|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiDavid Černý (phần 2): Những bức tượng khiến nhiều người đỏ mặt 11. 03. 19 - 2:33 pmNhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân(Tiếp theo phần 1) David Černý sinh ngày 15 tháng 12 năm 1967 tại Praha. Năm 2000, Černý đạt giải thưởng mang tên Jindřich Chalupecký (nhà sử học và phê bình nghệ thuật của Séc) – là giải thưởng thường niên dành cho những tài năng trẻ của Séc (dưới 35 tuổi). Černý gây tai tiếng từ năm 1991 khi đã sơn chiếc xe tăng của Nga màu hồng tươi. Chiếc xe tăng này là một biểu tượng tưởng niệm chiến tranh đặt ở trung tâm Praha. Vì đài tưởng niệm các đội xe tăng Liên Xô được coi là một di tích văn hóa quốc gia, nên hành động phá rối của Černý bị coi như tội côn đồ, và vì vậy nghệ sĩ bị bắt một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi đã khôi phục lại được màu xanh-ghi nguyên bản, các thành viên của cựu Hội đồng Liên bang lại quyết định sơn nó một lần nữa thành… màu hồng. Hiện nay, chiếc xe tăng màu hồng này được trưng bày tại bảo tàng kỹ thuật quân sự tại Lešany, cách thủ đô Praha khoảng 50 km về phía nam. Mặc dù những ý tưởng kỳ lạ của Černý thường xuyên gây tranh cãi, không thể phủ nhận một thực tế là các công trình điêu khắc của nghệ sĩ đã góp phần tạo cho thành phố cổ kính Praha một gương mặt mới đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Có lẽ Černý là một trong số ít nghệ sĩ (dù tai tiếng) có khá nhiều tác phẩm được trưng bày ở nơi công cộng. Chúng ta cùng điểm qua một số tác phẩm “tuy công cộng vẫn gây tranh cãi” (hay ngược lại) của ông. 1. Tượng “Đi đâu?” (“Quo Vadis?” Sáng tác năm 1990, tại địa diểm hiện tại từ 2001), đây là tác phẩm trưng bày công cộng đầu tiên của Černý: chiếc xe Trabant (hãng ô tô nổi tiếng của Đông Đức cũ) đứng trên 4 chân. Bức tượng là một bình luận xã hội của Cerny về hiện tượng khoảng 4000 dân quốc tịch Đông Đức cũ sống ở Tiệp chờ đợi được cấp tị nạn chính trị ở sứ quán Tây Đức tại Praha năm 1989. Hàng trăm chiếc xe Trabant này bị bỏ lại sau khi họ được chấp nhận tị nạn và rời Tiệp Khắc cũ. Phiên bản đầu tiên của tác phẩm này là bằng nhựa, được trưng bày trên quảng trường khu phố cổ, là một phần của triển lãm năm 1991. Hiện phiên bản này được đặt tại Bảo tàng Lịch sử Đương đại tại Leipzig, Đức. Phiên bản đúc bằng đồng từ năm 2001 được đặt trong khu vườn của đại sứ quán Đức trong quận Malá Strana (phố Vlašská 19). Để thấy được bức tượng này, phải đi ngang qua cổng vào đại sứ quán Đức, ngoằn ngoèo một lúc sẽ đến được khu vườn nơi cổng sau của đại sứ quán, với bức tượng cách cổng chừng 100m. 2. Tượng “Những kẻ xu nịnh” (“Brownnosers”, 2003) Không cần phải thêm bất kỳ lời giải thích nào, hai bức tượng này thuộc loại nhức mắt nhất, bao gồm hai nửa phần thân dưới của hai người nam khỏa thân với kích thước 5.2 mét và cả thang để trèo lên đến tận lỗ hổng dưới mông. Không những thế, đó có lẽ cũng là một đỉnh điểm về “nghệ thuật nhạo báng chính trị” của Černý. Khi trèo lên thang, phải thò hẳn đầu vào lỗ hổng (vì nếu chỉ ngó từ ngoài sẽ không thấy được). Từ đây người xem thấy một màn hình chiếu Václav Klaus (Chủ tịch nước đương thời của Séc giai đoạn 2003-2013 đang đút thìa cho Milan Knižak – Giám đốc đương thời của Bảo tàng quốc gia Praha giai đoạn 1999-2011- ăn trên nền nhạc lặp đi lặp lại một bài hát của Queen “Chúng ta là những nhà vô địch” (“We Are the Champions”). Ở lỗ hổng thứ hai thì ngược lại: Milan Knižak đút thìa cho Václav Klaus ăn. Bức tượng này được gắn vĩnh viễn ở vườn sau của bảo tàng mỹ thuật Tương lai-Futura (phố Holečkova 49, quận Smíchov), cách khu phố cổ 2.5 km phía tây nam, bờ bên kia dòng sông Vlstava. Khi vào thăm bảo tàng, phải đi xuống tầng hầm qua nhiều ngóc ngách, rồi chui qua cửa sổ mới ra vườn được. 3. Tượng đài phun nước “Tiểu tiện” (“Čurající fontána”, 2004) Quần thể tượng kiếm đài phun nước này là tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất của Černý và cũng là tác phẩm được du khách chụp ảnh nhiều nhất. Tổ hợp tượng bằng đồng đặt trên nền một cái hồ có hình bản đồ Séc. Černý khắc họa hai người đàn ông (cao 2.1 mét) đứng đối mặt với nhau và nước được phun ra từ điểm nhạy cảm của họ xuống đất nước Séc. Điểm cuối của dòng nước tuôn ra từ một bức tượng tưới lên bản đồ đúng vào vị trí địa lý của thủ đô Praha. Mỗi bức tượng bằng đồng gồm 3 phần chính. Phần giữa (phần hông) của bức tượng có thể quay, cộng thêm phần nhạy cảm có thể chuyển động lên xuống, nên dòng nước có thể viết những lời trích dẫn của những nhân vật nổi tiếng của Praha. Trước đây, cạnh quần thể tượng, trên mặt sân là số điện thoại (+420 72430779), khi du khách gửi sms đến số điện thoại này, thì dòng nước từ bức tượng sẽ viết theo thông điệp đã được gửi trong sms. Hiện số điện thoại này đã không còn nữa. Có một câu chuyện thú vị liên quan tới bức tượng này. Ban đầu, khi khối tượng mới xuất hiện, chúng đã vấp phải sự chống đối rất gay gắt của công chúng. Thậm chí đã có một cuộc vận động biểu tình lớn được phát động trên toàn quốc với mục đích nhằm xóa bỏ khối tượng này. Lúc đầu rất nhiều người tuyên bố tham gia, nhưng rồi dần dần họ tự rút lui, với một lý do đơn giản là “đó cũng chỉ là một tác phẩm nghệ thuật”. Khi đến thời điểm G (ngày biểu tình) thì chỉ còn một nhóm vài chục người. Khi nhóm biểu tình tới nơi, họ vấp phải một hàng rào lực lượng công an bảo vệ khối tượng. Các cảnh sát rất lịch sự và nhã nhặn giải thích rằng nếu ai muốn phản đối thì hãy viết kiến nghị gửi đến ủy ban hành chính của thành phố, còn đây là tác phẩm nghệ thuật nên không ai được quyền phá hoại công sức lao động của người khác. Thế là cả nhóm biểu tình giải tán và rủ nhau vào quán bar ngồi uống bia, tán gẫu với nhau. Tượng đặt trong khuôn viên của bảo tàng Franz Kafka (trên phố Hergotova Cihelná 2b). Nếu đi từ trung tâm phố cổ, sau khi vượt qua cầu Charles thì rẽ sang phải và đi dọc phố Cihelná khoảng 200m là đến. 4. Tượng “Treo thõng” (Viselec, 1996) Tượng bằng đồng cao 2.2 mét mô tả Sigmund Freud treo người bằng tay phải lên mái nhà, còn tay trái đút túi quần. (Sigmund Freud là nhà thần kinh học người Áo, được coi là nhà sáng lập chuyên ngành phân tâm học. Freud sinh ra ở Frieberg, hiện là một phần của Cộng hòa Séc). Đây là phản ứng mơ hồ của Černý cho câu hỏi liệu trí tuệ sẽ đóng vai trò gì trong thiên niên kỷ mới. Tác phẩm điêu khắc này thu hút sự quan tâm quốc tế. Ngoài Praha, phiên bản tượng được trưng bày ở nhiều nơi như Chicago, Michigan, Berlin, Stockholm, London, Seul. Khi nó được trưng bày ở Michigan (năm 2007) hay Seul (năm 2009), đã có nhiều cuộc gọi điện hoảng loạn thúc giục nhân viên cấp cứu đến giải cứu vì nhiều người nhầm tưởng bức tượng với người nào đó cố tự sát. Bức tượng này ở trong khu phố cổ (Staré Město), chìa ra từ nóc tòa nhà ở trên phố Husova nơi cắt với phố Betlemské náměsti. 5. Tượng “Ngựa” (“Kůň”, 1999) Đây là một trong những tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất của Cerny. Công trình điêu khắc hoành tráng này mô tả thánh Wenceslas chễm chệ cưỡi trên bụng ngựa, được treo lơ lửng từ trên nóc nhà. Wenceslas là vị thánh của Bohemia và là niềm tự hào dân tộc của Cộng hòa Séc. Tác phẩm điêu khắc này tuân thủ theo tất cả nguyên tắc chuẩn mực về kích thước, sự cân đối, các chi tiết khắc họa tỉ mỉ theo đúng nguyên mẫu ngoài đời. Nhưng điểm duy nhất kỳ quái là con ngựa bị lộn ngược, vì thế thánh Wenceslas tay cầm giáo hùng dũng nhưng lại ngồi trên bụng ngựa. Dự định ban đầu là tác phẩm được treo trong sảnh mới khánh thành của bưu điện trung tâm ở phố Jindřišská lúc đó, nhưng rồi giám đốc bưu điện Séc không chấp nhận. Từ năm 2000 bức tượng này được đặt trong trong sảnh tòa nhà cổ kính Lucerna (ở Václavské náměstí 38). Điều hết sức ngạc nhiên đối với nhiều du khách, không những là sự tồn tại của bức tượng hài hước thánh Wenceslas cưỡi con ngựa chết, mà còn là nó cách không xa (chỉ khoảng 200 mét) bức tượng nguyên bản khắc họa hình ảnh vua Wenceslas đặt tại quảng trường thánh Wenceslas (Václavské náměstí). Dù là đem lại nụ cười cho du khách hay khiến du khách đỏ mặt, phải công nhận rằng nhà điêu khắc David Černý đã tạo ra những tác phẩm kỳ thú. Phần lớn các du khách khi tham quan Praha dù vô tình hay có chủ ý cũng đều có những tấm ảnh chụp các tác phẩm của Černý. Xung quanh các tác phẩm của Černý luôn có đám đông các du khách thập phương, vừa giơ máy chụp liên tục, vừa sôi nổi bàn luận trong không khí thanh bình. Du khách hẳn cũng cảm nhận tấm lòng rộng rãi, ít thành kiến của người dân nước cộng hòa Séc. (Còn tiếp phần 3: Kẻ mang lại niềm vui cho đường phố Praha) Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|