|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞRạp chiếu bóng thiên đường 29. 11. 16 - 6:21 pmCandidCuối tuần trước các bạn trong nhóm vẽ ký họa đô thị rủ nhau đi vẽ ký họa lại rạp chiếu phim nghệ thuật Hanoi Cinematheque ở 22A Hai Bà Trưng vì nghe nói sau 14 năm liên tục sáng đèn, ngày 30. 11. 2016, rạp sẽ bị đóng cửa vì người ta sẽ đập bỏ tòa nhà kiến trúc Pháp tại nơi này để xây lên một công trình bất động sản nào đấy. Bạn bè trên mạng share nhau những bài viết nuối tiếc trước sự đóng cửa của địa chỉ văn hóa này, tôi thì lại chưa từng đến rạp chiếu phim này nên không hề có những kỷ niệm hay ký ức nào về nó, nhưng cũng như mọi người, tôi cảm thấy buồn vì lại một lần nữa một phần của Hà Nội cũ đang biến mất. Tôi chợt nhớ về một rạp chiếu phim khác vốn rất nổi tiếng khoảng hơn 20 năm trước, nay đã biến mất khỏi Hà Nội, chỉ còn lại trong ký ức của những người như tôi, ấy là Fansland. Đó là một rạp chiếu phim nhỏ nằm cuối phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, vốn là một phòng chiếu phim của Quân đội, vào những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã được cải tạo lại để chuyên chiếu những bộ phim kinh điển và nổi tiếng. Phải nói lại hoàn cảnh ra đời của rạp chiếu phim này.Đó là thời kỳ khủng hoảng của các rạp chiếu phim ở Hà Nội do sự phổ biến của đầu chiếu phim video gia đình và các tiệm cho thuê phim video. Nếu như trước kia các rạp chiếu phim như Tháng Tám, Dân Chủ… luôn đông nghịt người xem thì lúc đấy trở nên hiu hắt vì ai cũng có thể thuê băng về xem tại nhà. Thời đó tôi đã từng xem những suất chiếu ở rạp Tháng Tám chỉ có 5-6 người ngồi xem trong rạp chiếu phim lạnh lẽo. Tuy nhiên thời kỳ ấy chất lượng phim thuê ở các hàng băng video khá tệ vì sao chép lậu, chưa kể các phim mới thường được các đầu nậu thuê người dịch và thuyết minh khá ẩu để kịp tung ra thị trường, nên phải gọi đấy mới đúng là “thảm họa dịch thuật”. Những người yêu phim thời kỳ này chắc hẳn còn nhớ giọng thuyết minh nổi tiếng của một gã nào đấy, trong mọi phim hành động Mỹ mỗi khi gã không dịch kịp thì đệm luôn từ “đồ chó chết” vào lời thuyết minh. Có khi cả phim toàn những câu đại loại như “đồ chó chết này chó chết thật”. Đó cũng là thời kỳ chưa có internet ở Việt Nam nên hoạt động giải trí cũng như thông tin khá là hạn chế. Thông tin về các bộ phim hiếm hoi, người yêu phim hoàn toàn trông chờ từ những tạp chí về điện ảnh. Thế nên khi rạp chiếu phim Fansland ra đời đã giải tỏa cơn khát về giải trí cho thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ. Người sáng lập ra rạp chiếu phim Fansland tên là Dũng, tôi không nhớ anh tên thật là gì chỉ nhớ biệt danh của anh là Dũng Digital. Dũng Digital có một bộ sưu tập về phim và âm nhạc khổng lồ thời bấy giờ ở Hà Nội. Anh đã quyết định hợp tác với rạp phim Quân đội để giới thiệu với giới trẻ Hà Nội những bộ phim và album kinh điển của thế giới. Khi rạp Fansland ra đời, lần đầu tiên thanh niên ở Hà Nội như tôi mới có cơ hội để thưởng thức những hiệu ứng âm thanh của rạp chiếu phim như Dolby, Surround và tận hưởng được vẻ đẹp của những soundtrack mà trước đây do hình thức thuyết minh đè lên âm thanh gốc nên không thể cảm nhận được. Lần đầu tiên thanh niên Hà Nội có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới là nhờ Fansland. Rạp chiếu phim phát không những tờ giới thiệu chương trình chiếu của cả tuần trong đấy có in tóm tắt nội dung của từng phim, phân loại phim theo tiêu chuẩn điện ảnh thế giới. Người Hà Nội quen với những khái niệm như phim phụ đề, soundtrack, âm thanh vòng lập thể là do xem phim ở đây. Tại rạp chiếu phim này lần đầu tiên tôi được xem những tác phẩm như Công dân Kane, Chiến hạm Potemkin, Kẻ cắp xe đạp, Bay trên tổ chim cúc cu… và những tác phẩm bom tấn ăn khách như The Terminator 2. Không chỉ có phim, tôi nhớ ngày ấy khi Fansland chiếu album The Wall của Pink Floyd, thanh niên Hà Nội đã nô nức xếp hàng để đi mua vé, một hiện tượng hiếm thấy. Thời kỳ đó, hàng tuần Fansland có riêng một buổi chiếu chỉ phát phụ đề tiếng Anh, chính nhờ những buổi chiếu phim thế này, tôi và các bạn tôi vốn đang học tiếng Nga mới có thôi thúc phải học bằng được tiếng Anh để có thể xem và hiểu được những bộ phim. Lúc bấy giờ ngoài Fansland, Dũng Digital có mở một cửa hiệu bán và sang băng đĩa âm nhạc và phim ảnh ở phố Quang Trung. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu chứng kiến kho cassette đồ sộ, hệt như Alibaba rơi vào hang toàn vàng bạc. Sau đó tôi đã phải nhịn ăn, nhịn tiêu để mua và sưu tập hàng trăm bộ phim và album âm nhạc ở đây. Với thanh niên Hà Nội vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, rạp Fansland là một cánh cửa để dẫn tới thế giới bên ngoài. Sau giờ làm là hẹn hò nhau lên Fan là đủ để hiểu. Có những lúc bận không đi xem được cũng phải tranh thủ qua xin tờ chương trình để xem liệu có phim gì hay không. Nhờ Fansland, người Hà Nội lại bắt đầu trở lại thói quen đi xem phim ở rạp. Các rạp chiếu phim khác cũng lần lượt nâng cấp ra đời để cạnh tranh. Sau này vì lý do gì đấy, Fansland không được tiếp tục thuê rạp chiếu phim Quân đội nữa. Sau 14 năm, rạp Fansland cũng biến mất chỉ còn lại trong nỗi nhớ của những người yêu phim ảnh. Chuẩn DVD càng ngày càng được phổ biến, internet phát triển cùng sự ra đời của chuẩn nhạc nén cũng đã làm cửa hàng của Dũng Digital biến mất. Tại Fansland tôi từng xem một kiệt tác phim ảnh có tên gọi Cinema Paradiso, rạp chiếu bóng thiên đường, nói về những ký ức tuổi thơ của một người gắn liền với một rạp chiếu phim cũ kỹ của thị trấn, với tôi, Fansland chính là Cinema Paradiso. Tôi không có ký ức gì với rạp Hanoi Cinematheque vì khi rạp ra đời tôi đã có một bộ sưu tập phim riêng của mình nên cũng không có nhu cầu xem ở rạp’ mặc dù tôi có một thời gian làm việc ngay cạnh nhưng chưa từng ghé vào. Thế nhưng tôi tin rằng với rất nhiều người khác, với bạn bè tôi ở Hà Nội, rạp Hanoi Cinematheque ở 22A Hai Bà Trưng chính là Cinema Paradiso của họ. Mặc dù không có kỷ niệm nhưng tôi vẫn thấy buồn, tôi buồn vì lần nữa lại chứng kiến một góc nào đó của Hà Nội lại lặng lẽ biến mất. Giờ đây nhiều khi tôi đi giữa Hà Nội mà không nhận ra thành phố từng quen thuộc. Vẫn biết là trong cuộc chiến tranh giữa những chiếc Lexus và cây Olive thì những cây Olive sẽ phải ra đi để nhường chỗ cho một thời đại mới, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn. Mai này thay vào những tòa nhà cũ kỹ khiêm nhường này sẽ là những tòa nhà cao tầng đè bóng xuống con phố; những trung tâm thương mại sáng choang lạnh lẽo, những tầm hầm ngột thở bí bách với những bức tường vẽ cảnh những con phố giả tạo… Ngày hôm đấy, những người bạn tôi tới rạp để ký họa lại một miền ký ức sắp biến mất. Ngày cuối tuần này những bức vẽ đó sẽ được trưng bày tại 22A Hai Bà Trưng, lần cuối cùng trước khi rạp chiếu bóng này hoàn toàn biến mất. Nếu bạn rỗi rãi hãy ghé qua xem, biết đâu bạn sẽ tìm lại được Cinema Paradiso của bạn.
Ý kiến - Thảo luận
18:55
Thursday,24.9.2020
Đăng bởi:
Lagabat
18:55
Thursday,24.9.2020
Đăng bởi:
Lagabat
Một câu chuyện buồn, thật đáng tiếc!
16:07
Friday,2.12.2016
Đăng bởi:
TT
Mình được xem phim Cúc Đậu ở Fansland khoảng những năm 90, xem xong hồn vía bị lao đao mấy ngày. Đọc bài này thấy lại kỷ niệm của một thời ...xem tiếp
16:07
Friday,2.12.2016
Đăng bởi:
TT
Mình được xem phim Cúc Đậu ở Fansland khoảng những năm 90, xem xong hồn vía bị lao đao mấy ngày. Đọc bài này thấy lại kỷ niệm của một thời
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp