Điện ảnh

Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu 30. 03. 17 - 12:39 pm

Sáng Ánh

 

(Tiếp theo bài 1)

Với một kịch bản như thế thì phim hay ở chỗ nào? Không có đuổi bắt trong Vịnh Hạ Long, không có tỉ võ giữa bụi đời Chợ Lớn, không có hộp đêm người mẫu kéo lại quần lót, và quay tại Iran mà không có anh hùng sa mạc! Diễn viên, ờ thì trẻ, mà chẳng có ai đẹp hay danh hiệu gì, không hiểu móc từ đâu ra mang đặt trước máy. Không có ai mặc áo dạ hội đến Cannes mà tạo dáng trước thảm đỏ nhé, vậy mà cũng đoạt giải, hỏi ra cái gì?

Hình ảnh thì vừa đủ rõ nét, gần như toàn bộ quay bên ngoài và ánh sáng thiên nhiên, trừ cảnh bên trong tiệm may. Theo người viết đoán, rất có thể không có đánh đèn mà chỉ dùng phản quang và chẳng “nghệ thuật” nhiếp ảnh gì tất mà rất suôn đuột.

Cảnh hai mẹ con đi chợ về

Âm thanh cũng đủ nghe, không rõ rệt như trong phim Việt vì Iran không biết lồng tiếng trong trẻo mà dùng âm thanh thu sống. (Như trong phim sau của Panahi, “The Mirror”, có một đoạn cho thấy đoàn quay đang làm việc, máy quay căn bản Arri Bl 35, chuyên viên âm thanh cầm micro cần cẩu và không có đèn hay cả phản quang (phút 41:00-46:00).

Về mặt kỹ thuật, rất đơn giản, máy di động tối thiểu. Nhưng tại đây là phong cách được lựa chọn. (Lưu ý là trong “The Circle”, Panahi dùng 4 cách động máy cho 4 nhân vật nữ chính, mỗi cách động máy phù hợp với một vai).

Toàn bộ phim không có âm nhạc phim đưa đẩy. Không có nhạc phim, chỉ có nhạc ngày Tết của bối cảnh ngoài đường, tức là tiếng động. Âm nhạc của phim này thì tôi đây làm cũng được, bởi vì không có!

Con cá mà nhân vật chính say mê

À, có một ông tâm thần thỉnh thoảng lại rảo xe đạp nhanh qua hát cũng một câu gì đó về biển hay thời tiết, nhưng đó không kể là âm nhạc phim được. Nhân vật tâm thần nhẹ này, nói qua, mang hơi hướm của bộ phim “Dodes Kaden” của Kurosawa.

3 phút đầu của “Quả bong bóng trắng” là một bài học về nghệ thuật “blocking”, hay cài đặt diễn viên trước máy. Khi ta không có phương tiện để động máy, vì không có chỗ, vì không có đường rai đưa máy dolly… thì ta động diễn viên. 3 phút đầu này là một cảnh liên tục (không có cắt dán). Dùng diễn viên quần chúng qua lại, có lúc che ống kính để “phân” hình thành tiểu đoạn khác, Panahi giới thiệu 4 nhân vật sẽ xuất hiện trở đi trở lại trong phim: anh thanh niên thời trang, người lính đi phép, em bán bong bóng và bà mẹ.

Người lính cũng tham gia tìm đồng tiền cho em bé

Nhưng nhân vật chính chưa xuất hiện mà ta đã phải quan tâm vì đó là người kẻ bà đang tìm dáo dác giữa chợ. Bà đi tìm ai? Phải đến gần phút sau ta mới gặp nhân vật này là em Razieh. Lúc đầu em ở các cảnh toàn thân lẽo đẽo, trước mặt hay sau lưng, nhìn ngang thấp thoáng và tuy đối thoại với mẹ đã bắt đầu nhưng đến 6:30 ta mới thấy bán cận và 7:30 ta mới thấy cảnh cận đầu tiên và nhìn kỹ được em. Cái dáng đầu tiên vì em lũn cũn rất lôi cuốn, và đến khi 7:30 được thấy em tường tận thì ta không hề thất vọng vì em dễ thương hết biết luôn.

Tài diễn xuất của em, cùng các vai khác, nghiệp dư mà trung thực và đúng đắn là nhờ ở đạo diễn. Đây là một diễn xuất không thừa không thiếu, không lên gân lấy cốt như thấy ở một số diễn viên nhà nghề (nhưng lại non nghề). Diễn xuất kịch tính là thảm họa của điện ảnh chưa phát triển, như trường hợp Việt Nam (và vô khối các nền điện ảnh khác, nên đừng lo, ta không cô đơn đâu). Việc tăng âm này như karaoke hàng xóm, càng hát dở, càng tăng âm và diễn xuất không phải là khâu duy nhất tai biến mạch máu não. Hình ảnh, âm nhạc, dựng phim, dựng cảnh, đều kịch tính theo hệ thống, cho đến khâu quan trọng nhất là người xem! Bởi có lẽ, hài thảm thiết hay bi lố bịch mà không ai cười hay không ai khóc thì sản xuất phim cũng dẹp tiệm và dẹp các kiểu này.

Em bé được bà cụ dẫn đi tìm đồng tiền rơi

Trong chuyện con gà hay quả trứng, trong quan hệ giữa quần chúng xem hát và sản xuất phim, một bộ phim không bị cấm của Panahi có 130.000 lượt xem tại rạp trong nước (dân số 75 triệu) . Về mặt thương mãi, đây là những phim quần chúng ưa thích và kỹ nghệ này tự nuôi sống nó được, đó là chưa nói đến doanh thu ở nước ngoài. “The Circle” vào năm 2000, kinh phí là khoảng 10.000 USD. Bị cấm chiếu rạp tại Iran, phim này doanh thu tại Mỹ là 678.000 USD. “The Color of Paradise” (1999) của đạo diễn Majidi, kinh phí 180.000 USD, 9 tuần đầu ở Mỹ mang về 714.000 USD. Tại rạp ở Iran là 600.000 lượt xem. Phim trước của Majidi, “The Children of Heaven” (1997, đề cử Oscar) chiếu 4 tháng liền tại Hong Kong trong 10 rạp và tại Mỹ thu về gần 1 triệu USD. Đạo diễn Singapore Jack Neo chuyển truyện phim này sang nước ông (“Homerun”, 2003) và trong 9 tuần chiếu tại Cảng Sư, thu về tiền rạp là 1,6 triệu USD. “The Taste of Cherry” (1997) của Kiarostami về một người đàn ông không đẹp trai gì, lái xe lòng vòng với ‎ định tự sát, tốn phí 15.000 USD, vậy mà cũng được Cành cọ vàng ở Cannes và nhờ thế doanh thu tại Mỹ là 340.000 USD. Phim mà chúng ta đang bàn, “Quả bong bóng trắng”, tại Mỹ mang về số thu là 888.894 USD, bớt 1 hay 2 vé là thành số đẹp 888.888!

Đây cho thấy, không có ly hôn giữa khán giả quốc ngoại hay quốc nội, ở tại Iran, ở Âu Mỹ hay ở Á với dạng phim Iran này. Nó vừa có người xem, vừa đoạt giải cao qu‎í, giá thành rẻ (rẻ cỡ một túi đầm của Hà Hồ, Hà Tăng) mà lại kiếm ra tiền (dám mua được một cái siêu xe của Minh Nhựa, Dương Kon). Vậy bí kíp của nền điện ảnh này ở chỗ nào?

Những điều nó có được thì khó nói (bí kíp mà, ai lại nói ra). Nhưng những điều nó không có thì ta dễ thấy.

Nó không có diễn viên hotgirl-hotboy, hoa hậu người mẫu, đẹp trai, đẹp gái. Nó không đẹp (đẹp cảnh, đẹp xe, đẹp quần đẹp áo, đẹp nhà trong nhà ngoài). Cái gì của nó cũng bình thường hết, thế mới ức, bên trong nhà gạch thủ đô Tehran nói thật không bằng một góc chòi tơi tả của quê nghèo Ngọc Trinh trên phim “Vòng eo 56”. Hình ảnh nó không đẹp, thậm chí nó không được cả đèm đẹp. Ok, thì các vai nam của nó nhiều râu, anh nào cũng có, công nhận. Nhưng vai nữ của nó… eo bự, trùm khăn trên đầu thấy phát khiếp. Tại Iran, có lúc thiếu nữ ra đường mang vớ trắng còn bị công an đạo đức đuổi chạy đứt dép, đừng nói chuyện mang vớ đùi lên hình mà vén vén.

Diễn viên phim này (và các phim này), lại có khi, hay phần nhiều, là nghiệp dư và không có nghề. Không có ai 7 tuổi hay 14 tuổi mà đã tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh. Em trai vai Ali được tuyển nghe đâu là trong 2600 học sinh trên khắp nước. Em gái vai Razieh thì đạo diễn Panahi phải ngồi ngoài hình trước mặt em và bật khóc khiến em mủi lòng và ra nước mắt để thu hình. Giai thoại này tựa như trong lúc quay phim Italy “The Bicycle Thief” (1948), tuyệt tác của điện ảnh Tân Hiện thực. Đạo diễn Vittorio de Sica đã phải vu láo diễn viên nhi đồng về tội ăn cắp khiến em tức quá mà ứa nước mắt.

Cảnh loay hoay dùng sào moi đồng tiền lên trong “Quả bong bóng trắng”

Làm việc với các em rất khó, có lẽ còn khó hơn là làm việc với Hà Kiều (muốn cô nhỏ lệ chắc phải bắt Nguyễn Gia Thiều bỏ tù). Thí dụ, trong phim sau là “The Mirror”, Panahi có lúc gặp khó khăn với diễn viên chính là em Mina Mohammadkhani (em họ của Aida Mohammadkhani). Em bảo “Em không đóng phim nữa” và bỏ xuống xe trong khi đang thu hình. Thay vì cắt cảnh này và đợi em hết dỗi, Panahi dùng luôn trong phim, một cách nhắc nhở người xem như thuật “hiệu lực cách ly” của Bertold Brecht: bạn đang xem phim (kịch) nhé, nên ý thức việc này và đừng để vô thức của bạn bị nhân vật lôi cuốn.

Vậy mà cũng có người xem, và nhiều người xem. Có lẽ, để đến với khán giả và có được quần chúng, chắc là đã đến lúc ta nên làm phim xấu với một câu chuyện vớ vẩn: một em bé đi mua cá vàng vào ngày Tết. Rồi sao nữa? Rồi hết.

 

*

Sáng Ánh viết về điện ảnh:

- Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt

- Sống cùng điện ảnh

- Bài học từ “The Room” (phần 1):
Dở không tả được

- Bài học từ “The Room” (phần 2):
Cái gì cũng dở tuy dùng toàn thứ chuyên môn

- Bài học từ “The Room” (phần 3):
Thành công bất ngờ và ngậm ngùi cá nhân (tôi)

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được

- “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu

- Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền)

- Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay

- Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu

- Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá

- Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào?

- “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới

- “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu?

- “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc

- “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta

- ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời…

Ý kiến - Thảo luận

23:41 Saturday,1.4.2017 Đăng bởi:  Quỳnh Nga
em có thể tìm phim ở đâu ạ, bản có engsub và có thể download về ấy ạ. Em đã tìm thử và thấy có trên youtube, nhưng sub rời nên khi down về bị mất sub ạ.
...xem tiếp
23:41 Saturday,1.4.2017 Đăng bởi:  Quỳnh Nga
em có thể tìm phim ở đâu ạ, bản có engsub và có thể download về ấy ạ. Em đã tìm thử và thấy có trên youtube, nhưng sub rời nên khi down về bị mất sub ạ. 
13:34 Thursday,30.3.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Bản thân tôi cũng là một người được đào tạo chính quy về điện ảnh, đọc những bài viết của bác SA mà tự cảm thấy xấu hổ. Nền điện ảnh của chúng ta hiện nay đang mải mê chạy theo quá nhiều thứ hào nhoáng, cả về kỹ thuật làm phim tân tiến hay những ý tưởng mang mác avant-garde.
...xem tiếp
13:34 Thursday,30.3.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Bản thân tôi cũng là một người được đào tạo chính quy về điện ảnh, đọc những bài viết của bác SA mà tự cảm thấy xấu hổ. Nền điện ảnh của chúng ta hiện nay đang mải mê chạy theo quá nhiều thứ hào nhoáng, cả về kỹ thuật làm phim tân tiến hay những ý tưởng mang mác avant-garde. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả