|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiTranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku” 16. 12. 16 - 6:39 amHieniemic
Đây là một trong những bức xuất sắc nhất, và có thể coi là bức vẽ cảnh ban đêm đẹp nhất trong bộ “Một trăm danh thắng Edo” của Hiroshige. Và có lẽ cũng là bức khó in nhất, vì nhiều bản in hoặc là quá tối, hoặc là quá sáng, hoặc là màu sắc không thật chuẩn. Ở trên đây là bản sao chụp điện tử thuộc loại đẹp nhất và chuẩn nhất mà tôi tìm được (so với màu của bản in trong sách tôi có), tôi lấy từ trang của bảo tàng Mỹ thuật Boston. Ryōgoku là âm Hán-Nhật của “lưỡng quốc”, tức là cây cầu vắt qua sông Sumida giữa hai tỉnh cũ (tức “quốc”) Musashi (tỉnh có Edo) và Shimōsa. Pháo hoa được Chinh di Đại Tướng quân (shogun) Tokugawa cho bắn vào ngày 28 tháng 5 Âm lịch để mở cửa sông và trừ tà. Hiroshige không chỉ vẽ pháo hoa Ryōgoku một lần. Ông vẽ nhiều tranh, khi thì với góc nhìn từ sát mặt nước dưới chân cầu, khi thì từ trên bến thuyền, lúc lại từ đằng xa bên bờ sông nhìn lại (xin xem ở phụ lục cuối bài). Trong tranh này, điểm nhìn là từ thật cao trên không trung, và pháo hoa nổ sáng rực cả một góc trời thành một quả cầu (hay trông như một lồng đèn) khổng lồ, rất chiaroscuro. Mắt người xem tập trung vào đường cong parabola vàng của quả pháo bắn lên trời. Nền trời được làm nhạt ở giữa, kèm với dải lờ mờ sáng ở đường chân trời, làm lộ lên những dãy nhà và cây cối phía xa. Đây là kỹ thuật in màu bokashi (làm nhòe) để tạo độ đậm nhạt cho bức họa. Thông thường, khi cho màu lên ván, người thợ in sẽ lấy cọ xoa đều màu khắp mặt ván. Để tạo độ đậm nhạt, màu được phết lên ván in tụ ở một vùng đậm nhất, sau đó, lấy cọ quệt đều ra các hướng. Điều này đòi hỏi người thợ in phải rất đều tay (xem hình dưới, trích trong Begin Japanology của đài NHK). Chính vì vậy, mà đầu bài nói bức tranh này thuộc hàng rất khó in. Chi tiết dãy nhà và cây cối phía xa, tùy theo ấn bản mà có thể thấy được. Bản chụp bên dưới của bảo tàng Harvard trời thiên về sắc xanh hơn, và pháo hoa không sáng và ấn tượng bằng (nếu không muốn nói là nhìn rất chán), nên có thể thấy đươc nhà cửa và cây cối. Bản của Boston ở trên, ta chỉ có thể thấy lờ mờ hình thù lúc có lúc không. Dưới sông Sumida là tấp nập tàu thuyền. Đêm hội hè pháo hoa là dịp để thị dân buôn bán. Những chiếc thuyền ngắm cảnh, nhậu nhẹt, treo lồng đèn sáng rực cả mặt nước sông. Thế giới ukiyo-e, thế giới nổi trôi, thế giới của mộng huyễn bào ảnh, không phải đây thì còn là đâu? Phụ lục: Các tranh cầu Ryōgoku khác của Hiroshige “Hoàng hôn trời tuyết ở cầu Ryōgoku“, trong bộ “Tám cảnh tuyết ở Đông Đô”: nhìn từ mặt nước. Nền trời cũng dùng bokashi. “Ryōgoku ở Đông Đô“, trong bộ “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ”: nhìn từ bến thuyền “Trăng chiều ở cầu Ryōgoku“, trong bộ “Danh thắng Đông Đô”: từ chân cầu nhìn ra. * Tranh cổ Nhật Bản: - Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi” - Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình” - Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku” - Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê - Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng - Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e - Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ” - Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara” - Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha - Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về - Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii - Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui - Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới” - Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai - Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ - Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến - Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại - Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa Ý kiến - Thảo luận
14:21
Friday,16.12.2016
Đăng bởi:
candid
14:21
Friday,16.12.2016
Đăng bởi:
candid
Lần trước em sang Nhật có mua mấy tấm nhỏ khổ như bưu thiếp vì cũng đắt. Để em kiếm sách của Taschen vậy. Sách tiếng Nhật để sau. Theo dõi thì em thấy thích những bức đơn giản như con cáo, cú mèo nhưng các bức phong cảnh thì cũng phải cần có người giải thích thêm mới hiểu. Cám ơn bác.
13:38
Friday,16.12.2016
Đăng bởi:
Hieniemic
Nếu bác Candid muốn xem tranh in trên Hòa chỉ, có thể đặt mua trên các trang bán tranh trên mạng, hoặc chí có nước sang Nhật mua tận tay (khu phố sách Jinbocho chẳng hạn). Còn nếu là sách tiếng Tây thì có thể mua các cuốn của nhà Taschen, làm cực đẹp (google Taschen ukiyo-e). Sách của Phaidon nhìn qua cũng đẹp, nhưnh em chưa thấy tận mắt. Sách của Nhật chắc cũng nhiều quyển đ
...xem tiếp
13:38
Friday,16.12.2016
Đăng bởi:
Hieniemic
Nếu bác Candid muốn xem tranh in trên Hòa chỉ, có thể đặt mua trên các trang bán tranh trên mạng, hoặc chí có nước sang Nhật mua tận tay (khu phố sách Jinbocho chẳng hạn). Còn nếu là sách tiếng Tây thì có thể mua các cuốn của nhà Taschen, làm cực đẹp (google Taschen ukiyo-e). Sách của Phaidon nhìn qua cũng đẹp, nhưnh em chưa thấy tận mắt. Sách của Nhật chắc cũng nhiều quyển đẹp nhưng em chưa có dịp đụng vào.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp