Nghệ sĩ thế giới

Ousmane Sow: người khổng lồ của Senegal rời đất sét để về với đất 07. 12. 16 - 6:16 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

 

Ousmane Sow, người được mệnh danh là Auguste Rodin của Senegal, chuyên làm những bức tượng khổng lồ về tộc người Nuba, Masai các sắc dân châu Phi, vừa qua đời hôm thứ Năm, 1. 12. 2016, thọ 81 tuổi, theo tin từ AFP.

 

Ousmane Sow sinh năm 1935, ngay từ bé đã được học ở Pháp và thích làm tượng (nghe nói vào lúc ra chơi ông hay nhặt đá để xếp thành những hình người nho nhỏ). Ông học Vật lý trị liệu tại Pháp, hành nghề này tại Senegal, nhưng trong lòng lúc nào cũng vẫn duy trì sự say mê nghệ thuật.

 

Sau khi xem quyển sách ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức Leni Riefenstahl về tộc người Nuba ở Nam Sudan, Sow thực hiện một loạt những tượng to hơn người thực, thể hiện những tay đấu vật Nuba. Ngay khi triển lãm bên ngoài tòa nhà Trung tâm Văn hóa Pháp ở Dakar diễn ra vào năm 1987, loạt tượng này đã ghi danh Ousmane Sow vào những tài năng hàng đầu của điêu khắc.

 

Tiếp theo, Sow thực hiện tiếp những bức tượng khổng lồ về người Masai ở Kenya và Tanzania, người Zulus ở Nam Phi và người Fulanis ở Tây Phi.

 

Làm tượng mà không cần vẽ phác thảo, Sow có lợi thế là sự hiểu biết cơ thể con người của một chuyên gia vật lý trị liệu. Những tượng của ông có bề mặt thô tháp, tỏa ra ngùn ngụt năng lượng, như ôm trọn tinh thần bạo liệt của một châu Phi hậu thuộc địa.

 

Báo Pháp từng tả về một phòng triển lãm tượng của Sow: “Không có gì ngoài những bức tượng ấy trong căn phòng triển lãm trần trụi, nhưng sự hiện diện của chúng lại đầy ắp. Sức mạnh của chất liệu: những người khổng lồ được làm bằng chất liệu hữu cơ, như đất châu Phi đã được ‘nhân cách hóa’.” Hình từ trang này

 

Về mặt kỹ thuật, Sow nói: “Kinh nghiệm làm việc với cơ thể con người cho tôi sự tự do. Tôi biết mình có thể đi xa tới đâu mà không tạo nên một quái vật. Tôi hiểu được các giới hạn. Nếu không hiểu về cơ thể người hoặc kiến thức về tỷ lệ cơ thể, bạn không thể có được sự tự do ấy.”

 

“Đầu tiên là những vụn hồ đã biến chất, rồi tôi ngâm xong trộn với khoảng hai chục món nữa, cuối cùng cho ra một sản phẩm vừa mượt vừa dính.” Ảnh từ trang này

 

“Ở đáy của cấu trúc, có một khung cốt thép mà tôi phủ bằng một tấm lưới nhựa không thấm nước. Tấm lưới này lại được đậy bằng một miếng vải đay. Từ đây tôi làm cho khối cơ nổi bật lên, cứ làm mãi. Kế tới tôi bọc tất cả trong một lớp vải, rồi bao bằng đất sét. Nhưng đất sét không cần lắm. Tôi chỉ dùng nó để níu sáng, khi bề mặt tượng quá nhẵn.” Nguồn: Le Figaro

 

Hồi đầu quả là Sow có dùng nhiều chất liệu khác nhau một phần vì thiếu tiền. Nhưng sau này, khi đã bán được tác phẩm, ông bắt đầu đổ khuôn đồng lại một số tượng thời kỳ đầu, cũng như một số tượng mới làm. Ảnh từ trang này

 

Sow có một bộ tượng lớn là “Battle of Little Bighorn” (Trận chiến ở Bighhorn Nhỏ) với 11 con ngựa, 24 hình người, bày tại bảo tàng Whitney chuyên về Nghệ thuật Mỹ vào năm 2003.

 

Năm 2011, bức “Toussaint L’Ouverture and the Old Slave” của ông là tác phẩm trung tâm của triển lãm “African Mosaic” tại Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật Mỹ tại Washington. Đây là tác phẩm để kỷ niệm hai trăm năm tinh thần Cách mạng Pháp, tưởng nhớ người nô lệ Haiti đã có một cuộc nổi dậy vào cuối thế kỷ 18. Trong ảnh là một bức tượng chiến binh của Sow. Nguồn từ trang này

 

Ousmane Sow được thế giới biết đến nhiều khi tác phẩm của ông được chọn để dự liên hoan nghệ thuật Documenta 1993 ở Kassel, Đức, và Venice Biennale 1995.

 

Đến năm 1999, 68 bức tượng lớn của ông bày ở Pont des Arts tại Paris đã thu hút khoảng 3 triệu lượt người đến xem.

 

Năm 2013, Ousmane Sow trở thành nghệ sĩ đầu tiên, là người nước ngoài thuộc châu Phi, được kết nạp làm thành viên của Viện Mỹ thuật (thuộc Viện Hàn lâm Pháp). Ảnh từ trang này

 

Ousmane Sow mất ở Dakar hôm 1 tháng 12 năm 2016, thọ 81 tuổi. Người khổng lồ của đất sét đã về với đất.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:51 Friday,9.12.2016 Đăng bởi:  Raumuong Iuxiu

Hay quá, cảm ơn người tường thuật! Đó là tinh thần của một châu lục, tất nhiên các ông Pháp khôn phải ôm về mình rồi, tựa như một nửa đội bóng quốc gia Pháp hầu như có đủ các sắc độ đen! Máu đỏ da vàng ơi, nhìn họ nhé. Tuy nhiên phải cấm mấy anh Pháp ôm ta. Bay láo nào, ừm ừm!


...xem tiếp
23:51 Friday,9.12.2016 Đăng bởi:  Raumuong Iuxiu

Hay quá, cảm ơn người tường thuật! Đó là tinh thần của một châu lục, tất nhiên các ông Pháp khôn phải ôm về mình rồi, tựa như một nửa đội bóng quốc gia Pháp hầu như có đủ các sắc độ đen! Máu đỏ da vàng ơi, nhìn họ nhé. Tuy nhiên phải cấm mấy anh Pháp ôm ta. Bay láo nào, ừm ừm!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả