hình ảnh những đồ vật ở vị trí vai phụ hay ngược lại, có những thứ buộc phải bỏ đi, có những thứ phải thay đổi …, vị trí tương quan giữa chúng khác thế nào ta sẽ thấy một chiếc bàn có giá trị như thế ấy. Xét thấy bản thân với đời sống quanh mình cũng như chiếc bàn vậy, có quá nhiều vấn đề xô đẩy, có quan trọng, có tầm thường, có cái xấu, có cái đẹp, có cái cổ hủ, có cái bệnh hoạn…tạo ra những mâu thuẩn chi phối và buộc ta quyết định cái nhìn của chính bản thân với cuộc sống. Ta đang ở đâu, ta phải phát triển thế nào , điều gì là quan trọng…. Tĩnh vật cho tôi sự thích thú diễn tã những trạng thái cảm xúc đó.

Với loạt tranh “ Bàn tiệc” này tôi không đi sâu miêu tả tính chất của những đồ vật mà mang hơi thở vào đồ vật để khơi gợi một góc nhìn về sự hiện diện, tồn tại giữa chúng và tạo ra một kênh cảm nhận khác về cuộc sống( những trăn trở, hoài bão, niềm vui, thân phận) thông qua hình ảnh những đồ vật gần gũi bình dị.

“Thanh âm tự do”, 140 x 120 cm

 

“Cơn say bất tận”, 140 x 120 cm

 

“Tuổi đôi mươi” 140 x 120 cm

 

“Một mình”, 140 x 120 cm

 

“Bóng chiều tàn”, 140 x 120

 

“Ngộ nhận và tìm thấy”, 140 x 120 cm

 

“Góc nhà ấm cúng”. 140 x 120 cm

 

Ý kiến - Thảo luận

19:08 Tuesday,14.4.2020 Đăng bởi:  Nguyen vu thai khuong
Tranh đẹp, ắn tượng, phong cách riêng, rất thích
...xem tiếp
19:08 Tuesday,14.4.2020 Đăng bởi:  Nguyen vu thai khuong
Tranh đẹp, ắn tượng, phong cách riêng, rất thích 
21:18 Sunday,23.10.2016 Đăng bởi:  LC
Tranh bạn Ngọc Đức đẹp đấy. Không đơn giản đâu, tĩnh vật nhưng không tĩnh, đầy xao động và dụng ý. Tranh này sưu tập được. Chân dung tác giả cũng khá hay, đủ độ hấp mà lại đầy quyết tâm. Chúc thành công và hãy Bắc tiến đi bạn, Hà Nội đang sôi động lắm !!!
...xem tiếp
21:18 Sunday,23.10.2016 Đăng bởi:  LC
Tranh bạn Ngọc Đức đẹp đấy. Không đơn giản đâu, tĩnh vật nhưng không tĩnh, đầy xao động và dụng ý. Tranh này sưu tập được. Chân dung tác giả cũng khá hay, đủ độ hấp mà lại đầy quyết tâm. Chúc thành công và hãy Bắc tiến đi bạn, Hà Nội đang sôi động lắm !!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả