Nghệ sĩ thế giới

Alex Face: nghệ sĩ đường phố kiêm “nghệ sĩ nhân dân” của người Thái 17. 04. 17 - 6:48 am

Zenith Phuong

Tôi biết đến cuộc triển lãm mang tên ALIVE (Sống) của tác giả Alex Face hơi muộn nên chỉ kịp tranh thủ ghé xem đúng 1 ngày trước khi nó kết thúc. Nhưng như vậy cũng là đủ để cảm thấy thích và tò mò hơn về hoạ sĩ này.

Bản in tranh chì của Alex, giới hạn 50 tấm. Giá tầm 2000 baht (tầm 1.3 triệu đồng) và đã bán hết veo trước khi triển lãm kết thúc.

Đích thực là “nghệ sĩ nhân dân”

Có thể nói, Alex Face hiện là một cái tên đang nổi và rất “hot” của giới nghệ thuật đương đại Thái Lan. Anh cũng không quá già (mới ngoài 35). Tên thật của anh là Patcharapon Tangrue nhưng anh lấy nghệ danh Alex Face – quả là một sự lựa chọn không tồi chút nào. Đó là một cái tên vừa ngắn gọn, lại quốc tế hóa, cực kỳ dễ nhớ, dễ gọi.

Sau 4 năm ẩn tích, triển lãm Alive đánh dấu sự trở lại của Alex Face tại Bangkok, Thái Lan. Nhiều người nói anh làm triển lãm và đánh dấu sự trở lại của mình cho có chứ thực ra các tác phẩm của anh lúc nào cũng hiện hữu trong đời sống thường nhật của người dân Thái.

Nhân vật chính trong các tác phẩm của Alex Face là Mardi: một con vật nhìn thoáng qua thì như một đứa bé mặc đồ cosplay hình con thỏ, nhưng có 3 mắt và lúc nào cũng lim dim, tay chân mập mạp đáng yêu. Trong các hình vẽ graffiti thì nhân vật Mardi này xuất hiện với những trạng thái khác nhau, biển hiện khuôn mặt khác nhau để truyền tải thông điệp. Thường thường, các thông điệp này mang đậm tính thời đại và thời sự.

Ví dụ như ở trạm BTS National Stadium, ngay gần Jim Thompson’s House – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, có bức Peace for Bangkok (tạm dịch: Hòa bình cho Bangkok – sau bao nhiêu biến động về chính trị ở Thái Lan, quốc gia này cần sự ổn định hơn bao giờ hết).

Peace for Bangkok

Hay mới đây nhất, để tưởng nhớ Nhà vua Rama thứ 9 – người được coi là Người Cha vĩ đại của Thái Lan – mới qua đời, Alex Face vẽ Mardi bỏ mũ để trở về hình hài tự nhiên nhất, quỳ xuống, mặt sầu thảm, tay chắp lậy tại Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Bangkok (BACC).

.

Rõ ràng là, với những tác phẩm như vậy, Alex Face đã chạm tới con tim của những người dân Thái bình thường nhất một cách hết sức tự nhiên. Alex Face cũng đã được mời vẽ Mardi ở những thành phố lớn như Berlin, Perth, London hay Tokyo.

Dân Thái, đặc biệt là giới trẻ, họ mê Alex Face, họ tìm tới những bức tranh anh vẽ để check in, và họ có thể nói hàng giờ với tôi về những tác phẩm của anh. Thậm chí, những người lớn tuổi hơn cũng biết tới anh và cũng dành cho anh những sự tôn trọng nhất định – đó chẳng phải là một bước ngoặt lớn đối với một nghệ sĩ đường phố hay sao?. Và tôi băn khoăn đó có phải là một trong những lý do mà tranh của anh thường ở những vị trí rất trung tâm, những khu đất đắc địa và hầu như còn nguyên vẹn, không bị phá hỏng.

Ảnh từ trang này 

Banksy của châu Á?

Trở lại với triển lãm Alive (mới kết thúc tại Bangkok City City Gallery) của Alex Face – đây là triển lãm lần thứ 6 của anh với hơn 30 tác phẩm gồm tranh vẽ, phác thảo chì, tượng cỡ lớn. Các bức tranh lấy cảm hứng từ tác phẩm vẽ hoa súng của Claude Monet với các hoạt động khác nhau của Mardi, thể hiện một “nước Thái tưởng bình yên mà lại chẳng yên bình tẹo nào!”. Cá nhân tôi thấy đây là một triển lãm đẹp, vừa mắt nhưng so với những gì mà Alex Face đã từng làm trước đây trên đường phố nước Thái, thậm chí là các nơi khác trên thế giới, thì tính thương mại của Alive hơi rõ quá.

Tại triển lãm Alive

Còn bức tượng Mardi thì dễ thương đến nỗi con gái nhỏ 3 tuổi của tôi đi cùng cứ nằng nặc sờ vào. Ra đến nơi bán đồ lưu niệm thì bé lại đòi mẹ mua cho bức tượng đồng Mardi. Trong khi đó, tôi nhìn giá hơn 50.000 baht (tương đương 1500 USD) thì cũng giật cả mình.

Nhưng, không thể chối cãi được, tranh graffiti của Alex Face đã không còn dừng ở khái niệm “vẽ bậy trên tường” từ rất lâu rồi. Nó đã bắt kịp với trào lưu thế giới, thành một công cụ nghệ thuật và rõ ràng, Alex Face đã rất thành công (ở cả tầm quốc tế). Thật khó mà không liên tưởng đến một Banksy của châu Á trong một ngày không xa.

Và gần đây nhất, trên trang Facebook cá nhân, Alex Face có đăng một vài tác phẩm mới nhất của mình ở Koh Tao Festival với chủ đề môi trường (nhưng không có khỏa thân lộ liễu như nhiều người vẫn mượn tiếng môi trường). Vẫn là nhân vật Mardi của mình nhưng đang bơi trong một con sông bẩn.

.

Tôi nhớ mình đọc ở đâu đấy rằng: “Bangkok, nay đã thoát khỏi cái tiếng là nơi chuyên copy ý tưởng của người khác. giờ đã vươn mình trở thành một trung tâm nghệ thuật và sáng tạo tầm cỡ!”. Quả là có sống ở đây mới cảm nhận được hết sự chuyển mình hàng ngày của thành phố sầm uất này!

Và cũng là chuyện vẽ graffiti đường phố thôi, nhưng Alex Face và thành phố Bangkok đã biến những tác phẩm ấy thành một sản phẩm du lịch đặc trưng và mang nhiều ý nghĩa, để du khách trong và ngoài nước phải trầm trồ. Câu chuyện graffiti và du lịch này cũng tương tự như ở thành phố Penang hoặc Ipoh của Malaysia. Tôi ước gì ở Việt Nam ai đó cũng sẽ nâng tầm mấy cái biển Khoan cắt bê tông lên thành nghệ thuật quần chúng trong một ngày không xa.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả