Gẫm & Bình

Lan man xem người và thỉnh thoảng nghĩ đến ta 03. 01. 11 - 7:55 am

Phạm Huy Thông

 

 

.

Bài viết này nằm trong loạt 3 bài ghi lại chuyến thăm Singapore ngắn ngủi của tôi gần đây. Một bài giới thiệu chung những địa chỉ nghệ thuật thị giác ở Singpore xin sẽ viết sau vì để dành cảm xúc nóng mới cho hai bài viết về hai triển lãm chuyên đề nghệ thuật đương đại Nhật Bản và họa sĩ Thái Lan Utarit hiện đang bày tại Bảo tàng nghệ thuật Singapore (SAM).

Sau khi ra trường, tôi đã có thời gian 2 năm làm việc trên chất liệu sơn mài với người Nhật và nhận thấy mình không học được nhiều ở họ ngoài một số khác biệt về kỹ thuật và ấn tượng về sự tỉ mỉ đến kinh người. Người Nhật làm việc gì cũng kỹ lưỡng và chi tiết. Có lẽ vì quá chi tiết nên họ chỉ có sơn mài đỉnh cao của mỹ nghệ chứ không có sơn mài hội họa như ở ta. (Nhưng sơn mài hội họa ở ta thì càng ngày càng mỹ nghệ). Vì hiểu biết vẫn còn phiến diện, nên tôi rất tò mò, “liệu đặc tính đó ở người Nhật sẽ dẫn hội họa đương đại của họ đi đến đâu?”.

Thật may cho tôi, trong chuyến thăm Singapore dịp cuối năm này, tôi đã có cơ hội thực mục sở thị tác phẩm của những tên tuổi đỉnh cao trong  nghệ thuật đương đại Nhật Bản qua triển lãm Trans-Cool Tokyo đang bày ở SAM. Triển lãm từ 19. 11. 2010 đến 13. 2. 2011 gồm 40 tác phẩm mượn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tokyo. Tôi chỉ xin viết nhiều về các tác phẩm hội họa và điêu khắc (với các tác phẩm video art và sắp đặt, một phần vì khó chụp ảnh để tường thuật, một phần nữa vì kiến thức quá hạn chế nên xin hẹn dịp khác).

“…Khởi đầu với các tác phẩm PopArt kiểu Nhật của nghệ sĩ tiên phong Yayoi Kusama hay những thử nghiệm với chân dung của Yasumasa Morimura  vào những năm 1980, nghệ thuật đương đại Nhật Bản đã nở rộ trong nửa cuối của thập kỷ 1990, từ đó tạo ra những ảnh hưởng không thể chối bỏ đến nghệ thuật đương đại thế giới cũng như xác lập các tên tuổi nghệ sĩ Nhật Bản trong văn hóa toàn cầu…”

Tác phẩm đầu tiên chào đón tôi theo cách không thể náo nhiệt hơn là tác phẩm cỡ lớn (194x390cm,1989) mang tên “Bụi sao từ một trăm ngàn năm ánh sáng” của Yayoi Kusama. Đây là một tác phẩm trừu tượng (có lẽ thế) sử dụng những màu cực rực rỡ gồm cả màu phản quang vì thế nó đã đem lại cảm xúc tươi trẻ mới mẻ cho nghệ thuật. Đứng trước tác phẩm này, người xem tác phẩm không cần phải tĩnh tâm hay gột sạch tinh thần, vì có muốn thế cũng không được. Với bản thân tôi, tác phẩm không gợi nhiều hình dung về vũ trụ, mà ngược lại, về bên trong cơ thể sinh học hay tâm trí của con người. Mặt khác, nếu in tác phẩm này ra thành vải hoa để may váy cho các bà nội trợ cũng không sao.

 

 

 

.

Ở giữa phòng lại là một tác phẩm điêu khắc “mềm” cũng của Yayoi Kusama mang tên “Đi bộ trên Biển của Miền Chết” (1981). Một chiếc thuyền phao được gắn chi chít khoai cao su rỗng, sắn cao su rỗng, nho nhựa, những thứ vốn được dùng để biểu tượng cho dương vật của đàn ông nhưng nay ghép lại giống những tua cảm nhận bên trong âm vật mềm mại của phụ nữ. “…đề tài về giới tính và tình dục bắt đầu xuất hiện trong các tác phẩm của Yayoi Kusama từ đầu những năm 1960, đi trước cả phong trào nữ quyền và giải phóng tình dục trong nghệ thuật những năm 1960-1970 ở Mỹ…”. Vâng, ý tưởng và cách khai triển rất thú vị, nhưng sao cái tên tác phẩm nghe khó hiểu quá (nguyên văn “Walking on the Sea of Death”).

 

.

Ở một góc khác, Yayoi Kusama có một tác phẩm tự họa nhỏ trên giấy. Một tác phẩm đơn giản bình thường, không hơn mấy những minh họa trên Hoa Học Trò hay một bài tập chất liệu của đám sinh viên. Nhưng cái tên tranh thì cũng khó hiểu: “Tôi – Người Đã Tự Tử Rồi” (“I who commited suicide” 1977), có phải Yayoi là người tâm thần nên tên tác phẩm cũng điên theo không nhỉ? Sao bảo tàng Tokyo sưu tập tác phẩm này nhỉ? Vì toàn bộ sự nghiệp của tác giả hay vì cái tên tranh rõ kêu kia. Tôi chợt nhận thấy, ở ta cũng có “trào lưu” vẽ tranh thì xấu mà đặt tên thì rõ hay ho và bí ẩn. Ảnh hưởng từ Nhật Bản chăng?

 

.

Thà cứ như tác phẩm “Người đàn bà từ Michigan” (1979) dưới đây lại giản dị. Ta cũng có thể nhận thấy sự xuất hiện các chấm tròn, về sau này trở thành thương hiệu của Yayoi Kusama (xin xem thêm bài dịch Soi đã đăng).

 

.

Rồi đến một tên tuổi khác không tiên phong bằng Yayoi Kusama nhưng lại nổi hơn, đó là Yoshitomo Nara. Một họa sĩ không kém phần khó hiểu đối với tôi và nhiều người thưởng thức nghệ thuật ở Việt Nam. Phần giới thiệu có nội dung tạm dịch như thế này:“Thế giới nghệ thuật của Nara đầy những khuôn mặt rất dễ nhận biết của trẻ con và những con thú nhỏ, vừa rất dễ thương, vừa đầy tính hăm dọa. Dù mở to tròn mắt, nhìn một cách tinh quái hay lườm hăm dọa người xem, những nhân vật trong tranh luôn là những đứa trẻ ở tuổi chập chững biết đi hay là những con thú nhỏ nhưng ở trong các tư thế của người lớn và thể hiện tâm lý hoặc sợ hãi hoặc lo lắng hoặc căm hận. Nhiều khi các bộ mặt và dáng dấp kia trở về trạng thái hoàn toàn dễ thương chỉ trừ việc rất côn đồ khi cầm trong tay một con dao hay một cái cưa. Bất chấp là biểu tượng cho sự ngây thơ và trong sáng, những nhân vật trẻ con và thú nhỏ này nhìn thế giới đầy nghi hoặc, tức giận và sợ hãi, phản ứng lại (hoặc chối bỏ) những cảm xúc nghiêm túc, già cứng trong xã hội đương đại Nhật Bản. Bằng việc trộn lẫn ngây thơ với ngỗ nghịch hay lưu manh, Nara và những tác phẩm của ông gợi lên những câu hỏi về các quy tắc cứng nhắc trong xã hội Nhật Bản và hệ quả của nó lên con người”.

 

.

Vâng có đọc có khác, tôi bắt đầu hiểu hơn một chút rồi đấy. Tôi chợt nhớ tới một tác phẩm khác của Nara đã đăng trên Soi gần đây trong đó có ba con chó nhựa đang chụm đầu vào nhau, mắt nhìn xuống dưới. Tác phẩm có vẻ rất hời hợt như ba thứ đồ chơi. Nhưng có phải tác giả đang giễu nhại cái lối cúi chào nhau rất đặc trưng của Nhật Bản và rộng hơn thế giễu nhại những quy tắc ứng xử cổ lỗ hàng trăm năm của Nhật không nhỉ? Giống như ở một câu chuyện vui nào đó, có một đôi tình nhân hẹn đến nhà nhau, yêu nhau say đắm đến rũ rượi đầu tóc, vậy mà khi ra đến cửa vẫn không quên cúi gập người chào nhau. Những đồng nghiệp Nhật Bản đa phần là nữ mà tôi biết, trong một số chuyện thì tỉ mẩn, nguyên tắc (xem tranh ai cũng phải nhớ luôn suýt xoa khen “sư gôi! sư gôi!” nghe mỏi cả tai) nhưng trong một số chuyện khác lại rất linh động và.. điên cuồng. Bản thân họ là một mớ mâu thuẫn, con người họ như một cốc có cả dầu và nước, văn hóa truyền thống từ trước thế chiến và văn hóa Tây Âu sau thế chiến vì hoàn cảnh lịch sử nên phải ở cạnh nhau nhưng không thể nào hòa lẫn nổi. Lơ mơ đoán thế thôi, chứ đối với tôi, xã hội Nhật Bản cũng như các nữ đồng nghiệp mắt xếch vẫn là những thứ mà tôi chưa thực sự có cơ hội để đi sâu tìm hiểu.

 

.

Chỉ có một lưu ý nhỏ về mặt kỹ thuật, các tác phẩm triệu đô của Nara không phải là thứ làm giả ăn thật đâu nhé. Họa sĩ sử dụng mầu sắc nhiều lớp lang và bút vẽ rất chi tiết.

 

.

Nhưng nói về đỉnh cao của kỹ thuật chi tiết thì không gì có thể khiến tôi sững sờ như các tác phẩm của Takashi Murakami treo ở phòng bên cạnh. Một loạt các tranh in lưới rất nhiều lớp màu (hàng chục lớp, mỗi tranh chỉ có 50 bản in) với độ chính xác và sắc nét không kém gì in tiền khiến tôi không biết dùng từ nào hơn để mô tả. Tôi trộm nghĩ chắc có ai đó sẽ đi lùng tìm những bản in của Murakami có chút lỗi mực đâu đó, để bán đấu giá bạc triệu giống như tiền lỗi và tem lỗi vậy.

Có một thông tin nên biết khi xem các tác phẩm của Takashi Murakami là ông hay sử dụng nhân vật có tên là DOB, một nhân vật dạng hoạt họa giống như chuột mà ông tự phát triển. Tên của DOB bắt nguồn từ một tiếng lóng của Nhật “dobojite” có nghĩa là “tại sao”. Còn hình dạng lai tạo của DOB được biết là do họa sĩ tự hoạt họa hóa chân dung chính mình.

 

 

“DOB nhẩy”. Tranh in lưới khổ 40×40

 

 

“DOB D tan chảy ”. Tranh in lưới khổ 40×40, 2006

 

 

“Champignon” tranh in lưới 55x55cm, 2002

 

 

Một loạt 3 em DOB

Theo lời giới thiệu dán trên vách, Murakami dùng những nhân vật hoạt hình theo lối quần chúng để sử dụng trong nghệ thuật đỉnh cao của mình mới mục đích bình luận phê phán lối sống tiêu dùng càng ngày càng phát triển ở Nhật cùng với những tác động của lối sống đó với văn hóa. Tôi chưa đến Nhật lần nào nên không hiểu nhiều về việc này, tôi chỉ thấy những tác phẩm của Murakami nhìn rất thích mắt và ông đã tạo dựng được sức hấp dẫn riêng của mình.

Thứ mà tôi thích nhất trong triển lãm này là một con hươu đính chi chít những khối cầu thủy tinh trong suốt như sương mai. Đó là tác phẩm của Kohei Nawa mang tên “Con Hươu – điểm ảnh hóa #17”. Một con hươu thật được nhồi bông và gắn kín các khối cầu thủy tinh bên ngoài. Lời giới thiệu nói rất loằng ngoằng về internet, về những điểm ảnh trên ảnh số hóa từ internet, về lối chúng ta nhìn môi trường sống, về cách chúng ta hiểu những vật thể mà chúng ta nhìn thấy. Tôi chỉ thấy tác phẩm này đơn giản đẹp. Chẳng liên quan gì đến internet, tôi thấy con hươu như đi lạc trong đêm và dính đầy sương, những khối cầu bám đầy trên mình hươu khiến cho con vật có kích thước 200x170x150cm tưởng như bé lại chỉ bằng con kiến đậu trên cành hoa lúc ban mai. Một cảm giác thật kỳ lạ, khiến như người xem cũng bé lại cả về kích thước lẫn tâm tính. Các khối cầu với kích thước đa dạng được gắn bằng keo trong suốt nên ta vẫn có thể nhìn thấy các sợi lông hươu được phóng to qua thấu kính. Con hươu không được bày giữa phòng mà đứng ở góc tường gắn nhiều mặt gương, khiến cho không gian cũng trở nên hư ảo hơn bao giờ hết.

 

 

 

.

 

.

 

.

Tôi có cái thói cứ xem người là lại nghĩ đến ta. Người Nhật Bản, với đặc tính cẩn thận, tỉ mẩn đôi khi cứng nhắc nhưng lại có quá trình tiếp cận đột ngột nhanh với văn hóa Âu Mỹ nên cho ra một dòng mỹ thuật có đặc thù riêng, dù mỗi họa sĩ có một cách xử lý khác nhau vẫn có chung một hơi thở dân tộc (cái ý dân tộc ở đây mang tính đương đại chứ không đơn thuần dân tộc truyền thống như các bác tuyên giáo nhà ta hay kêu gọi đâu nhé). Vậy cái gì sẽ làm nên diện mạo chung của nghệ thuật đương đại Việt Nam?… Liệu ta cứ phải nhờ đến thời gian mới có câu trả lời?

Xin kèm tiếp đây một số hình ảnh trong triển lãm để chúng ta vừa nghĩ vừa xem.

 

Tác phẩm trừu tượng của Kohei Nawa mang tên “Tràn trề #20”. Chất liệu Acrylic trên giấy. Trò này thì tôi biết làm: Đổ acrylic xền xệt lên mặt toan hoặc giấy dầy rồi lấy súng nén khí (loại để bơm xe đạp) xịt vào cho mầu tản ra.

 

Tác phẩm của hai nghệ sĩ muốn chế tạo một xe trượt đệm không khí. Bên cạnh vật trưng bày có màn hình chiếu cảnh hai nghệ sĩ ra mắt sản phẩm. Đúng là xe có lơ lửng cách mặt đất 5cm, nhưng khi một nghệ sĩ nhẩy lên thì ngã nhào còn xe thì bốc khói nghi ngút. Trẻ con cười toáng lên.

 

Một series tác phẩm thêu:

 

.

 

.

 

 

Một sắp đặt giấy hoàn toàn đối xứng ngang, tưởng như ta đang ngắm nhìn cảnh vật bên hồ nước vậy.

Ý kiến - Thảo luận

19:25 Tuesday,19.2.2013 Đăng bởi:  madam
Mình thích quá, cảm ơn bạn Thông đã dành thời gian chia sẻ lại. Đầu tháng 3 mình cũng sang Sing công tác nên sẽ tìm xem còn chương trình nào đến thời điểm đó để xem không :(.
...xem tiếp
19:25 Tuesday,19.2.2013 Đăng bởi:  madam
Mình thích quá, cảm ơn bạn Thông đã dành thời gian chia sẻ lại. Đầu tháng 3 mình cũng sang Sing công tác nên sẽ tìm xem còn chương trình nào đến thời điểm đó để xem không :(. 
23:15 Monday,3.1.2011 Đăng bởi:  Thu Trang
Cảm ơn Phạm Huy Thông đã có bài viết và thông tin chia sẻ.
...xem tiếp
23:15 Monday,3.1.2011 Đăng bởi:  Thu Trang
Cảm ơn Phạm Huy Thông đã có bài viết và thông tin chia sẻ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả