|
|
|
|||||||||||||
AIAAIA Vietnam Eye: từ câu hỏi ngày ấy, “Tại sao chúng ta không làm chương trình này tại Việt Nam?” 16. 11. 16 - 10:59 pmTịch Ru tường thuật14h30 ngày 14 tháng 11 năm 2016 đã diễn ra buổi họp báo ra mắt cuốn sách “Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam” và giới thiệu triển lãm AIA Vietnam Eye. Đây là thành quả trong hơn 5 tháng nỗ lực (họp báo ra mắt AIA Vietnam Eye từ tháng 6, 2016) của Parallel Contemporary Art thực hiện với sự tài trợ của AIA. Về AIA Vietnam Eye: là dự án nhằm quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam, và là dự án thứ 8 của Global Eye Programme – một chương trình bắt đầu từ năm 2009 bởi David và Serenella cùng Saatchi Gallery nhằm nuôi dưỡng các tài năng nghệ thuật tại các thị trường nghệ thuật mới nổi ở khu vực châu Á. AIA Vietnam Eye được tài trợ bởi AIA và nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam, Đại sứ Cộng hòa Italia và Đại sứ Anh cùng rất nhiều các đơn vị khác… Mở đầu họp báo, ông David Ciclitira nói: “Tôi xin cảm ơn ông Nigel Hurst của Saatchi, ông Gordon Watson và ông Wayne Besant từ AIA cũng như ông Đỗ Minh, người từng có một cuộc gặp với tôi vào tháng 1 năm nay, chỉ một câu hỏi của ông, rằng: ‘Tại sao chúng ta không làm chương trình này tại Việt Nam?’ và bây giờ chúng ta ngồi đây… Nghệ thuật đương đại Việt Nam trong vài năm qua đã thực sự được biết đến nhiều với công chúng trên thế giới. nhưng lại chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam, nên tôi thực sự muốn mang chúng đến với công chúng tại Việt Nam cũng như là với những khách du lịch tại Việt Nam.” * Theo ông David Ciclitira, cuốn sách Vietnam Eye do nhà xuất bản Skira rất nổi tiếng của Ý xuất bản. Họ sẽ chịu trách nhiệm in ấn và bán ra trên toàn thế giới. Từ năm 2009, Skira đã xuất bản hàng ngàn đầu sách và bán ra khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Singapore, và đương nhiên Vietnam Eye cũng sẽ được bán tại các hiệu sách trên thế giới. Ông David cho biêt thêm: ngoài những tác phẩm được giới thiệu trong cuốn sách thì một vài nghệ sĩ sẽ có tác phẩm được bày tại Saatchi Gallery vào 2017. Một phóng viên hỏi: “Cuốn sách có kích cỡ bao nhiêu, dày bao nhiêu, in bao nhiêu tác phẩm? Cho hỏi về tác phẩm trang bìa, tại sao lại lấy tác phẩm đó?Và tác phẩm có được dịch ra tiếng Việt không?” Ông David Ciclitira trả lời: “Tốt nhất là bạn nên tự cầm quyển sách lên và xem nó trông như thế nào. Còn về màu sắc của cuốn sách thì xin nhường lại cho vợ tôi Serenella chịu trách nhiệm là bìa sách. Về mỗi quốc gia thì đều có một màu riêng, với cá nhân tôi thì thấy màu vàng rất hợp với Việt Nam.” Bà Serenella Ciclitira nói về việc chọn bìa sách: “Câu trả lời rất đơn giản thôi, vì tôi thích tác phẩm đó. Khi nhìn vào nó tôi thấy rất là Việt Nam. Đừng làm nghiêm trọng quá khi tôi nói rằng người Việt Nam rất hợp với màu vàng.” * Về phần AIA, ông Gordon Watson, giám đốc điều hành khu vực của AIA nói: “Thật vui khi trở lại ngày hôm nay và được cùng Parallel Contemporary Art ra mắt cuốn sách về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Như quý vị có thể thấy, cuốn sách này được trình bày và biên tập rất đẹp và kì công. Cuốn sách này góp phần tạo ra nền tảng để cho nghệ sĩ thế hệ sau có thể lấy làm tài liệu tham khảo và tham chiếu cho các hoạt động sau này.” Ông Gordon cho biết, trong khuôn khổ dự án, sẽ có những sự kiên nghệ thuật hoàn toàn miễn phí ở Nest by AIA, mở cửa vào các thứ Bảy. Ông tin rằng nghệ thuật và giáo dục có những kết nối đặc biệt với nhau. Đó là lý do AIA sẽ cùng tổ chức những hội thảo bằng tiếng Anh mà trong đó sử dụng nghệ thuật làm công cụ kết nối mà qua đó có thể tạo ra môi trường nghệ thuật tốt hơn. Có phóng viên hỏi: “AIA có định hỗ trợ thêm dự án nghệ thuật nào khác ở Việt Nam nữa không?” Ông Gordon cho biết, ở Việt Nam, AIA có phạm vi hoạt động kinh doanh rất rộng lớn. AIA tự nhận thấy mình có sứ mệnh cùng phát triển cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của Việt Nam.Vì là một nhân tố của nền kinh tế Việt Nam nên AIA thấy rằng mình phải có trách nhiệm hỗ trợ cho phát triển nghệ thuật cộng đồng tại Việt Nam. Một phóng viên hỏi: “AIA ở một lĩnh vực khác hẳn với nghệ thuật, sao lại hỗ trợ cho chương trình nghệ thuật này?” Ông Gordon Watson, giám đốc điều hành khu vực của AIA, cho biểu: AIA có niềm tin rằng mình phải đầu tư rất nhiều vào cộng đồng, và nghệ thuật là một trong những lựa chọn để đầu tư vào cộng đồng tại Việt Nam, vì sự thực nghệ thuật chưa được đầu tư như những ngành kinh doanh khác ở Việt Nam. Ông tin rằng với việc đầu tư cho nghệ thuật cho cộng đồng sẽ tạo ra sự cân bằng tốt hơn cho cuộc sống của mọi người. Đó là lý do vì sao AIA lại tài trợ cho chương trình này. * Tiếp theo là phần giới thiệu về Saatchi Gallery: được thành lập từ năm 1985 với mục đích đưa nghệ thuật đương đại đến gần hơn đông đảo khán giả, bằng cách cung cấp một nền tảng sáng tạo cho các nghệ sĩ có cơ hội được thể hiện ý tưởng của mình. Trong dự án này, Parallel Contemporary Art đã có sự đồng hành của Saatchi Gallery. Đại diện của Saachi Gallery là ông Nigel Hurst nói: “Tôi rất vui có mặt tại đây. Tôi xin cảm ơn Parallel Contemporary Art và AIA trong công việc này. Sự hợp tác đặc biệt của chúng tôi sẽ mang lại cơ hội để giới thiệu nghệ thuật mới của Việt Nam với bạn bè trên thế giới. Mục đích của chúng tôi rất đơn giản là hỗ trợ những nghệ sĩ, là những tài năng đang lên trong nền nghệ thuật Việt Nam. “Những nghệ sĩ tham gia lần này đã cho thấy tài năng cũng như tầm nhìn đáng nể của họ. Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Italia và Đại sứ quán Anh quốc thực sự có những ưu ái cho nghệ thuật đương đại, và đây là cơ hội tốt cho chúng ta. “Một lần nữa tôi xin cảm ơn những người đóng góp cho dự án này. Và đặc biệt tôi xin cảm ơn bà Serenella, ông Gordon và ông Wayne của AIA, bà đại sứ Cecilia Piccioni của Italia và ông Giles Lever – đại sứ đặc mệnh toàn quyền Anh quốc, cũng như ông Đỗ Minh – nhà sáng lập Soi. “Lời cảm ơn lớn nhất của tôi dành cho các nghệ sĩ những người đã đem lại những tác phẩm tuyệt vời dành cho cuốn sách của chúng tôi.” * Một phóng viên hỏi: “Xin cho biết về quy mô dự án và mức đầu tư là bao nhiêu?” Ông David Ciclitira nói: “Có lẽ khi nói về nghệ thuật chúng ta sẽ không đề cập đến tiền. Điều mà tôi có thể chia sẻ được với chị là, dự án này đã được khởi tạo từ năm 2009, đã có 28 triển lãm trên thế giới, xuất bản 9 cuốn sách trong đó có 2 cuốn ở tại Triều Tiên và Hàn Quốc. Quý vị có thể thấy, triển lãm lần này của chúng tôi tại Việt Nam rất đa diện. Và với những cuốn sách ở đây, ngày hôm nay, chúng ta có thể nhớ lại khi tôi cùng với Serenella vào năm 2009 đến thăm Hàn Quốc.Khi đó tôi không tìm thấy bất kì cuốn sách nào liên quan đến nghệ thuật đương đại Hàn Quốc.Và sau đó, khi tôi đến thăm các nước khác ở châu Á, tôi cũng không tìm thấy một cuốn sách nào. Đó là lý do mà chúng tôi đã làm ra chương trình này. * Về việc chọn nghệ sĩ để in sách, có phóng viên đề nghị giới thiệu thêm về quá trình giám tuyển cuốn sách. Phóng viên hỏi, trong số 56 nghệ sĩ thì các nhà giám tuyển đã chọn từ bao nhiêu nghệ sĩ Việt Nam? Tiêu chí để giám tuyển quyển sách như thế nào? Ông David Ciclitira cho biết: các giám tuyển của dự án đã làm việc với nhau để lựa chọn ra những tác phẩm này. Mục đích là đưa được nghệ thuật đương đại đến nhiều hơn với công chúng, sao cho công chúng trên thế giới thấy được sự đa dạng của nghệ thuật đương đại Việt Nam.Với các nghệ sĩ có tác phẩm tương tự nhau thì giám tuyển lựa chọn những tác phẩm gần hơn với mục đích của dự án. “Chúng tôi lựa chọn những tác phẩm có thể phản ánh được những vấn đề đương đại. Tôi tin rằng những tác phẩm này là công cụ rất mạnh mẽ để khiến cho con người hiểu hơn về cuộc sống đang diễn ra.” Ông Đỗ Minh bổ sung một ý là 56 nghệ sĩ này được lựa chọn từ trong 180 hồ sơ. Một phóng viên hỏi: “Với các đại diện ngồi trên bàn chủ tịch, có ai trong số các vị AIA là lần đầu tiên tiếp cận với nghệ thuật Việt Nam? Khi tiếp cận thì cảm xúc của các vị ra sao?” Ông Nigel Hurst của Saachi Gallery nói: “Tôi rất ấn tượng khi xem những tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Nổi bật lên đó là những kĩ năng nghệ thuật của người nghệ sĩ, sự đa dạng trong phong cách. thông qua những tác phẩm (mà dự án chọn triển lãm), quý vị có thể thấy nhiều mặt khác nhau của Việt Nam, những lát cắt về đường phố, văn hóa…” “Trong nghệ thuật thì tôi không muốn đưa ra bất cứ một so sánh nào giữa những tác phẩm này với tác phẩm khác của nghệ thuật đương đại trên thế giới. Tôn chỉ của chúng tôi khi triển khai chương trình này là đưa những tác phẩm này cùng với thông tin của nghệ thuật đương đại đến thật nhiều với công chúng, để công chúng có thể nhận ra mặt riêng biệt, tính duy nhất của mỗi một nền nghệ thuật đương đại của mỗi quốc gia khác nhau. “Ngoài ra có một yếu tố nữa là sự đối thoại về ngôn ngữ nghệ thuật đương đại trên toàn thế giới. Thực ra với thời buổi hiện nay, với sự phát triển công nghệ thông tin trên thế giới thì thực sự thế giới trở nên nhỏ lại và nghệ thuật trở nên rộng lớn hơn. Thông qua trao đổi toàn cầu về ngôn ngữ nghệ thuật, chúng tôi muốn đưa tới quý vị thông tin về nghệ thuật đương đại mà qua đó phản ánh sự hòa trộn, sự đối thoại về ngôn ngữ nghệ thuật trên thế giới khi mà các nghệ sĩ trao đổi thông tin với nhau.” Một câu hỏi nữa của phóng viên: “Xin ông bà David và Serenella cho một nhận xét về thị trường nghệ thuật đương đại Việt Nam. Mong ông bà nói về những điểm mạnh, điểm yếu về thị trường nghệ thuật đương đại Việt Nam là gì?” Bà Serenella Ciclitira đáp: “Đối với nghệ thuật thì rất khó để đưa ra được cái gọi là điểm mạnh điểm yếu.Vậy nên câu trả lời của tôi cũng vẫn như lúc trước thôi, khi nhìn vào nghệ thuật tôi sẽ đưa ra cái nhìn của tôi về giá trị (nghệ thuật) của nó. Còn rất khó để đưa ra điểm mạnh yếu của thị trường nghệ thuật.” Vì quỹ thời gian có hạn, nên buổi họp báo kết thúc và chuẩn bị cho cuộc triển lãm lúc 17h30 cùng ngày tại Casa Italia.
Ý kiến - Thảo luận
8:50
Thursday,17.11.2016
Đăng bởi:
LC
8:50
Thursday,17.11.2016
Đăng bởi:
LC
Tịch Ru chụp ít ảnh quá, và chụp quá sớm khi khán phòng chưa full, chắc còn mải tập trung tốc ký tường thuật. Mảng ghế ngồi riêng của các nghệ sĩ, giám tuyển và đại diện các vùng miền, không có ảnh. Lúc hay nhất là tiệc trà xem sách ngoài vườn Metropole cũng bị chàng Ru quên mất. Mình lại lấn bấn nên không chụp một phóng sự ảnh ( như đã làm cho Tết Art). Tiếc ghê !
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp