Gẫm & Bình

Đọc mãi không hiểu: “Điêu khắc mới, chủ nghĩa hình thức và triển lãm điêu khắc Sài gòn-Hà Nội” 10. 12. 16 - 9:00 pm

Vũ Huy Thông

 TRIỂN LÃM ĐIÊU KHẮC HÀ NỘI-SÀI GÒN, LẦN THỨ TƯ

Thời gian: từ ngày 12 đến 22. 12. 2016
Khai mạc: 17h ngày 12 . 12. 2016
Địa điểm: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Km 10, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Một tác phẩm của Lương Văn Trịnh

“Bản chất trong mọi loại hình mỹ thuật nằm ở hình thức”

(Immanuel Kant, 1790)

Chủ nghĩa hình thức (Formalism) trong nghệ thuật là một câu chuyện không có hồi kết. “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” thực tế chưa khép lại sau các tranh luận, phê bình và tự phê bình của văn nghệ sĩ ở Việt Bắc những năm 1950 và sau đó, kéo dài vài thập kỷ với thế độc tôn của nghệ thuật Hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ tối thượng phản ánh hiện thực tiến bộ và xu hướng đi lên thắng lợi của xã hội. Chủ nghĩa hình thức hay “nấm độc của Chủ nghĩa tư bản” với các “ism” Lập thể, Siêu thực, Trừu tượng… có thực sự không hề tồn tại trong mỹ thuật Việt Nam?

Một tác phẩm tại triển lãm

Một thời gian dài, phong cách tập thể đại diện cho bộ mặt mỹ thuật mà điển hình là các điêu khắc công nông binh hồ hởi giống nhau hiện diện ở các triển lãm mỹ thuật và không gian công cộng. Nội dung và chủ đề tác phẩm là tiêu chí được xếp cao hơn các tìm tòi về phong cách và ngôn ngữ nghệ thuật thuần túy như bố cục, màu sắc, hình dạng, chất liệu. Đã và hiện vẫn tồn tại những đánh giá tiêu cực gắn liền với khái niệm Chủ nghĩa hình thức trong nghệ thuật, nhưng song song với đó, đã và vẫn có những nỗ lực vươn tới sự giải phóng chức năng tự sự (narrative), nhiệm vụ giáo dục và tuyên truyền của nghệ thuật, tìm và “thấy” khả năng biểu đạt độc lập của ngôn ngữ nghệ thuật, thấy được tính “tự trị” của một lãnh địa thuần túy dành cho năng lực đối diện với các vấn đề của hình dạng, màu sắc, chất liệu và tiếng nói cá nhân.

Tác phẩm của Bùi Hải Sơn

Triển lãm Điêu khắc Sài Gòn-Hà Nội, Hà Nội-Sài Gòn năm 2016 lần này là lần thứ tư tập hợp sáng tác của (nhiều hơn là một nhóm) các nghệ sĩ có thể đại diện cho phần nào nghệ thuật điêu khắc Việt Nam trong thời gian gần một thập kỷ nay. Đã có những tổng kết về diện mạo mỹ thuật 30 năm sau thời điểm Đổi mới, cũng đã có nhiều hơn 3 cuộc triển lãm điêu khắc quy mô toàn quốc kể từ cái mốc thập kỷ 1980, nhưng đánh giá chung về nghệ thuật điêu khắc “đổi mới” là gì? Có thể lấy ví dụ về “đổi mới” từ những tác giả, tác phẩm tham gia Triển lãm Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn được không? Câu trả lời cho “đổi mới” nằm ở chính các biểu hiện của Chủ nghĩa hình thức, nằm ở những tác phẩm thuần túy xoay trở, tháo dỡ kết cấu hiện thực khuôn mẫu, phá bỏ ranh giới chất liệu, loại hình và nhất là, không đặt vấn đề nội dung trong mục tiêu sáng tác. Câu trả lời cho “đổi mới” nằm ở các tác phẩm chẳng hề “kể” một câu chuyện, chẳng gánh vác trọng trách “diễn đạt” lịch sử mà chỉ là các khao khát bộc lộ bản chất thao tác điêu khắc theo đúng nghĩa nguyên thủy và logic là sự bộc lộ đương nhiên bản chất cá nhân nghệ sĩ. Câu trả lời về sự đại diện của phần nào các tác giả, tác phẩm qua 4 cuộc Triển lãm Điêu khắc Sài Gòn, Hà Nội cho “Nghệ thuật điêu khắc mới Việt Nam” có thể nhìn thấy ở sự góp mặt của ba thế hệ nghệ sĩ, những người cùng chung một “thái độ” đối với Chủ nghĩa hình thức trong nghệ thuật điêu khắc, những người đã (và chưa) có tiếng nói cá nhân trong các biểu hiện thuần túy hình khối của kim loại, của sự kết hợp gỗ, đá, giấy, thủy tinh…, sự mở rộng yếu tố không gian, ngữ cảnh trong tác phẩm.

Tác phẩm của Trần Việt Hưng

Và sẽ là nhiều hơn một câu trả lời nếu ở những cuộc triển lãm kế tiếp, một xu thế sáng tạo sẽ định hình trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

*

“Điêu khắc mới, chủ nghĩa hình thức và triển lãm điêu khắc Sài gòn-Hà Nội” là tên bài viết gốc. Soi vì đọc mãi không hiểu nên thêm chữ “Đọc mãi không hiểu” vào. Mong các bạn đọc xong cùng phân tích.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:09 Tuesday,8.8.2017 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Đại
 
Hình như là bài của cán bộ quản lý, cán bộ tuyên truyền hay sao ấy!
 
...xem tiếp
16:09 Tuesday,8.8.2017 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Đại
 
Hình như là bài của cán bộ quản lý, cán bộ tuyên truyền hay sao ấy!
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả