Thiết kế

“Giáo hoàng của thời trang nam”
(bài 2): từ chân chạy vặt thành ông chủ lớn 16. 03. 17 - 7:12 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài 1}

Cảnh tượng ở Buchenwald đã để lại ấn tượng khủng khiếp với Eisenhower. Trong lá thư viết gửi cho tướng Geore Marshall, ông đã viết: “Không gì có thể diễn tả những thứ tôi nhìn thấy…. Những bằng chứng và lời khai về sự tàn ác, thú vật khiến tôi cảm thấy buồn nôn. Trong một căn phòng, có vài ba chục xác người chết đói chất đống. Tướng Patton còn không chịu vào đó, ông ta sợ sẽ ói mửa. Tôi cố tình đến tận nơi để có thể chứng thực về những việc đã xảy ra, trong trường hợp ngộ nhỡ trong tương lai có kẻ muốn lèo lái theo hướng ‘cáo buộc này chỉ là tuyên truyền.’”

Tướng Eisenhower cùng các tướng Bradley, Patty, Eddy tại Ohrdruf – trại đầu tiên thuộc Buchenwald được giải phóng. Trước mặt họ là các xác tù nhân bị thiêu trên đường ray xe lửa.

Eisenhower cũng hạ lệnh cho tất cả các binh lính Hoa Kỳ cùng ông thăm mọi ngõ ngách của Buchenwald. “Người ta nói lính Mỹ không biết họ chiến đấu vì điều gì. Bây giờ ít ra lính Mỹ sẽ hiểu họ chiến đấu để chống lại điều gì.” Không những thế, Eisenhower còn quyết định đưa dân thường Đức vào Buchenwald để tận mắt chứng kiến tàn tích của cuộc thảm sát, và bắt họ tự tay đào mồ chôn những nạn nhân Do Thái. Nhiều người Đức đã tự sát vì nhục nhã, tội lỗi, hoặc sợ hãi, trong số đó có vợ chồng thị trưởng thành phố Gotha, và vợ chồng thị trưởng Weimar (ở trên.) Đối với Maximilian, mong mỏi duy nhất của ông là được tìm thấy cha mình khoẻ mạnh. Trái với hy vọng của ông, người cha yêu quý của ông đã bị SS quật chết chỉ một tuần trước khi Buchenwald được giải phóng. Ông còn đau đớn hơn biết hai cha con đã cùng nhau ở Buchenwald một thời gian dài mà không tìm thấy nhau.

Những người sống sót từ trại Buchenwald xếp hàng để y bác sỹ một bệnh viện Mỹ khám và điều trị, khi trại này được quân đội Mỹ giải phóng vào tháng Tư 1945

Ngày 20 tháng 4 năm 1945, rabbi (giáo sĩ Do Thái) Herschel Schacter đã tổ chức buổi lễ Sabbath đầu tiên ở Buchenwald. Sau buổi lễ, Maximilian đã tiến tới hỏi Schacter bằng tiếng Yiddish: “Thưa thầy giảng, con cần phải biết, Chúa lâu nay đã ở đâu?” Vị rabbi đáng kính chỉ có thể trả lời: “Có nhiều câu hỏi không có câu trả lời. Đây là một câu hỏi như vậy.” Nói xong rabbi Schacter quàng tay ôm chặt Maximilian trong khi chú bé khóc ròng. Không ngờ 40 năm sau, hai người bọn họ lại tái ngộ trong một hoàn cảnh đặc biệt: lễ khởi công bảo tàng U.S. Holocaust do chính Tổng thống Ronald Reagan động thổ. Vợ chồng Maximilian là khách mời danh dự của chính trị gia Robert Strauss – một khách hàng thân cận. Maximilian không thể tin vào mắt mình khi thấy một gương mặt quen thuộc cất tiếng nói. Giữa bầu không khí trang trọng, rabbi Schacter đứng lên kể về cậu bé Do Thái ông gặp khi cùng quân đội Mỹ giải phóng Buchenwald, cùng câu hỏi “Where was God?” ám ảnh ông suốt 40 năm. Kể từ sau lần gặp “đang vui nước mắt lại trào” ấy, hai người bọn họ thường xuyên gặp mặt cho đến khi rabbi Schacter qua đời năm 2013.

Rabbi Schacter trong buổi lễ Sabbath tại trại Buchenwald, 1945

Cuộc sống của Maximilian sau khi thoát khỏi Buchenwald đã tươi sáng hơn rất nhiều. Ông tham gia quân đội Tiệp Khắc một thời gian ngắn, sau đó lại cùng chung sức vận chuyển các tù nhân Do Thái qua Palestine. Chính bản thân ông đã từng có ý định gia nhập nhà nước Israel. Nhưng số phận đã định đoạt, khiến ông “phải” trở thành thợ may lành nghề nhất Hoa Kỳ.

Maximilian không ngờ ông vẫn còn họ hàng ruột thịt ở Mỹ: anh chị ruột của mẹ ông đã thành đạt, sống êm ấm ở Baltimore và New York. Khi biết đứa cháu trai duy nhất còn sống, họ mau chóng làm thủ tục bảo lãnh cho ông. Năm 1948, dù một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, ông chính thức xách valy đi tàu vượt đại dương qua Hoa Kỳ.

Thời gian đầu, Maximilian sống cùng gia đình Berman tại Baltimore. Giàu có và nhân hậu, họ đã cưu mang Maximilian trong những ngày đầu nơi xứ lạ. Em họ ông, Frances Berman, cũng là người mua cho ông bộ vest đầu tiên của hãng GGG. Khi mặc nó, Maximilian cảm thấy mình như biến thành một con người khác – điển trai, lịch lãm, đầy tự tin. “Tôi chưa biết nửa chữ tiếng Anh, nhưng bộ vest GGG đã thay lời muốn nói.” Ông đổi tên thành Martin Greenfield, nhanh chóng tìm được một công việc tốt trong xưởng dệt tại Baltimore, nhưng rồi lại dứt áo đến New York để học tiếng Anh. Đây là một quyết định có tính bước ngoặt trong đời Martin.

Martin Greenfield cùng những người nhập cư trẻ tuổi khác

Công việc đầu tiên của Martin tại New York, tình cờ thay, lại chính là tại xưởng gia công những bộ vest GGG. Là một “floor boy,” ông có nhiệm vụ tìm kiếm, phân phối những thứ dụng cụ, vải vóc, đồ đạc lặt vặt trong xưởng và lãnh mức lương 35 đô la mỗi tuần. Toàn bộ quá trình gia công thật là quá sức phức tạp đối với ông, và nếu không nhờ một dãy những bộ vest treo gọn gàng trên giá thì Martin không thể hiểu là mọi người đang làm ra sản phẩm gì. Chỉ sau một tuần, ông tìm đến người quản lý của GGG – Adolph Rosenberg và yêu cầu được hiểu rõ quá trình làm ra những bộ vest, nếu không, ông sẽ nghỉ!

Bên ngoài hãng GGG Clothes

Thay vì đuổi việc cậu “floor boy” táo tợn, Adolph Rosenberg dắt ông đi qua từng bàn may và giải thích cho ông cặn kẽ 108 bước hoàn thành một bộ vest GGG hoàn chỉnh. Mỗi công nhân chỉ tập trung vào một công đoạn, và sự thành thạo của họ là không thể bàn cãi. Lúc đó, Martin thầm hứa sẽ phấn đấu sao cho tinh thông cả 108 bước này. Đối với ông, giỏi xuất sắc chưa đủ, mà phải toàn mỹ 100%. Suốt đời mình, Martin luôn không ngừng học hỏi. Từ nhà thiết kế danh giá nhất cho tới người thợ bình thường nhất, ông đều coi là thầy.

Một trang giới thiệu các mẫu mã mới của GGG Clothes hồi cuối những năm 1940s

Không chỉ học nghề, Martin còn chăm chỉ trau dồi mảng… văn hóa nghệ thuật. Từ giây phút nhìn thấy tượng Nữ thần tự do vẫy gọi, trong ông đã nung nấu một tình yêu cháy bỏng với Hòa Kỳ – đất nước cưu mang ông. Trong một lần đến thăm thủ đô Washington, DC cùng người bạn thân, ông đã lạc bước tới Tòa Quốc Hội. Ông hào hứng bắt chuyện với tất cả những người xung quanh, trong đó có một người đàn ông đứng tuổi, uy nghi. Có nằm mơ Martin cũng không thể ngờ đó chính là thượng nghị sĩ bang Kentucky – Alben Barkley. Alben đã mời Martin cùng người bạn đồng hành đi ăn trưa để hỏi kỹ càng hơn về cuộc sống trong trại tập trung, và họ đã giữ liên lạc nhiều năm sau đó. Số phận thật tình cờ, Alben Barkley cũng là một trong những người có mặt tại trại Buchenwald vào tháng tư năm 1945 với tư cách chủ tịch Hội đồng thẩm định phía Hoa Kỳ, khi chính Martin Greenfield vẫn còn ở đó. Một năm sau bữa trưa cùng Martin Greenfield, Alben Barkley trở thành Phó Tổng thống thứ 35 của Mỹ. Về sau Alben Barkley đã kể lại kỹ càng sự kiện này trong cuốn tự truyện That Reminds Me.

.

Tại GGG, Martin Greenfield thăng tiến một cách nhanh chóng. Để tăng hiệu suất làm việc, ông thuê thợ mộc làm một chiếc hộp đặc biệt chứa vừa khít các dụng cụ may mặc ông thường dùng và đặt nó ngay trong tầm tay với. Khi William P. Goldman, chủ sở hữu GGG đi thị sát công xưởng, chiếc hộp gỗ này đã khiến ông lọt mắt xanh của ngài. Dần dần ông trở thành cánh tay phải của William P. Goldman, và được đối đãi như con trai. Ngay cả khi được mời mọc sát nhập cùng Pierre Cardin và Yves Saint Laurent, ông vẫn một mực trung thành với GGG. Ông cũng là đầu tiên người kết nối GGG với tập khách hàng Hollywood, từ những siêu sao xưa xửa xừa xưa như Frank Sinatra và Eddie Cantor. Năm 1977, chính thức 30 năm sau khi bắt đầu sự nghiệp với chức danh “floor boy,” Martin Greenfield đã mua lại GGG với sự đề nghị của William P. Goldman. Ông đổi tên công ty thành Martin Greenfiled Clothiers và bắt đầu bằng cách thuê 6 người thợ giỏi nhất mà ông biết. Mới đầu Martin Greenfield chỉ có ý định sản xuất tầm 100 bộ vest mỗi tuần. Nhưng về sau yêu cầu ngày càng tăng mạnh – ông trở thành đối tác của Neiman Marcus, Donna Karan, Barneys New York, và Brooks Brothers. Ông cũng “dụ khị” hai cậu con trai thông minh giỏi giang về làm việc cho ông toàn thời gian.

Martin Greenfield và vợ. Ông có hai con trai – Tod và Jay. Cả hai đều trở thành những trợ thủ đắc lực của cha mình trong công việc kinh doanh.

Vào thập niên 70, thành phố New York là một trung tâm công nghiệp dệt may lớn của thế giới với gần 3000 xưởng. Thế nhưng nhu cầu thời trang nhiều-nhanh-rẻ đã dần khiến thị phần Made in USA teo tóp đi nhiều. Ngày nay, 97.5% quần áo tại Mỹ được sản xuất ở một nước… nào đó, trong đó có cả Việt Nam ta. Nhưng Martin Greenfield Clothiers là một ngoại lệ. Ở Martin Greenfield Clothiers, ông chỉ dùng những thứ vật liệu cao cấp nhất như len lông cừu và cashmere Anh với nút áo bằng sừng. Bộ y phục đắt nhất ông từng chế tác là một chiếc Vicuna jacket có giá 40.000 đô la!

Martin Greenfield trong xưởng làm việc

Quy trình sản xuất của ông cũng hầu như không thay đổi sau hàng chục năm, với mọi bước đều làm bằng tay tỉ mỉ. Một chiếc áo vest có ba lớp vải: lớp trong, lớp ngoài, và lớp ở giữa. Một bộ áo vest chất lượng thì lớp giữa đó có thể di chuyển nhẹ nhàng, ôm sát theo cơ thể người mặc một cách linh động. Một bộ áo vest rẻ tiền thì người ta sẽ dùng hồ… dán luôn lớp giữa lại cho khỏi vung vẩy. Mỗi khi trông thấy một chiếc áo vest như vậy ngoài phố, Martin Greenfield thường bước luôn sang bên đường cho khỏi… ngứa mắt.

Tại xưởng Martin Greenfield Clothiers. Một bộ vest tại đây bao gồm 108 công đoạn và mất ít nhất 16 giờ để hoàn thành.Ảnh của Getty Images

Một trong những yếu tố khiến Martin Greenfiled đặc biệt được những người nổi tiếng ưa chuộng là sự tinh tế và thấu hiểu. Khi khách hàng thường phải xuất hiện trên truyền hình như Conan O’Brien và Stone Philips, ông để ý sao cho chất vải không phản chiếu ánh sáng một cách quê kệch. Khi khách hàng là những ngôi sao thể thao danh tiếng như Shaquille O’Neal, Kobe Bryant, hay LeBron James, ông lại cắt áo sao cho họ mặc vest vẫn thoải mái như mặc áo jersey thi đấu. Hãng áo vest của ông hoàn toàn không vung tiền quảng cáo mà chỉ dựa vào truyền miệng, nhưng nhờ lượng khách hàng đông đảo toàn giới thượng lưu mà công việc kinh doanh của ông trở nên ngày càng phát đạt.

(Bài 3: Người làm hài lòng cả Obama lẫn Donald Trump)

Ý kiến - Thảo luận

9:21 Friday,17.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Về cái khoản chăm sóc hình thức sao cho thật bắt mắt thì người Mỹ là tinh vi số 1 roài. Chính vì tinh vi như thế nên họ cũng biết cách làm cho đối thủ trông xấu xí, thô kệch, bẩn thỉu nhất!!!

Cái vụ ngứa mắt quá phải lánh sang đường khác nghe quen quen! Tui thì không quá ám ảnh bởi chuyện chăm chút hình thức nhưng tui cũng dị ứng chuyện ăn mặc hở hang hoặc thi
...xem tiếp
9:21 Friday,17.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Về cái khoản chăm sóc hình thức sao cho thật bắt mắt thì người Mỹ là tinh vi số 1 roài. Chính vì tinh vi như thế nên họ cũng biết cách làm cho đối thủ trông xấu xí, thô kệch, bẩn thỉu nhất!!!

Cái vụ ngứa mắt quá phải lánh sang đường khác nghe quen quen! Tui thì không quá ám ảnh bởi chuyện chăm chút hình thức nhưng tui cũng dị ứng chuyện ăn mặc hở hang hoặc thiếu lịch sự lễ độ khi ra đường!!!

Có những người chỉ biết giữ nhà mình cho sạch, bao nhiêu cái bẩn thỉu, DƠ DÁY tống hết vào mặt người khác!!!

Sạch đẹp bề ngoài thì cũng tốt, nhưng sạch đẹp bên trong còn quan trọng hơn! Chứ chỉ chăm sóc bên ngoài sao cho choáng lộn mà nhìn thấu vào bên trong thấy buồn nôn thì... VỠ MỘNG!!! 
13:54 Thursday,16.3.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyen
Cảm ơn bác Dũng đã chỉ, nhờ Soi sửa lại ảnh giùm mình nhé.
...xem tiếp
13:54 Thursday,16.3.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyen
Cảm ơn bác Dũng đã chỉ, nhờ Soi sửa lại ảnh giùm mình nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả