Kiến trúc

Làm vườn trên ban công: tạo một xã hội thu nhỏ biết thỏa hiệp 21. 03. 17 - 8:40 am

Ngô Anh Đào

Toàn bộ hình ảnh trong bài là từ vườn ban công của người viết

Xu hướng có một không gian xanh cho ngôi nhà của mình không còn là mới lạ với cư dân đô thị ở Việt Nam. Thậm chí “vườn nhà” còn là thói quen từ xưa của dân đô thị gốc và ngày càng đậm nét hơn khi dân nhập cư từ nông thôn lên. Sự xoay sở khéo léo để tạo một mảng xanh nhỏ bé trong một không gian chật hẹp của đô thị đã làm nảy sinh vô vàn các sáng kiến và làm cho không gian đô thị trở nên đa dạng hơn rất nhiều.

Thu hoạch từ vườn ban công

Bài viết này chỉ đề cập tới một góc nhỏ gọi là vườn trong các hộ gia đình đô thị, đặc biệt tại các khu chung cư hay các khu dân cư nội đô, nơi mà nhiều người đang muốn tạo cho chính mình và gia đình mình những khoảng không gian riêng tư và an bình, đồng thời là không gian nuôi dưỡng thói quen hay lối sống khỏe mạnh của cư dân đô thị.

.

Làm vườn không chỉ là trồng rau HAY hoa

Có sự khác biệt thú vị về “giới” khi nhìn vườn của “các ông”, vườn của “các bà”. Ta vẫn thường quen mắt nhìn những góc vườn nhỏ của các ông với phong lan hay cây cảnh kèm theo vài lồng chim như một thú vui tao nhã. Còn các hộp xốp đặt ở bất cứ nơi nào có thể trên sân thượng, vỉa hè hay ban công là vườn của các bà nội trợ yêu thích trồng rau. Với sự gia tăng dân số, không gian càng chật hẹp, lại càng có nhiều sáng kiến không gian từ các kiến trúc sư cũng như các cư dân đô thị yêu làm vườn: Vườn đứng, vườn treo, vườn trên mái, vườn thủy canh trong các lọ thủy tinh, … được đưa vào thực hành và xuất hiện tại nhiều ngõ ngách không gian đường phố, khu dân cư hay chính trong hộ gia đình.

.

Các nhà làm vườn hữu cơ chuyên nghiệp mách rằng khéo léo trồng pha trộn các loài cây tương sinh với nhau sẽ cho một khu vườn “khỏe mạnh và đẹp”, hơn hẳn là loại vườn trồng riêng rẽ, vừa tránh được sâu bệnh lẫn xoảy sở được trong các điều kiện khí hậu bất lợi. Đó là nguyên tắc của việc hiểu và tận dụng nguồn năng lượng của thiên nhiên. Ví dụ trồng kết hợp tại khu vườn nhỏ trên 2 ban công này, mỗi cái chưa đầy 3.5m2 mà có tới gần 40 loài đủ cả cây ăn quả, rau, gia vị và hoa: Bí ngô trồng trên chậu cây bưởi Diễn. Hoa hồng và tỏi, cải bắp và cà chua hoặc thìa là, rau diếp trồng dưới chân cây hoa trà. Hoa cúc trồng xen với cải, cải bắp để hấp dẫn côn trùng…

Một tổ hợp tương sinh

Quan trọng hơn cả là khu vườn không chỉ để trồng cây hay rau và hoa phục vụ “sự ích kỷ của con người”, nó còn là một xã hội thu nhỏ của những sinh vật sống tham gia vào quá trình: giun dế, vi sinh vật, ong bướm, chim chóc, sâu bọ… Tạo lập được khu vườn và duy trì nó cũng chính là việc bạn đã học và làm sống được “một xã hội thu nhỏ”. Ví dụ của khu vườn ban công trên tận tầng 9 này (nhà tôi) là một ví dụ thú vị về một góc nhỏ sống động, có đủ cây ăn quả, có rau, có cỏ thơm, có hoa, có chim, có ong, có bướm…

.

Biết thỏa hiệp với thực tế

Dòng vật chất sinh ra từ sự tiêu dùng của con người đang ngày càng bị ô nhiễm và độc hại,khiến sinh ra tâm lý lo ngại “sử dụng những thứ ô nhiễm để làm vườn, ăn rau ‘không sạch’ khi dùng nước tưới hay phân ủ cũng bị ô nhiễm. Việc này đã làm giảm “ý chí” nhiều người và gây sự hoài nghi với việc làm vườn tại gia. Tâm lý hoài nghi và bất an trong xã hội với những thứ như “thực phẩm sạch, an toàn, thậm chí vô trùng” ngày càng gia tăng theo cái “giá” phải trả cho những kỳ vọng đó. Cần lắm một sự thỏa hiệp với thực tế này – hay còn gọi là cách thuận theo tự nhiên và hướng đến tự nhiên để xác định cho chúng ta một thái độ đúng đắn trong việc tạo một khu vườn.

.

Xin được trích dẫn quan điểm rút ra từ kinh nghiệm thực tế của một blogger viết về sự thỏa hiệp trong làm vườn với các chất gây ô nhiễm được thải ra từ hoạt động của con người:

“Qua quá trình ủ phân, những kim loại nặng và chất ô nhiễm phức tạp có thể được chuyển hóa thành những chất đơn giản và bớt độc hại. Thay vì kén chọn những nguyên liệu tuần túy sạch sẽ, không ô nhiễm, chúng ta hoàn toàn có thể thỏa hiệp với những nguyên liệu thông dụng hằng ngày để bắt đầu quá trình sống ôn hòa với tự nhiên. Dẫu biết nguyên liệu ấy không an toàn, nhưng đã quá muộn để sống trong một môi trường ‘chân không vô trùng’.

.

“Đôi khi, việc lấy hữu cơ hoặc sự an toàn tuyệt đối làm tiêu chuẩn ngăn trở chúng ta thay đổi những hành động cá nhân. Trong khi đó, bằng sự linh hoạt và sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hóa những thứ phức tạp thành đơn giản, những thứ độc hại thành kém độc hại, và tận dụng những nguyên liệu, thành phần sẵn có thay vì chờ đợi hoặc tiêu tốn những thành phần có chất lượng cao hơn – điều mà không phải ai, và khi nào, cũng dễ dàng tiếp cận được.” (Blogger Hoang Ngoc Pho)

.

Có vô vàn các sáng kiến cho việc sử dụng dòng năng lượng vật chất trong đời sống hàng ngày với khu vườn: rau củ quả thừa băm nhỏ phủ trên bề mặt chậu cây, nước gạo ngâm 2-3 ngày hoặc nước rửa rau củ quả thừa, hoặc nước thay bể nuôi cá cũng có thể dùng tưới cây, vỏ trứng bóp vụn rắc lên bề mặt chậu ngăn ốc sên cắn thân cây; bã cà phê thải ra có thể dùng để khử mùi nhà vệ sinh xong vài ngày có thể phủ lên trên mặt đất chậu trồng; hoặc khéo léo kết hợp trồng các cây có mùi vị mạnh như cà chua, húng quế, húng chanh, sả, tỏi, xạ hương, … sẽ đuổi được bọn chuột hoặc sâu ăn rau.

Trong thời đại siêu tốc và đầy ô nhiễm này, cần lắm một ý thức, một sự thoả hiệp (có phương pháp) với thực tế, tại sao không?

.

*
Khu vườn dù được tạo bởi ai hay với mục đích gì chăng nữa cũng là việc làm đẹp cho cuộc sống, cho chính không gian sống lẫn tâm hồn của người sống trong đó. Và nếu như nó được làm bởi mong muốn của nhiều thành viên trong một gia đình: của ông, của bà, của bố, của mẹ, của các con, và của người giúp việc nếu có, cộng thêm kinh nghiệm học được từ các nhà làm vườn chuyên nghiệp, thì vườn sẽ mang một màu sắc ấm cúng, khoẻ mạnh và đầy ý nghĩa là Vườn Nhà. Sẽ là một bầu không khí sốngkhỏe mạnh khi mà mỗi thành viên trong gia đình cùng chia sẻ ý kiến, mối quan tâm và trách nhiệm tới “không gian chung” của gia đình.

Trẻ con với thói quen buổi sáng ra ngắm vườn nhỏ

Ý kiến - Thảo luận

6:57 Friday,24.3.2017 Đăng bởi:  admin
Lê Nguyễn thân mến,
Câu hỏi của bạn và phần trả lời của tác giả Ngô Anh Đào đã lên thành bài riêng bạn nhé. Bài có tên: "Về trồng xen tầng và ủ phân trên vườn ban công". Mời bạn vào xem, cảm ơn bạn.
...xem tiếp
6:57 Friday,24.3.2017 Đăng bởi:  admin
Lê Nguyễn thân mến,
Câu hỏi của bạn và phần trả lời của tác giả Ngô Anh Đào đã lên thành bài riêng bạn nhé. Bài có tên: "Về trồng xen tầng và ủ phân trên vườn ban công". Mời bạn vào xem, cảm ơn bạn. 
16:12 Tuesday,21.3.2017 Đăng bởi:  admin
@ Lê Nguyễn: Tác giả có trả lời cho bạn rồi, nhưng Soi sẽ đưa phần trả lời đó lên thành một bài riêng, sớm thôi. Bạn chịu khó đợi nhé.
Cảm ơn bạn Đào rất nhiều vì đã trả lời chu đáo. Khi bài lên sẽ báo cho bạn ngay.
...xem tiếp
16:12 Tuesday,21.3.2017 Đăng bởi:  admin
@ Lê Nguyễn: Tác giả có trả lời cho bạn rồi, nhưng Soi sẽ đưa phần trả lời đó lên thành một bài riêng, sớm thôi. Bạn chịu khó đợi nhé.
Cảm ơn bạn Đào rất nhiều vì đã trả lời chu đáo. Khi bài lên sẽ báo cho bạn ngay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả