Gẫm & Bình

Sự bất tiện nghi của hình ảnh 12. 11. 16 - 8:48 am

Trần Trọng Vũ

Khi chọn ngôn từ làm tựa đề cho cuộc trưng bày tác phẩm của mình, Laurent Barnavon có lẽ muốn thông báo cho công chúng rằng họ sẽ phải đứng trước một ngã ba phức tạp và ngã ba phức tạp sẽ dẫn họ vào những lối đi chẳng hề phức tạp. “Ce n’est qu’une impression” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau theo kiểu như thế, có thể chỉ là một cảm giác bất thường trước một sự vật hoặc một bản in thông thường trên giấy, lại cũng có thể chỉ là một bản in bất thường hay một cảm giác thông thường trước đồ vật. Tựa đề mập mờ này có vẻ cũng sẽ chia sẻ những gì mập mờ và khẳng định của những hình ảnh được trưng bày, cùng những gì phức tạp và nhẹ dạ, cứng nhắc và phù phiếm, đến từ những đề nghị của tác giả, thuần túy thị giác.

Quả vậy, khi đối diện với tác phẩm của Laurent Barnavon, công chúng dường như bị quẳng rất nhanh vào trạng thái không tiện nghi mà anh đã đề nghị cho hình ảnh. Khi đối diện với những khuôn mặt tuyệt vời và thánh thiện được in trên giấy, được gấp trong muôn vàn nếp gấp, được mở ra và được gấp tiếp tục theo những chiều ngược lại, tôi không thể không thấy mình bối rối, trong sự biến mất của thói quen trong sự đòi hỏi và từ chối can thiệp của ngôn từ. Hình ảnh hay là những dấu hiệu? Hình ảnh hay những phủ định hình ảnh? Hình ảnh hay sự biến mất của chính nó? Hình ảnh dường như không thể là như thế mà chỉ có thể là như thế.

“Ce n’est qu’une impression”, ảnh chụp bởi chính tác giả, trên giấy láng bóng, khuôn khổ ảnh trước khi gấp: 240 cm x 120 cm, khuôn khổ sau khi gấp: 90 cm x 60 cm. Thực hiện năm 2016

Sự tiện nghi của hình ảnh, là công việc và lòng khao khát của muôn vàn người làm nghệ thuật, là những hiệu quả thị giác hoàn hảo có thể quyến rũ cả những ai không va chạm gì nhiều với nghệ thuật. Sự tiện nghi của hình ảnh, làm ta an tâm bởi vì tất cả trong thế giới thị giác đều ở đúng vị trí của chúng và chẳng thể gây nguy hiểm, từ đôi mắt đôi môi và một phong cảnh lúc nào cũng có thể hiểu được.

Sự tiện nghi của hình ảnh, tại sao không phải là chính hình ảnh chẳng bao giờ làm công chúng bối rối chẳng bao giờ làm ai phiền lòng. Sự tiện nghi của hình ảnh, chẳng thể là những nếp gấp thô bạo và dịu dàng của chính hình ảnh lên trên hình ảnh, trong một tai nạn nhân tạo đã làm vỡ nát hình ảnh. Sự tiện nghi của hình ảnh, hòa điệu với một nền thẩm mỹ tiện nghi và một loại tâm lý thích tiện nghi. Sự tiện nghi của hình ảnh, là những hình ảnh có sẵn.

Rời bỏ sự tiện nghi của hình ảnh giống như rời bỏ một kết quả một kết luận, để hình ảnh không hề kết luận điều gì. Rời bỏ tiện nghi để chế tạo bất tiện nghi chẳng khác gì chế tạo cái ngẫu nhiên, để sau đó hình ảnh lại không thể là kết quả của ngẫu nhiên.

Rời bỏ tiện nghi nơi Laurent Barnavon mang dáng dấp một sự đổ vỡ kỳ diệu, của những hình ảnh có sẵn, lấy từ các tạp chí nổi danh, hoặc từ các bức ảnh do chính tác giả thực hiện. Đấy là những nếp gấp tuyệt vời trong những quy tắc không thể tin được mà chỉ một mình nghệ sĩ nắm giữ bí mật. Đấy là những mặt phẳng đã không còn nữa, là những hình khối lặp lại trong những chỗ thiếu hụt những chỗ lấp đầy, trong những chỗ lấp đầy bỗng dưng chìm sâu vào bóng tối, và là những chi tiết đang biến mất một cách vô cùng thông minh. Đang biến mất chứ không phải đã biến mất, bởi lẽ tất cả đã được chuẩn bị và không phải tất cả đã được định vị. Như thể hình ảnh bị thay thế bởi những dị bản không quen và như vậy cái đã tồn tại bị thay thế bởi cái chưa hề tồn tại.

.

Bằng cách này, nhiều hình ảnh có sẵn của nhiều tác giả X trở thành nguồn gốc cho các sản phẩm riêng của Laurent Barnavon. Một trong những phiên bản nhiều đến vô tận ấy được hóa thân làm một nguyên bản duy nhất. Cách làm này được anh phát triển thành một vòng xoáy vô cùng thú vị và táo bạo khi anh lấy lại những hình ảnh có sẵn được đăng tải trong tạp chí L’Officiel, năm 2016, để gấp chúng vào trong muôn vàn nếp gấp và để rồi tất cả bọn chúng phải hóa thân làm những hình ảnh mập mờ giữa mặt phẳng và hình khối, giữa hội họa và điêu khắc. Những tác phẩm được ký tên Laurent Barnavon này sau đó lại được tạp chí L’Officiel đăng tải lần nữa, như thể mối quan hệ vòng tròn giữa tạp chí, nghệ sĩ, tác phẩm, và tạp chí chính là một vòng luẩn quẩn luân hồi có thể tiếp tục đến vô tận. Cát bụi trả về với cát bụi. Cái gì sẽ còn lại?

Bức ảnh này và bức phía trên chụp từ cùng một tác phẩm, từ hai hướng nhìn khác nhau, cho thấy hai kết quả khác nhau

Tôi gặp Laurent Barnavon trong những ngày khi anh đang bị cuốn theo những vòng xoáy ấy. Tôi có cảm giác rằng anh lúc này phức tạp thế nào thì sau đó lại đơn giản thế ấy. Đấy là khi khuôn mặt anh chợt chìm sâu trong những suy tư già nua. Đấy là lúc mà anh gửi cho tôi nụ cười trẻ thơ, chẳng thể liên quan đến những khoảnh khắc đã bất chợt đi qua. Tôi chỉ có thể đứng bên ngoài, mà nhìn vào một trong những vòng xoáy ấy, đủ để hiểu rằng mẹ anh là người Ý, bố anh là người Pháp, rằng anh sinh trưởng ở miền nam nước Pháp, và kỳ lạ nữa, toàn bộ tuổi thơ anh được đồng thời nuôi dưỡng bởi một gia đình người Việt đông con. Anh đã phải chia sẻ thế nào những năm tháng ấy, giữa hai gia đình chẳng thể chung nhau một nền văn hóa, giữa hai cảnh tha hương chẳng thể giống nhau chỉ vì một chữ tha hương, và trên hết, giữa sự tương phản về tín ngưỡng, giữa đạo Phật với một lối sống khác không tôn giáo không nhà thờ.

Laurent Barnavon và tác phẩm

Những gì mà anh mang suốt cuộc đời, là toàn bộ thời thơ ấu của đứa con một, trong căn phòng dành cho một người với những đồ chơi dành cho một người và không phải chia sẻ với ai tình yêu của cha mẹ, bởi vì họ chỉ có ba thành viên trong một gia đình vui nhộn, trong một không gian tiện nghi không nhiều khoảng trống phi lý. Những gì mà anh mang suốt cuộc đời, cũng là ký ức về một gia đình của mười lăm thành viên người Việt lúc nào cũng yên lặng, rồi những căn phòng trang trí theo lối Việt lúc nào cũng đông người, và rồi những món ăn không còn nóng sốt đem xuống từ bàn thờ. Và nhất là không gian của họ vốn chật hẹp cho những người đang sống nhưng lại có cả một khoảng trống lớn dành riêng cho tâm linh, cho những ai không còn nữa và cho cả một thế giới vô hình và vô lý khác.

Vậy là, tôi chỉ có thể hiểu, rằng con người anh và tác phẩm, cùng chia nhau những hiện thực giàu có đến nao lòng. Những hiện thực chứ không chỉ một hiện thực. Điều đó cắt nghĩa cho sự đa nghĩa khủng khiếp mà anh đã đưa vào hình ảnh của mình.

Nhưng nếu như ở phần nhiều tác phẩm thị giác người xem có thể tìm thấy dấu vết của tác giả trong những xúc cảm hoặc ý nghĩ, ở Laurent Barnavon không bao giờ là như thế. Cuộc đời và cuộc đời của riêng anh và cảm giác của anh về cuộc đời bị giấu vào sau các nếp gấp, để chẳng thể lộ diện. Hình ảnh bị can thiệp bởi nghệ sĩ, nhưng như thế nào và bằng cách nào, để hình ảnh sẽ là như thế mà lại chẳng hề là như thế.

.

Và nếu như thường xuyên các tác phẩm thị giác đương đại cần phải được lý giải bởi ngôn từ, hình ảnh của Laurent Barnavon lại chẳng thể được kể lại bằng lời. Cần phải nhìn trực diện, cần phải di chuyển điểm nhìn, thay đổi khoảng cách, để thấy hình ảnh sẽ chẳng bao giờ cho một kết quả, để thấy những gì hiển nhiên lại gây ngạc nhiên như vậy. Cũng cần phải tiếp cận hình ảnh bằng xúc giác, để thấy như thế nào một mặt phẳng hai chiều đã trở nên ba chiều và còn lại là những chiều vô lý.

Trong tiến trình của tác phẩm, hình ảnh bị chậm rãi đóng lại từng phần từng phần một, nhưng những nếp gấp bất thường của anh lại mở vào những hình ảnh khó tin, cho một cuộc hóa thân kéo dài. Cuộc hóa thân này còn tiếp tục, ngay cả khi mọi nếp gấp đã được hoàn thiện. Người xem càng tiến lại gần hình ảnh, để nhìn được rõ hơn, theo đúng qui luật của lôgic, thì hình ảnh lại càng bị phá vỡ bởi muôn vàn mảnh vụn và càng không thể hiểu được. Khi lùi ra xa đến những khoảng cách nhất định, hình ảnh có thể được nhận biết nhưng không thể giấu đi những thiếu hụt những mất mát của một bức ảnh đáng lý ra phải rất tiện nghi, đáng lý ra phải hoàn thiện và rất không hoàn thiện.

Hình ảnh của anh như vậy cho đi muôn vàn hình ảnh và chính vì vậy mà hình ảnh sẽ chẳng bao giờ được hiểu theo chỉ một cách. Sự hóa thân này từ số ít đến số nhiều dù sao đi nữa cũng lấy đi những tiện nghi nhất định mà người xem muốn có, mà ngay cả khi không có họ vẫn có thể yên tâm tiếp cận tác phẩm, dưới sự dàn xếp của tâm lý. Và không chỉ có vậy, dưới cả sự dàn xếp của ánh sáng nữa, để giấu đi những nếp gấp nơi chiếu sáng và phô diễn trong bóng tối những chi tiết thiếu hụt của hình ảnh. Kết quả của cuộc hóa thân.

.

Cũng vậy, tất cả những dữ kiện lẽ ra phải rất quan trọng của một bức ảnh đều bị cất vào phía sau các nếp gấp của tờ giấy láng bóng, như niên đại, địa điểm, không gian, lịch sử, nhân chứng, sự xác thật… tất cả bọn chúng đều phải bị phân giải hóa như mọi bức ảnh được số hóa, cho đến khi cái còn lại của một bức ảnh chỉ là thuần túy thị giác, chỉ là một bức phù điêu bằng giấy mà mặt trước không thể là bức gương phản chiếu của mặt sau, với muôn vàn những chi tiết đứt đoạn mà những nếp gấp để lại. Cái còn lại của nụ cười chẳng còn là nụ cười, phần còn lại của nỗi buồn chẳng thể được nhận ra là nỗi buồn, cơn sốt chưa hoàn thiện.

Chính vì vậy trên cùng một khuôn mặt mà Laurent Barnavon đề nghị cho hình ảnh tôi nhận thấy những khuôn mặt chẳng thể sống chung với nhau. Trong cùng một phong cảnh mà anh đem tới cho hình ảnh lại có nhiều phong cảnh chẳng thể liên quan với nhau. Hiện thực, cuộc đời, thế giới trong tôi, trong anh và quanh ta chính là như thế, không thể hiểu được.

Không thể hiểu được, chỉ có thể nhìn và cảm giác bất lực trước muôn vàn những gì mà chỉ một tác phẩm cho đi. Sự bất lực này, nói cách khác chính là sự bất tiện nghi của hình ảnh.

*

GHI CHÚ

Ce n’est qu’une impression” (tạm dịch: Chỉ là một cảm tưởng), triển lãm cá nhân của Laurent Barnavon, tại L’Espace, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, từ 10. 11 đến 10. 12. 2016.
(Tất cả các ảnh trên đều mang cùng tựa đề là “Ce n’est qu’une impression”, tạm dịch: “Chỉ là một cảm tưởng”).

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả