|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞMồng Một Tết Kỷ Hợi ở Hà Nội 06. 02. 19 - 9:08 pmTrịnh BáchSau lễ Giao thừa tôi lang thang ra đạo quán Bích Câu gần nhà xem thiên hạ đón Tết. Năm nay đến đêm Giao thừa xe cộ vẫn đông. Và sang sáng mồng Một vẫn thế. Cái cảm giác vắng vẻ nhẹ nhàng ngày Tết của những năm trước có vẻ không còn nữa… Truyện thơ Bich Câu Kỳ ngộ thân thương mà học sinh những năm đầu trung học hồi trước ai cũng phải học qua: Thành Tây có cảnh Bích Câu Rồi, …Thành Tây đang cảnh thái hòa Thật cảm động khi tận mắt thấy được tượng đá nguyên thủy, mộc mạc của chàng Tú Uyên tài hoa trong huyền thoại vẫn còn ngồi đó, trong đền Tú Uyên ở đạo quán. Khi về lại phải ghé mua bao muối do các em thanh niên bán ở cổng các đền chùa trong dịp đầu Xuân, cho đúng lệ “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Bây giờ người ta còn gói thêm bao diêm vào trong túi muối. Có lẽ để thắp ấm lòng trong năm mới? Nếu quả thế thì cũng nên thêm ít gừng vào đấy cho đủ bộ. Về đến nhà tự xông đất, sửa sang lại cặp câu đối và đôi tranh trấn môn (giữ cửa) treo hai bên cửa nhà bị gió thổi làm lệch lạc. Năm nay Cúc Hiên Lê Phương Duy viết cho câu đối chữ Nho, thay cho cặp câu đối Nôm năm ngoái. Vế bên phải từ ngoài nhìn vào là, ‘Ngọc địa tường quang khai thái vận’ (đất ngọc ánh lành mở ra vận thái), vế đối bên trái là ‘Kim môn húc nhật diệu dương xuân’ (cửa vàng trời rạng rực rỡ ánh xuân). Người mình thời xưa ngày Tết vẫn treo các tranh trấn trạch, trấn môn để đảm bảo cho sự an toàn cho nhà đất và gia đình gia chủ trong năm mới. Thường người Việt treo tranh các thần tiên như cặpTử Vi, Huyền Đàn hay đôi Thần Đồ, Uất Lũy. Khác với người Tầu hay dùng hình vẽ các danh tướng của họ như Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, v.v. Đặc biệt người Việt mình còn dùng cặp tranh kim kê (gà trống vàng) làm tranh trấn môn. Thời xưa ngày Tết người ta thường dán tranh lợn, tranh gà trong nhà để cầu mong sự sung túc, và danh vọng cho năm mới. Riêng con kim kê trấn môn, hay còn gọi là thần kê, còn có chức năng trừ ma quỷ, nhất là thần Trùng. Tranh kim kê nổi tiếng trước giờ là của giòng tranh Kim Hoàng, một trường phái tranh dân gian Việt Nam đã bị mai một gần một thế kỷ trước, và nay đang dần được phục hồi. Trên tranh có in sẵn bùa trừ tà như để tăng thêm nét lạ mắt của giòng tranh này. Sau đó vào nhà rửa ráy và thay nước cho mấy bát thủy tiên. Từ mấy chục năm nay các giò thủy tiên trong bát sứ cổ và hương thơm quý phái của loài hoa này vẫn là biểu tượng của ngày Tết Nguyên Đán với tôi. Khí hậu nóng lạnh bất thường năm nay làm cho tình trạng hoa Tết kém hơn mọi năm. Hoa đào nở rộ hồi Tết Dương lịch, cho nên đến Tết Ta thì còn ít thôi. Các loại hoa khác phần nhiều cũng thế. Tình trạng chợ hoa xuân Hà Nội dịp Tết Kỷ Hợi này do đó có vẻ ảm đạm. Thủy tiên cũng bị vạ vì thời tiết. Cho nên thủy tiên hơi hiếm ở các chợ hoa. Và nếu có thì cũng đều để cho mọc hoang như cỏ thôi chứ không thấy gọt tỉa gì cả. Một an ủi là một số các em trẻ tuổi bây giờ bắt đầu biết học để gọt thủy tiên thành các thế, dáng cổ truyền. Cho đến giờ thì phần đông người ta chỉ biết gọt cho lá quăn đi, cho hoa lá đỡ mọc cao như cỏ và đỡ dễ đổ mà thôi. Các cụ ngày xưa nếu muốn dự các kỳ thi thủy tiên thì phải rành rõi về các thế của thủy tiên, ít nhất là các thế căn bản như long, lân, quy hay phụng. Các thế này chỉ thể hiện qua cách gọt tỉa lá thôi. Hoa không tính. Thi dụ như nếu muốn tỉa thế phụng thì để ba giò lá phía sau mọc thẳng tự nhiên, trong khi lá hai bên bẻ uốn hay gẫy gập ra ngoài. Nếu cũng sắp đặt như vậy, nhưng lá hai bên uốn vào trong, sẽ thành thế long… Tất cả phải được thực hiện từ việc chuốt tỉa lá. Chứ không được dùng các thủ thuật như uốn lá, cài tăm, v.v. Bên cạnh đó còn phải gọt, dưỡng cho khéo để hoa lá sung mãn; và người thi phải rành cách thúc, hãm để hoa hàm tiếu đúng lúc thi ở đình, thường là quanh giờ Giao thừa… Người ta đặt ra các điều lệ thi này chưa chắc đã vì tính mỹ thuật, mà nhiều khi chỉ để thử thách tài nghệ của người thi thôi. Sáng mồng Một, đã thành lệ, tôi lại loanh quanh ra chơ chữ Ông Đồ ở hồ Văn, bên kia đường trước cửa Văn Miếu. Thấy báo đăng là Tết này ban tổ chức đã thi tuyển được 60 ông đồ chữ đẹp, cả Hán Nôm lẫn Quốc Ngữ. Nhưng thật ra có vẻ như không nhiều được như thế. Năm nay có nhiều thêm các cặp bố mẹ trẻ đưa con trẻ ra xin chữ ông đồ. Các cô cậu nhi đồng ngồi chăm chú, và có vẻ thành tâm, nghe các cụ giảng giải về các chữ Nho các cụ viết cho. Có khi vì thấy các cụ râu ria, mặc áo ta trịnh trọng cho nên các cô cậu bị khớp. Nhưng cảnh tượng này trông thật dễ thương. Một điều mới nữa trong dịp Tết này là dấu hiệu của tranh dân gian Việt Nam, như Đông Hồ hay Kim Hoàng, được xuất hiện ở khắp nơi. Ngoài tranh vẽ ra, các dấu hiệu này còn được thấy trên đồ gốm sứ, đồ gỗ, hay ở cả trên vải quần áo… Không chỉ ở chợ chữ Ông Đồ, mà điều này cũng có thể thấy được cả ở các chợ hoa, chợ Tết. Và năm nay áo dài được các bà các cô diện nhiều hơn. Nhưng áo dài cách tân có vẻ lấn lướt áo dài truyền thống. Áo dài cách tân năm nay được mặc không theo quy củ nhất định. Nhưng cũng có thể thấy là phần nhiều được mặc hai ba lớp, với váy ngắn. Nhiều khi áo dài của họ trông giống như những chiếc váy đầm nhiều lớp, với lớp ngoài cùng được xẻ hai bên. Nếu là áo đơn thì họ hay mặc với quần Âu bó ống. Tôi làm vài cuộc phỏng vấn ngắn để biết được lý do khiến họ mặc áo dài cách tân. Các bà lớn tuổi hơn nói rằng vì trước nay không quen mặc áo dài, cho nên khi mặc áo dài truyền thống thấy quần mỏng, rộng trống trải quá. Và áo dài truyền thống có vạt dài vướng víu không quen. Các cô trẻ tuổi thường nói lý do là vì thích cái gì đó mới lạ. Cũng có người do xem quảng cáo thấy những cô chân dài mặc áo dài truyền thống đẹp quá cho nên sợ mình mặc áo dài truyền thống sẽ không được như thế. Nhưng không ít cô có lý do khá thực tiễn: mặc áo dài cách tân đi xe máy tiện hơn. Hóa ra là do việc thích nghi với đời sống. Buổi chiều tôi phá cách, bỏ thói quen chỉ du khảo các hoạt động văn hóa truyền thống như thường lệ, và ghé thử qua Bảo tàng Phụ Nữ. Vì tôi nghe nói năm nay ở đó có cuộc triển lãm về lợn khá nhất trong các trưng bầy về lợn năm nay ở Hà Nội. Đủ các kiểu lợn được chế tác từ các nguyên liệu khác nhau như gốm sứ, gỗ, kim loại, thủy tinh, bột… Trong đó có tác phẩm của một vài nghệ sỹ quen biết. Dù đề tài hơi lạ, nhưng cuộc triển lãm cuốn hút được khá nhiều khách thưởng lãm. Chiều tối tôi lại ghé qua một trong vô số những quán bún riêu ốc tự phát quanh phố. Thường ngày trong năm họ là nội trợ, hay làm các nghề khác. Nhưng trong những ngày tết họ nấu bún riêu, ốc theo cách họ nấu cho gia đình mình. Bún riêu ốc ở các quán này nhiều khi rất ngon. Nhưng khách phải chịu trả mức giá ngày tết. Và bữa ăn này đã kết thúc các hoạt động vui xuân của tôi trong ngày đầu năm mới…
* Các bài về Tết: - “Gâu gâu ba tiếng chào Xuân mới” - Mồng Một Tết Kỷ Hợi ở Hà Nội Ý kiến - Thảo luận
19:27
Friday,8.2.2019
Đăng bởi:
Jim axa
19:27
Friday,8.2.2019
Đăng bởi:
Jim axa
Bài chia sẻ hay, đậm chất Xuân. Cảm ơn tác giả Trịnh Bách, cảm ơn Soi!
17:55
Friday,8.2.2019
Đăng bởi:
Linhfloyd
Cảm ơn anh Trịnh Bách, mặc dù làm việc ở gần đây nhưng tới giờ em mới biết một chút về Bích Câu đạo quán. Chắc phải ghé vào một buổi.
Nhưng theo kế hoạch tương lai về mở rộng sân Hàng Đẫy thì không biết liệu nơi này có nằm trong diện giải toả hay không? ...xem tiếp
17:55
Friday,8.2.2019
Đăng bởi:
Linhfloyd
Cảm ơn anh Trịnh Bách, mặc dù làm việc ở gần đây nhưng tới giờ em mới biết một chút về Bích Câu đạo quán. Chắc phải ghé vào một buổi.
Nhưng theo kế hoạch tương lai về mở rộng sân Hàng Đẫy thì không biết liệu nơi này có nằm trong diện giải toả hay không? Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp