Chính trị

Nửa con gà của bà Đệ nhất 12. 03. 17 - 8:34 am

Sáng Ánh

Park Geun-hye cùng với cha là tổng thống (lúc đó) Park Chung-hee. Mẹ cô bị ám sát năm 1974, cô Park trở thành Đệ nhất Phu nhân để tháp tùng cha trong các sự kiện. Cô giữ vai trò này đến năm 1979, khi cha cô bị ám sát.

Hôm nay là ngày trọng đại. Từ khi được tin báo là cả trại đã rối rít, họp lên họp xuống, mở cuộc thi thảo diễn văn chào mừng. Bà chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ (của trại) tíu tít, vì bà sẽ là người đón tiếp đối tác, tức là bà chủ tịch của Hội Chữ Thập đỏ Hàn quốc.

Theo kế hoạch, ông đại diện trại sẽ tặng hoa cho Đệ nhất Phu nhân và ngược lại, cô sẽ tặng lại cho mỗi người chúng tôi tỵ nạn tại cảng Phú Sơn này một nửa con gà và một chai Coca 25 ml. Các nhân sĩ sẽ trao một lá thư nhờ cô chuyển lại cho thân phụ, và tôi nếu nhanh nhẩu hẳn sẽ được cắt việc dõng dạc đọc bức huyết thư này.

Từ ngày đến đây, tôi tích cực mỗi ngày theo Công an và Hải quan bản xứ làm việc, lập hồ sơ phỏng vấn cho một nửa trại và ai nhân thân thế nào theo khai báo, mang theo bao nhiêu ngoại tệ, bao nhiêu vàng tôi biết hết đến từng đồng. Nhờ thành tích này, tôi được cử vào ban chấp hành của trại và được phát cho một cái băng đeo tay có hai gạch làm oai. Một gạch là trưởng phòng còn ba gạch là ủy ban giám đốc thì hai gạch khi xếp hàng lấy thức ăn chắc thìa cơm to hơn và có nhiều kim chi dưa cải.

Tôi lại trẻ, cùng lứa tuổi với nàng, kém vài năm nhưng nói rành rọt tiếng Pháp là nơi công nương còn đang du học vào năm ngoái khi mẫu hậu chẳng may lạc đạn khiến nàng phải trở về nước và nhậm chức Đệ nhất Phu nhân. Mẹ tôi thì không bị lạc đạn vì bố tôi không có ai định ám sát nhưng bà tốt nghiệp tại cùng tỉnh cô nương trọ học trời Âu. Bố mẹ tôi thành hôn tại đó, vậy là cũng có câu chuyện gẫu trong khi uống trà.

Bà Park Geun-hye đi cùng cha là cựu tổng thống Park Chung-hee trong một sự kiện. Ảnh từ trang này 

Lá thơ do ban đại diện trại thảo, đại để trước hết là cám ơn Hàn quốc đã cưu mang người tỵ nạn. Để đáp lại ơn này, chúng tôi, tức là vài ba trăm người Việt không thuộc thành phần gia quyến Hàn quốc, và không kể đàn bà trẻ con, ông lão và thanh niên bị bệnh xuyễn, với kinh nghiệm chống Cộng sản dày dặn suốt 20 năm qua, xin hứa với Tổng thống Phác Chính Hy là sẽ tòng quân đánh giặc trong trường hợp Hàn quốc bị Bắc Triều tiên xâm lăng!

Tôi là người lễ độ, và trước các bác các chú tôi không nói thẳng ra, nhưng mấy cha vừa cắp đít chạy sang đến đây còn nóng hổi, đất nước mình giữ còn không nổi mà giờ lại đòi đổ máu ra giữ hộ thằng Đại hàn! Phác Chính Hy mà đọc chắc là toát mồ hôi hột và quỳ xuống mà lạy xin tha. Bức thư này có được đưa cho cô ái nữ và may thay Kim Nhật Thành không động quân và không có người Việt nào trong chúng tôi phải bắn đến viên đạn cuối cùng (mang từ Việt nam sang) tại vĩ tuyến thứ 38.

Ngày hôm đó, tôi có ăn nửa con gà và uống hết phần tôi một chai Coca. Nhưng tôi không ra đón cô Park Geun Hye, 23 tuổi và Đệ nhất Phu nhân Hàn quốc, không đọc huyết lệ thư của người tỵ nạn Việt bằng tiếng Pháp, và không tán mưa tán gió là cô có vấn vương mây ở vùng Grenoblois. Tôi nằm nhà.

(Park Geun Hye năm 2012 trở thành tổng thống thứ 11 của Hàn quốc).

Cô Park Geun Hye rời phủ tổng thống sau đám tang của cha. Ảnh chụp năm 1979

 

Ý kiến - Thảo luận

13:31 Monday,13.3.2017 Đăng bởi:  dilletant
Muốn hay không, chúng ta trở thành một phần của lịch sử. Gạt một ai đó ra khỏi lịch sử (việc thường bị lương tri lên án, chê trách) làm cho nó (lịch sử) vênh váo đi (giấu đầu hở đuôi). Nhưng có lúc ta vẫn phải sửng sốt chứng kiến ai đó, hăm hở, định hiệu đính lịch sử (and/or gạt ai đó ra ngoài lịch sử).
...xem tiếp
13:31 Monday,13.3.2017 Đăng bởi:  dilletant
Muốn hay không, chúng ta trở thành một phần của lịch sử. Gạt một ai đó ra khỏi lịch sử (việc thường bị lương tri lên án, chê trách) làm cho nó (lịch sử) vênh váo đi (giấu đầu hở đuôi). Nhưng có lúc ta vẫn phải sửng sốt chứng kiến ai đó, hăm hở, định hiệu đính lịch sử (and/or gạt ai đó ra ngoài lịch sử). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả