Chính trị

Thế ai cách chức được ngài thẩm phán Liên bang bị Trump “ghét”? 06. 02. 17 - 2:54 pm

Sáng Ánh trả lời

(Đây là cmt cho bài “Vì sao thẩm phán tại một bang lại chặn được lệnh của Tổng thống trên toàn quốc?”. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ thảo luận)

Con thuyên Noah với chỉ những người giống Trump mới được lên. Những kẻ khác biệt phải ở lại. Hí họa từ trang này 

Orange hỏi:

Cảm ơn bác Sáng Ánh vì đã có ngay bài viết dễ hiểu về một vấn đề khó hiểu đối với đại đa số người Việt!

Bác có thể đi sâu giải thích thêm để trả lời câu hỏi này được không: Điều gì tiếp đây sẽ xảy ra đối với sắc lênh hành pháp này của Mr.Trump trong các trường hợp sau:

1. Nếu tòa chấp nhận đơn kiện sắc lệnh của ông Trump là vi hiến?

2. Nếu tòa chấp nhận đơn kháng cáo của Bộ tư pháp? Trong trường hợp đó, liệu có khả năng tiếp tục có các đơn kiện khác đối với sắc lệnh của ông Trump và lại sẽ có một trong số các thẩm phán khác tiếp tục ra phán quyết có hiệu lực để ngăn cản? hay quyết định của tòa sẽ là tối hậu ngăn không có thêm bất cứ một trường hợp (kiện) và (phán quyết của thẩm phán) nào nữa?

3. Ông Trump có khả năng tác động thế nào đến số phận của các thẩm phán ngăn cản sắc lệnh của ông như trường hợp ông đã “xử” đẹp bà Bộ trưởng tư pháp vừa qua hay không?

Cảm ơn bác Sáng Ánh.

*

Sáng Ánh trả lời:

Xin cám ơn câu hỏi của bạn Orange.

Mình không phải là chuyên gia về Luật Hiến pháp nhưng có thể trả lời bạn như sau.

1. Sắc lệnh hành pháp này của Tổng thống Trump hiện bị vô hiệu tạm thời và sẽ vô hiệu dài lâu sau khi chính quyền kháng cáo thua. Đây là việc đã từng xảy ra với Tổng thống Obama sau khi một tòa Liên bang tại Texas ra lệnh hủy một sắc lệnh của ông này, và sau đó chính quyền Obama thua tiếp kháng cáo ở tòa kháng cáo Liên bang đơn vị 5. Tuy vậy chuyện chưa dừng lại ở đây vì còn phải đợi phán quyết của Tối cao Pháp viện là phán quyết tối hậu.

Hí họa của tờ Politico vẽ cựu Tổng thống Obama cũng phải đem sắc lệnh của mình lên tòa

2. Các thẩm phán (của các tòa Liên bang) khác không thể ngăn cản hay khác ý vì hai bang Minnesota và Washington kiện sắc lệnh tại tòa Liên bang của ông Robart. Chính quyền chỉ có thể kháng cáo ở đơn vị 9 (là tòa Kháng cáo mà tòa của ông Robart trực thuộc) như họ đã làm (và thua lần nữa khi nhận được lệnh tạm thời đình chỉ). Nếu lệnh này vẫn y án thì chính quyền có thể hoặc đành tuân theo hoặc tiếp tục đòi Tối cao Pháp viện quyết định. Việc này cần thời gian vài năm và chưa biết.

Thần Công lý gạt Tổng thống Trump để bảo vệ thần Tự do. Hí họa từ trang này 

3. Ở câu hỏi này bạn có sự nhầm lẫn lớn giữa Bộ Tư pháp, thuộc ngành hành pháp và các tòa án Liên bang trực thuộc ngành tư pháp. Các tòa này do nhiều thứ hội đồng tư pháp quản lý.

Có khoảng 800-900 thẩm phán liên bang tại Mỹ, do tổng thống chỉ định và thượng viện chấp thuận. Một khi đã được chấp thuận, các vị này tại chức mãn đời, hoặc tự ý ra đi, hoặc bị truất phế vì vi phạm gì đó như đánh vợ, ngoài ra chẳng ai đuổi họ được ra khỏi tòa (vợ họ thì có thể đuổi họ ra khỏi nhà). Cấp thẩm phán này được gọi là thẩm phán Điều III vì được Điều III hiến pháp bảo vệ, ngay Quốc hội cũng không có quyền giảm lương của họ.

Trong khi đó, bà Bộ trưởng Tư pháp vừa bị Tổng thống Trump cách chức là thuộc ngành hành pháp. Tổng thống có thể đuổi bộ trưởng này hay bộ trưởng nọ bất cứ lúc nào tùy cơn thịnh nộ, và có thể cử người khác vừa ý để thay. Tất nhiên, bộ trưởng mới phải qua sát hạch của Thượng viện.

Hí họa từ trang này. Ý nghĩa của câu thơ mà nữ thần Tự Do cầm trên tay rồi bị sa thải, các bạn đọc ở đây 

Vì thế, Tổng thống Trump chỉ có thể “xử đẹp” tòa Robart hay tòa kháng cáo đơn vị 9 bằng… tweeter. Như ông phát biểu, nếu đất nước lâm nguy thì các cha nội này chịu trách nhiệm nhé!

Một số thẩm phán ở cấp địa phương tại Mỹ lại do cử tri bầu lên. Các thẩm phán này thì chỉ có cử tri mới mời được họ về vườn đuổi gà.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả