Nghệ sĩ Việt Nam

Họa sĩ Uyên Huy nói về Vietart Today 2016: “Tôi cảm thấy đây là một tổ chức tốt của người Việt” 19. 12. 16 - 5:50 pm

Hiền Hòa

“Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp – Vietart Today 2016” là cuộc thi (từ tháng 10. 2016 đến 2. 2017) nhắm tìm kiếm con đường hình thành một nền mỹ thuật chuyên nghiệp cho họa sĩ trẻ Việt Nam. Cuộc thi do The V Art và CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) phối hợp tổ chức, với giải Nhất tổng cộng hơn 2,6 tỷ đồng, giải Nhì hơn 1,5 tỷ đồng, giải Ba hơn 1 tỷ đồng. Đây được cho là con số khủng, vì từ trước đến nay giá trị các giải thưởng dành cho mỹ thuật tại Việt Nam thường có tính tượng trưng. Đêm trao giải dự kiến diễn ra cuối tháng 2. 2017 tại TP.HCM. Chi tiết về có thể tham khảo tại website.

Họa sĩ Uyên Huy (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nguyên trưởng khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM) là cố vấn chuyên môn của cuộc thi này.

Họa sĩ Uyên Huy

Lý do nào dẫn ông đến quyết định nhận lời cố vấn chuyên môn cho cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp – Vietart Today 2016?

Sau khi tham khảo mục tiêu hoạt động của The V Art – nơi tổ chức cuộc thi Vietart Today 2016 – tôi cảm thấy đây là một tổ chức tốt của người Việt. Họ thật sự có quan tâm đến việc khám phá, giúp đỡ, tạo điều kiện, cơ hội kích thích mỹ thuật trẻ, phát triển Việt Nam tài năng của nghệ sĩ trẻ. Tôi cho rằng kế hoạch, sự định hướng, cách làm, sự phối hợp giữa The V Art, CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) và Galerie Nguyen (tài trợ chính) đang rất tốt. Do đó tôi quyết định nhận lời mời tham gia với vai trò tư vấn.

Tôi tán thành các ý lớn như sau:

1. The V Art và Galerie Nguyen tạo điều kiện tốt, thuận lợi để phát hiện tài năng trẻ về mỹ thuật Việt Nam; quan tâm, tạo “sân chơi mỹ thuật chuyên nghiệp” trẻ, cho họ có dịp hội ngộ, phô diễn tài năng trong cộng đồng quốc nội và quốc tế. Thật ra tôi cũng chỉ tạm dùng chữ “sân chơi”. Tôi không thích lắm cụm từ này. Tôi không bao giờ cho nghệ thuật là trò chơi và không gian sáng tạo nghệ thuật là “sân chơi”. Bởi lẽ nghệ thuật là sự sáng tạo nghiêm túc, tâm huyết bằng cả tình cảm lẫn lý trí trên cơ sở tình yêu nghệ thuật và xúc cảm chân thành từ con tim. Tuy nhiên tên gọi “sân chơi chuyên nghiệp” thì cũng tạm được.

2. The V Art và Galerie Nguyen giúp đỡ, giới thiệu mỹ thuật trẻ Việt Nam với các chuyên gia, những nhà sưu tập chính thống, những người yêu thích mỹ thuật trong khu vực và thế giới; giúp đỡ, tạo điều kiện cho các bạn trẻ được dịp tiếp cận, thâm nhập vào không gian mỹ thuật chuyên nghiệp của cộng đồng quốc tế.

Tác phẩm “Hoang lạc 1” (sơn dầu trên vải, 110cm x 110cm, 2016) của Trần Thế Vĩnh gởi dự thi

Thật ra thì các nhà sưu tập chỉ góp một phần trong nhiều biện pháp kích thích, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, tài năng toàn diện, sức sáng tạo cho nghệ sĩ. Là những người yêu nghề thật sự thì mỗi nghệ sĩ trẻ bằng cách này, cách khác tự quyết định, nuôi dưỡng cho tài năng, cảm xúc, cái riêng, môi trường hoạt động của chính mình trong giai đoạn còn học hay đã tốt nghiệp…

Mỗi nhà sưu tập có sự định hướng cho phong cách nghệ thuật mà họ dự kiến, mong tìm người thích hợp, trong khi các tài năng trẻ thì đa dạng. Chúng ta cần nhìn ra, nuôi dưỡng và phát huy cái riêng của mỗi bạn trẻ. Hơn bao giờ hết, giới nghệ sĩ chuyên nghiệp và nhà trường luôn mong muốn và động viên các bạn trẻ, khẳng định và giữ gìn cái riêng của mỗi người. Hy vọng nhiều nhà sưu tập sẽ tìm thấy sự hy vọng của mình cho từng tài năng trẻ thích ứng.

Nhiều ý kiến cho rằng các định chế như bảo tàng mỹ thuật cũng còn thiếu không gian và cơ chế phù hợp cho mỹ thuật đương đại và họa sĩ trẻ. Ông nghĩ sao?

Ở Việt Nam xưa nay thiếu và chưa bao giờ có sẵn kiến trúc dành cho bảo tàng mỹ thuật chuyên nghiệp là điều quá rõ ràng! Không có công trình kiến trúc nào có công năng của bảo tàng mỹ thuật! Tất cả đều chắp vá, tạm bợ với quam điểm “có chi dùng nấy”! Bảo tàng chuyên nghiệp đã không có là do người ta không quan tâm, đặc biệt là thiếu cái tâm, thiếu tầm nhìn, không có sự hiểu biết về nghệ thuật… thì làm gì có những cái khác kèm theo phạm trù bảo tàng!

Tác phẩm “Loan” (sơn dầu trên vải, 200cm x 150cm, 2015) của Nguyễn Công Hoài gởi dự thi

Bảo tàng đã như vậy thì nói đến không gian và cơ chế cho mỹ thuật đượng đại là điều mơ hồ. Bản thân giới chuyên nghiệp cũng cần phải hiểu rõ không gian hiện đại và đương đại! Một khi hiểu rõ, đặc điểm, tính chất, quy mô của loại bảo tàng mỹ thuật cụ thể thì mới có thể đưa ra những “đề bài” rõ ràng về nhiệm vụ thiết cho nhà thiết kế kiến trúc chuyên về bảo tàng mỹ thuật chuyên nghiệp.

Trên thực tế ở Việt Nam, ngoài nhà trường thì chúng ta còn thiếu nhiều yếu tố để được gọi là chuyên nghiệp, từ bảo tàng, phòng tranh, con người, sự quan tâm đầu tư từ phía nhà nước, trình độ quản lý, sự am hiểu của những người có trách nhiệm…! Thực trạng về những thiếu thốn tất yếu này ảnh hưởng nhiều mặt đến hoạt động của nghệ sĩ mỹ thuật nói chung và giới trẻ nói riêng.

Thật sự thì trong nhà trường mỹ thuật, theo ông số tiết và số môn học cho nghệ thuật đương đại có đầy đủ chưa?

Xuất phát điểm có lẽ là từ lâu người ta không yêu thích hoặc bị ám ảnh, coi văn học nghệ thuật của chủ nghĩa tư bản là không tốt; do sự thiếu thông tin, kèm theo sự bảo thủ trong định hướng giáo dục nên đã tạo lỗ hỗng rất lớn về kiến thức mỹ thuật kể từ cuối chủ nghĩa ấn tượng cho đến hiện nay. Đây là thiệt thòi rất lớn cho giới mỹ thuật, cho những ai muốn hiểu rõ về mỹ thuật thế giới gần một thế kỷ qua, đặc biệt là giới trẻ.

Tác phẩm “Ngáp ruồi” (sơn dầu trên toan, 100cm x 100cm, 2016) của Nguyễn Văn Bảy gởi dự thi

Trên 50 năm qua tôi chưa nghe và thấy có cuộc hội thảo, hay chủ trương xem lại và đổi mới, cập nhật nội dung giảng dạy về lịch sử mỹ thuật thế giới. Từ lỗ hỗng về lịch sử và lý luận mỹ thuật này đã làm cho chúng ta cảm thấy e ngại trong việc giao lưu nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập. Không biết sau này sẽ ra sao! Là nhà giáo, nghệ sĩ sáng tác, quản lý mỹ thuật tôi thực sự cảm thấy ái ngại. Người ta nói “nhìn tương lai bằng quá khứ và hiện tại” là rất đúng. Dù vậy, tôi vẫn hết lòng tin tưởng vào thế hệ nghệ sĩ trẻ về tài năng, ý thức dân tộc và lòng tự trọng của họ. Tôi tin họ đã và đang dần hiểu về lịch sử, họ sẽ cố gắng học hỏi, tự tin, bằng mọi cách khẳng định tài năng, cái riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam trong tác phẩm mà họ sáng tạo ra.

Từ bối cảnh đó, ông nghĩ những cuộc thi như Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp – Vietart Today 2016 có tác dụng gì vào việc góp phần định hình con đường, chọn lựa, hy vọng… của các sinh viên mỹ thuật không?

Một khi mục đích của cuộc thi và của The V Art là bất vụ lợi, với sự hiểu biết thấu đáo về mỹ thuật; có sự hỗ trợ, tài trợ thật tâm, liên tục và hiệu quả với phương pháp tổ chức, vận động và truyền thông sâu rộng, có sức thuyết phục của các chuyên gia về mỹ thuật từ lãnh vực đào tạo, truyền thông cho đến thị trường nghệ thuật đúng nghĩa… thì tôi tin rằng có tương lai tốt. Tôi tin sẽ dần dần tác động, tạo sự động viên, kích thích sức sáng tạo, gây lòng tin, sự hy vọng…, rồi dẫn đến sự lựa chọn của các tài năng trẻ về đường đi của mình.

*

(Bài này đã in trên Báo Giáo dục & Thời đại số 291.)

Ý kiến - Thảo luận

10:04 Wednesday,21.12.2016 Đăng bởi:  Trang

Thật khó để nói cuộc thi không vụ lợi, vì không có cái gì là vô vị lợi trong việc làm ăn ở Việt Nam :-) Số tiền giải thưởng thì đọc qua nghe có vẻ lớn, nhưng nếu ý hướng của nhà tổ chức là "bao trọn nghệ sĩ được giải Nhất" trong 5 năm, với từng đó tiền để chi cho bao gồm vật liệu, tiền PR (khoản này là vô chừng), tiền nghệ sĩ ăn và uống nước, tră
...xem tiếp

10:04 Wednesday,21.12.2016 Đăng bởi:  Trang

Thật khó để nói cuộc thi không vụ lợi, vì không có cái gì là vô vị lợi trong việc làm ăn ở Việt Nam :-) Số tiền giải thưởng thì đọc qua nghe có vẻ lớn, nhưng nếu ý hướng của nhà tổ chức là "bao trọn nghệ sĩ được giải Nhất" trong 5 năm, với từng đó tiền để chi cho bao gồm vật liệu, tiền PR (khoản này là vô chừng), tiền nghệ sĩ ăn và uống nước, trăm thứ bà rằn khác và lấy lại tác phẩm, đây là số tiền mua tác phẩm khá rẻ, như thông tin trên website: "ký hợp đồng độc quyền 5 năm với nhà tài trợ chính (Galerie Nguyen) với sự hỗ trợ của The V art với số tiền mua tác phẩm lên đến 2.500.000.000/ 5 năm (Giá trị hợp đồng trên bao gồm tài trợ vật phẩm cho họa sĩ sáng tác và chiến lược PR và mua tác phẩm – Chi Tiết HĐ Độc Quyền giữa Nhà Tài Trợ và họa sĩ sẽ thỏa thuận ngay khi vào chung kết Top 20)"... thì không thể nói là vô vị lợi.
Bên cạnh đó, toàn bộ tác phẩm được giải, từ nhất đến khuyến khích, đều thuộc về sở hữu của nhà tổ chức, vậy không khác gì mua lại: "Các tác phẩm nhận giải chung kết thuộc sở hữu của BTC" và tác giả được giải phải đóng thuế nữa. Giải thưởng Tranh chân dung Dogma cũng từng làm cách này nhưng nếu mình nhớ không lầm, họ chỉ lấy lại giải Nhất, và lâu lắm cũng không thấy Dogma lên tiếng nữa...
Tất cả chỉ là một thương vụ, có khi chỉ trong ngắn hạn vì sự tiện lợi cho một số người muốn kiếm tìm các sáng tác thú vị, hợp ý họ mà không mất công đi tìm kiếm trong lặng lẽ, mang tính phát hiện, như cách mà người sưu tập thực sự mong muốn làm cho mình và cho nghệ thuật.
Không khác gì nhiều hợp đồng gần đây giữa một doanh nghiệp lớn trong nước với cả trăm họa sĩ vẽ cho họ, giá đồng khoảng 5tr/bức, mà cả họa sĩ tự cho mình hạng A đến vô danh cũng ký hết. Nhà tổ chức được tiếng đầu tư cho nghệ thuật và hoan hỉ rằng do họa sĩ phải ký tên mình nên có thể trong 10 bức lởm,cũng có một hai bức ok, và họ sẽ tính lại với cái bức ok ấy, còn người vẽ thì có chút tiền tươi... nhưng cuối cùng, nghệ thuật ở đâu trong đầu óc của nhà tổ chức? :-)
Mình ủng hộ tất cả những gì làm cho nghệ thuật nhưng nếu biến những việc làm với nghệ thuật thành thương vụ thuần túy thì có lẽ, truyền thông cũng nên chỉ ra các điều này một cách logic, cân bằng, để tránh tạo bong bóng ảo cho tất cả các bên, nhất là với những nghệ sĩ vốn luôn nghèo và cần tiền :-)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả