Văn & Chữ

Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất? 03. 06. 18 - 2:04 pm

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài trước)

3. YẾU TỐ THỨ BA: TÍNH CÁCH VÀ TRÍ TUỆ

Đây là yếu tố thứ ba để chọn chồng. Đã đứng vào hàng võ lâm ngũ bá thì đương nhiên là tài năng võ học siêu việt, nhưng tài năng này chưa chắc đã đem lại hạnh phúc hôn nhân. Chỉ tính cách người chồng mới giúp người phụ nữ được hạnh phúc, còn trí tuệ của anh ta chỉ đem lại sự vui vẻ. Năm người trong ngũ tuyệt cũng có tính cách rất đa dạng, có thể nói là Kim Dung đã dày công khắc họa mỗi nhân vật một nét riêng.

Đông Tà Hoàng Dược Sư là người có trí tuệ siêu việt. Đàn ông chăm làm việc nhỏ thường không làm được việc lớn, đàn ông nhiều tài vặt thường không có tài chính, nhưng Hoàng Dược Sư lại là ngoại lệ. Không chỉ võ công mà y học, tướng số, ngũ hành kì môn độn giáp, văn chương, âm nhạc,… môn nào y cũng giỏi đến mức xuất quỷ nhập thần.

Đông Tà Hoàng Dược Sư

Riêng về võ học mà nói, Đông Tà Hoàng Dược Sư tự mình sáng tạo ra được nhiều pho võ công xuất chúng, điều đó chứng tỏ nội hàm trí tuệ sâu rộng của y. Các tuyệt chiêu của y như Lan hoa phất huyệt thủ, Ngọc tiêu kiếm pháp, Bích hải triều sinh khúc,… đều có lồng ghép văn chương, âm nhạc, cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú, điều đó lại cho thấy tâm hồn y vô cùng lãng mạn.

Tính cách Hoàng Dược Sư có điểm tà khí, quái dị, song cuộc sống bên cạnh y sẽ không bao giờ nhàm chán. Vợ y muốn cùng y ngâm thơ vọng nguyệt, cưỡi ngựa ngắm hoa, uống rượu chơi cờ, y đều có thể chiều ý. Không những thế y lại vô cùng chung thủy, si tình như điên, sống chết không từ. Vợ y mất đi, y bèn dựng một con thuyền, định rong buồm ra khơi tự sát theo vợ. Hoàng Dược Sư xứng đáng nhất với danh hiệu “soái ca ngôn tình.”

Bắc Cái Hồng Thất Công là người tính tình thẳng thắn, khẳng khái không chút quanh co. Y trượng nghĩa, không cơ tâm, sẵn sàng xả thân cứu kẻ khác mà không màng bản thân mình. Sở trường của y là 18 chiêu Hàng Long thập bát chưởng vô cùng cương mãnh và Đả cẩu bổng pháp tinh diệu, nhưng cả đời y không sáng chế ra được một pho võ công mới nào. Điều này cũng phù hợp với tính cách đơn giản của y.

Hồng Thất Công mê rượu

Hồng Thất Công là kẻ tứ hải giai huynh đệ, không phù hợp với nơi trướng rủ màn che êm đềm. Y sinh ra để khề khà chén rượu với anh hùng thiên hạ, hành hiệp trượng nghĩa, một người đàn bà không thể trói buộc y. Làm phu nhân Cái Bang thì chỉ được cái tiếng vô vị: y có thể không lăng nhăng với người phụ nữ khác, song cô mãi mãi không phải là điều quan trọng nhất với y. Chưa kể, lấy một người chồng mê nhậu mà lại thích ăn ngon (!!) như Hồng Thất Công ắt sẽ dẫn đến tinh thần ức chế, bất mãn về lâu về dài.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là người có tấm lòng nhân hậu, lại bao dung độ lượng. Thân y làm vua một nước nhưng cư xử với anh em trong giang hồ hết sức lễ nghi, khiêm tốn. Có điều y không biết nặng nhẹ, quá coi trọng võ học mà không hiểu tâm tình nhi nữ, dẫn đến ba lần đắc tội với Anh Cô: lần thứ nhất y mê say võ công bỏ bê người đẹp khiến nàng tằng tịu với Chu Bá Thông. Lần thứ hai y sẵn sàng đem nàng gả cho người khác. Lần thứ ba y chần chừ không cứu khiến con nàng bỏ mạng. Chưa kể đến việc lấy y là phải cạnh tranh với vô vàn cung tần mỹ nữ, ba ví dụ trên đã đủ người ta uất hận đến chết.

Nam Đế cùng đàm đạo với Bắc Cái

Nam Đế tuy thân là vua nhưng tâm lý khù khờ không nhanh nhẹn giỏi ứng biến. Y có khí khái nam nhi nhưng động tới chuyện tình cảm lại trù trừ. Vụ Anh Cô vốn dĩ đơn giản, y lại chẳng xử lý kịp thời, khiến từ một việc nhỏ hóa thành to không sửa được, chuốc vạ cho mấy người (Bá Thông, Anh Cô, bản thân y) đến già. Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản, việc nhà y không ứng phó dứt điểm được nên chán đời đi tu, quả thật thiếu bản lĩnh của một vị quân vương.

Tây Độc Âu Dương Phong âm hiểm gian trá, là kẻ độc địa số một trong ngũ bá. Làm vợ y lúc nào cũng chịu cảnh “sống trong sợ hãi,” nếu y không vừa lòng thì chỉ một tí thuốc Hoá Thi Phấn cũng đủ biến cô thành vũng nước vàng. Thế còn đỡ, y có vô số cách khiến người ta đau đớn vô cùng, sống không được chết không xong. Không những vậy, y còn tư thông với chị dâu sinh ra Âu Dương Khắc, thực là bất trung, bất nghĩa. Lấy kẻ có tư cách đạo đức thấp hèn như vậy làm chồng thì ắt khó mà sống thọ.

Tây Độc lột hết quần áo, nhảy dù từ ngọn Ngọc Phong Bút

Trong bộ phim truyện Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ, đạo diễn biến Tây Độc (Trương Quốc Vinh) thành nhân vật bi thảm đẹp trai như ngọc, lại vẽ mối tình của y với chị dâu (Trương Mạn Ngọc) thành câu chuyện lâm li bi đát. Đông Tà Tây Độc là tác phẩm cực hay của Vương Gia Vệ, nhưng nhiêu đó không đủ thay đổi hình tượng quá kém lý tưởng của lão Độc Vật.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương thì trí tuệ quá siêu đẳng, đạo đức lại càng không có gì phải nói. Tuy y đã chết nhưng hình tượng chói lòa của y vẫn chiếu sáng trong hai bộ Xạ điêu, Thần điêu, chẳng khác nào mặt trăng mặt trời.

Tuy nhiên nhược điểm của y là quá cầu toàn. Y cầu toàn với bản thân chưa đủ, lại đem cái nhìn đó áp vào thế giới xung quanh, khi mọi sự không theo ý muốn, y liền rút vào trong núi, tự chôn vùi đời mình.

Giáo chủ Toàn Chân Vương chân nhân

Y có tình với Lâm Triều Anh nhưng cách thể hiện tình cảm của y khiến nàng sống dở chết dở, phí một đời hoa. Y cự tuyệt nàng nhưng lại viết thư gửi nàng đều đặn, không lấy nàng làm vợ nhưng lại đi đào hàn ngọc tặng nàng làm giường, khiến nàng khốn khổ không dứt nổi y. Vương Trùng Dương không thể đem lại hạnh phúc cho một người đàn bà, song lại luôn tỏ ra cao thượng khiến cô ta không thể trách móc y. Sống với vị Giáo chủ này có lẽ sẽ là một dạng tra tấn tinh thần thể nhẹ.

Kết luận: Đông Tà về Nhất ở khoản tính cách.

4. NƠI CƯ NGỤ: YẾU TỐ CUỐI CÙNG

Câu “Thuyền theo lái, gái theo chồng” đời nào cũng đúng. An cư mới lạc nghiệp, chỗ ở có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Võ lâm ngũ bá “mỗi người hùng cứ một phương” nên lựa chọn cho các chị em cũng hết sức phong phú.

Đông Tà Hoàng Dược Sư cư ngụ tại đảo Đào Hoa. Về phương diện mỹ học thì đây là nơi diễm lệ nhất: có hoa đào bóng rụng (đào hoa ảnh lạc,) có biển biếc triều dâng (bích hải triều sinh). Trên đảo có đầy đủ các loài điểu cầm xinh đẹp sinh sống. Hoàng Dược Sư lại là kiến trúc sư có tài, y thiết kế đầy đủ đền gác, nhà cửa, vườn tược lộng lẫy chẳng khác nào tiên cảnh.

Đảo Đào Hoa

Có người cho rằng đất nước Nhật Bản thơ mộng ở phía Đông chính là cảm hứng để Kim Dung sáng tạo hình ảnh đảo Đào Hoa. Nếu không có Chu Bá Thông tới quấy rối, ắt vợ chồng y có ngày sẽ mọc cánh thành tiên. Nhược điểm duy nhất của nơi này là vị trí địa lý cách trở, quá biệt lập với đất liền. Hoàng đảo chủ chẳng thiếu lương thực, ngọc ngà, nhưng với những người ưa phồn hoa đô hội, đi chơi ăn uống shopping xem phim thì có lẽ cuộc sống trên đảo sẽ hết sức tẻ nhạt.

Bắc Cái Hồng Thất Công lại lang thang khắp Trung nguyên, chẳng có đâu là chốn dừng chân lâu dài. Ngày hôm nay thì y tham gia đại hội võ lâm ở Hoa Sơn, hôm khác lại núp trên nóc ngự trù ăn Nem uyên ương ngũ trân, hôm khác lại về đảo Đào Hoa chữa bệnh,…

Nhân vật nào trong truyện chưởng cũng chu du thiên hạ, song riêng Hồng Thất Công dường như không có chỗ nào cố định. Thân ăn mày bốn bể là nhà, khó có thể đèo bòng thêm vợ con. Cuộc sống bấp bênh, không ổn định như vậy thì ở vậy cả đời là lựa chọn xác đáng của Bắc Cái. Đến khi gặp Hoàng Dung, tình phụ tử trong y mới được khơi dậy khiến y che chở cho nàng, lại khiến lòng y có chút ghen tị với cảnh vợ con đề huề của Hoàng Dược Sư.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là con nhà giàu, có hẳn một vương quốc làm địa bàn, về mặt bất động sản thì hơn hẳn bốn vị còn lại. Đại Lý nằm ở phía nam, chủ yếu là khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay. Đất nước tuy nhỏ nhưng giang sơn cẩm tú, lại có nhiều loại đặc sản: hoa trà rực rỡ, trà Phổ Nhĩ ngát hương. Ẩm thực Vân Nam cũng ngon nổi tiếng, nói chung là ăn ở đều tuyệt.

Vẻ đẹp nên thơ của Đại Lý

Trong Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã miêu tả món ăn Vân Nam như sau: “Quế công công, nhà bếp dặn tiểu nhân bẩm lại với công công, món canh Quá kiều mễ tuyến này nóng lắm, nhìn thì không thấy bốc hơi chứ thật ra đang sôi đấy. Món chân giò sấy Tuyên Thành này nướng với Tiền liên tử tẩm đường, gấp quá có khi chưa thật mềm, xin công công bỏ qua. Món này là gỏi đen Vân Nam. Đĩa này là khô cá công ở Nhĩ Hải Đại Lý, tuy không phải cá tươi nhưng mười phần quý báu, rán bằng dầu hoa hồng Vân Nam. Trong bình là trà bọt Phổ Nhĩ ở Vân Nam. Nhà bếp nói món gà hấp Vân Nam phải hơn hai giờ mới chín, chỉ còn cách buổi chiều sẽ đưa tới cho Quế công công lão nhân gia người”. Quả khiến cho người ta chảy nước bọt.

Ngoài ra Đại Lý tuy là một vương quốc riêng biệt nhưng việc di chuyển về Trung thổ thì rất đơn giản, gọi một chuyến Uber hay Grab là tới ngay, có thể nói là vị trí đắc địa.

Tây Độc Âu Dương Phong trấn vùng Bạch Đà Sơn thuộc Tây Vực. Nơi này chính là khu vực Tân Cương ngày nay, hồi xưa nó còn dính dáng đến các nước Ấn Độ, Ba Tư, Kyrgyzstan,… Không thể nói hết khí hậu khắc nghiệt, phong tục khác biệt, địa lý xa xôi cách trở, thua những nơi khác về mọi mặt. Âu Dương Phong chắc chắn không có cửa trong cuộc đua này nên khỏi cần bàn tiếp.

Kết luận: Nam Đế về nhất về nơi cư ngụ

*

Tổng kết lại, tỉ số là Đông Tà, Nam Đế hoà nhau 2-2. Nhưng xét lại, trong tình yêu thì nhà đẹp chức to như Nam Đế chưa chắc đã quan trọng bằng một mảnh tình si của Đông Tà. Có câu ngàn vàng dễ kiếm, tình lang khó tìm là vậy. Vì vậy xin bầu chọn Đông Tà là người chồng lý tưởng nhất trong Võ Lâm ngũ bá, có điều xin đừng bắt vợ học thuộc Cửu Âm Chân Kinh!

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

19:50 Monday,11.5.2020 Đăng bởi:  Bùi Quý
Đông Tà thông minh tuyệt đỉnh : văn võ thao lược , đàn cờ thơ họa , toán số ngũ hành , ký môn bát quái , kỳ kinh bát mạch . Có 6 đệ tử giỏi, Mai siêu phong chưa giỏi nhất trong các đệ tử mà đã làm cho giới giang hồ khiếp sợ. Đông Tà võ công tinh diệu, bao nhiêu tội lỗi trong thiên hạ đổ lên đầu ông nhưng ông không phải giải thích, trong tiểu thuyết ông cũng chưa
...xem tiếp
19:50 Monday,11.5.2020 Đăng bởi:  Bùi Quý
Đông Tà thông minh tuyệt đỉnh : văn võ thao lược , đàn cờ thơ họa , toán số ngũ hành , ký môn bát quái , kỳ kinh bát mạch . Có 6 đệ tử giỏi, Mai siêu phong chưa giỏi nhất trong các đệ tử mà đã làm cho giới giang hồ khiếp sợ. Đông Tà võ công tinh diệu, bao nhiêu tội lỗi trong thiên hạ đổ lên đầu ông nhưng ông không phải giải thích, trong tiểu thuyết ông cũng chưa ra tay sát hại ai mà còn giúp đỡ họ một cách sáng suốt. Tác giả Kim Dung đã xây dựng được những nhân vật. 
11:27 Thursday,7.6.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@theOlner: cảm ơn bạn. Trong Thần Điêu, khi Hồng Thất Công dùng bổng pháp đấu với trượng pháp của Âu Dương Phong thì 36 chiêu thức (nói bằng miệng) đều là lấy từ Đả cẩu bổng pháp có sẵn, còn Âu Dương Phong mới dành thời gian suy nghĩ ra chiêu thức mới để phản kích. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, thủ pháp Mãn thiên hoa vũ cũng đã có từ trước, Hồng Thất
...xem tiếp
11:27 Thursday,7.6.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@theOlner: cảm ơn bạn. Trong Thần Điêu, khi Hồng Thất Công dùng bổng pháp đấu với trượng pháp của Âu Dương Phong thì 36 chiêu thức (nói bằng miệng) đều là lấy từ Đả cẩu bổng pháp có sẵn, còn Âu Dương Phong mới dành thời gian suy nghĩ ra chiêu thức mới để phản kích. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, thủ pháp Mãn thiên hoa vũ cũng đã có từ trước, Hồng Thất Công chỉ biến đổi thành sử dụng kim để tấn công rắn. Đây là một thủ pháp ám khí nổi tiếng và phổ biến, từng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm võ hiệp, không phải sáng tạo riêng của Hồng Thất Công. Thân. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp