Dở thế nào thì ngôn ngữ và ngòi bút bất lực. Hình ảnh dở, âm thanh dở, nhạc dở, diễn xuất dở, cái gì cũng dở nhưng đây không phải là dở về kỹ thuật, vì thiếu thốn phương tiện, vì kém chuẩn mực chuyên môn điện ảnh. Đoàn quay là dân điện ảnh chuyên, quay tại phim trường chuyên tại Hollywood bằng máy xịn. 2003 là thời video HD mới xuất hiện và Wiseau sử dụng hai máy sinh đôi bằng cách gắn một máy HD cạnh một máy quay phim 35mm, và lấy tất cả các cảnh, góc hình trên cả hai máy và như thế cần có hai đội quay. Sau khi quay xong phim, anh quyết định chỉ dùng bản phim. Dùng từ “quyết định” có lẽ không đúng người, vì Wiseau luôn đổi ý. Vai Lisa lúc đầu là một diễn viên Nam Mỹ, sau khi cô rũ áo (ngủ đỏ) ra đi thì Juliette Danielle được tuyển thẳng từ bến xe đò mới đến từ Texas vào thẳng phim trường để quay ngay cảnh cụp lạc đầu (“đêm mưa áo đỏ”). Cô này ở lại với đoàn, may thế, không như một diễn viên phụ, vai nhà tâm lí học và bạn của Johnny, hết hợp đồng 3 tuần thì đi phim khác, khiến cuối phim vai của anh được một diễn viên khác thay thế!
Juliette Danielle trong vai Lisa
Bộ phim hao tốn và chậm trễ vì Wiseau không thuộc kịch bản do chính anh biên, không thuộc lời thoại vai anh diễn, di chuyển sai vị trí của vai diễn trước ống kính (khiến phải quay đi quay lại nhiều lần). Anh đổi toàn thể đoàn những hai bận, thay tất cả các nhân viên kỹ thuật. Có cảnh quay ở phim trường rồi lại quay ở ngoài vì đạo diễn không vừa ý.
Biên kịch/đạo diễn/diễn viên chính Tommy Wiseau. Đây cho ta thấy máy quay khủng sinh đôi, một máy phim nhựa và một video. Ảnh từ trang này
The Room, nếu đoàn giá thành thì chỉ khoảng $300.000 đổ lại nhưng thật ra tổn phí lên đến 6 triệu USD! Có đến hai đoàn quay, một tại phim trường và một quay ngoại cảnh ở San Francisco. Lỡ có hai đoàn rồi, nên phim cứ 2 hay 3 phút lại thấy cầu Golden Gate Bridge. Màn party sinh nhật của Johnny, khoảng một chục người có mặt. Cứ hai câu thoại, thí dụ giữa Johnny và Mark, thì lại cắt sang ngoại cảnh San Francisco ban đêm (nhà, đường, chung chung, cầu Golden Gate, chứ không phải ngoại cảnh của căn hộ câu chuyện). Sau đó ta thấy Lisa trao đổi hai câu thoại khác với Mark, rồi lại ngoại cảnh thành phố. Sau đó là Lisa nói chuyện với Johnny, và cái gì xảy ra? 5 hay là 6 giây ngoại cảnh San Francisco!
Tại sinh nhật của Tommy. Ba người cạnh trái hình là Lisa (tóc vàng áo đen), Denny (áo đen quần trắng), Mark (sau lưng Denny)
Trong phim có đến 4 bận các nhân vật vừa nói chuyện vừa chuyền nhau banh bầu dục. Một màn khó hiểu là tự nhiên bốn nhân vật nam mặc tuxedo lễ hội và ra ngõ chuyền nhau banh bầu dục. Rồi xong. Xong rồi, qua chuyện khác, trang khác của kịch bản. Vậy thôi, và nghĩa là gì thì các nhà phê bình chỉ có thể đoán hay gán cho tác phẩm này chức danh “outsider art” (nghệ thuật ngoại vi).
Cảnh trong phim
Dễ phân tích hơn là cảnh Johnny đi mua hoa.
Anh yêu Lisa, và chăm sóc cô ý tứ. Tặng hoa cho người yêu là cách thể hiện tình cảm này. Ta có thể vào cảnh bằng cách Johnny bước vào nhà, tay cầm một bó hoa, còn đi mua ở hàng nào là việc của đạo cụ, khán giả không cần biết. Thay vì thế, ta thấy (Ngoại-Ngày) – Một cửa hàng hoa (3 giây). Xe của Johnny trờ tới và dừng lại (thêm 3 giây nữa). May là chiếc xe này ta đã thấy trước vài bận và biết là của vai Johnny. Thêm 3 giây, anh bước vào cửa hàng. (Nội-Ngày), anh chào hỏi, rồi hỏi “cho tôi một chục hồng”, bà hàng hoa đi lấy chục hồng này và bảo “$18”. Johnny móc tiền ra nói “Khỏi cần thối” (anh đưa $20). Anh bước ra, bà bảo “Anh là khách tốt nhất của tôi”. Johnny cười “Haha”, anh chào con chó nằm trên quày “Hi, dog!”, chào mọi người rồi bước ra. (Ngoại-Ngày) anh lên xe (3 giây), nổ máy xe (máy hình thì vẫn đứng nguyên một vị trí thêm 2 giây), xe anh ra khỏi khung hình, máy nán lại thêm 3 giây nữa trước cửa hàng hoa.
Bà chủ cửa hàng hoa và con chó
Vậy cửa hàng hoa này có gì đặc biệt? một phút phim vừa kể để làm gì? Bà bán hàng sau này sẽ xuất hiện tại căn phòng và mang theo con chó? Nó sẽ đánh hơi được lá thư tình nào ép nước hoa mà Lisa định gửi cho Mark? Chẳng phải thế, vì hàng hoa này và con chó chẳng bao giờ trở lại. Cảnh mua hoa này là một “hành động miễn phí” như trong Những hầm Vatican của nhà văn Andre Gide. Trong truyện này, nhân vật Lafcadio đẩy một ông cụ cùng toa xuống đường tàu, tại vì anh thích thế và tại vì nó “miễn phí” và vô nghĩa. Trong The Room, mấy phút này hiện diện là vì đạo diễn thích miễn phí và vô nghĩa? Hay là để nhấn mạnh Johnny là một người tốt, ngay cả bà hàng hoa cũng nghĩ thế: “Anh là khách tốt nhất của tôi”. Cả con chó cũng nghĩ thế tuy nó không nói gì, và 3 giây cuối cùng thấy cửa hàng bất động sau khi xe của anh đã ra khỏi khung hình là để cho ta suy ngẫm.
Cửa hàng hoa nơi Johnny vào mua hoa
Cuối phim Johnny thốt lên, “Tôi là một người tốt và ai cũng phản bội tôi hết!” Xin phép không phân tích phần “phản bội” trong The Room vì sẽ lôi thôi lắm, lại phải nêu nhân vật Macbeth của Shakespeare và dẫn thêm một cảnh khác trong phim. Thí dụ, cảnh Lisa vừa mới ở chợ về và tâm sự với một người bạn gái. Hai người ngồi trên ghế sa lông. Lisa dứng dậy, lấy từ trong túi đi chợ ra một món hàng (khoai tây chiên) và nói một câu thoại. Cô lấy ra tiếp một món hàng khác (ngũ cốc ăn sáng) và nói thêm một câu thoại. Cô lấy ra một món nữa (dầu chiên thực phẩm) và nói câu thoại thứ ba. Đây có thể coi như là phản bội tiềm ẩn trong Macbeth (của Shakespeare). Khoai tây, Macbeth phản bội vua Duncan. Ngũ cốc ăn sáng, Macbeth phản bội bố con Banquo. Dầu chiên thực phẩm, Macbeth phản bội Macduff. Macbeth phản bội là để giữ ngôi và Lisa phản bội là để giữ người tình Mark trong bộ phim “nghệ thuật ngoại vi” này.
The Room sau khi được/bị một chương trình hài của truyền hình mang ra diễu thì trở thành một bộ phim nổi tiếng thực sự. Nổi tiếng đến mức nào, xin đợi đọc bài sau.
Phim có vẻ có nhiều khẩu Chekhov's gun không bao giờ được nổ. ...xem tiếp
12:20Wednesday,14.12.2016Đăng bởi: Anh Nguyễn
Phim có vẻ có nhiều khẩu Chekhov's gun không bao giờ được nổ.
3:09Wednesday,14.12.2016Đăng bởi: SA
Áp phích ở đầu bài là do một fan cuồng của film thực hiện để tôn vinh chứ không phải là áp phích của nhà phát hành. Đây là một vinh dự ít bộ film nào có, kể cả "Cuốn theo chiều gió".
"1 chuyện tình và phản bội sẽ làm bạn bị xé nát! (góc trái dưới) Người ta nói tình yêu là mù quáng Bạn có biết ý nghĩa của cuộc đời? Bạ ...xem tiếp
3:09Wednesday,14.12.2016Đăng bởi: SA
Áp phích ở đầu bài là do một fan cuồng của film thực hiện để tôn vinh chứ không phải là áp phích của nhà phát hành. Đây là một vinh dự ít bộ film nào có, kể cả "Cuốn theo chiều gió".
"1 chuyện tình và phản bội sẽ làm bạn bị xé nát! (góc trái dưới) Người ta nói tình yêu là mù quáng Bạn có biết ý nghĩa của cuộc đời? Bạn có biết không?"
Có trái banh bầu dục trên hai nhân vật và cả con chó của hàng hoa. Sau lưng Jonny là cầu Golden Gate.
"Lisa, em xé nát tôi ra" là câu thoại nổi tiêng nhất trong film này, nhại từ diên xuất của James Dean trong "Rebel without a cause".
"Hai chị em nói chuyện gì vậy? Thì chuyện đàn bà... Anh sắp là chồng em chứ bộ! Anh có chắc không? Phụ nữ thường thay đổi. Haha Thôi em đi ngủ đây... Tại sao? Tại sao Lisa? Em là tất cả cuộc đời. Anh không sống được... Anh làm tôi sợ... Em nói láo! Tôi không bao giờ đánh em cả! Lisa, em xé nát tôi ra! Nhưng anh vẫn yêu em. Em có biết ý nghĩa của cuộc đời? Em có biết không? Chúc em ngủ ngon"
...xem tiếp