|
|
|
|||||||||||||
Soi họcPhật giáo qua tranh: Nhìn mãnh thú để nhận ra Thích Ca tam tôn 28. 04. 17 - 10:30 pmDiệu VợiỞ bài trước, chúng ta đã nói tới bộ ba từ Tây Phương với những thực vật họ mang theo. Ở bài này, chúng ta xem đến bộ ba thứ hai, cùng những con thú đi theo họ. Bộ ba này có tên gọi là “Hoa Nghiêm tam thánh” hoặc “Thích Ca tam tôn” gồm Phật Thích Ca ở giữa, bên trái ngài là bồ tát Văn Thù, bên phải ngài là bồ tát Phổ Hiền. Đây là bộ ba “phụ trách” cõi Ta bà. Khác với Tây Phương, ở cõi này mọi thứ “hung dữ” hơn, cư dân trong đó quằn quại vì những tưởng tượng của chính mình; gần như ai cũng có ít nhất một lúc trong đời là lang sói… Không mang theo thực vật làm công cụ chủ đạo, bộ ba phụ trách cõi này mang theo mình những mãnh thú. * Đầu tiên là Văn Thù – một vị bồ tát chuyên về trí tuệ ở cõi ta bà – cưỡi một con sư tử xanh. Biểu tượng ở đây là: Ai có trí người đó mạnh nhất, như sức mạnh của chúa tể rừng xanh. Trên tay bồ tát Văn Thù là một cây kiếm. Biểu tượng cũng rất “đuổi hình bắt chữ” là: “trí tuệ sắc bén”. Đôi khi Văn Thù cũng cầm một bông sen xanh (như bông sen của bồ tát Đại Thế Chí thuộc bộ ba từ Tây Phương). Bạn chú ý màu xanh của sư tử cũng như màu xanh của sen đây là màu của phương Đông (chứ không phải là “Đông phương hồng” nhé). Màu xanh này có tác dụng “xóa tan màn đêm u tối”*. Nói về sự mê lầm ở cõi ta bà, đây là cõi mà chúng sinh (như chúng ta đây) trong lòng đều có sẵn “hạt nhân Phật”. Thế rồi bụi trần ngày càng bao dày quanh cái nhân ấy, làm nó gần như biến mất (nhưng sự thực nó vẫn ở đó). Trong cõi ta bà mù mịt bụi, ta bị “cái ta” làm mờ mắt, nhìn một hóa hai, suốt ngày tự ái, lấy bản thân làm rốn vũ trụ, cái gì của mình cũng phải hơn người ta, từ tiền đến việc đến vợ đến con…, kém miếng là không chịu được… Bồ tát Văn Thù với trí tuệ sắc sảo và gươm sắc, có vai trò “gọt” cái vỏ bụi ấy để hạt nhân Phật trong mỗi người được lộ ra; chúng sinh cũng “khôn ra” theo, thoát khỏi những hoang tưởng, ảo vọng, khổ não. Nhưng có lẽ chúng sinh đông quá, vọng tưởng bát ngát quá, nên bồ tát Văn Thù giúp “gọt” bụi không xuể. Chưa kể là chúng ta đi chùa mấy ai chủ động đến trước ngài, khấn đích danh ngài, xin mong cho con tỉnh ngộ, sáng suốt ra, để thấy cái điều mà con đang phiền não hay đang giận dữ đây chỉ là hư ảo, không thực! Ngoài ra, vì Văn Thù còn là bồ tát bảo vệ những ai thực hành Phật pháp, nên bạn có thể tin rằng khi làm những điều Phật dạy, bạn đang có Văn Thù và con sư tử ngài cưỡi bảo vệ mình. * Kế tiếp, bên phải Phật Thích Ca là thị giả thứ hai – bồ tát Phổ Hiền. Giờ mà dùng những từ ngữ vẫn dùng để nói về “tính chất” của vị bồ tát này thì chúng ta rối mất. Những “đại trí”, “đại hạnh” …, nói cho cùng vị bồ tát nào chẳng có. Để nhớ được ngay đặng còn đi chùa, đến được đúng tượng, khấn chính xác những việc trong “thẩm quyền giải quyết” của Phổ Hiền bồ tát, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ… con voi. Người ta bảo, con voi có những phẩm chất sau: khôn nhất, khỏe nhất, kiên định nhất. Mà cao nhất ở loài voi là voi trắng. Về mặt biểu tượng, voi (trắng) có lẽ còn hơn sư tử (xanh) một bậc. Nếu như sư tử xanh của Văn Thù bổ tát biểu tượng cho sức mạnh của trí tuệ nói chung, thì con voi trắng của Phổ Hiền bồ tát biểu tượng cho một trí tuệ đã qua tu tập. Theo tài liệu Phật giáo, một tâm thức khi mới tu tập thì còn hoang dã như con voi xám, đến khi tu tập và giác ngộ rồi sẽ như một con voi trắng: mạnh mẽ mà tự kiểm soát được, không để những thứ ngoại thân lôi kéo. Những thứ ngoại thân đó đến từ đâu? Từ 6 giác quan theo Phật giáo: mắt (thấy vật), tai (nghe tiếng), mũi (nhận mùi), lưỡi (biết vị), xúc (biết vật), tâm (sinh ý). Ta chia thành các cặp đối lập cho những thứ mà từng giác quan mang lại, thí dụ: đẹp/xấu, thơm/thối, dịu/ồn, ngon/dở, mềm/cứng, vui/buồn, từ đó nảy sinh phân biệt, yêu/ghét… Phổ Hiền bồ tát cưỡi con voi trắng có 6 ngà. 6 ngà đó chính là vũ khí để chống lại những vọng tưởng từ 6 giác quan kia mang lại. Thầy tôi vẫn giảng, tu là chiến thắng 6 giác quan này, coi những gì chúng mang tới như những vị khách không mời, không chấp chúng, không để chúng làm nhà ta rộn lên (hay buồn rũ) khi chúng đến (hoặc chúng đi). Ta biết những gì 6 giác quan này mang tới chỉ là “vô thường”, là “khách”, nên không để chúng cướp quyền chủ nhà, xúi giục ta nảy sinh phân biệt mà đối xử khác nhau với vạn vật. Nếu được Phổ Hiền thương mà giúp ta hiểu (và thực hành) được điều trên, kể như ta đã gần thoát khổ. Nghĩ mà xem, chẳng phải mọi nỗi khổ của ta đều bắt nguồn từ một sự lệch lạc về xử lý thông tin sao? Từ một thông tin mà giác quan mang lại, ta nảy sinh những lệch lạc về mất-còn và phân biệt ta-địch, nảy sinh yêu-ghét. Ta muốn mọi sự dễ chịu là “thường hằng”, ở lại mãi; nhưng lại muốn mọi sự không dễ chịu là “vô thường”, biến đi mau mau. Khi không được như thế, ta thấy khổ. Ta phân biệt thứ này là của “ta”, thứ kia là của “địch”. Của “ta” thì phải tốt hơn của “địch”. Không được thế ta cũng khổ nốt.
Nhận ra mọi thứ là vô thường, rồi sẽ không còn, ta sẽ sống trọn vẹn với những thứ đang “còn”. Nhận ra mọi thứ không phải của “ta” cũng không phải của “địch”, ta sẽ đối xử công bằng và ân cần trước mọi điều. 6 giác quan vẫn có đó, nhưng chúng không làm chủ ta được. Ta bình thản nhìn chúng đi qua. Vậy đứng trước Phổ Hiền, ta khấn gì? Có câu gì ngắn gọn để thưa với ngài không? Kinh nghiệm của tôi là đã đến chùa thì đừng ào ào thắp hương hết các ban thờ. Hãy dành thời gian đứng trước tôn tượng, nghĩ về những gì các biểu tượng muốn gửi gắm, về ý nghĩa của từng vị, ngẫm xem còn những điều gì vị ấy dạy rồi mà ta chưa làm được, còn phải phấn đấu thêm nữa. * Nói đến đạo Phật là người ta hay nói đến từ bi, hỉ xả, nhưng nhìn lại 4 vị thị giả đi cùng trong hai bộ ba đến từ Tây Phương và Ta Bà, ta thấy đã có tới 3 vị “chuyên trách” phần trí tuệ, với toàn những thứ đi kèm biểu tượng cho trí tuệ sắc sảo (gươm bén, sư tử xanh, voi trắng, ngà sắc), đủ biết đích ngắm quan trọng nhất của đạo Phật là trí tuệ, là hiểu biết ở mỗi cá nhân. Ai thông minh sẵn rồi thì tu tập sâu vào, ai còn hạn chế thì chuyên cần vào. Bài học “vô ngã”, “vô thường” tưởng rất đơn giản, chỉ nằm trong vài dòng thôi, nhưng khắc nghiệt và khó học. Và dù quyền năng có bao la đến mấy, không Phật nào, Bồ tát nào giúp ta học thuộc được, nếu Phật tính trong mỗi chúng ta chỉ chịu thức tỉnh một tí mỗi khi đọc kinh sách hay đi chùa, thời gian còn lại là để cho tính tham và “cái tôi” mặc sức nổi lên vùng vẫy… Biết làm sao được, “đời là bể khổ” nhưng con người bản chất vốn ngư dân, chỉ say mê đuổi theo luồng cá lớn… * *Lời bài hát của Đức Huy
* Phật giáo qua tranh: - Phật giáo qua tranh: Chọn trung đạo, đến dưới cây bồ đề - Phật giáo qua tranh: Thần Đất, con gái Ma Vương… phe nào cũng lộng lẫy - Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một? - Phật giáo qua tranh: Ao ngòi ở - Phật giáo qua tranh: 8 điều kiện để thành Bồ tát - Phật giáo qua tranh: Một câu chuyện của Bồ tát từng ra gây rất nhiều tranh cãi - Phật giáo qua tranh: Lời nguyện ở lại của Bồ tát - Phật giáo qua tranh: Nhìn hoa sen và nhành dương để nhận ra bộ ba đến từ Tây Phương - Phật giáo qua tranh: Nhìn mãnh thú để nhận ra Thích Ca tam tôn Ý kiến - Thảo luận
18:21
Monday,8.5.2017
Đăng bởi:
admin
18:21
Monday,8.5.2017
Đăng bởi:
admin
@ thelOser: Diệu Vợi không viết ở trang nào ngoài Soi bạn ạ. Về Phật Dược sư Lưu Ly, nếu có bài vào tháng tới, Soi sẽ đưa vào phần cmt của bài này bạn nhé. Tiếc là sẽ không có hình đi kèm.
Thân mến,
17:01
Monday,8.5.2017
Đăng bởi:
thelOner
Mình rất thích loạt bài viết này. Rất tiếc là đang theo dõi thì SOI lại báo tạm dừng hoạt động. Không biết nếu mình muốn tiếp tục đọc thì vào trang nào. Và nếu có thể, tác giả có thể viết tiếp về Đông Phương Giáo chủ, Lưu Ly dược sư quang vương phật được không? Cách phân biệt, đặc điểm hoặc những hộ pháp đi cùng... Rất mong nhận được phản hồi.
...xem tiếp
17:01
Monday,8.5.2017
Đăng bởi:
thelOner
Mình rất thích loạt bài viết này. Rất tiếc là đang theo dõi thì SOI lại báo tạm dừng hoạt động. Không biết nếu mình muốn tiếp tục đọc thì vào trang nào. Và nếu có thể, tác giả có thể viết tiếp về Đông Phương Giáo chủ, Lưu Ly dược sư quang vương phật được không? Cách phân biệt, đặc điểm hoặc những hộ pháp đi cùng... Rất mong nhận được phản hồi.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Thân mến,
...xem tiếp