Gẫm & Bình

Tôi đi xem “Harry Potter và Đứa trẻ bị nguyền rủa” 01. 03. 17 - 2:26 pm

Hồ Như Mai

 

Poster của vở kịch. Toàn bộ hình lấy từ pottermore.com 

Khi được mời dịch kịch bản Harry Potter và Đứa trẻ bị nguyền rủa (sau đây gọi tắt là Đứa trẻ), tôi chợt nhớ lại lời của một người thầy dạy môn Văn học Anh thời phổ thông: “Kịch bản chỉ là tờ séc trống”. Bởi lẽ từ kịch bản đến vở dựng là vô số những biến số phức tạp: ý đồ của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, phần dàn dựng sân khấu, âm nhạc, ánh sáng… Kịch bản theo một cách nào đó chính là cái nền để trên đó nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, và trong quá trình sáng tạo ấy, người nghệ sĩ khiến giấy mực trở thành sự sống. Họ mang vào đó tài năng, cá tính của mình, họ khiến kịch bản cũng phát triển, biến chuyển theo đó.

Vậy phải làm gì đây khi chuyển ngữ một tờ séc trống? Tôi nghĩ chí ít phải cố gắng đi xem tận mắt cho bằng được trước khi hoàn thành bản thảo.

Kịch bản Đứa trẻ vốn được in ấn và phát hành như một cử chỉ chia sẻ với các fan không có điều kiện đến xem tận nơi ở nhà hát Palace Theatre. Nói thêm rằng đây là vở kịch cháy vé đến hết năm 2017 (sức chứa nhà hát là 1400 chỗ ngồi, diễn liên tục từ thứ Tư đến Chủ Nhật mỗi tuần). Cách duy nhất (và vô cùng khó khăn) để fan vẫn có thể mua vé là “tham gia xổ sổ” Friday Forty trên trang web mỗi Thứ Sáu với bốn mươi vé được bán giá ưu đãi. Trên mỗi vé còn in cả tên người mua để đề phòng đầu cơ bán lại. Giá vé chính thức thuộc loại “mềm” so với các show ở West End, thế nhưng giá bán lại có thể lên đến hàng ngàn bảng.

Nhà hát nơi trình diễn vở kịch. Ảnh: Manuel Harlan từ Pottermore


Đứa trẻ
ăn khách đến mức nhà hát Palace Theatre đành tặc lưỡi bỏ qua truyền thống để dành hai ghế trống cho… ma nghệ sĩ trong mỗi sô diễn. (Hình như dân sân khấu ở đâu cũng ít nhiều “tâm linh”?). Càng ly kỳ hơn khi nhà hát bỏ nhỏ điều này với khán giả, nhưng lại không tiết lộ vị trí hai chỗ ngồi đặc biệt ấy, khiến khán giả ngồi xem mà cứ thấp thỏm không biết có “cô” hay “cậu” nào đang ngồi trên đùi mình không.

Fan của Rowling hắn sẽ gật gù tâm đắc khi bước vào nhà hát. Nội thất bên trong nhà hát cổ kính, thâm trầm với cầu thang gỗ cổ điển, tường ván gỗ tối màu, hàng ghế nhung đỏ sẫm, những chi tiết bằng đồng sáng loáng, những bức tượng thiên thần mũm mĩm cầm đuốc… Thẩm mỹ ấy không chỉ khiến người ta nghĩ đến thế giới của trường Hogwarts, mà nó còn có thể gợi liên tưởng đến những tửu quán, những địa điểm đặc chất Anh quốc trong bộ tiểu thuyết về thám tử Cormoran Strike của Robert Galbraith, tức Người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó. (Nói thêm rằng vị trí nhà hát rất gần với những địa điểm quen thuộc với fan của Strike như ga Tottenham Court Road, phố Denmark, quán Cambridge…)

Sân khấu.

Vở kịch gồm 2 phần, mỗi phần dài 2 tiếng 40 phút. Vào các ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ Nhật khán giả có thể xem hai phần trong một ngày, diễn cách nhau 2 tiếng đồng hồ, vừa đủ để tìm một bữa tối ở Soho.

Tôi may mắn có vé xem cả hai phần vào Thứ Bảy. Phần một bắt đầu lúc hai giờ ba mươi phút nhưng một giờ ba mươi chúng tôi đã lục tục đứng xếp hàng để được kiểm tra an ninh trước khi vào nhà hát. Khán giả xếp hàng rồng rắn quanh nhà hát, vẻ mặt ai cũng phấn khích. Nhiều người (cả trẻ em và người lớn) diện áo choàng phù thủy, quấn khăn quàng của bốn nhà ở trường Hogwarts. Nhiều nhất (đương nhiên) vẫn là dân Gryffindor. (Nhưng cũng có kha khá các bạn Slytherin khăn xanh).

Trong hơn năm tiếng đồng hồ đó, có nhiều lúc tôi bật cười thích thú, có khi lại thấy lành lạnh sống lưng, có (rất nhiều) lần trố mắt há hốc miệng. Và cũng có những khoảng lặng khi tôi có cảm giác thấm thía, thấy như nhân vật đang nói hộ lòng mình, rồi đến một cảnh gần cuối, tôi chợt nhận ra nước mắt đã lăn trên mặt mình từ khi nào.

Jamie Parker trong vai Harry Potter khi đã trưởng thành.

*

Phải bắt đầu từ đâu đây?

Người ta có thể tranh cãi về nội dung rối rắm nhiều lớp lang (nhất là một vài quý vị phụ huynh vốn thích mua sách cho con hơn là đọc sách cho mình – bản thân tôi chưa từng gặp đứa trẻ nào than rằng Harry Potter rối rắm khó hiểu), một số fan ruột có thể bất bình vì cho rằng tình tiết vô lý (à hem, bạn đang nói về một câu chuyện trong…thế giới ma thuật), khá nhiều cao thủ (bàn phím) sau khi đọc kịch bản chê ngay mô típ quá sáo, chủ đề quá cổ điển (hì, bạn đang xem… kịch kia mà).

Nhưng đến cả những nhà phê bình gay gắt nhất (sau khi tận mắt đến xem) cũng phải đồng ý rằng phần dàn dựng của Đứa trẻ quá xuất sắc.

Trong tiếng Anh, từ magic vừa là ma thuật, lại vừa có nghĩa ảo thuật. Ở đây ảo thuật đã đưa ma thuật lên sân khấu một cách hoàn toàn thuyết phục. Bàn ghế (rồi cả con người) bay lơ lửng trong không gian, nhân vật hoán đổi hình dạng lẫn nhau ngay tại chỗ, khói xịt ra từ lỗ tai, buồng điện thoại hút người ta vào, chỉ để lại tấm áo choàng rơi xuống đất, chiếc giường trống bỗng dưng có người nằm trên đó…. Tôi đã có được những câu trả lời vô cùng thỏa đáng cho rất nhiều lần nhăn trán nhíu mày trong quá trình dịch vì không thể hình dung nổi tình tiết ấy sẽ được xử lý ra sao trên sân khấu.

Nhưng cái hay về mặt dàn dựng ở đây không chỉ là các màn ảo thuật điêu luyện mà là sự ăn khớp, phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng ở từng chi tiết. Đạo cụ trên sân khấu được chuyển hóa vô cùng thông minh. Từ những cây cột chống ở nhà ga King’s Cross đến trường Hogwarts cổ kính, đến những tàng cây trong Khu Rừng Cấm âm u… Từ những chiếc rương hành lý ở nhà ga đến những dãy ghế tàu, rồi đột nhiên khán giả thấy nhân vật chính đang đứng trên nóc tàu giữa gió thổi phần phật… Mọi thứ được tiết chế, tính toán kỹ càng, ăn khớp với nhau như món đồ chơi lắp ghép hoàn hảo.

.

Khi đọc kịch bản này bạn sẽ thấy rằng vở kịch có nhịp điệu khá nhanh, các cảnh nhỏ liên tục thay đổi, cảnh trước đổ vào cảnh sau. Trên sân khấu sự chuyển đổi đó được thể hiện bằng phép ước lệ, qua vũ đạo, qua nhịp điệu di chuyển của nhân vật. Hầu hết diễn viên cũng chính là người di chuyển đạo cụ mỗi lần chuyển cảnh. Rất nhiều những pha chuyển cảnh được gởi gắm thêm nội dung, khiến câu chuyện thêm đầy đặn và tạo ra một sự liền mạch xuyên suốt. Chiếc áo choàng phù thủy được tận dụng vô cùng thông minh trong vũ đạo và kỹ thuật chuyển cảnh. Tôi ngồi khá gần sân khấu, cạnh hai khán giả trung niên ăn mặc rất “nghệ”, qua cách nói chuyện có lẽ là “người trong ngành”. Hai bác cứ tấm tắc xuýt xoa rồi cười đắc ý ở những chỗ bếp núc. (Nhưng đến cuối khi khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay, tôi nhìn qua đã thấy hai bác biến mất từ bao giờ, có lẽ ngay lúc hạ màn.)

Một cảnh trong vở kịch.

Đến đây, nếu bạn vẫn còn đọc, tôi trộm nghĩ nếu bạn không cảm thấy hơi nhồn nhột vì bị xỏ xiên thì có lẽ đang ghen tị vì không có cái may mắn được tận mắt chứng kiến phép màu như tôi.

Vậy để tôi…  kể nốt về ấn tượng sâu sắc nhất của mình hôm đó.

Là người thực hiện bản dịch, tôi quen thuộc với từng câu thoại đến gần như thuộc lòng. (Bản tiếng Việt được dịch từ Bản diễn tập đặc biệt – Special Rehearsal Edition, thoại trong vở diễn gần như giữ nguyên từ bản này.)

Tôi thực sự xúc động khi nghe những lời thoại quá quen thuộc được thổi hồn qua đài từ xuất sắc của diễn viên, qua cách ngắt nhịp điêu luyện, qua cảm xúc thể hiện trên sân khấu. Tính cách và chiều sâu tâm trạng của nhân vật được khắc họa vô cùng sinh động. Phải nói rằng diễn xuất của họ quá tuyệt vời, khán giả vừa cười nghiêng ngả ở cảnh trước đã phải rưng rưng ở cảnh sau.

Tôi nghĩ thầm có lẽ đây mới chính là hạnh phúc của người đạt đến đỉnh cao sự nghiệp như JK Rowling. Chính là cơ hội được làm việc với những tài năng xuất sắc để được cùng cháy hết mình cho nghệ thuật. Hạnh phúc ấy không tiền tài hay danh vọng nào sánh được.

Trở lại câu chuyện của Đứa trẻ, với tôi, đó trước hết là một câu chuyện về gia đình, về cha mẹ và con cái cùng những giằng co rất đời thường.

Ở đây ta bắt gặp cái tâm trạng bức bối, cứ loay hoay khó chịu, luôn thấy mình bị hiểu lầm của tuổi ẩm ương. Ở cái tuổi ấy người ta vừa thèm khát bạn bè, vừa thấy mình lạc lõng không giống ai. Ở tuổi ấy người ta có thể rất cô đơn và nỗi cô đơn đó có thể khiến cuộc đời ta thay đổi hoàn toàn. Như lời của một nhân vật “một lúc nào đó, anh sẽ phải lựa chọn trở thành người ra sao (…) ngay lúc đó, anh cần có cha mẹ, hay một người bạn ở cạnh bên. Và nếu anh đã kịp ghét cha mẹ mình, lại không có bạn bè gì… thì anh thực sự đơn độc. (….) Tôi cũng từng đơn độc. Từng ở một nơi vô cùng u ám. Tôi đã ở đó rất lâu. Tom Riddle cũng từng là một đứa trẻ đơn độc (….) Tom Riddle chưa bao giờ rời khỏi nơi chốn u ám ấy. Và thế là Tom Riddle trở thành Chúa tể Voldemort”.

Alex Price trong vai Draco Malfoy. Ảnh: Manuel Harlan

Nếu khán giả nhỏ tuổi có thể thấy mình qua hai nhân vật chính vô cùng đáng yêu và có phần dại dột thì các bậc phụ huynh cũng có thể thấy mình qua “đứa bé vẫn sống” năm nào, giờ đây đã là cha của ba đứa trẻ.

Harry cho ta thấy rằng trong chuyện nuôi dạy con, phù thủy cũng… vò đầu bứt tai như dân Muggle. Dường như không có phép màu hay thành tựu, danh vọng nào ở ngoài xã hội giúp được ta khi phải đối mặt với đứa con mình yêu thương hết mực, nhưng không thể tìm được tiếng nói chung.

Cái cảm giác bất lực trước một đứa trẻ mới lớn ấy rất thật. Đó là cái cảm giác của cha mẹ luôn ở thế sẵn sàng đi vào chỗ chết vì con, nhưng cứ loay hoay lúng túng trước những vấn đề của tuổi ẩm ương, mà dường như càng cố thì càng sai. Chính là cái cảm giác thương đến ứa nước mắt nhưng tức đến nghẹn lời khi không thể nào hiểu được trong đầu con mình đang nghĩ gì.

Jamie Parker trong vai Harry Potter (nay đã thành cha) và Sam Clemmett trong vai Albus Potter.

Ở một khía cạnh khác, Đứa trẻ lại là câu chuyện của tình yêu và mất mát – hai mặt của một đồng xu. Tình yêu càng sâu nặng thì mất mát càng lớn lao. Tình yêu giúp ta vượt lên nỗi đau mất mát, nhưng tình yêu cũng khiến ta mù quáng. Tình yêu và mất mát khiến một phù thủy lão luyện trở nên lú lẫn, quên bẵng rằng mọi “giá như” ở đời đều là vô nghĩa. Tình yêu và mất mát khiến vị cứu tinh của giới phù thủy – kẻ từng đánh bại Chúa tể hắc ám, phải mang theo một vết thương thẳm sâu trong tâm hồn suốt đời, để mỗi khi đối diện vẫn thấy xé lòng, gục ngã đớn đau. Tình yêu có thể hóa giải lời nguyền chết chóc. Nhưng cũng chính tình yêu cũng có thể đưa ta đến những nơi tăm tối nhất. Tình yêu và mất mát khiến ta cứ luôn đi trên sợi dây thăng bằng nguy hiểm ấy.

*

Nhưng, như thầy Dumbledore đã nói: Sẽ không bao giờ có một câu trả lời hoàn hảo trong cái thế giới hỗn loạn này. Sự hoàn hảo nằm ngoài tầm với của con người, của cả ma thuật. Trong mỗi phút giây lấp lánh hạnh phúc đã có sẵn giọt độc đắng cay. Và khổ đau trong đời người cũng tự nhiên như hơi thở…

Đến đây, tôi trân trọng gởi đến bạn tấm séc trống ấy, để tự bạn thả hồn vào đó, vào một câu chuyện trong thế giới ma thuật mà lại rất đời.

Tôi chúc bạn cũng nhận được nhiều như chính tôi đã nhận được.

Tháng Mười 2016

Ý kiến - Thảo luận

10:15 Thursday,2.3.2017 Đăng bởi:  LC
Ấy em nhầm, ba ngày mồng 3, 4, 5 và 8 tháng 3 này đấy. Suất 20h, kính báo !
...xem tiếp
10:15 Thursday,2.3.2017 Đăng bởi:  LC
Ấy em nhầm, ba ngày mồng 3, 4, 5 và 8 tháng 3 này đấy. Suất 20h, kính báo ! 
22:39 Wednesday,1.3.2017 Đăng bởi:  LC
Một bài viết về kịch nghệ tuyệt hay. Là một người của nhà hát kịch, em nhiệt liệt tán thưởng và mong bác Hồ Như Mai cứ giữ tình yêu với sân khấu, nhiều nhiều...
Và tiện đây xin thông báo thêm, trong 3 ngày 5,6,7/3, nhà hát kịch Hà Nội ra mắt các suất diễn 8h tối, những chùm hài được dàn dựng với ekip và tinh thần mới. Vé có bán tại ngay rạp Công nhân, là nơ
...xem tiếp
22:39 Wednesday,1.3.2017 Đăng bởi:  LC
Một bài viết về kịch nghệ tuyệt hay. Là một người của nhà hát kịch, em nhiệt liệt tán thưởng và mong bác Hồ Như Mai cứ giữ tình yêu với sân khấu, nhiều nhiều...
Và tiện đây xin thông báo thêm, trong 3 ngày 5,6,7/3, nhà hát kịch Hà Nội ra mắt các suất diễn 8h tối, những chùm hài được dàn dựng với ekip và tinh thần mới. Vé có bán tại ngay rạp Công nhân, là nơi xem show, hihi
Xem chính kịch nhiều rồi, giờ xem hài, bỗng thấy trẻ ra đến chục tuổi đấy các bác ạ. Mấy hôm nữa nếu có kịch kinh dị, thì xem lại già đi, là vừa ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả