Nghệ sĩ thế giới

Emma Hart (phần 2): nhấn chìm hào quang trong bài và rượu 18. 03. 18 - 9:26 am

Willow Wằn-Wại

(Tiếp theo phần 1)

Emma trong vai Miranda, nhân vật trong vở kịch Bão tố của Shakespeare.

Nói thêm một chút về George Romney – vị họa sĩ phát cuồng vì Emma. Sau khi Emma rời London để đến nhà Sir Hamilton, George Romney nhanh chóng rơi vào tuyệt vọng và đau khổ. Việc Emma về lại London đã khiến người họa sĩ này như hồi sinh, ông mau chóng đặt lịch hẹn vẽ với Emma, có khi liên tục cả ngày. Tuy vậy chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, Emma cùng chồng lại sang Italy và sự nghiệp hội họa của George Romney cũng chìm vào bóng tối. Đúng là hồng nhan họa thủy.

Emma trong vai Ariadne, công chúa đảo Crete đã người anh hùng Theseus khỏi bị lạc trong mê cung khi đấu với quái vật Minotaur. U sầu thế này chắc là cảnh lúc nàng Ariadne bị Theseus bỏ lại trên đảo. Điều thú vị là tuy mang tiếng vẽ cảnh trong thần thoại mà khác với các bức tranh khác, trong này bộ quần áo Emma mặc rất hiện đại.

Năm 1793, Emma gặp gỡ đô đốc Nelson trong thời gian xảy ra giao tranh Anh-Pháp. Đây cũng là những tháng ngày huy hoàng nhất của nàng. Những buổi biểu diễn của nàng ngày càng được dàn dựng công phu, nàng còn cho thấy mình có khả năng ca hát rất tốt. Nhờ tính cách vui vẻ, sự nổi tiếng, tài năng và khả năng nói được nhiều ngoại ngữ, nàng thậm chí còn trở thành bạn thân của hoàng hậu Naples, Maria Carolina. Có tin đồn rằng Emma đã đóng góp một phần ảnh hưởng lên những biến động xảy ra thời gian này vì hoàng hậu rất yêu quý nàng nên đã khuyên chồng mình là vua Ferdinand IV & III tham gia tích cực hơn vào các sự kiện chính trị. Đô đốc Nelson trong thư gửi vợ mình cũng đã không ngớt lời khen ngợi bà Hamilton xinh đẹp đáng yêu.

Tranh chân dung đô đốc Nelson do John Hoppner vẽ. Đô đốc Nelson là một anh hùng dân tộc của nước Anh, cũng là một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh và châu Âu. Đài tưởng niệm của ông nằm ở vô số nơi trên khắp nước Anh.

Những tháng năm sau đó là cả một thời kỳ căng thẳng cho cả cặp vợ chồng Hamilton lẫn Naples. Em gái của hoàng hậu Naples, không ai khác chính là hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette, bị xử tử; ngọn núi lửa Vesuvius tại Naples thì phun trào những đợt dữ dội nhất trong lịch sử khiến mọi người hoảng sợ; Sir Hamilton thì lâm bệnh. Sự lo lắng và suy sụp khiến Emma béo lên rất nhiều, ảnh hưởng không ít đến những buổi trình diễn của nàng. Có thể trong thời gian này Emma đã đem lòng thương nhớ Nelson – vị đô đốc ở nơi xa xôi, người mang đến nhiều hy vọng không chỉ cho quốc gia mà còn cho cả nàng.

Năm năm sau ngày gặp đầu tiên, đô đốc Nelson cuối cùng cũng quay lại Naples trong vị thế của một vị đại anh hùng với chiến thắng lẫy lừng ở Trận chiến sông Nile (Battle of the Nile). Tuy vậy cái giá của vinh quang là Nelson mất một cánh tay, hầu như toàn bộ răng, đồng thời bị ốm rất nặng. Sir Hamilton và Emma chào đón Nelson về nhà mình và Emma đã dành toàn bộ thời gian sau đó chăm sóc cho đến khi đô đốc Nelson khỏe lại. Tình yêu của hai người cứ thế chớm nở ngay trước mặt Hamilton. Thái độ của Sir Hamilton – người chồng hợp pháp của Emma – như thế nào? Có vẻ như ông không những không quan tâm mà thậm chí còn ủng hộ mối lương duyên ngang trái này. Xin nhắc lại, Nelson và Emma đều đã yên bề gia thất ở thời điểm đó.

Tranh biếm họa về mối quan hệ tay ba này. Nelson thì đeo kính ngược, tuyệt nhiên chả nhìn thấy tí gì trước mắt. Trên tường là bức tranh vẽ Emma nhưng được đặt tên “Cleopatra” còn bức vẽ Nelson thì tên “Mark Anthony”. Tác giả không quên vẽ thêm ngọn núi lửa tai họa Vesuvius và Claudius, con của Cleopatra và Caesar (chắc lúc đó chán quá chẳng buồn nhìn nên quay mặt đi nơi khác?).

Một điều thú vị là trong khi Emma được ca tụng có cơ thể tuyệt mỹ của nữ thần Hy Lạp cổ đại thì con tàu do đô đốc Nelson chỉ huy có tên Agamemnon – vị anh hùng dẫn đầu đoàn quân Hy Lạp tấn công Troy trong thần thoại. Trận chiến thành Troy được kể lại kéo dài đến 10 năm chỉ vì anh Paris mê gái, có lẽ như là điềm báo trước đến việc Nelson cũng sẽ mê Emma như điếu đổ sau này?

Trong suốt 18 tháng sau đó, đô đốc Nelson cùng con tàu của mình đã vô số lần đưa vua và hoàng hậu Naples, cũng như gia đình Hamilton chạy thoát khỏi những giao tranh của thời kỳ bất ổn, đồng thời xây đắp tình cảm với Emma bất chấp lời ra tiếng vào. Emma thì bắt đầu chìm đắm vào rượu, bài bạc và vào tình yêu với Nelson.

Bức tranh biếm họa Dido in Despair, thể hiện Emma với cơ thể béo phì, bất thần nhào khỏi giường và khóc: “chàng thủy thủ đẹp trai của ta đi đâu rồi?” trong khi ông chồng già William ngủ say không hay biết gì bên cạnh. Trên sàn là đầy rẫy những cổ vật, tranh vẽ về thời nhan sắc hoàng kim xưa của bà Hamilton.

Năm 1800, đô đốc Nelson viết thư báo rằng mình quá yếu để có thể tiếp tục nhiệm vụ. Triều đình cho phép ông trở về nhà nhưng Nelson để mặc vợ mình và dành hầu hết thời gian cho gia đình Hamilton. Cùng thời gian này, Emma mang thai với Nelson nhưng bị sảy.

Năm 1803, Sir Hamilton mất. Emma và Nelson sống hạnh phúc bên nhau trong một căn biệt thự nhỏ xinh ở Merton và trải nghiệm cuộc thần tiên với đứa con thứ 2 là Horatia – ra đời mạnh khỏe. Tại lễ rửa tội, Nelson và Emma ký tên với danh nghĩa “cha mẹ đỡ đầu” để rồi sau đó lại làm thủ tục nhận chính đứa con của họ làm con nuôi.

Nhưng chỉ 2 năm sau, vào năm 1805, đô đốc Nelson tử trận trong trận chiến Trafalgar, để lại Emma trong nỗi đau không dứt. Vì là người tình, lại có quá khứ “không sạch sẽ” cho nên nàng thậm chí không được dự đám tang của người mình thương yêu dù lễ tang có đến hàng nghìn người tham dự.

Chiếc quan tài đá của đô đốc Nelson trong nhà thờ thánh Paul tại London.

Nelson để lại khá nhiều tài sản của mình cho Emma nhưng vua George đệ Tam cùng quần thần lẽ nào để chuyện đó xảy ra? Emma chỉ có căn nhà nhỏ tại Merton, cùng một ít tiền do Sir Hamilton và gia quyến ngài Nelson để lại cho nàng. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của bạn bè hai vị quý tộc, đúng ra Emma vẫn có thể sống ung dung đến cuối đời nếu như nàng không nghiện rượu và bài bạc nặng. Nàng nướng tất cả vào chiếu bạc, mang món nợ khổng lồ không thể trả và bị bắt giam suốt 10 tháng. Nhan sắc phai tàn, tinh thần xuống dốc, khi ra tù Emma sống cùng con gái Horatia Nelson cho đến khi mất vào năm 1815 tại Calais, một làng quê nhỏ tại Pháp.

Tranh vẽ Horatia. Nhờ sự dạy dỗ của Emma, Horatia cũng thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Vậy là vĩnh biệt một nhan sắc huyền thoại, tạo nên nhiều câu chuyện và sóng gió. Lady Hamilton hay Emma Hamilton, Emma Hart đã vĩnh viễn đi vào lịch sử nước Anh là một đề tài của nghệ thuật, nhan sắc và cả thị phi.

Emma trong vai một nữ tu La Mã. Tranh của Goerge Romney.

Riêng về Horatia, cô sống cùng Emma cho đến khi bà mất. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè của cha trong chính quyền, Horatia tổ chức đám tang cho Emma nhanh gọn và trốn sang Anh trong lốt cải trang thành con trai, cốt để bỏ chạy khỏi món nợ khổng lồ Emma để lại. Tại đây, cô được chị gái của đô đốc Nelson chăm sóc và giúp đỡ. Phải đến 30 năm sau, Horatia mới biết được cha mẹ ruột mình là ai. Cô chấp nhận và tự hào có người cha là đô đốc Nelson nhưng từ chối nhận mẹ cho đến cuối đời.

Ý kiến - Thảo luận

0:04 Sunday,25.3.2018 Đăng bởi:  kim trần
Đại Ngu
Đồng ý với bạn, cô này có phần đầu gần với " Trà hoa nữ ", nhưng Marguerite Gautier có lẽ vẫn hạnh phúc hơn vì có người chăm sóc mộ và trồng trà hoa lên đó. Cuộc đời phụ nữ thật khổ, mà hồng nhan thì càng khổ hơn. 
...xem tiếp
0:04 Sunday,25.3.2018 Đăng bởi:  kim trần
Đại Ngu
Đồng ý với bạn, cô này có phần đầu gần với " Trà hoa nữ ", nhưng Marguerite Gautier có lẽ vẫn hạnh phúc hơn vì có người chăm sóc mộ và trồng trà hoa lên đó. Cuộc đời phụ nữ thật khổ, mà hồng nhan thì càng khổ hơn.  
17:10 Sunday,18.3.2018 Đăng bởi:  Đại Ngu
Mỹ nhân tác kỹ. Gái đẹp thì thường làm kỹ nữ. Cô này đầu đời cũng có thể coi là kỹ nữ. Đọc quyên "Trà hoa nữ" và từ quan sát trong thực tế thì thấy kỹ nữ thì thường ất mê cờ bạc, cứ như là cái nghiệp. Gái điếm hạng sang kiếm được ất nhiều tiền nhưng tiêu xài cũng ất khủng khiếp. Nếu không biết dành dụm một chút đê làm vốn lúc về già thì khi nh
...xem tiếp
17:10 Sunday,18.3.2018 Đăng bởi:  Đại Ngu
Mỹ nhân tác kỹ. Gái đẹp thì thường làm kỹ nữ. Cô này đầu đời cũng có thể coi là kỹ nữ. Đọc quyên "Trà hoa nữ" và từ quan sát trong thực tế thì thấy kỹ nữ thì thường ất mê cờ bạc, cứ như là cái nghiệp. Gái điếm hạng sang kiếm được ất nhiều tiền nhưng tiêu xài cũng ất khủng khiếp. Nếu không biết dành dụm một chút đê làm vốn lúc về già thì khi nhan sắc đã phai tàn cuộc đời thường ất thê thảm. Nợ nần, nghiện ngập và chết già tong cô đơn. Cô nào thoát khỏi kết cục đó chi là số ít mà thoai. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả