|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamPOLYGON open studio – Khi hai họa sĩ giữ một đa giác 06. 01. 17 - 7:34 amPhạm Huy Thông
Khi viết về nghệ thuật tạo hình, một nhà phê bình bạn tôi luôn mở bài bằng việc trích dẫn đôi câu Đường thi để tạo hứng. Từ thơ nói lan qua chuyện đời rồi từ đời mới nói vòng về tranh. Tôi không rành thơ Đường nên chẳng thể nào học theo cách ấy. Nhưng khi nhận được lời mời đến dự buổi “mở cửa xưởng vẽ” (open studio) POLYGON của hai họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Trần Cường thì lòng tôi trực trào muốn lẩy ra một câu thơ nào đó. Lúc còn trẻ, tôi nhìn các họa sĩ khác thông qua tác phẩm của họ. Đúng quá rồi! Họa sĩ nói chuyện bằng tác phẩm. Họa sĩ bốc phét một tấc lên mây thì không còn nhiều cơ hội để làm việc. Những người làm được việc thì không có thời gian để la cà. Theo tôi lúc ấy, tác phẩm là đơn vị độc lập và tuyệt đối để đo lường sự nghiệp của người nghệ sĩ. Nhưng càng về sau, khi tuổi trẻ không còn ở phía trước, đôi khi chuyện cơm áo gạo tiền nheo nhóc ghé qua trước cửa thì cách nhìn của tôi về phía các đồng nghiệp cũng có nhiều đổi khác. Len giữa nghệ sĩ và tấm toan là ngổn ngang bao chuyện đời. Ngoài dạng nghệ sĩ chuyên nghiệp may mắn được vẽ tranh hàng ngày và dạng nghệ sĩ lớn vẽ tranh bằng mồm thì còn có rất nhiều nghệ sĩ đang vật lộn với cơm áo nhưng không bao giờ quên nghề vẽ. Hiểu được đời sống của nghệ sĩ, được cách đối đãi của họ với đồng nghiệp và tác phẩm thì người xem mới nhìn qua được lớp mầu bên ngoài trên mặt tranh và tìm thêm một thế giới khác phía sau. Cùng là tranh vẽ những nhân hình chồng chất lên nhau, đối với người phong lưu là truy hoan phóng túng nhưng đối với người bình dân là cảnh vật lộn mưu sinh. Cùng vẽ những bình lọ cắm hoa, đối với họa sĩ dư giả là đỉnh cao của tao nhã, phất phẩy thêm tí triết học, nhưng đối với đa phần các họa sĩ khác, đó còn là những chắt chiu từng chút thời gian sau giờ “đi cày”. Hai họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Trần Cường cùng tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Số phận dúi cho hai anh công việc của những họa sĩ thiết kế nhưng hai anh lại vơ thêm nghiệp hội họa dúi vào tay số phận. Công việc thiết kế và giảng dạy mỗi người một ngả, nhưng hai người bạn đã chia sẻ một xưởng vẽ chung ở Đông Anh. Xưởng vẽ được đặt tên là POLYGON nghĩa là đa giác. Nguồn gốc tên của xưởng vẽ được bắt nguồn từ nhiều năm trước, khi những người bạn nghệ thuật cùng lứa đứng chung một triển lãm, mỗi họa sĩ như một cạnh của đa giác, ghép lại thành một sân chơi. Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Trần Cường muốn giữ lại ý tứ về một sân chơi như thế cho xưởng vẽ của mình. POLYGON là nơi mà hai anh, mỗi khi trốn khỏi công việc của đời sống, lại có chỗ để chơi với nghề, để được vục đầu vào toan, nhoài người trên vóc. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương vẽ nhiều tranh acrylic khổ lớn, đa phần thể hiện những cơ thể người đan xen, chen lấn vào nhau. Một số bức, hình hài cụ thể đã được ẩn đi, chỉ là những nét hỗn loạn nhưng người xem vẫn nhận ra những nhân hình trong bố cục chuyển sang hơi hướng trừu tượng. Với tôi, những nhân hình ấy có thể đang vật lộn, chèn ép nhau. Nhưng do nhịp điệu của nét và những mảng buông, chúng lại dường như đang khiêu vũ với nhau trong một không gian khác. Họa sĩ Nguyễn Trần Cường giai đoạn gần đây quay lại làm việc với chất liệu sơn mài và đề tài hết sức giản dị: Tĩnh Vật. Tôi thích nhất tác phẩm Đêm Xuân. Ba tấm vóc khổ dọc ghép lại thành một bố cục lạ. Gốc cây đào rừng khẳng khiu nâng đỡ cả một khối phức hợp cành, lá, hoa. Khoảng trống ¾ diện tích dưới của tranh tạo ra mảnh đất đắc địa cho kỹ thuật lớp lang của sơn mài được phô diễn. Sự hòa quyện những lớp sơn tạo ra cảm giác nhiễu động của không khí đêm xuân lành lạnh, nhưng vẫn đủ “phẳng” để tương phản với đám hoa, lá, cành. Ngày mở cửa xưởng tới đây, hai họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Trần Cường muốn tạo một dấu mốc mới cho POLYGON. Không chỉ mang tính chất ra mắt công việc như open studio của các họa sĩ khác. “Mở cửa xưởng” còn được gửi gắm mong ươc của hai họa sĩ rằng POLYGON sẽ là nơi kết nối với hội họa quốc tế, nơi các nghệ sĩ bạn bè nước ngoài có thể đến và sáng tác, góp thêm nhiều cạnh cho “sân chơi” đa giác. Quay trở chuyện Đường Thi tôi nói ban đầu, nếu người bạn phê bình gia của tôi có mặt ở đây, chắc anh sẽ nhắc tôi một đôi câu thơ nào đó về chuyện con người đứng trước dòng đời. Đôi khi cuộc đời gợi ý cho ta rẽ phải, nhưng ta biết tâm hồn vẫn muốn theo nẻo trái. Rồi ta ôm cả hai nẻo đó mong gộp lại với nhau, vặn vẹo, đan buộc. Kết quả là nẻo phải vẫn phải, nẻo trái vẫn trái, nhưng sự đan buộc ta làm, ở một góc nhìn lớn hơn, hóa ra cũng là một tác phẩm. Hà Nội, 2017
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|