Đi & Ở

Bí mật trong vườn quốc gia Urbasa-Andia 21. 12. 16 - 6:57 am

Pha Lê

Vào sân bay ở Madrid, nhân viên sân bay hỏi “Bạn đi đâu?”

Bèn trả lời “À, tôi đến Logroño”.

Anh nhân viên ngớ ra, nói anh biết Tây Ban Nha có thành phố nhỏ tên Logroño nằm ở phía bắc, nhưng không biết là có chuyến bay thẳng tới nơi khỉ ho cò gáy đó. Bao nhiêu năm làm ở đây anh mới gặp một người – Việt Nam nữa mới lạ – bay ra đấy, chẳng hiểu để làm gì.

Không lẽ trả lời rằng nơi tôi thực sự muốn đến là làng Baquedano, chỗ còn khỉ ho cò gáy hơn, không có sân bay, xe buýt, không cả… khách sạn nên đành bay tới Logroño rồi tìm đường đi tiếp. Chứ Logroño cách Baquedano rất xa, thành phố duy nhất gần Baquedano là Estella, nhưng “gần” theo nghĩa lái xe hơi khoảng 45 phút đến 1 tiếng, và không thể bay thẳng đến Estella từ Madrid được. Còn muốn gần hơn là phải tìm đường từ Logroño đi đến làng Galdeano – nơi cách Baquedano chừng 15 phút lái xe và có duy nhất… một khách sạn. Trú chân ở Galdeano hoặc Estella rồi đi taxi đến Baquedano vào ngày hôm sau.

Làng Baquedano. (Ảnh: Pha Lê, từ đây toàn bộ hình không chú thích người chụp hay gắn link trong bài là do Pha Lê chụp)

Baquedano là một làng cổ, trong làng toàn nhà đá, mái ngói, có hoa và cây dây leo quấn quanh nhà, với dây lá xanh bò lên tận nóc. Mùa hè làng ngập hoa oải hương tím, tường bao xung quanh làng cũng là tường đá lởm chởm như thời Trung cổ. Đặc biệt, làng nằm kế bên công viên quốc gia Urbasa-Andia, và giáp sát sạt bí mật tuyệt đẹp của nó: hệ thống hồ Nacedero del Urederra.

Ngôi nhà mái ngói với hoa và cây dây leo bò tứ tung ở Baquedano.

 

Tường đá trong làng Baquedano.

Theo tiếng địa phương, “nacedero” có nghĩa là “nguồn”, còn “urederra” có nghĩa là “nước trong vắt”. Nacedero del Urederra chỉ hệ thống hồ, suối nhỏ trong veo với một màu xanh vô cùng đặc biệt. Những hồ nước xanh tự nhiên này có rất ít trên thế giới, ví dụ như hồ Cracker Lake nằm ở phía đông công viên quốc gia Galcier, Montana, Mỹ; hồ Blue Pools ở Queenstown, New Zeland; hoặc hệ thống hồ Nacedero del Urederra của Urbasa-Andia, Tây Ban Nha.

Một hồ trong Nacedero del Urederra. (Hình: Annabel Berrié)

Dân địa phương biết rất rõ về bí mật này, và họ không vội tung hô nó cho ai hay. Người Tây Ban Nha sống ở vùng khác – đặc biệt tại các thành phố lớn như Madrid hay Barcelona – còn chưa nghe tới Nacedero del Urederra bao giờ. Cho họ xem hình thì họ nhíu mày bảo “Cái này… đâu phải ở Tây Ban Nha”. Dân làng Baquedano cũng chẳng hăm hở mời du khách ùa vào Urbasa ngắm cảnh, họ sợ dòng người ồ ạt sẽ làm hư thiên nhiên nên bắt bất cứ ai muốn tới đây phải đặt chỗ trước, một ngày có chừng mấy chục chỗ, bị đặt hết thì thôi khỏi tới xem, thành thử người nước ngoài muốn đi là phải đặt vé trước cả lúc làm visa. Website đặt chỗ nửa đầu có tiếng Anh, nửa sau chắc do lười dịch nên toàn tiếng Tây Ban Nha, cứ như chơi khó du khách. Mà thôi muốn gìn giữ “suối nguồn trong veo” nó phải thế, chứ cái gì cũng đòi “tiện” thì cứ việc nằm phè ở thành phố lớn.

Rừng núi trong công viên quốc gia Urbasa-Andia. Muốn tham quan hồ thì phải đi bộ vào đây.

Baquedano nằm ở phía bắc nên khá lạnh, đi vào buổi sáng sớm, mùa đầu thu là trời hơi se se. Đường đi từ làng đến mặt hồ xanh biếc của công viên Urbasa cũng có nhiều điều thú vị. Ngoài không khí trong lành với nhà bằng tường đá đẹp như sách truyện, người trong làng còn dễ mến, dù không biết một chữ tiếng Anh tiếng Pháp nhưng hễ có ai hỏi đường là múa tay tận tình chỉ. Trên đường lúc nào cũng nghe thấy tiếng chuông leng keng thật dễ thương mà chẳng hiểu từ đâu ra. Một lúc sau đi tới cánh đồng cỏ gần núi mới vỡ lẽ đó là chuông đeo trên… cổ con cừu. Nông dân ở đây nuôi cừu thả ngoài đồng, chú nào chú nấy nom như cục bông. Tôi đi sớm nên gặp ngay một bác nông dân, bác cầm theo bịch đựng vụn bánh mì thừa để cho cừu ăn chơi. Bọn chúng thấy bác bèn xúm lại đón, ăn vụn bánh mì một cách vô cùng hạnh phúc.

Bác nông dân và đàn cừu, hình do Annabel Berrié bạn tôi chụp, còn tôi mải ngắm cừu nên quên xừ vụ ảnh.

Đường từ làng tới công viên quốc gia chừng 30 phút đi bộ, trên đường có núi, đồng cỏ, trang trại đan xen nhau. Vừa đi vừa nghĩ phải thế này mới thú chứ xe hơi hay cáp treo đỗ xịch ngay điểm tham quan là chẳng còn thể thống gì. Nhưng tất nhiên người đi cần chịu mệt, do sau khi đi 30 phút từ Baquedano đến Urbasa, thì đường từ cửa công viên Urbasa – gọi là thế chứ công viên này nom giống khu bảo tồn rừng hơn – đến chỗ hệ thống hồ nước trong xanh cũng tốn cả tiếng nếu quen cuốc bộ, ai đi chậm chắc phải tốn gần hai tiếng mới đến nơi. Đường đi là đường đất không phẳng, chỗ lởm chởm chỗ trơn trượt xém té đập đầu. Được cái trên đường đi từ làng vào rừng núi không có lấy một cọng rác, đỡ hơn lúc thăm thác thăm hồ ở Đà Lạt mà phải xách bị đi nhặt chai nhựa vứt chỏng chơ.

Nhưng đến nơi rồi là sẽ hứng chí đến quên cả mệt. Nacedero del Urederra có khoảng ba hồ lớn và vài hồ nhỏ nằm rải trong phạm vi bán kính 3km. Nước hồ trong veo đến mức có thể nhìn thẳng xuống đáy, và toàn bộ hồ ở đây đều có màu xanh y như thể chúng là hồ cho tiên tắm. Đứa bạn cuốc bộ cùng với tôi lầm bầm nói rằng nó từng thấy một số bãi biển có màu này. Ừ đấy là biển, còn hồ, đặc biệt hồ nhỏ mà xanh chẳng khác nào ngọc ngà châu báu là nghe như chuyện đùa. Đứng ngay tại chỗ ngắm mà cứ tưởng đây là tranh họa sĩ vẽ ra, hoặc đây là màu hóa chất nhuộm vào. Nếu chụp hình để đem khoe thì đa số tưởng người chụp đã mông má bằng photoshop.

Hồ đầu tiên của Nacedero del Urederra.

 

Một hồ nhỏ hơn nhưng nước cũng trong xanh nhìn xuống tận đáy.

Không, đây là hình có sao chụp vậy, chẳng chỉnh màu, filter, cũng chẳng mông má gì. Ba hồ lớn bao gồm một hồ tròn tròn, một hồ dài như suối, một hồ to nhìn tràn con mắt. Đặc biệt màu xanh của hồ sẽ đổi tùy vào ánh sáng. Lúc sớm mai hồ xanh lơ trong trẻo, vào giữa trưa chúng chuyển sang màu xanh đậm đặc như thể có thần thánh nào dùng màu tô lên.

Hồ thứ ba, chụp sớm ở góc nhiều nắng.

 

Hồ thứ ba, chụp panorama ở góc ít nắng hơn sẽ có màu khác.

 

Khoảng giữa trưa, hồ thứ ba chuyển màu xanh đậm, nhìn cứ như hình giả hay chụp bằng ống kính có filter.

Có người từng du lịch Đài Loan bảo rằng xứ Đài cũng có một cái hồ màu xanh, không đẹp như thế này nhưng cũng xanh, phải tội mùi bốc lên hơi hôi vì hồ nhiều lưu huỳnh. Nacedero del Urederra không nhiều lưu huỳnh và không hề hôi, thế màu xanh có từ đâu nhỉ?

Dân làng Baquedano không quan tâm lắm về cái khoa học của màu xanh ở đây. Họ biết nó vốn nhiều khoáng, ví dụ silica – một trong những khoáng mà hồ ở đây có khá dồi dào – biến nước hồ thành màu xanh, hoặc màu đó hình thành từ bột đá, hoặc cả hai. Họ chưa nghiên cứu sâu xem màu ấy bắt nguồn từ nguyên nhân gì trong hai nguyên nhân đó, cũng chẳng vội tìm hiểu. Làng không ham đông người tới hay ấp ủ dự án sống bằng cách khai thác du lịch kiểu “thâm canh”, nên họ chỉ biết sơ sơ thế về màu của hồ, còn lại du khách tự đoán.

Hồ Lake Louise ở Cananda, một trong những nơi khoa học xác định chính thức rằng nước có màu xanh nhờ bột đá. (Hình từ đây)

Khoáng chất silica giúp nước xanh dễ hiểu rồi, chứ bột đá là gì mà biến nước thành xanh được? Nghe hơi bí hiểm. Nhưng cũng không bí hiểm lắm nếu chúng ta hiểu vì sao bầu trời lại xanh – câu mà đứa trẻ con nào cũng hỏi. Bầu trời của chúng ta có nhiều phân tử khí (ô-xy, ni-tơ…), ánh sáng mặt trời thì có 7 màu đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Mỗi màu của ánh sáng sẽ có bước sóng khác nhau. Ví dụ màu đỏ có bước sóng dài, màu xanh có bước sóng ngắn. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào các phân tử khí này, màu có bước sóng dài thường không bị phân tử hấp thụ nên đi xuyên qua, còn màu có bước sóng ngắn như xanh sẽ bị hấp thụ rồi tán xạ ra ngoài, thế nên mắt người nhìn thấy bầu trời ra màu xanh. Cái này dân khoa học gọi là tán xạ Rayleigh.

Biểu đồ giải thích bước sóng dài (đỏ) với bước sóng ngắn (xanh). (Hình từ đây)

Bột đá cũng có tác dụng như phân tử khí. Đôi khi nó còn có tên “sữa băng hà”, do phần lớn bột hình thành từ các vùng núi đá cao có mùa đông lạnh, tuyết đóng thành băng trên núi. Sự ma-xát giữa băng và đá núi tạo nên bột đá. Đến mùa xuân hè, băng tan chảy xuống sông hồ, kéo theo bột đá xuống cùng. Phần lớn bột cũng sẽ lắng xuống đáy hồ. Nhưng trong trường hợp đặc biệt, lúc sự ma-xát giữa băng tuyết và núi đá tạo nên loại bột đá cực nhỏ nhẹ thì chúng sẽ luôn nổi trong nước chứ không lắng xuống được. Giống với phân tử khí bé li ti, màu có bước sóng dài như màu đỏ sẽ chiếu xuyên qua bột đá, còn màu có bước sóng ngắn như xanh sẽ bị hấp thụ rồi phản chiếu lại, giúp nước hồ có một màu xanh huyền bí. Giới khoa học gọi hiện tượng này bằng tên tán xạ colloid (hoặc hiệu ứng Tyndal).

Màu xanh của Nacedero del Urederra có thể từ khoáng silica hoặc từ “sữa băng hà”.

Trong lúc chờ nghiên cứu chính thức xác nhận hệ thống hồ Nacedero del Urederra xanh nhờ silica hay bột đá, ai cũng có thể đến thăm nó, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó nếu chịu đặt chỗ và vác thân đến Baquedano. Lúc đi nên thầm cảm ơn người địa phương đã ra sức giữ gìn cảnh quan, và cảm ơn những khách đi trước đã không xả rác.

 *

Bài đã đăng trên báo Tuổi trẻ Cuối Tuần

Ý kiến - Thảo luận

13:58 Thursday,5.1.2017 Đăng bởi:  Ba Toác
Lại chuyện thiên đường. Đưa vài anh chị Đại Kồ sang đó dạy văn hóa tứ khoái (kiểu món dựa mận kìu, khả năng khạc nhổ trúng đích...), bọn Tây Bán nhà biết mặt ngay.
...xem tiếp
13:58 Thursday,5.1.2017 Đăng bởi:  Ba Toác
Lại chuyện thiên đường. Đưa vài anh chị Đại Kồ sang đó dạy văn hóa tứ khoái (kiểu món dựa mận kìu, khả năng khạc nhổ trúng đích...), bọn Tây Bán nhà biết mặt ngay. 
14:15 Thursday,22.12.2016 Đăng bởi:  phale
@Frederic Cacao: đường lên đấy chẳng tiện đâu bạn, và phải book trước chỗ nữa nên kiểu gì vẫn ít người tới :)
...xem tiếp
14:15 Thursday,22.12.2016 Đăng bởi:  phale
@Frederic Cacao: đường lên đấy chẳng tiện đâu bạn, và phải book trước chỗ nữa nên kiểu gì vẫn ít người tới :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Nói qua một tí về múa vậy

Nghệ sĩ Trần Lương

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả