Đi & Ở

Khi nào nên đi tàu trở lại? 07. 12. 16 - 6:23 am

Tu Tu

 Hai ba hôm nay đang thấy mọi người bàn tán, chuyện Bộ Giao thông muốn siết các chuyến bay Tết, để khách chuyển sang đi tàu hỏa. Máy bay tiện quá, rẻ quá nên cướp hết khách của tàu hỏa. Bộ Giao thông như một bà mẹ vừa hiền vừa dại không biết làm gì khi trong nhà có đứa con chịu thiệt thòi, thôi thì cứ cắt bừa những thứ mà anh em của nó đang có một cách hợp pháp, hợp lý, san bớt phần cho nó.

Vì sao đi tàu tuy lâu mà vẫn thích?

Nói chung đi tàu có nhiều cái thích, vì:

– an toàn
– những chặng ngắn rất rẻ
– hầu như không trễ chuyến (trừ phi có sự cố, mà ít lắm)
– thời gian chờ đợi ngắn, không phải làm thủ tục
– mang được nhiều loại hành lý mà máy bay không cho mang
– thức ăn trên tàu ngon hơn trên máy bay 
– có thể mang nhiều thứ lên tàu ăn 
– có thể quây quần cả gia đình trong một khoang 
– ngắm cảnh được nhiều,
– có không khí “giang hồ” hơn: nửa chừng thấy cảnh đẹp quá có thể nhảy xuống ga xép ở lại…

Ảnh từ trang này

Vì sao thích thế mà vẫn không thích? 

Về nguyên tắc, về lý tưởng là thế, nhưng có những lý do sau khiến người ta không thích đi tàu nữa:

Ai đã đi tàu hỏa cũng biết, so với 20 năm trước thì khá hơn rất nhiều. Nhưng mà sự phát triển của tàu hỏa lạ lắm, cứ tiến lên một bước, hai bước, ba bước, lại lùi về một bước, hai bước… Kết quả là sau 20 năm thì tàu hỏa ta đã tiến được… một bước.

Đơn cử: chuyện mua vé tàu.

Hồi ấy nhớ đi mua vé phải chầu trực. Rồi từ năm ngoái có thể mua online. Nhưng trang web mua vé trực tuyến của Đường sắt cứ như làm ra rồi cả nhà bỏ đi đâu hết, không ai trông. Vào mua rất trục trặc, chậm chạp. Đôi khi chán quá tắt luôn máy, ra ga Hàng Cỏ gặp cô bán vé đang ngáp sái quai hàm mà mua cho nhanh.

Hay chuyện vệ sinh. Đang có đà sạch sẽ hơn thì đùng một cái ngành Đường sắt nảy ra sáng kiến mỗi khoang giường nằm (loại 4 chỗ và 6 chỗ) đều có một cái thùng rác. Tức là hai khách nằm giường tầng 1 nhiều khả năng đang đêm mở mắt ra thấy má mình đang kề với thùng rác. Với thùng rác trong từng khoang như thế, đường xa ăn vặt nhiều, không chỉ hai giường tầng 1 bị ô nhiễm mà cả các giường tầng trên cũng hít thở bầu không khí bẩn thỉu. Chỉ riêng cái chuyện này thôi cũng khuyên các bạn nên đi máy bay.

Ngay cả đoàn tàu 5 sao cũng có thùng rác ở đầu giường. Mà tưởng tượng mỗi khoang có 4 hành khách và cứ chốc chốc lại mở nắp thùng vứt rác thì sẽ thế nào. Ảnh từ trang này

Hoặc nhà vệ sinh thì rất bẩn, đặc biệt là nhà vệ sinh có xí bệt. Bàn cầu nhớp nháp, nhân viên trực tàu có lẽ do chủ yếu là nam giới nên ít quan tâm. 29 tiếng đi từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc thì cũng phải dùng đến mấy lần. Gặp hôm xấu bụng nữa là địa ngục.

Nói chung chỉ nên đi tàu hỏa cho những chặng ngắn, thời gian đủ ngắn để không phải nằm, ngồi, vệ sinh; cứ ra ngoài cửa sổ mà đứng ngắm cảnh, vừa nhanh vừa an toàn hơn đi ô tô, mà chặng ngắn quá thì cũng chẳng máy bay nào thèm bay.

Giải pháp nào để người ta thích đi tàu trở lại?

Có lẽ đi tàu sẽ thích khi:

– Mua vé trên mạng dễ như mua vé máy bay
– Nếu mua sớm thì giá giảm nhiều như mua vé máy bay (chấp luôn chuyện đổi vé cũng bị bù nhiều như với vé máy bay)
– Nhà ga, vệ sinh phòng chờ sạch như ở sân bay hay gần bằng sân bay
– Trên tàu sạch như trên máy bay
– Lên tàu từ ga phụ cũng có chỗ ngồi và giường nệm sạch như mới

(Về mặt vệ sinh, có lẽ tốt nhất là cho đấu thầu dịch vụ dọn tàu, kiêm bán hàng trên tàu, độc lập với khối cán bộ công nhân viên đường sắt. Đơn vị nào làm không ra gì thì thay bằng đơn vị khác.)

Ảnh từ trang này

Làm được không?

Làm được chứ. Nước mình mà, không làm được là bởi vì không muốn làm, chưa muốn làm. Chứ không phải ngu đến mức không nghĩ ra cách làm thì tìm cách siết miếng ăn của kẻ khác, phương tiện khác.

 

Ý kiến - Thảo luận

14:53 Thursday,8.12.2016 Đăng bởi:  LC

Cả nhà mình đi chơi bán xuyên Việt bằng tàu nằm rồi. Mua cả một boat, thì vừa đủ chỗ để hành lý. Lúc ấy chưa có thùng rác. Mình nghĩ rằng, có thùng rác thì đỡ hơn là gom vào túi nilon và để đầy trên mặt bàn. Miễn là chính cái thùng được cọ rửa làm vệ sinh trong ngoài sạch sẽ, rồi mới lót túi rác vào. Và cứ trước mỗi bữa ăn thì nên có người đi qua gom
...xem tiếp

14:53 Thursday,8.12.2016 Đăng bởi:  LC

Cả nhà mình đi chơi bán xuyên Việt bằng tàu nằm rồi. Mua cả một boat, thì vừa đủ chỗ để hành lý. Lúc ấy chưa có thùng rác. Mình nghĩ rằng, có thùng rác thì đỡ hơn là gom vào túi nilon và để đầy trên mặt bàn. Miễn là chính cái thùng được cọ rửa làm vệ sinh trong ngoài sạch sẽ, rồi mới lót túi rác vào. Và cứ trước mỗi bữa ăn thì nên có người đi qua gom rác, đổi túi mới.
Nhưng trong đêm, trên tàu mình không thể ngủ được. Những khúc quanh, những chỗ lắc lư dập dềnh, đến ga này ga kia, tiếng rao ngô luộc và " ai lước đê "... Lơ mơ lại tưởng nhà mình như mình là hai ba đứa trẻ chờ đợi một điều gì xa xa ấm áp, bên sân ga, trong chuyện Thạch Lam. Thế là lại lịch kịch ăn quà và mua nọ mua kia, đi cả tháng trời lang bạt mà về đến nhà tăng mấy cân có khiếp không!

 
10:00 Thursday,8.12.2016 Đăng bởi:  Lắm mòm

Một số vị xe ôm từng hay chặt chém, nay "không bắt kịp xu thế thời đại" (chữ của tác giả). Đó là do điện thoại thông minh đã làm nên ngành xe ôm Uber, khiến lợi nhuận của người xe ôm "truyền thống" (không dùng tiện ích Internet) giảm 1/2 (báo hôm nay). Vợ tôi (không phải dân netizen) mừng hú, vì mụ này thường bị bọn xe ôm ngồi cổng chặt chém man di. Tiện ích cô
...xem tiếp

10:00 Thursday,8.12.2016 Đăng bởi:  Lắm mòm

Một số vị xe ôm từng hay chặt chém, nay "không bắt kịp xu thế thời đại" (chữ của tác giả). Đó là do điện thoại thông minh đã làm nên ngành xe ôm Uber, khiến lợi nhuận của người xe ôm "truyền thống" (không dùng tiện ích Internet) giảm 1/2 (báo hôm nay). Vợ tôi (không phải dân netizen) mừng hú, vì mụ này thường bị bọn xe ôm ngồi cổng chặt chém man di. Tiện ích công nghệ thông tin cũng buộc lái taxi phải thật thà hơn: đây nhé ( khách giơ Smartphone) đường đến phố X ở Hà Nội là qua những phố này, chứ anh đang định đi qua... Sài Gòn. Quay lại với đường tàu Việt Nam (ôm chặt đất anh hùng), Thanh Nguyên đã chỉ ra tội vạ là do con mịa biên chế bị đi đêm (thành thị trường đen). Khách phải mua một chỗ để đi tàu một phát thôi, còn người bán vé tàu phải mua chỗ để ngồi bán, để rồi hạ cánh gậm lương hiu, hưởng bảo hiểm bảo hiếc Ô bỏ mẹ care.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả