|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữĐại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây 06. 12. 17 - 10:04 pmAnh NguyễnTheo triết học Trung Hoa, ngũ hành là năm nguyên tố cơ bản tạo nên vạn vật trong vũ trụ: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Thuyết ngũ hành diễn giải mối quan hệ và sự phát triển của con người, trời đất, cỏ cây, sự vật,… dựa trên hai nguyên lý chính là tương sinh, tương khắc. Ở bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nhân vật chính của Hồng Lâu Mộng và vị trí của họ theo ngũ hành. Nhân vật nữ quan trọng nhất của Hồng Lâu Mộng là Lâm Đại Ngọc, thuộc mạng Mộc. Ngay cái tên đã biểu đạt sinh mệnh: họ Lâm của nàng nghĩa là khu rừng, mà rừng chính là cây, là gỗ. Tiền kiếp của Đại Ngọc là cây Giáng Châu tiên thảo ở Tây Phương, vì được Thần Anh mưa móc mà lớn lên. Sinh nhật nàng rơi vào tháng Hai âm lịch – mùa xuân cây cỏ đâm chồi, cũng là ứng với giai đoạn “thủy sinh mộc” trong năm. Khi mới xuất hiện, dáng vẻ Đại Ngọc cũng phảng phất vẻ yêu kiều của hoa cỏ: “Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ. Dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió.” Chưa hết, nơi Đại Ngọc ở là Tiêu Tương quán, một chốn bạt ngàn những cây trúc vằn đốm tím như những hạt nước mắt nhỏ vào. Trúc ở Tiêu Tương quán có hàm chứa ba ý nghĩa. Thứ nhất, nó củng cố thêm vị trí mệnh Mộc của Đại Ngọc. Thứ hai, câu chuyện về hai bà Nga Hoàng, Nữ Anh khóc vua Thuấn bảy ngày bảy đêm bên bờ sông Thương rồi quyên sinh theo chồng gợi lên sắc thái chung tình, tha thiết của Đại Ngọc. Loại trúc quý này được gọi là Tương phi trúc (湘妃竹) mà biệt hiệu của Đại Ngọc lại là Tiêu Tương phi tử, càng nhấn mạnh rõ hơn mối tương quan giữa Đại Ngọc và truyền thuyết kia. Thứ ba, khu vườn trúc của Đại Ngọc được tác giả mô phỏng theo nơi ở của Trúc lâm thất hiền. Đó là bảy người tài đời Tấn gồm Nguyễn Tịch, Kê Khang,.. chán công danh bỏ lên rừng trúc ở, uống rượu ngâm thơ, tiêu dao tháng ngày. Đại Ngọc ưa tĩnh mịch, lánh xa sự đời, ghét công danh, hoàn toàn giống với triết lý sống của Trúc lâm thất hiền. Trong Tiêu Tương quán không chỉ có trúc mà còn có lê và chuối. Hoa lê là thứ hoa diễm lệ nhưng cũng yếu đuối bậc nhất. Hình ảnh hoa lê đẫm nước mưa đã được bất tử hóa trong văn học nhờ tác phẩm Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị: “Ngọc dung tịch mịch lệ lan can. Lê hoa nhất chi xuân đới vũ” (Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa. Cành lê hoa trĩu giọt mưa xuân đằm. – Tản Đà dịch). Hoa lê là biểu tượng của mỹ nhân sầu bi, Đại Ngọc lại rút được thẻ hoa “sương gió buồn tênh,” thật không thể hợp hơn. Chuối (ba tiêu) là loài cây kín đáo, thanh đạm. Cây chuối ám chỉ những tâm sự giấu kín của thiếu nữ, bởi lá chuối xanh ngọc cuốn lại như phong thư. Có thể tham khảo bài thơ Vị triển ba tiêu (Cây chuối non) của Tiền Hử: “Nhất giam thư tráp tàng hà sự. Hội bị đông phong ám sách khan” (Như phong thư có ẩn tàng. Gió đông lần mở đàng hoàng cho xem). Có thể nói ba loài thực vật trúc, lê, chuối đã góp phần vẽ lên hai bức tranh: bức tranh phong cảnh hữu tình nơi Đại Ngọc ở và bức tranh lãng mạn của tâm hồn nàng. Bởi Đại Ngọc là mạng Mộc nên nàng có sự thấu cảm sâu sắc với hoa cỏ, thậm chí đồng nhất bản thân với chúng. Ai có thể quên được hình ảnh Đại Ngọc chôn hoa, khóc hoa, làm bài thơ Táng hoa từ? Kết thúc bài thơ là hai câu: “Hồng nhan thấm thoắt xuân qua. Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!” Khi giận buồn Bảo Ngọc ở chương 28, nàng ví mình với “cỏ rác,” không dám so cùng “vàng ngọc” của ai kia. Ngắm hoa lan, nàng lại nghĩ vẩn vơ: “Cỏ cây đang lúc mùa xuân hoa tươi lá tốt, nghĩ mình tuổi trẻ mà đã giống như vóc bồ liễu ba thu, nếu được như nguyện hoặc giả dần dần tươi tốt, nếu không thì chẳng khác gì hoa liễu lúc xuân tàn, chịu sao nổi mưa dồn gió dập.” Nguyên nhân bệnh tật của nàng được chẩn đoán là do: “Mộc khí không tiết ra được, thế nào cũng lấn tỳ thổ, vì thế mà ăn không biết ngon, thậm chí thắng cái không thể thắng; phế kim nhất định bị thương.” Những ví dụ như vậy xuất hiện rất nhiều lần trong Hồng Lâu Mộng. Về quan hệ tương sinh, Thủy sinh Mộc mà Mộc sinh Hỏa. Về Thủy, có thể khẳng định rằng trong Hồng Lâu Mộng, Thủy chính là hiện thân cho tính nữ mềm mại, dịu dàng, trong sạch. Lại phải nhắc lại câu nói nổi tiếng của Bảo Ngọc: “Xương thịt con gái là nước kết thành….” Thủy sinh Mộc nên sinh mệnh của Đại Ngọc gắn bó chặt chẽ với nước. Ở tiền kiếp, cây hoa Giáng Châu nằm bên bờ Tam Sinh Thạch của sông Linh Hà ở Tây Phương. Nàng lớn lên nhờ được Thần Anh dùng nước cam lộ tinh túy chăm bón, đến khi tu luyện thành tiên lại uống nước bể quán sầu (nước để tưới sự buồn), bởi vậy mà nàng vừa tài sắc vừa sầu bi không tả xiết. Mục đích xuống trần của Đại Ngọc cũng chính là để trả món nợ chăm bón: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!” Cây thiêng Giáng Châu tiên thảo nở hoa đỏ như máu, nàng lại tái sinh để đền nợ nước mắt, bởi thế cuộc đời nàng luôn gắn liền với huyết và lệ. Khi tái sinh ở kiếp này, Đại Ngọc đầu thai làm con của Lâm Như Hải vùng Dương Châu nhiều sông nước, chữ Hải trong tên ông cũng có nghĩa là biển cả. Nàng tới Giả phủ trên một chiếc thuyền xuôi dọc dòng sông, và trở về quê (khi đã chết) cũng bằng đường thủy, có thể nói là Đại Ngọc đến và đi như cánh hoa trôi theo dòng nước. Loài hoa ứng với nàng chính là thủy phù dung (hoa sen) mềm mại, khiến hình dung của người đọc về Đại Ngọc chẳng khác nào một nữ thủy thần. Trong bài “Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng”, ông Du Bình Bá đã nhận xét về cảnh Đại Ngọc chôn hoa như sau: “Hình tượng nước trong vườn Đại Quan sau khi chảy đến Di Hồng Viện lại theo tường trôi ra ứng hợp với ý của Đại Ngọc ngỏ cùng Bảo Ngọc khi chôn hoa – nước trong vườn là sạch, chỉ là khi đã chảy ra là lại nhiễm ô uế của nhà người.” Sự mẫn cảm của Đại Ngọc với nước là không thể chối cãi. Có thể nói Đại Ngọc là cô gái có nữ tính thuần khiết và đẹp đẽ nhất trong Hồng Lâu Mộng, điều đó được thể hiện qua sự liên kết mật thiết của nàng và các biểu tượng nước trong truyện. Về Mộc sinh Hỏa, hoa lá cỏ cây đến khi tuyệt mệnh thì cháy thành tro. Những bài thơ của Đại Ngọc dần chuyển hướng từ hoa tươi cỏ thắm đến tro tàn, khói bay khi nàng sắp lìa đời. Ngoài ra, khi làm thơ dựa theo Nam Hoa kinh, Bảo Ngọc đã viết: “... dùng tàn tro lấp khiếu thông minh của Đại Ngọc”. Ngay ở chương sau, Đại Ngọc lại làm bài thơ đố đèn với những câu: Áo chầu đầy khói để ai mang? Đây chính là cái đèn canh hương, một thứ “đồng hồ” sơ khai đánh dấu bằng cách đốt các loại hương trầm. Bài thơ thất ngôn với những chi tiết ảm đạm khiến Giả Chính lo rằng Đại Ngọc sẽ không phải là người được hưởng phúc về sau. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đại Ngọc ra lệnh đốt lò than để thiêu hủy hết những di vật của tình yêu: tập thơ, khăn tay. “Can hỏa bốc lên” khiến đôi má nàng ửng đỏ. Liền ngay sau đó, Đại Ngọc qua đời. Số phận của Đại Ngọc giống như loài thảo mộc: sinh ra vào mùa xuân, rực rỡ về mùa hạ, tàn héo vào mùa thu. Chu trình này hoàn toàn ăn khớp với vòng đời của mệnh Mộc. Về quan hệ Tương khắc, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ. Bảo Thoa thuộc mệnh Kim, Bảo Ngọc thuộc mệnh Thổ. Bảo Thoa và Đại Ngọc vì thế mãi “bằng mặt mà chẳng bằng lòng,” còn Đại Ngọc cũng gây cho Bảo Ngọc vô số nỗi khổ khó nói thành lời! * (Bài sau: Bảo Thoa và mệnh Kim) * Về Hồng Lâu Mộng: - Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng - 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị - Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình - Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư - Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ - Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế - Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo - Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một - “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư” - Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử - Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng - Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục - Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém? - Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi” - Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân - Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang - Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị - Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương - Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai - Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành - Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo - Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già - Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con - Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi - Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc - Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà - Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng - Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn - Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa - Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây - Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh - Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao - Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính - Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1): - Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2): - Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1) - Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường - Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa - Căn phòng “dâm tình và chết chóc” Ý kiến - Thảo luận
11:31
Friday,27.7.2018
Đăng bởi:
Anh Nguyễn
11:31
Friday,27.7.2018
Đăng bởi:
Anh Nguyễn
@Bích Ngân: đây là bản tiếng Anh:
"but a growing awareness that all the girls’ verses contained images of grief and loss was by now so much affecting him that he felt quite unable to go on. ‘Enough is enough!’ he thought. ‘What can it be that makes these innocent young creatures all produce language that is so tragic and inauspicious? It is almost as if they were all destined to be unfortunate and short-lived and were unconsciously foretelling their destiny.’ Từ "all" được nhấn mạnh 3 lần cho thấy nỗi lo lắng của Giả Chính là ứng vào tất cả những cô gái trong buổi đố đèn. Còn bài này viết về Đại Ngọc nên mình chỉ nói đến Đại Ngọc thôi bạn ạ.
0:34
Friday,27.7.2018
Đăng bởi:
Bích Ngân
Em không biết có phải là em đọc sai hay không, nhưng em đọc bản tiếng anh thấy sau khi đọc bài thơ đố đèn của Bảo Thoa, Giả Chính mới lo lắng cho người làm bài thơ không được hưởng phúc về sau ?
...xem tiếp
0:34
Friday,27.7.2018
Đăng bởi:
Bích Ngân
Em không biết có phải là em đọc sai hay không, nhưng em đọc bản tiếng anh thấy sau khi đọc bài thơ đố đèn của Bảo Thoa, Giả Chính mới lo lắng cho người làm bài thơ không được hưởng phúc về sau ?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
"but a growing awareness that all the girls’ verses contained images of grief and loss was by now so much affecting him that he felt quite unable to go on. ‘Enough is enough!’ he thought. ‘What can it be that makes these innocent young creatures all produce language that is so tragic and inauspicious? It is almost as if they were all destined to be unfortunate and short-li
...xem tiếp