Đi & Ở

“Gâu gâu ba tiếng chào Xuân mới” 17. 02. 18 - 9:38 am

Trịnh Bách

Đến tối 30 Tết mới sên xong được mẻ mứt khoai. Chẳng hiểu sao mà bao nhiêu năm nay tìm khắp trong Nam ngoài Bắc không ra một miếng mứt khoai, một thứ mà trong cả bao nhiêu thế kỷ là một trong những thứ mứt ngon và phổ biến nhất của người Việt. Ngay cả thứ khoai lang nghệ (lòng mầu đỏ nghệ) đầy chợ của người mình hồi trước bây giờ cũng gần như hoàn toàn biến mất (thật thú vị là loại khoai này hiện tìm bên Mỹ, gọi là Yam, dễ hơn ở Việt Nam rất nhiều). Thay vào đó là các loại khoai lai căng vàng, tím gốc Nhật Bản ăn nhạt thếch và bở bột, không thể làm mứt cho dẻo được. Hay nếu có được ít khoai lang nghệ, như ở Đà Lạt, thì người ta cũng không biết dùng làm mứt khoai nữa, mà chỉ phơi khô làm thứ khoai dẻo nhạt nhẽo, cứng và dai vô hồn…

Nồi mứt khoai lang đang sên Mứt khoai lang thành phẩm

Sau khi cúng Giao thừa tôi theo lệ xuất hành. Năm nay tìm đúng hướng Hỷ thần là Đông Bắc, cho nên tôi lại đi thăm chùa Dục Khánh trong ngõ Văn Chương gần nhà. Tết năm ngoái một phần của chùa bị mất điện cho nên năm nay tôi mới được “mãn nhãn” chụp ảnh chân dung Vua Lê Thánh Tông, thờ trong điện Huy Văn ở chùa này, mà năm ngoái chụp trong tối không được rõ.

Tương truyền ngày xưa một đêm sư cụ chùa Dục Khánh được báo mộng là hôm sau phải sửa soạn tươm tất để đón Thái hậu và Thiên tử giá lâm. Sáng ra nhà chùa quét dọn sạch sẽ nhưng chờ mãi chẳng thấy ai. Đến tận khuya mới có một người đàn bà có mang cùng gia nhân chạy nạn đến xin tá túc qua đêm ở chùa. Trong đêm bà sinh con trai. Người phụ nữ ấy là bà phi Ngô Thị Ngọc Dao của Vua Lê Thái Tông (1434-1442). Và người con trai được đặt tên là Lê Tư Thành, về sau là vua Lê Thánh Tông. Sau khi lên ngôi nhà vua cho trùng tu chùa để kỷ niệm nơi đản sinh của mình.

Tượng chân dung Vua Lê Thánh Tông

Bà Ngô Thị Ngọc Dao về sau được phong là Quang Thục Hoàng thái hậu. Cả Quang Thục Thái hậu lẫn bà Trường Lạc Hoàng hậu, vợ Vua Thánh Tông, cùng được tạc chân dung thờ trong điện Huy Văn. Riêng tượng Quang Thục Thái hậu có thời bị mất. Đến năm Vĩnh Trị thứ ba thời Lê Trung Hưng (1678) người ta mới tạc lại tượng Thái Hậu để thờ ở chốn cũ. Tượng chân dung Vua Thánh Tông xưa dựng ở chùa Khán Sơn trong vườn Bách Thảo. Khi quân Tây Sơn phá chùa này, người ta mới di tản tượng về điện Huy Văn. Các tượng chân dung là một nghệ thuật độc đáo của Việt Nam thời Lê.

Tượng Quang Thục Hoàng thái hậu và Trường Lạc Hoàng hậu

Trên đường đi chùa thấy mọi người đều đốt vàng mã đầu năm cho vong linh tổ tiên, ông bà. Khắp nơi già trẻ mua mía về để cạnh ban thờ để ông bà chống về thăm con cháu. Ở các đình chùa còn có các người bán muối trong các bao gói xinh xắn theo lệ “đầu năm mua muối cuối năm mua vôi”.

Mua mía cho ông bà làm gậy chống về thăm con cháu

Sau khi xuất hành về tự xông đất, tôi đem các tranh môn thần và câu đối Tết treo lên trước cửa nhà.

Người Hà Nội cũ có tục lệ treo tranh Môn thần hai bên cửa nhà mấy ngày tết để bảo vệ nhà cửa, chống ma quỷ trong năm mới. Khác với người Trung Hoa thường dùng Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Ngụy Trưng, Chung Quỳ là các danh tướng làm Môn thần, người Hà Nội xưa treo các cặp tranh thần tiên “Thần Đồ, Uất Lũy” hay “Tử Vi, Huyền Đàn”,và cũng có khi cặp Kim kê (gà trống vàng), dù nguyên thủy các tranh này đều có xuất xứ từ phương Bắc..

Ở đây là cặp tranh Hàng Trống “Tử Vi, Huyền Đàn”. Cặp câu đối chữ Nôm: Phải (từ ngoài nhìn vào): “Gâu gâu ba tiếng chào Xuân mới”. Trái: “Ẳng ẳng đôi lời đón khúc xương”

Sáng mồng Một Tết lại ra thăm Văn Miếu và chợ bán chữ Ông Đồ ở ven hồ Văn bên kia đường của miếu như mọi năm. Trời râm râm, lớt phớt mưa phùn. Khác với khoảng dăm năm trước, Hà Nội sáng mồng Một Tết bây giờ không còn cái không khí vắng vẻ êm đềm ngày tết nữa, mà kẹt xe ồn ào chẳng khác gì giờ tan sở ngày thường. Như thường lệ, Văn Miếu đông nghẹt không chen chân vào nổi.

Bên “chợ Chữ ông Đồ” cũng đông không kém. Năm nay các nhà chòi làm khá bài bản. Nhưng nhiều người vẫn nhớ và thích khu phố Ông Đồ được dựng tự phát bên ngoài tường Văn Miếu, dưới tán các cây đa, đề cổ thụ, lúc ban sơ. Không khí hồi đó không ngăn nắp, quy củ như hiện nay. Nhưng vì thế thân thương, sống động và đượm hồn Việt, cũng như hồn Hà Nội cũ, hơn.

Một góc chợ Chữ ông Đồ Tết Mậu Tuất

Số lượng ông Đồ có vẻ ít dần mỗi năm. Năm nay các hàng quán bán đồ mỹ nghệ đông lấn lướt các chòi ông Đồ. Có điều thấy vui vui là gần nửa số trẻ con ở đây mặc áo dài. Phần nhiều là áo gấm đỏ đi với quần Jeans.

Trẻ con diện áo dài ngày Tết

Phía phụ nữ cũng diện áo dài nhiều hơn, nhưng đa phần là loại áo cách tân đủ kiểu. Có khi mặc áo dài với quần jeans, quần bó leotard, hay có khi với váy mini. Họa hoằn mới thấy được một cái áo dài truyền thống. Trẻ già đều cách tân, mỗi người một kiểu, không cần để ý đến có hợp với nhân dáng mình hay có mỹ thuật không. Dù sao thì đây cũng tùy sở thích cá nhân. Hay cũng có thể là cách theo mốt “ai sao thì mình cũng phải vậy”. Nhưng cũng có thể vì người ta đã ngán ngẩm cái sự nhàm chán thường ngày, và muốn một điều gì mới; một sự đổi mới?

Buổi chiều sau khi tiếp vài bè bạn, người thân, lang thang ra một quán bún riêu ốc tự phát ăn bữa tối. Đây là một truyền thống mới của Hà Nội. Thường ngày họ có thể là chủ một cửa hàng kinh doanh, hay chỉ là nội trợ. Nhưng đến mấy ngày tết thì họ mở quán riêu ốc trước cửa nhà, nhiều quán rất ngon. Đây là vì sau những bữa cỗ Tết đầy bụng, và lại ngại nấu nướng, nhiều người tìm đến các quán bún này ăn cho nhẹ dạ. Dĩ nhiên là không có sự nương tay trong giá cả.

Tối về sấy lại chỗ mứt khoai làm tối qua cho khô hẳn, kết thúc ngày đầu năm.

*

(SOI: Để xem các bài viết cùng tác giả, các bạn vào phần tìm kiếm, mục tác giả, và gõ tên vào nhé.)

*

Các bài về Tết:

- “Gâu gâu ba tiếng chào Xuân mới”

- Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa

- Mồng Một Tết Kỷ Hợi ở Hà Nội

Ý kiến - Thảo luận

16:45 Thursday,29.3.2018 Đăng bởi:  hoang vinh
Đọc đoạn này:
"Đến tối 30 Tết mới sên xong được mẻ mứt khoai. Chẳng hiểu sao mà bao nhiêu năm nay tìm khắp trong Nam ngoài Bắc không ra một miếng mứt khoai, một thứ mà trong cả bao nhiêu thế kỷ là một trong những thứ mứt ngon và phổ biến nhất của người Việt. Ngay cả thứ khoai lang nghệ (lòng mầu đỏ nghệ) đầy chợ của người mình hồi trước bây giờ cũng
...xem tiếp
16:45 Thursday,29.3.2018 Đăng bởi:  hoang vinh
Đọc đoạn này:
"Đến tối 30 Tết mới sên xong được mẻ mứt khoai. Chẳng hiểu sao mà bao nhiêu năm nay tìm khắp trong Nam ngoài Bắc không ra một miếng mứt khoai, một thứ mà trong cả bao nhiêu thế kỷ là một trong những thứ mứt ngon và phổ biến nhất của người Việt. Ngay cả thứ khoai lang nghệ (lòng mầu đỏ nghệ) đầy chợ của người mình hồi trước bây giờ cũng gần như hoàn toàn biến mất (thật thú vị là loại khoai này hiện tìm bên Mỹ, gọi là Yam, dễ hơn ở Việt Nam rất nhiều)."
làm tôi nhớ đến gia đình mình. 
4:29 Sunday,18.2.2018 Đăng bởi:  Candid
Về mặt phong thuỷ giờ Việt Nam không có dán tranh môn thần trước cửa nữa nhỉ. Có cái này cũng như BOT bảo vệ nhà.
...xem tiếp
4:29 Sunday,18.2.2018 Đăng bởi:  Candid
Về mặt phong thuỷ giờ Việt Nam không có dán tranh môn thần trước cửa nữa nhỉ. Có cái này cũng như BOT bảo vệ nhà. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả