Nhân ta tiêu hủy ngà voi, xem “The Ivory Game” của Netflix
15. 11. 16 - 7:46 am
Tịnh Lưu dịch
Chiều 12. 11. 2016, cuộc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác đã diễn ra tại Sóc Sơn. Nhân đây đọc tin mới biết, tài tử Leonardo Dicaprio mới làm giám đốc sản xuất một bộ phim tài liệu về đề tài buôn bán ngà voi.
Bộ phim tài liệu mới do Netflix sản xuất “The ivory game” (Trò chơi ngà voi) nói về việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp đã đưa chủ đề về nạn săn bắt voi trái phép tại châu Phi lên tâm điểm dư luận.
Theo bộ phim tài liệu về cuộc điều tra ngầm này, ngành buôn ngà chịu trách nhiệm cho việc giết hại 35,000 con voi mỗi năm. Ảnh: hai mẹ con nhà voi rảo bước trong khu bảo tồn động vật Amboseli ở Kenya.
“The ivory game” lần theo dấu vết tội lỗi của những giấy tờ buôn ngà trái phép khi ngà voi được chuyển từ châu Phi đến châu Á. Ảnh: Một kiểm lâm của Kenya Wildlife Services (Dịch vụ động vật hoang dã Kenya) đang canh gác một lô ngà voi bị tịch thu vào tháng 8. 2010
Bộ phim tài liệu dài này do Richard Ladkani và Kief Davidson đạo diễn và Leonardo Dicaprio làm giám đốc sản xuất.
Khi thực hiện bộ phim, đạo diễn Ladkani (ảnh) và Davidson thường phải hoạt động chìm để phanh phui những việc làm bất hợp pháp của bọn buôn lậu nên thường phải đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm cận kề.
Mặc dù cả Ladkani và Davidson (ảnh) đều đã từng có trải nghiệm tại châu Phi, nhưng trước khi làm phim cả hai đều chưa từng thấy xác một con voi đang thối rữa.
“Bạn thực sự chẳng thể trù trước được. Điều bạn chẳng thể lường trước, điều mà mọi người quên không nhắc tới, chính là mùi hôi”, Ladkani nói. “Nó bám vào quần áo. Nó đeo theo bạn suốt 2 tuần, bạn chẳng thể nào rũ bỏ được nó”. Ảnh: Đại sứ Quỹ WildAid Yao Ming đang nhìn xác một con voi tại Samburu, Kenya vào tháng 8. 2012
Đội kiểm lâm có thể phãi mất nhiều ngày mới tìm thấy xác một con voi vì khu bảo tồn rất rộng lớn. Trong ảnh là bộ xương rời rạc thiếu ngà của một chú voi chụp tại Công viên Quốc gia Kora ở Kenya vào tháng 1. 2013.
Đôi lúc bọn thợ săn còn dùng rìu hay mã tấu chặt đi toàn bộ phần mặt voi để lấy cặp ngà quý giá. Ảnh: Một chú voi đực bị thợ săn giết tại biên giới Botswana và Namibia, cả phần mặt bị chặt đi để lấy ngà.
“Đó là một cảnh tượng khủng khiếp, và là một điều ám ảnh bạn mãi”, Ladkani nói. “Nhưng thứ có tác động mạnh và làm bạn xúc động hơn là khi nhìn thấy gương mặt của những kiểm lâm chúng tôi đang quay… họ như mất đi một đứa con vậy”. Ảnh: Một chú voi tại khu bảo tồn động vật Mashatu tại Botswana, tháng 7. 2010.
Bọn buôn ngà thực ra lại còn muốn loài voi tuyệt chủng, vì như thế sẽ đẩy giá trị và nhu cầu cho loại “vàng trắng” này lên cao, Craig Millar từ Tổ chức Big Life giải thích. Ảnh: voi tại khu bảo tồn động vật Amboseli, Kenya, tháng 12. 2012.
“Càng ít voi thì giá ngà càng cao, giá càng cao thì lại càng nhiều người muốn săn chúng. Đây là một vòng luẩn quẩn tai ác”, Millar nói. Ảnh: người ta đang đưa một chú voi con đi dạo tại khu bảo tồn tê giác Tony Fitzjohn’s Mkomazi tại Mkomazi, Tanzania, tháng 6. 2012
Trong phim đạo diễn đã tiết lộ đích đến của một lượng lớn ngà voi Châu Phi. Ảnh: một cảnh sát đang kỉ lục lại những đồ nữ trang và ngà bất hợp pháp thuộc sở hữu của một người mang quốc tịch Trung Quốc tại Nairobi, Kenya vào tháng 1. 2013
Vì Netflix không hoạt động tại Trung Quốc, đạo diễn đang tìm những kênh khác để trình chiếu bộ phim “The ivory game” và làm cho nó trở thành một chủ được bàn thảo ở cấp quốc gia.
Theo đạo diễn Kief Davidson, quan trọng là làm người Trung Quốc tự hiểu được ngà voi lấy từ đâu. Anh hi vọng “The ivory game” sẽ tạo nên một tác động to lớn và tức thời. Ảnh: voi tại khu bảo tồn Bắc Mara, tháng 7.2014
Một máy bay trực thăng đang theo dõi voi tại một khu bảo tồn trong phim “The ivory game”
Một kiểm lâm thuộc Kenya Wildlife Services (KWS) đang sắp xếp lại vị trí đống ngà voi. Đây là một trong khoảng một tá những đống ngà được đem đi thiêu tại Công viên Quốc gia Nairobi, Kenya vào hôm thứ Bảy, 30. 4. 2016. Việc làm này như một tuyên bố hùng hồn chống lại nạn săn bắt trái phép.
Vụ đốt ngà hàng loạt này đã tiêu hủy 105 tấn ngà voi và hơn một tấn sừng tê giác, người ta tin rằng đây là lượng ngà bị tiêu hủy lớn nhất trước giờ.
Một rổ sừng tê (trái) đang được đốt cạnh những đống ngà cháy vào hôm 30. 4. 2016. Dịch vụ Động vật hoang dạ Kenya đã tốn 10 ngày để dựng cả khu dàn thiêu này.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta kêu gọi chấm dứt nạn buôn lậu “tàn sát” này và hãy đấu tranh chống lại sự tuyệt chủng của loại voi trong tự nhiên.
Cứ mỗi 15 phút, một con voi bị giết lấy ngà. Năm ngoái tại châu Phi có 1,338 con tê giác bị săn bắt – một con số kỉ lục, và đây là năm thứ sáu liên tục số lượng các vụ săn bắt trái phép tăng lên.
Lính cứu hỏa đứng sẵn sàng cạnh những đống lửa đang cháy. Cần một tuần để có thể thiêu rụi hết số lượng ngà này.
Các nhà phê bình lo ngại rằng việc này có thể khiến giá ngà voi chợ đen tăng cao nhưng nhà bảo vệ môi trường Richard Leakey phát biểu trước đám đông tại lễ thiêu hủy rằng những lần đốt ngà trước đều làm giá ngà giảm mạnh.
Ngành du lịch của Kenya, chủ yếu dựa vào động vật hoang dã, đóng góp khoảng 12% tổng GDP quốc gia. Tính ra, trong đời một con voi, giá trị từ doanh thu du lịch mà nó (nếu còn sống) tạo ra gấp 76 lần giá trị có từ ngà. Đây là thông tin từ Quỹ động vật hoang dã David Sheldrick, một nhóm cứu hộ và phục hồi chức năng cho voi.