Kiến trúc

Nhà nhỏ của kiến trúc sư lớn: trà thất của hai bố con Belluschi 04. 11. 16 - 6:59 am

Phát Tường dịch

 

.

Trong đời mình, kiến trúc sư Pietro Belluschi nổi danh vì đã xây những tòa nhà chọc trời, những nhà thờ với tháp nhọn như xuyên vào mây, những ngôi nhà toàn vách kính dựng tít trên đồi cao… Thế nhưng ít người biết, người đàn ông đã dựng nên những tòa nhà cao tầng vùng Portland ấy, lại từng làm cho mình một trà thất bé tí ti ở sân sau nhà.

Thế rồi con trai ông, cũng kiến trúc sư, cũng nổi tiếng, và cũng thích có một không gian tí xíu.

Vậy là trên cùng một địa điểm ở khu đồi West Hills của Portland, hai thế hệ kiến trúc sư, bố là Pietro và con là Anthony, đã cùng tấn công lãnh vực nhà tối giản.

Câu chuyện của căn nhà bé tí đó là thế này:

Năm 1944, hai ông bà D.C Burkes thuê kiến trúc sư danh tiếng Pietro Belluschi thiết kế cho họ một ngôi nhà theo phong cách hiện đại vùng Tây Bắc Thái Bình Dương (Pacific Northwest) thời những năm 1940s, trên một lô đất trống ở cuối một rặng đồi. Phía sau mảnh đất là một nhà kho cũ đựng đồ làm vườn mà chủ nhà muốn giữ lại.

Để kiến trúc cũ kỹ kia ăn nhập được với căn nhà mới xây, Pietro Belluschi đã thêm lớp vách ván ngoài bằng tuyết tùng, và một hàng lưới mắt vuông nhỏ treo lơ lửng. Bà Burkes thấy cái nhà kho mới sửa lại xinh quá bèn dùng làm nơi tịnh tâm và bà gọi đó là trà thất.

.

Sau khi Pietro Belluschi và vợ là Marjorie mua lại toàn bộ khu nhà này vào năm 1973, ông thêm vào cái nhà nhỏ kia một buồng tắm đứng, một bồn rửa, và nhà vệ sinh. Trước khi qua đời năm 1994 ở tuổi 94, Pietro vẫn thường sống trong căn nhà kho này, ngủ trưa, vẽ phác thảo, xem lại giấy tờ, bản vẽ mà ông cất ở đây.

Đến 2008, căn nhà phụ này không dùng được nữa, có cơ sập tới nơi. Nước phải cắt vì ống nước thủng, trong thì chất đầy dụng cụ làm vườn và nhà đầy mối mọt.

Năm đó, con trai của Belluschi là kiến trúc sư Anthony Belluschi đã cho thay thế kiến trúc đìu hiu kia bằng một phòng khách kiêm studio đa chức năng và thanh lịch.

… nhưng trông hơi giống một… nhà vệ sinh

Mặc dù diện tích giới hạn, chỉ có 22m2 thôi, nhưng đây là căn nhà mà Anthony và vợ là Marti lưu lại mỗi khi từ Chicago về thăm. Trong thời gian trùng tu nhà lớn, hai vợ chồng đã ở trong căn nhà phụ này suốt 18 tháng để trông coi.

.

Khi dựng studio mới trên nền nhà kho cũ, Anthony giữ lại một góc nền bê tông cũ. Bên trong, có ba khu được phân vùng bằng những cánh cửa trượt kiểu Nhật.

Cửa trước mở ra lối vào, với một cái tủ treo áo khoác.

Phòng chính bên tay trái dùng làm phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc.

.

Bên tay phải là “kitch-bath”, một từ mà Anthony Belluschi “chế” ra để mô tả sự kết hợp thông minh giữa một nhà bếp, một nhà tắm, và phòng thay đồ. Một bên của căn phòng này là gian bếp chất đầy, một bên là là nhà tắm, nhà vệ sinh.

.

Đồ đạc cũng vậy, cũng gộp nhiều công dụng. Có một chiếc sofa bed vừa làm ghế vừa làm giường, một chiếc ghế đẩu kiêm cái thang để trèo lên chỗ để chăn nệm trên nóc nhà tắm, một cái bàn gấp có thể mở ra thành bàn ăn.

Trần nhà cao làm cho nhà hẹp mà thành rộng. Những ô cửa kính trên cao như làm khung ảnh cho những chóp cây bên ngoài. Gió trời phơ phất thổi qua những màn cửa mát mẻ trong lành.

.

Bên ngoài, hai thềm nhà rộng làm cho không gian sống cũng rộng ra thêm. Dàn tủ bên ngoài chứa đồng hồ điện, bình nước nóng, hệ thống kiểm soát tưới cây, và các ngăn chứa đồ lặt vặt.
Về thiết kế, trà thất mới của Belluschi “con” rất hài hòa với căn nhà chính mà ông bố từng xây ngày xưa, với cái sân sau, với phong cảnh và khu vườn xunh quanh rất giống Nhật.

.

Kiến trúc sư này nói: “Cái thú ở trong những không gian nhỏ, đặc biệt với kiểu cách và chất liệu xây dựng đơn giản phản ánh sự tĩnh lặng, chính là sự yên bình.”

Nguồn: từ Oregonlive

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả