Trường phái

Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê 23. 12. 16 - 7:59 am

Hieniemic st

Tranh cá trê (nemazu-e) là một chủ đề của ukiyo-e. Bài này sẽ giới thiệu hai bức tranh cá trê với hai chủ đề phụ về trê, vốn thịnh hành và hay gặp trong hội họa khắc gỗ thị dân Edo thế kỷ 18, 19, chủ yếu vì yếu tố hài hước và giải trí của chúng.

1. Utagawa Kunisada, Bắt cá trê bằng quả bầu (Hyoutan nemazu, tranh trê bầu).

.

Đây là bức trong bộ “Các điệu múa shosagoto theo các bức tranh nổi tiếng” của Kunisada. Utagawa Kuniyoshi là họa sĩ ukiyo-e bậc thầy, thuộc họa phái Utagawa, sống cùng thời và cùng họa phái với Hiroshige. Khác với Hiroshige chuyên về phong cảnh, Kuniyoshi chuyên vẽ tranh chủ đề võ sĩ trong huyền thoại và lịch sử, và trở nên cực kỳ nổi tiếng với thể loại này.

Đây là tranh nemazu-e về chủ đề số 1: trê bầu. Trê bầu là một chủ đề ăn theo bức “Biều niêm đồ” (nghĩa là “Tranh trê bầu“) nổi tiếng (bảo vật quốc gia) của Thiền sư Josetsu (Như Chuyết, một Thiền sư người Trung Quốc sống ở Nhật). Bức tranh của Josetsu không phải ukiyo-e mà là tranh mực tàu.

Trích đoạn “Biều Niêm đồ” của Như Chuyết. Phía phần trên bức tranh (không thấy) còn có 31 bài thơ. (Các bạn bấm vào hình để xem bản to)

Chủ đề tranh là công án Thiền của Tướng quân Ashikaga ban cho Josetsu: làm sao để bắt con cá trê bằng quả bầu. Cả quả bầu lẫn cá trê đều là hai thứ trơn tuột. Trên bức tranh gốc này có 31 bài waka tán thêm về công án này, có những bài dịch ra đại loại như:

“Bắt trê bằng bầu là một ý hay, nhưng còn cách hay hơn là lấy dầu bôi thêm vào bầu cho trơn.”

“Nếu bắt trê bằng bầu rồi thì hãy nấu thành canh. Nếu rồi không có cơm thì hãy nấu cát lên ăn cùng.”

Chi tiết bắt cá trê

Trở lại với bức tranh của Kuniyoshi, chú khỉ bắt trê thật ra là một diễn viên Kabuki. Biết được điều này vì tranh nằm trong bộ về Shosagoto, một màn múa của tuồng Kabuki, hầu như không thoại, thể hiện kỹ năng diễn xuất của diễn viên và phục trang lộng lẫy của đoàn kịch. Tranh được chọn vì vẻ mặt hài hước của cả trê lẫn khỉ.

Chi tiết mặt khỉ và mặt trê

2. Không rõ tác giả, Cá trê lớn gây động đất ở khu Tân Yoshiwara.

(Các bạn bấm vào hình để xem bản to)

Ngoài tranh “trê bầu”, còn có tranh “trê động đất”.

Truyện cổ Nhật kể rằng có một con cá trê lớn (ō-nemazu) sống ở dưới lòng đất và thường gây ra động đất. Thần sấm Takemikazuchi-no-mikoto đã dùng một cọc đá dài (và to), gọi là kaname-ishi, để đóng xuống đầu con trê. Phần nhô lên của cọc đá này hiện ở đền Kashima thờ Thần sấm (xem phụ lục).

Tuy nhiên, mỗi khi thần về Izumo dự hội, con trê lớn lại trồi dậy để đi phá phách, gây động đất khắp nơi.

Tranh vẽ cảnh người dân ở khu đèn đỏ Yoshiwara (ở Edo, đã nói ở bài trước) tóm được con trê lớn và đang tẩn nó. Người dân ở đây gồm cả trai tráng thị dân lẫn kỹ nữ trẻ đẹp. Con trê thì tỏ vẻ mặt tí tởn, vì càng được kỹ nữ đụng vào người nó càng khoái (đúng chất hài hước của thị dân, khác kiểu thẩm mĩ tiết chế của võ sĩ).

Chi tiết mặt cá trê sung sướng dù bị đánh

 

Một con cá trê con cũng bị tẩn

Tuy nhiên, từ đằng xa, có một nhóm người đang chạy tới, có vẻ để giải cứu con trê. Họ là đám thợ xây, những người sẽ thu lợi nhờ việc con trê gây động đất làm đổ nhà sập cửa. 

Chị tiết những người thợ xây

Phụ lục: Tranh Thần sấm đóng cọc vào đầu con trê, không rõ tác giả. Phần tranh phía trên là phần đầu cọc đá nhô lên ở đền Kashima.

.

*

Tranh cổ Nhật Bản:

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”

- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”

- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha

- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về

- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii

- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui

- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa

Ý kiến - Thảo luận

11:22 Saturday,24.12.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Bạn Hiển viết rất hài, đọc mà không nhịn được cười.
...xem tiếp
11:22 Saturday,24.12.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Bạn Hiển viết rất hài, đọc mà không nhịn được cười. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả