Bàn luận

Liệu anh Giang có đẩy người ta vào vòng xoáy tù ngục lương tâm lần nữa? 09. 03. 17 - 6:47 am

Tổng hợp các bình luận

Đây là cmt cho bài “Tôi đi gặp ‘bảo mẫu ác thú’“. Soi tổng hợp và đặt tên, đưa lên thành bài để các bạn dễ thảo luận. 

*

Hí họa toàn bài của David Hayward 

Siêunoob

Một người có thể không tha thứ, nhiều người có thế không tha thứ được cho cái cô kia, nhưng ở mức cả xã hội, cả cuộc đời, hay là đến level của God, thì cần phải tha thứ chứ.

Còn cách tha thứ thế nào thì cũng khó nói lắm. Chưa chắc cứ im lặng quên đi là tha thứ đâu. Có khi cái cô kia lại chỉ có thể tự thấy yên được khi bị chính nạn nhân cho một cái tát thật đau…

Minh Tinh

Anh Đặng Hoàng Giang chính ra rất ác. Cha xứ đã lẳng lặng làm lễ tha tội cho cô Lý. Chồng cô ấy cũng đã lẳng lặng cưới cô ấy. Mọi người không nhắc nữa để quên đi. Quên đi mới sống được chớ. Anh Giang lại nhắc lại, đưa cô thành sách thế này thì có mà muôn đời sau tội ác của cô ấy không ai quên được.

Thử hỏi con anh mà bị bảo mẫu tát cho đến sưng má lên anh có nhảy chồm chồm lên không, đòi luật pháp phải ra tay không. Không thấy anh đi gặp em bé bị tát và gia đình em xem chấn thương tinh thần thế nào, hòa nhập làm sao với thế giới không bị tát, chỉ thấy anh đi gặp nhân vật thủ ác để viết sách và tự nâng anh lên một tầm cao mới của cái Thiện.

.

Dương Trần

Cũng may ở xứ mình tin tức lan nhanh mà tan cũng nhanh, sau một thời gian là người ta lại ầm ào đi theo những tin tức mới nóng hổi hơn. Bác Giang không nhắc lại khéo cũng chả ai nhớ “bảo mẫu ác thú” là vụ nào.

Chớ không có như nước ngoài, các bác xem phim “Boy A” (2007) thì thấy, một cựu tù – kiểu như Lê Văn Luyện ở ta – sau khi được thả thì phải có danh tính mới, có cảnh sát bảo vệ vì sợ bị dân phòng săn lùng và xử theo “công lý”.

Tôi chú ý tới khía cạnh dư luận trong bài viết này hơn là khía cạnh chị Lý, và theo tôi phần đấy bác Giang viết cũng sắc hơn. Có lẽ bác hợp với kiểu cầm dao mổ xẻ, phê phán chứ không hợp cầm phất trần kêu gọi hòa bình với thứ tha.

Tôi mạn phép suy diễn tiếp ý của bác Giang thế này: Cách phản ứng của xã hội với những “án điểm” kiểu này thường thường là lên án mạnh mẽ, coi đó KHÔNG PHẢI hành vi của con người. Hàm ý trong phản ứng đó là “tôi KHÔNG BAO GIỜ làm như thế”.

Nhưng trên thực tế, thực hiện những hành vi bị lên án đó cũng là những con người bình thường như chúng ta. Trong những hoàn cảnh bất thường, ngay chính chúng ta cũng có nguy cơ làm ra những hành vi như vậy. Buổi sáng bạn vừa chửi mắng chị Lý, đến chiều đi đón thằng con đi học về, đường thì đông mà nó cứ ỉ eo đòi mua siêu nhân, giãy đành đạch trên xe, bạn có muốn quay lại cho nó vài cái tát hay không?

Vì thế, thay vì lên án hay kêu gọi tha thứ, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tìm hiểu rõ hoàn cảnh gây ra những hành vi đó để tự cảnh giác bản thân.

Hí họa của David Hayward

Anh Nguyễn

Lòng trắc ẩn là một thứ tốt đẹp và quý báu nhưng nó không phải thứ để ban phát vô tội vạ.

Tôi chỉ thương những người hiền lành tử tế, làm gì biết suy tính đúng sai, không hại ai bao giờ. Còn tội hành hạ trẻ em thì bất kỳ xã hội văn minh nào cũng lên án, bởi trẻ em là những thành viên ngây thơ, yếu đuối, cần bảo vệ nhất.

Ở một đất nước mà kẻ ấu dâm trẻ em như Minh béo vẫn nhơn nhơn lên báo, rồi lão già Vũng Tàu xâm hại trẻ em vẫn sống tự do trong khi mẹ con nạn nhân phải bỏ ra nước ngoài,… thì lên án những hành động thế này chẳng bao giờ là thừa.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc người dân phẫn nộ là chuyện thường tình, họ không phẫn nộ mà coi như việc hiển nhiên mới đáng lo chứ.

Còn tác giả muốn thực hành cái thiện thì có lẽ nên dành nó cho ai đánh đập con mình, rồi viết về nó, thì mới có ý nghĩa. Tha thứ cho kẻ đánh con của người khác rồi viết thành sách kiếm tiền thì dễ quá.

.

Phan Minh

Người ta hay nói là cái gì qua thì cứ để cho nó đi qua, tội lỗi được tha thì quên đi. Nhưng tôi nói là tội lỗi dù có được tha thì nó còn nguyên đó.

Cô Lý phạm tội là một sự thật, và cô phải chấp nhận cái sự thật đó. Cư dân mạng nói quá hay không thì nó cũng xuất phát từ cái sự thật là cô Lý tấn công một đứa trẻ 3 tuổi.

Anh Giang có thể vị tha với cô ấy nhưng tôi không chắc cha mẹ của đứa trẻ có thể nào quên con mình từng bị đối xử như thế nào. Họ vị tha tới cỡ nào thì họ cũng không thể nào không giận dữ khi con bị hành hạ cỡ đó. Anh có thể từ tầm cao đạo đức của bản thân yêu cầu sự tha thứ từ xã hội, nhưng tội nhân phải có thái độ của tội nhân và họ phải chấp nhận mình có tội trước khi họ được tha thứ.

Tôi thấy tác giả đang bịa ra cái nghi thức tái hòa nhập thì đúng hơn. Chúa tha tội cho cô Lý vì cô nhận tội cùng Chúa và quỳ xuống xin tha tội. Tội cô phạm cùng ai thì người ấy có quyền tha, cô phạm cùng đứa bé đó thì cô phải xin đứa bé đó tha tội. Xã hội lên án cô do chưa bao giờ cô Lý công khai xin lỗi vì hành động của mình, và cái cách anh Giang trình bày nhân vật cô Lý ở đâu vô hình trung biến cô Lý thành nạn nhân để cầu xin sự thương xót cho cô, trong khi cô chẳng cầu xin ai thương cả vì cô chấp nhận tội lỗi của mình.

Câu hỏi của tôi là anh Giang đang làm điều tốt hay điều xấu?

Hí họa của David Hayward 

Candid

Em lại cố đọc lại bài viết này kỹ lưỡng một lần nữa nhưng thú thật vẫn không hiểu logic của bài này lắm.

Ví dụ như chi tiết về bằng mừng tho của ông cô bé này, ai có tội thì người nấy chịu, kể cả ngay tại thời điểm xảy ra vụ đó thì ông cũng không thể chịu tội thay cho cháu mình được. Cư dân mạng em nghĩ trừ một số quá khích còn cũng đủ công tâm.

Thứ hai: việc cô bé này phạm tội đã có tòa án xử, cô chấp hành xong hình phạt nghĩa là cô đã trả giá đủ cho hành vi đấy và không cần ai phải làm nghi thức tái hòa nhập cho cô hay tha thứ cho cô. Chúng ta đâu có quyền hành gì để cho phép mình làm cái việc xa xỉ ấy?

.

Chữ Khắc Dấu

Văn tự để đời. Các cụ xưa nói vậy. Khi đã in ra thì chữ nó tồn tại, khắc dấu vào thời gian dù có hay có dở, rởm.

Tớ không thích các chiết tự định nghĩa nhưng thiển nghĩ thì VĂN HÓA theo cách hiểu thông dụng có lẽ là chỉ cái gì hay, đẹp, thiện, phát triển chứ đã Văn hóa lại còn có “Văn hóa lăng nhục” như bác Đặng Hoàng Giang viết thì nó làm rẻ rúng và đánh đồng ý nghĩa quá.

Tương tự, có vị nói ông bộ trưởng bộ Dục “lói ngọng” nà do ảnh hưởng từ Văn hóa địa phương nơi sinh ra…? liền bị thiên hạ họ tổng xỉ vả cho túi bụi.

Đồng ý với bạn Phan Minh, nhiều khi người ta vô tình mắc lỗi, đã chịu đủ hình khổ đủ rồi, nay lại được “chiên gia”, đạo đức học cất công về địa phương lôi tội lỗi của họ ra ngắm nghía, bình luận để giao giảng bài học về Tính THIỆN. Cho ai đây? cho mọi người hay vì danh lợi một người?

Như thế, bằng đẩy người ta vào vòng xoáy tù ngục lương tâm lần nữa.

Vậy có cần thiết những lời rao giảng to tát không?

Hí họa toàn bài của David Hayward

Phó Đức Tùng

Tôi thấy bản chất câu chuyện vẫn không ra ngoài văn hóa sỉ nhục. Cô Lý làm nhục đứa trẻ. Cộng đồng sỉ nhục cô Lý. Và nay thì TS Đặng Hoàng Giang sỉ nhục cộng đồng.

Trên đời luôn có những ví dụ tốt, và ví dụ xấu. Tại sao lại cho rằng có cái văn hoá sỉ nhục, cái văn hóa xấu, có khi nào bởi lẽ mình chỉ nhìn thấy cái xấu? Tại sao không nhìn thấy cái tốt rồi chia sẻ cái thơm tho, hay hớm cho mọi người đều vui, mà cứ phải chọc cứt ra ngửi rồi lại dạy người ta cách bịt mũi?

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, phải chăng cái sóng trong tâm ta cũng xấu như vậy?

*

SOI: qua trao đổi riêng, theo Đặng Hoàng Giang, “vì nghi lễ tái hòa nhập vì không được giải thích trong bài, nên nhiều người sẽ không hiểu hay hiểu nhầm”. Nếu có thể, mời mọi người tới sự kiện để thảo luận sâu hơn.

Ý kiến - Thảo luận

18:50 Wednesday,15.3.2017 Đăng bởi:  Ai đó trong đám đông
Đọc mấy ý trong bài lại nhớ ra câu chuyện này. Thôi thì kể ra coi như tự rửa mũi vậy.

Tôi biết một bà mẹ có cậu con trai đi tù. Tội trộm cắp. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ dưới bãi sông hồng. Bà có một quán nước chè trên vỉa hè phố X, Hà Nội. Cuối mỗi tháng, bà gom chút tiên lên trại thăm con.
Một hôm, có một nhóm thanh niên đến quán bà. Họ hỏi th
...xem tiếp
18:50 Wednesday,15.3.2017 Đăng bởi:  Ai đó trong đám đông
Đọc mấy ý trong bài lại nhớ ra câu chuyện này. Thôi thì kể ra coi như tự rửa mũi vậy.

Tôi biết một bà mẹ có cậu con trai đi tù. Tội trộm cắp. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ dưới bãi sông hồng. Bà có một quán nước chè trên vỉa hè phố X, Hà Nội. Cuối mỗi tháng, bà gom chút tiên lên trại thăm con.
Một hôm, có một nhóm thanh niên đến quán bà. Họ hỏi thăm bà về cậu con trai, về sức khoẻ và cuộc sống của bà. Tối hôm ấy, một người được cử ở lại về cùng bà cho biết nhà.
Sáng hôm sau, hai nam thanh niên đến nhà bà. Họ mang theo một số dụng cụ và giúp bà sửa lại cái cửa sổ hỏng bản lề và đặt lại vài viên ngói bị kênh trên mái.
Từ đấy cứ mỗi tuần, trong một ngày nhất định lại có một hay vài thành viên đến thăm hỏi sức khoẻ bà, giúp đỡ bà mấy việc lặt vặt; khi thì đun hộ bà ấm nước, lúc lại bưng chén trà cho khách hay đến nhà bà sửa sang lau chùi lại một thứ gì đó.
Cuối tháng, khi đến kỳ bà vào trại thăm con, nhóm lại cử một, hai thành viên cùng với bà lên trại với một chút quà, một chút thôi, khi thì gói bánh, khi vài bao thuốc.
Bà bảo với tôi rằng đó là nhóm thiện nguyện thuộc một giáo xứ Tin lành ở Hà Nội. Giáo xứ có nhiều nhóm khác nhau với những thiện vụ khác nhau. Công việc của nhóm này là thăm hỏi chăm sóc những gia đình có con em tù tội.
Tôi hỏi bà họ có thuyết giảng giáo lý cho bà không (tôi biết bà là người công giáo, nhưng đã mất niềm tin và hàng chục năm không đi nhà thờ). Bà cười bảo không. Họ không nói chuyện gì về tôn giáo, cũng không hỏi bà có thuộc tôn giáo nào không. Câu chuyện của họ với bà chủ yếu xoay quanh cuộc sống, tinh thần và sức khoẻ của bà cũng như tình hình cậu con trai trong trại. Họ tự nghĩ ra việc và vui vẻ bắt tay vào làm; khi thì đóng thêm cái ghế cho bà bán hàng, lúc lại lôi cái tivi cũ đã chập cheng ra sửa. Họ không đòi hỏi gì ở bà cũng như không nói gì nhiều về công việc thiện nguyện của họ. Bà không biết tại sao họ lại biết hoàn cảnh hai mẹ con bà, và cũng không biết ngoài bà ra họ còn giúp đỡ những ai. (Sau này tôi cũng hỏi một thành viên trong nhóm một số câu hỏi nhưng cô chỉ cười trừ. Tôi cũng không gạn).
Có lần họ đến và phát hiện ra bà có bệnh. Họ đưa bà đi viện khám. Bà phải nằm viện. Họ phân công thay nhau trông nom bà cho đến khi bà ra viện.
Vài tháng sau khi gặp nhóm thiện nguyện, nom bà tươi tỉnh hẳn lên. Giọng nói của bà nhẹ nhàng hơn, cử chỉ của bà mềm mại, thân thiện hơn. Bà không còn dễ nổi cáu như trước đây nữa. Tôi mừng cho bà, đồ rằng có lẽ bà, một lần nữa, lại cảm thấy mình có một gia đình.
Ngày cậu con trai ra tù, cả nhóm cùng bà mẹ lên đón cậu về nhà. Họ tổ chức cho cậu một bữa tiệc nhỏ, có hoa, có bánh ngọt, coca và tiếng đàn ghi ta của một thành viên trong nhóm. Tôi không được tham dự, chỉ được nghe bà mẹ kể lại rằng họ có đề nghị với cậu một số công việc và lớp học nghề để cậu chọn. Nhưng bà mẹ đã xin cho cậu vào làm trong một xưởng sản xuất nhỏ của một người họ hàng.
Tiếc rằng đây không phải là câu chuyện có hậu. Câu con trai sau nửa năm lại vào tù một lần nữa. Ở trong tù gần một năm, cậu chết. Người ta kể rằng câu tham gia vào một vụ đánh nhau và bị đối phương đánh chết. Tôi ngờ rằng đó là do cậu cố tình (vì tôi phần nào biết câu chuyện đời cậu).
Trong quá trình cậu ở ngoài rồi đi tù lần nữa, cũng như sau khi cậu chết, thành viên của nhóm đều đặn một tuần một lần đến thăm hỏi. Lúc này thì họ đã thân nhau lắm rồi.
Ngày đưa tro cậu từ trại về nghĩa trang, cả nhóm cùng đến, xắn tay tham gia mọi việc như những thành viên trong gia đình.
Tôi không thấy ở họ có gì đặc biệt so với những nhóm từ thiện khác. Có chăng là ở thái độ của họ đối với công việc: Tận tuỵ, chu đáo, nhẹ nhàng và...lặng lẽ. Vâng, đúng rồi! Tôi không thấy họ ồn ào bao giờ. Họ đến, sau vài lời thăm hỏi, họ nhìn quanh, nếu thấy rác họ cầm chổi lên quét, thấy chén chưa rửa thì đi rửa... cứ thế thôi, mọi việc cứ diễn ra nhẹ nhàng như thể họ đang làm việc nhà của họ vậy.
Tôi không biết tên nhóm và chỉ nhớ mang máng tên một hai thành viên và có lẽ, sau khoảng bảy năm, bây giờ gặp lại tôi cũng chẳng còn nhận ra họ nữa.
Sau cái chết của con trai, bà mẹ đã đi nhà thờ trở lại (tất nhiên nhà thờ công giáo). Bà cũng tham gia một nhóm thiện nguyện, không phải nhóm kia, mà là một nhóm thiện nguyện chuyên giúp đỡ trẻ vị thành niên lầm lỡ.
Trước khi rời khỏi khu phố, tôi vẫn thấy họ thường xuyên gặp gỡ nhau. Có lẽ họ đã thực sự trở thành một gia đình. 
13:44 Monday,13.3.2017 Đăng bởi:  Phú Quý Sinh
Quần chúng chú ý Fb của Giang Đặng xem anh ta có phát biểu gì về những vụ ấu dâm gần đây không nhe, hay anh ta im miệng và ngồi lưu tài liệu về phản ứng của người dân, một năm sau sẽ tố về những phiên tòa trên mạng, và lần mò đến nhà những tên phạm tội ấu dâm đó ban phép lễ, và sách ra, chị em nội trợ ta lại ào ào đi mua :-))
...xem tiếp
13:44 Monday,13.3.2017 Đăng bởi:  Phú Quý Sinh
Quần chúng chú ý Fb của Giang Đặng xem anh ta có phát biểu gì về những vụ ấu dâm gần đây không nhe, hay anh ta im miệng và ngồi lưu tài liệu về phản ứng của người dân, một năm sau sẽ tố về những phiên tòa trên mạng, và lần mò đến nhà những tên phạm tội ấu dâm đó ban phép lễ, và sách ra, chị em nội trợ ta lại ào ào đi mua :-)) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả