Nghệ sĩ Việt Nam

ĐINH THỊ THẮM POONG:
Mỗi lần thất vọng tôi lại cắt đi một ít tóc 23. 04. 10 - 10:01 am

CODET

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong, 18h30 ngày 22/4/2010. Ảnh DINO

Thắm Poong (SN 1970) đúng là nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến khẽ khàng, chị nói rất ít, gần như giấu mình. Hầu như chị để cho người bạn của mình phát ngôn, chỉ gật đầu, hoặc cười nói xác nhận những lời bạn mình nói đến nỗi tôi tưởng như đó là manager (người quản lý) của chị. 

Cuộc trao đổi của chúng tôi kéo dài gần hai tiếng. Thắm Poong đã bộc lộ những suy nghĩ của mình. Thi thoảng, chị lại vò cho mái tóc của mình xù lên một cách vô thức. Thi thoảng, người bạn lại trả lời dùm chị những câu hỏi của tôi. 

Ngày hôm sau, cả ekip chúng tôi đến thực hiện chụp ảnh. Thắm không còn ở một làng ven ngoại ô Hà Nội, nơi tụ hội rất nhiều họa sĩ an cư ở đó, chị đã chuyển về một căn hộ nằm trong khu chung cư trung tâm Hà Nội. Căn phòng treo một vài bức tranh giấy dó, tranh sơn mài. Có lẽ, không gian chật hẹp chỉ cho phép đến chừng ấy. Có một căn phòng nhỏ dành riêng cho nơi sáng tác của chị, và những bức tranh đã mang lại danh tiếng cho Thắm đã bị tháo ra khỏi khung, xếp thành chồng trên bàn vẽ 

Tạp chí Time đã từng xếp Thắm Poong vào một trong những họa sĩ có tranh bán chạy trên thị trường châu Á. Trong số những bức tranh giấy dó xếp thành chồng, Thắm Poong đưa ra ba bức tranh đại diện cho phong cách của chị để chúng tôi chụp ảnh. Tôi không biết làm gì hơn là soi chúng, khám – phá – Thắm – qua – ba – tranh. Những người đàn bà được diễn tả trong trạng thái động, họ đang làm một cái gì đó, đi chợ, mua bán, gùi hàng, múa… và những hình dạng nằm, chỉ như một điểm rơi, phơi bày cái đang có.

Điều nổi bật, đúng là nơi xuất thân, nơi sinh, hay nói đúng hơn, tổ tông cội nguồn của một người trong tiềm thức và bản năng vẫn trỗi lên, hiển hiện một cách chủ đạo và rực rỡ. Những chiếc váy dát vàng trong các bức tranh như những điểm nhấn vui nhộn. Trong ba bức tranh giấy dó đó, với một vài bức sơn dầu treo trên tường, bộc lộ sự giao thoa giữa cái đã có với cái mới rất rõ ràng, gần như đó là cuộc xung đột thể hiện nội tâm. Cũng có thể, đó là trạng thái đan xen đậm đặc giữa thiên nhiên và đô thị. Sự giao thoa giữa thành thị và miền núi rõ rệt, giữa niềm vui của kí ức với vấn đề hiện thời, giữa niềm vui và sự đe dọa, giữa bản sắc và sự phát triển. Để biểu đạt được những cái đó, hẳn phải có sự va đập về tư tưởng ý thức của chính mình.

Forest

Cũng chỉ có thế thôi. Đã đến bốn giờ chiều, giờ của Thắm Poong đi đón con nhỏ, chúng tôi vẫn còn mải chuyện trò với nhau, nhưng toàn về thông tin thị trường giá đất và nhà cửa. Âu cũng là đúng mốt thời đại. Rời khỏi thế giới nghệ thuật của Thắm mà tôi mới chỉ ghé chân được chút đỉnh, tôi vẫn không khỏi thắc mắc, phải chăng, nghệ sĩ thời nay lại âm u bí hiểm, và rụt rè cẩn trọng hơn bao giờ hết? Tôi những mong được xâm nhập đời sống nghệ sĩ như kiểu ba cùng ngày xưa. Thế nhưng phải chăng thời nay, nghệ sĩ dường như lại là những ốc đảo âm u, và phải chăng để vượt qua hàng rào tâm hồn họ là cả một thách thức?

Moonlit Forest

Bố người Mường, mẹ người Thái, vậy chị là người dân tộc chính hiệu rồi. Chị có thấy đôi khi xuất thân của mình có điều gì ảnh hưởng đến cuộc sống của mình không?

Tôi chỉ được ưu tiên, cộng thêm một điểm khi thi vào trường Mỹ thuật thôi, chứ tôi thấy mọi việc cũng bình thường. Hồi đó, gia đình nào cũng  khó khăn và nghèo. Mà vẽ, thì chẳng cần gì nhiều, đôi khi chỉ là những tờ giấy và bút. Cuộc sống cũng lo đủ thứ, nhưng cái lo lúc bấy giờ cũng chỉ quanh quanh như thời của hiện tại. Mà tôi thì cũng đơn giản, chỉ cần ăn, đọc sách, đến lớp, nhưng thực sự là có nhiều thời gian hơn dành cho đọc. Cái đó, thời nay không còn tồn tại nhiều nữa. Tất cả mọi cảm xúc thì ai cũng như nhau hết, ai cũng buồn vui, lo lắng ít nhiều…

Theo chị, điều gì quan trọng trong một tác phẩm?

Với tôi, tính chân thực, lại là nơi nuôi dưỡng cho trí tưởng tượng bay xa nhất. Cái hiện thực đang diễn ra, cái thực nhất mà mình đang có và mình không hài lòng, hoặc do ước muốn cái gì đó khác với hiện thực và chính những cái đó, lại qua phương pháp thể hiện của mỗi người, trải lên tác phẩm.

Chị kì vọng gì vào tác phẩm của mình?

Đó là sự hài lòng, nó ngoài sức tưởng tượng, và phải hơn cái tôi mong muốn!

Có bao giờ chị cảm thấy thất vọng?

Có. Không phải đôi khi, mà là thường xuyên!

Chị giải quyết việc đó thế nào?

Tất nhiên, là tôi phải làm lại từ đầu, phải tiếp tục. Tôi phải tiến, chứ không thể lùi. Thường xuyên phải nhìn lại mình, như một người khác nhìn lại chính mình.

Nhưng những trạng thái đó thường diễn ra có lâu không?

Đôi khi. Có thể do không hài lòng về công việc, đôi khi vì việc khác. Nhưng nói chung, nó đến bất chợt, bất cứ lúc nào. Lửa, không phải lúc nào cũng có, đôi khi, cũng cần ở trạng thái nghỉ. Vì công việc của tôi, luôn phải làm cái việc gọi là tưởng tượng, nên nó không có nguyên tắc, phép tắc gì cả. Nhiều khi, mình phải tự tạo cho mình những áp lực và nguyên tắc.

Tại sao cứ phải tạo cho mình áp lực?

Vì luôn muốn có cái mới. Thực sự, đôi khi, tôi đã làm tuột đi nhiều thứ. Nhưng, có lúc, nghĩ đó, nhưng không vẽ được. Đôi khi, nhìn bức tranh vẽ ra, tưởng như cái cũ, nhưng đó lại là lúc trạng thái khác của mình, đó là một câu chuyện khác, một cảm xúc khác.

Có họa sĩ viết về chị rằng tác phẩm vẫn loanh quanh trong không gian dân tộc, chị nghĩ sao?

Tôi nghĩ, làm nghệ thuật, cũng nên có sự giãi bày, và mong nhận sự phản hồi. Tất cả những điều ấy làm cho công việc của mình trở nên có ý nghĩa. Đó là sự tương tác của người nghệ sĩ với công chúng. Nhưng để có một ngôn ngữ, một giọng nói trong nghệ thuật của mình, để có một thôi, đôi khi đã tốn cả một đời người rồi. Để có nhiều tiếng nói, thì chắc là ngoài sức tưởng tượng. Nếu nói tôi lặp lại à? Thì hay cứ chờ xem đã!

Gần đây, chị có thay đổi phong cách vẽ, không chỉ trên giấy dó nữa, mà đã chuyển sang sơn mài, với những bức tranh mà khi nhìn vào, có một cảm giác muốn giải thoát, muốn bay lên, thoát ra khỏi một cái gì đó để tới một sự tự do, đó có phải nguyên nhân do sự thay đổi cuộc sống của chị gần đây?

Không trả lời.

Liệu mái tóc ngắn kia có phải là một lúc nào đó chợt muốn thay đổi?

Cũng đúng, đó là lúc muốn thay đổi. Mỗi lần thất vọng, là tôi lại muốn cắt đi một đoạn tóc. À, mà tôi đùa đấy nhé.

Chị có thấy mình gắn bó chặt chẽ với cuộc sống bên ngoài sự sáng tác không?

Tôi cố gắng cho chính tôi có một cuộc sống chủ động nhất, cái gì làm được, cái gì đáng để ý đến; cái gì hiểu được, thì tìm hiểu, và cần giải quyết nốt những gì trước mắt. Tôi sẽ bỏ hết tâm lực và ý nghĩ của mình để làm cho bằng được!

                                                                                        (Theo Thể thao & Văn hóa Đàn ông)

Ý kiến - Thảo luận

14:58 Tuesday,8.6.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Tôi thấy tóc chị Thắm vẫn còn dài lắm. Chúc vui chị Thắm nhé.
...xem tiếp
14:58 Tuesday,8.6.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Tôi thấy tóc chị Thắm vẫn còn dài lắm. Chúc vui chị Thắm nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

10 bí quyết để trở thành
Họa sĩ Đói Dài

Kinh nghiệm của Lynn Basa – Lê Quảng Hàm st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả