Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng 03. 04. 19 - 4:59 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1 bài 2)

Đến Moskva, dù muốn dù không, dù yêu dù ghét, không ai là không đến Quảng Trường Đỏ bởi hiếm có quảng trường nào trên thế giới lại đặc biệt và chứa đựng quá nhiều lịch sử trong lòng nó đến vậy. Tôi đi Quảng Trường Đỏ nhưng mục đích không phải vào xem trong Kremlin mà cốt để đến viếng Lê Tiên Hoàng. Vua họ Lê, húy là Vladimir, tên chữ là Nin, khi lên ngôi xưng là Lê Tiên Hoàng, khi mất bầy tôi dâng tôn hiệu là Xô Thái Tổ. Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, bôn tẩu khắp châu Âu rồi mới lấy được nước, trừ nội gian, đuổi giặc ngoài đưa nước Nga vào một triều đại đã làm được những điều lớn lao, giống như ông Olivander nói: “After all, He-Who-Must-Not-Be-Named did great things — terrible, yes, but great”.

Gọi là Lê Tiên Hoàng vì khi vua xưng đế, đất đai rộng lớn, vua tính vốn rộng rãi, cắt đất phong hầu, các châu động đều quy phục, đến nay như xứ Làn Phân vẫn dựng tượng thờ vua. Uy vũ của vua lớn đến nỗi, năm châu bốn biển đều chuyền nhau kinh sách của Xô viết, nhất nhất theo vua mà xưng thần. Bọn Tây Nhung đều kinh sợ, ngoài mặt phải giả hòa hoãn mà trong dạ căm thù xương tủy. Thái Tổ nước ta thuở còn hàn vi cũng nghe tiếng vua mà sang tận Mạc Tư Khoa để tầm sư học đạo, tiếc rằng chưa được thầy mặt rồng thì vua đã băng. Về sau đức Thái Tông bản triều cùng các đại thần đều lấy họ Lê, cũng là do lòng mến vua mà làm vậy.

Xô Triều truyền được 7 đời thì suy vi, dân tình đói khổ, bọn rợ Tây chống phá, giặc giã nổi lên như ong, triều đình rối loạn, đại thần đem cả xe tăng chĩa vào cung cấm. Từ lúc ấy cho đến khi Trung Hưng, việc hương khói ở lăng vua đều trễ nải, Thái miếu không ai đoái hoài. Nga Thái Tông, húy là Tin, cũng ít tóc như Thái Tổ, xuất thân từ Cẩm y vệ, nhờ tinh thông tiếng Đức nên học được tinh hoa của thuật trị nước chăn dân của người Đức (Cao Tổ Hoàng Đế – húy là Mác – vốn là người Đức), một tay gây dựng cơ đồ, nối lại quốc thống. Từ khi lên ngôi đến nay, có lẽ biết rằng mình được thiên hạ là nhờ liệt tổ liệt tông Xô triều phù hộ nên những dịp sóc vọng mới thấy nối lại lệ cũ, chuyên cần lễ bái nhưng nghe nói ngày thường cũng hẩm hiu lắm. Nay đường xa vạn dặm đến đây quyết vào lăng viếng vua một lần tỏ lòng kính trọng.

*
Ngày 5. 3. 1918, Lê Tiên Hoàng xuống chiếu dời đô về Moskva, là kinh đô cũ của các bậc đế vương đời trước, kết thúc hơn 300 năm nhà Romanov đóng đô ở Sankt-Peterburg, đồng thời lùi sâu vào nội địa, chấm dứt ảnh hưởng của phương Tây lên nước Nga. Từ đó đến nay, Kremlin ở Moskva mới chính thức trở thành trung tâm quyền lực của đế chế rộng lớn này.

Lăng chỉ mở cửa 4 ngày một tuần (thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy) lại chỉ mở từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, không hiểu vì kinh phí hay vì lí do gì mà ra nông nỗi này. Tôi đi viếng lăng đúng dịp Đại hội túc cầu thế giới, nên không khí không chỉ náo nhiệt vô cùng mà an ninh cũng cực kỳ nghiêm ngặt. Ở mỗi lối vào Quảng trường Đỏ đều có cấm vệ quân tra xét rất ngặt, có cửa quét an ninh để phòng ngừa thích khách. Chỉ có điều rất lạ là các đồng chí này nhất quyết không cho mang nước vào trong. Quảng trường rộng mênh mông, nắng chang chang hạ chí, không cho mang nước uống vào thì chắc chỉ có thông đồng với Ngự thiện phòng để bán nước đóng chai mà thôi. Tuy nhiên kiểu kiểm tra của các đồng chí này rất lạ đời (và trên toàn quốc đợt này đều thực hiện giống vậy) là chỉ có người đi qua cửa quét, còn đồ đạc thì lại đặt trên cái bàn để khám xét trực tiếp bằng bàn tay và đôi mắt. Chưa kể là người đông như đi trẩy hội (mà trẩy hội thật!) nên các đồng chí cảnh vệ đứng dưới nắng mãi cũng mệt, mồ hôi vã ra như tắm, nhiều người cũng chỉ bị khám xét qua loa.

Kiểm tra an ninh ở lối vào Quảng trường Đỏ. Phía sau là khách sạn Four Seasons là bản phục chế hiện đại của Hotel Moskva đã bị giật sập đi để xây lại tại đúng vị trí này, tiêu biểu cho sự ngồn ngộn của kiến trúc Nga. Ảnh: Đặng Thái

Thế là trí khôn của dân tộc ta lại được thể hiện ra đây, hàng rào McNamara còn qua được nữa là dăm ba đồng chí Hồng quân. Tôi cho chai nước 2 lít to như súng cối cùng toàn bộ đồ lặt vặt trong túi quần túi áo vào ba lô rồi dùng cái khóa, loại khóa hành lý to bằng 2 đốt ngón tay, bấm lại. Đến cửa an ninh, người qua êm ru không bíp biếc gì, tôi móc ngăn trước ba lô ra một chùm chìa khóa hàng chục cái cùng dây xích nối với bên trong ba lô, toan mở khóa, anh Hồng quân nhìn thấy liền nhìn tôi một cách trìu mến mà rằng: “Anh đã khóa kĩ thế rồi thì xin mời qua, không cần kiểm tra nữa”. Tôi vui vẻ chào anh và đeo ba lô đi, trong khi đó đằng sau tôi có mấy nhà sư Myanmar, đi chân đất, người quấn có mỗi tấm vải, bị quét máy dò bằng tay xong còn được khuyến mãi thêm khám toàn thân!

Ngay sau hàng rào an ninh là tòa nhà Bảo tàng lịch sử quốc gia rất nổi bật với đại bàng hai đầu mạ vàng mới được phục chế và lắp lại từ năm 2003. Ảnh: Đặng Thái

Vừa qua cửa an ninh đã thấy một hàng người cực kỳ dài, xếp hàng ngoằn ngoèo, từ giữa đường lên vỉa hè rồi lên tận chân tường thành, cổ ai cũng đeo FanID, đoán chắc đây là hàng người xếp hàng vào xem Kremlin. Lăng vua nằm ở phía giữa quảng trường, đối diện với hai cái tháp của Trung tâm thương mại GUM, sau lưng, phía trong tường thành là Viện nguyên lão của Kremlin, tòa nhà có mái tròn xoay như cái đầu hói, trước là nơi vua ngự, giờ là ngự tẩm và thư phòng của Nga Thái Tông.

Lăng Lenin phía trước Phủ Tổng Thống. Ảnh: Đặng Thái

Giữa quảng trường là một sân bóng dã chiến và màn hình điện tử, người reo hò nhảy múa ầm ĩ. Đến trước cửa lăng thì thấy dựng hàng rào an ninh chặn lại, ôi thôi mới vỡ lẽ ra là cái hàng người dài dằng dặc kia là xếp hàng vào viếng lăng! Cửa vào Kremlin ở đoạn này đã đóng vì khách quá đông, muốn vào Kremlin phải xếp hàng ở cổng khác. Lại lội bộ lại, qua hết cả lễ đài dài dằng dặc để đến chỗ xếp hàng.

Trung tâm thương mại GUM với sân bóng nhân tạo dựng giữa quảng trường. Ảnh: Đặng Thái

Đứng xếp hàng một lúc thì bỗng có một ông nhà báo, cổ đeo máy ảnh, tay cầm máy ghi âm, tiến lại và hỏi bằng tiếng Anh: “Tôi là phóng viên của Đài Tiếng nói nước Nga, anh cho tôi phỏng vấn vài câu được không ạ?”. Câu hỏi có mấy ý thôi nhưng cũng khó, càng trả lời trôi chảy ông ấy càng hỏi lắm: anh từ đâu đến, là người nước nào, tại sao anh xếp hàng vào lăng Lenin, ở nước anh thì người ta nghĩ về Lenin thế nào, anh có cho rằng Liên Xô là một sự thất bại không, thế theo anh tại sao người ta xếp hàng vào lăng dài như thế trong khi người Nga đã quên Liên Xô rồi, hằng ngày rất vắng. Phỏng vấn xong thì tôi mới nhận ra xung quanh báo đài rất đông, máy quay chi chít, mấy anh an ninh dắt chó đi dạo còn phải tò mò đứng nhìn, có đài truyền hình số 1 còn có hẳn một cô biên tập viên cao, xinh, cầm mic làm phóng sự trực tiếp như kiểu bên Mỹ.

Thì ra việc nhân dân cần lao khắp năm châu bốn biển kiên nhẫn xếp hàng cả tiếng đồng hồ vào lăng viếng vua là việc mà người Nga lấy làm lạ. Họ bối rối trước những giá trị mà họ mới phủ nhận nhưng xen lẫn cái phổng mũi vì giá trị ấy lại được người nước ngoài tôn trọng dù vì tò mò hay vì ngưỡng mộ.

Dựa theo khuôn mặt và ngôn ngữ trong hàng người thì có thế thấy người châu Mỹ, cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ là đông nhất. Điều này thể hiện qua số lượng FAN ID của các quốc tịch tốp đầu được Nga công bố: Trung Quốc – 60 nghìn, Mỹ – 49 nghìn (cả Trung Quốc và Mỹ đều không có đội tuyển tham dự vòng chung kết lần này), Mexico – 43 nghìn, Argentina – 35,9 nghìn, Brazil – 32 nghìn, Colombia – 29 nghìn, Đức – 28,6 nghìn, Peru – 26 nghìn.

Người Trung Quốc không nhiều nhưng lúc chiều sang bên trung tâm thương mại GUM thì dân Trung Quốc đông nghịt, có lẽ tại dân Trung Quốc ghét nhất xếp hàng. Xem thế thì cũng biết Trung Quốc không coi vua Nga ra gì. Qua số liệu cũng thấy rằng chúng ta thường nghĩ Nam Mỹ còn nghèo, là sân sau của Hoa Kỳ, là ý nghĩ quá lạc hậu, bởi số người đi sang tận đây, xa như vậy để xem bóng không hề ít. Nhưng số lượng người xếp hàng vào lăng đông như thế cũng cho thấy rằng Lê Tiên Hoàng và kinh sách của ngài vẫn là ước mơ và hi vọng của rất đông tầng lớp trung lưu Nam Mỹ, trong những xã hội còn quá bất công về an sinh và phân phối của cải.

Người Nam Mỹ xếp hàng rất nghiêm túc, không cười ngoác miệng và có lúc thể hiện ra rằng đây là cơ hội cả đời có một để được thấy mặt rồng. Khác hẳn với mấy cha Mỹ trắng, ăn nói thì thô lỗ, ăn mặc thì lôi thôi, đứng ngồi ngổn ngang và lúc nào cũng cười khềnh khệch, Còn ai mà tóc vàng, mắt xanh, xếp hàng nghiêm chỉnh thì y như rằng thấy nói tiếng Đức hoặc tiếng Bắc Âu. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà lăng được nhiều người, nhiều màu da, nhiều tiếng nói vào viếng như thế, cho dù Đại hội Quốc tế Cộng sản cũng không thể bì!

Lên đến tường thành thì lại qua một lần kiểm soát an ninh nữa, nhưng cũng qua loa đại khái. Bước chân vào sát khu vực tường Kremlin thì tự nhiên không khí khác hoàn toàn. Đầu tiên là mát lạnh. Không biết là do âm khí nhiều hay do bóng tường thành đổ xuống. Thứ hai là tĩnh lặng. Toàn bộ những tiếng ồn ào của đám đông ngoài kia biến mất do bị ngăn lại bởi một hàng dài những cây tuyết tùng và bởi lẽ vào đến đây ai cũng choáng ngợp, không ai bảo ai mà đều đi nhẹ nói khẽ. Đứng sát tường thành Kremlin ta thấy nó cao lừng lững, lại cảm thấy mọi vật như cao vút lên và mình lọt thỏm ở giữa, là do hiệu ứng của một loạt tháp chuông, tháp đồng hồ to và rất cao cùng những cây tùng từ khổng lồ đến cao vài mét đều tỉa thành hình nón, chóp nhọn vút lên. Khác hẳn cảm giác đứng dưới chân tường Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, cho ta cảm giác bề thế và mênh mông mà không thấy nó cao dù thực tế tường ở đấy còn cao hơn ở đây vài mét, có lẽ do tường của Tử Cấm Thành ghép bằng những tảng đá khổng lồ còn ở đây cái gì cũng chỉ xây bằng gạch nhưng chi chít và cứ cao lên mãi.

Hàng tùng trên đường vào khu lăng mộ. Ảnh: Đặng Thái

Người Nga luôn muốn nhấn mạnh cái ý tưởng về độ cao, về đỉnh cao, chóp nhọn, không chỉ trong kiến trúc. Ông Lý Quang Diệu có viết trong hồi ký khi đi thăm chính thức Liên Xô lần đầu tiên; Ông (một người châu Á bé nhỏ) thấy thật ấn tượng (kinh sợ) với đội danh dự Liên Xô toàn những người cao hơn 1 mét 9 đón ông dưới chân máy bay và đồng thanh hô lớn một tiếng chào. Bản thân tôi cao hơn 1 mét 8 nhưng đúng là khi đi qua mấy anh cảnh vệ vẫn thấp hơn một cái đầu (tiếc rằng các anh đội mũ kê-pi rộng vành như mấy ông Triều Tiên và áo màu xanh bảo vệ-trông xe nên trông hơi luộm thuộm).

Mở đầu đoạn tường này là mộ phần của các đồng chí lãnh tụ Đảng Cộng sản Anh, Mỹ, Hungari, đều làm cách mạng thất bại và đi đày hoặc lưu vong nhờ sự che chở của thánh triều. Ảnh: Đặng Thái

Vào đến đây thì không cần xếp hàng nữa, ai muốn nhẩn nha xem tường và bia của những người nằm trong tường thì cứ thong thả. Không hiểu sao ông nào nghĩ ra kiểu có một không hai là chôn vào tường như mấy ông Nga này. Lúc trước tôi cứ tưởng người ta đưa cả quách vào tường, sau mới biết là chỉ đưa hộp tro đã hỏa táng vào mà thôi. Những người có tên trên tường hầu như là anh hùng hay liệt sĩ.

Ví dụ về ba Anh hùng Liên Xô tuy không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng lại mất cùng năm cùng tháng (gần như) cùng ngày. Hai người bên trái là Seryogin và Gagarin, cùng chết trong tai nạn máy bay. Ảnh: Đặng Thái

Phía trước bức tường, nhưng phía sau lăng mới là những cái mộ cao cấp, đá granite xám hoặc đỏ, bóng như gương, mỗi mộ có một tượng bán thân và một cây tùng phía sau. Các cây tùng ở phía xa là loại có lá màu xanh nhưng càng về phía gần lăng thì lá càng trắng, kết hợp với lễ đài phía trước toàn đá ốp trắng, nhìn từ xa lại như rừng tùng mọc trên tuyết rất ấn tượng, xứng đáng với thiết kế của Thái miếu, quả là:

“Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”

Dãy mộ các lãnh tụ cao nhất của Đảng. Ảnh: Đặng Thái

Dãy 12 tượng này gồm tất cả các vua, trừ đời thứ 3 là Xô Nhân Tông, húy là Sép, không tuân theo mệnh tiên đế nên không táng ở đây. 8 vị đầu gồm cả Xô Thái Tông phối thờ với các vị khai quốc công thần, khi xưa cùng cắt máu ăn thề, theo Thái Tổ từ ngày còn bôn ba mở nước, đều vào tù ra tội cả. Nhiều người nói các lãnh tụ cộng sản sắt đá, thực ra chỉ dạy sử thì ai cũng mềm mỏng chứ thử đi đày, đập đá ở Xi-bê-ri hay Côn Lôn xong, không sắt đá mới lạ. 4 vị còn lại là an táng sau này gồm Xô Thánh Tông, Xô Hiến Tông, Xô Túc Tông và Thái sư Xu-lốp, làm quan trải ba đời vua, được Thánh Tông Nép ưu ái đặt cạnh Thái Tông Lin. Xô Phế Đế, húy là Chốp, nay vẫn còn sống, nhưng nhu nhược để mất nước nên chắc sẽ không được chôn ở đây.

Đến trước lăng, thấy mặt trời chân lý dài và trắng quá, chói qua tim luôn! Ảnh: Đặng Thái

Đến trước cửa lăng thì bỗng thấy 4 anh cảnh vệ cao to lừng lững chạy rầm rập tới sau lưng. Mình đứng né sang một bên chưa hiểu chuyện gì. Xong mới nhận ra hai bố con người Nam Mỹ khi nãy. Ông bố đẩy anh con ngồi xe lăn, chỉ nghe nói tiếng Tây Ban Nha chứ không rõ người nước nào. Bốn anh cảnh vệ cầm vào bốn phía cái xe lăn, nhấc bổng lên rồi khiêng dần dần xuống theo bậc thang. Hóa ra mấy ông kiến trúc sư lúc xây, không tính đến chuyện có người không đi được cầu thang.

Bên trong lăng tối om và mát lạnh, lạnh không chỉ của điều hòa mà còn bởi đá ốp kín mít từ trần đến sàn. Để vào gian chính phải đi xuống một cầu thang dài, đèn vàng lờ mờ, đúng như xuống hầm mộ. Bên trong lăng bé tí, tối mò, chỉ có mỗi đường đi và quách đặt ở giữa, chiếu đèn đỏ rực. Tôi vừa đi vừa mải nhìn, tí nữa thì húc phải anh cảnh vệ đứng thu lu trong góc, chỉ còn cách mấy phân mới nhận ra.

Vua nằm trong lồng kính, hai tay đặt trên đùi, mũi cao, trán rộng, mắt phượng, râu rồng. Vua mặc com-lê, đeo ca-vát. Nghe đâu có một tổ chức từ thiện, quyên tiền, cứ ba năm lại thay cho vua một bộ mới bằng lụa, nhưng mấy năm gần đây mùa màng thất bát, tổ chức này hết tiền nên đành để vua mặc tạm đồ cũ, dù sao cũng là gấm nhung hảo hạng cả. Vua người thấp bé hơn Thái Tổ nước ta nhiều, chắc thế nên kích thước của lăng cũng nhỏ, vả lại gần trăm năm trước nên công nghệ còn lạc hậu, da dẻ trông như tượng sáp, móng tay sơn đỏ, trông như tượng của Madame Tussauds, thua xa kỹ thuật của bản triều.

Bốn anh cảnh vệ lại hì hục nhấc bổng anh chàng ngồi xe lăn trên cầu thang lên mặt đất mà không phát ra một âm thanh (hai ba) nào. Lên khỏi lăng là nắng mùa hè rực rỡ, thấy sinh khí trở lại. Những viên đá lát quảng trường nhỏ bé mà nhẵn thín kia nằm im dưới nắng, đã chứng kiến biết bao nhiêu là lịch sử.

Các bạn Đức (lúc này vẫn) đang hi vọng làm nên lịch sử trên đất Nga. Ảnh: Đặng Thái

Bên kia quảng trường, người ra vào Trung tâm thương mại GUM đông nghịt. Ai lại có cái ý tưởng đặt chỗ mua sắm ở ngay đối diện Cấm Cung và Thái Miếu được nhỉ? Phải chăng mầm mống của kinh tế thị trường đã nằm lù lù ngay đó trước mặt các vua? Và cũng chính nó đứng đó chứng kiến lá cờ đỏ búa liềm từ từ hạ xuống phía bên này vào tối ngày Noel năm 94. Tôi bước vào GUM để tiếp tục một hành trình thú vị nữa.

(Còn tiếp bài 4)

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

16:08 Saturday,6.4.2019 Đăng bởi:  Đặng Thái
@Giang: Gửi bạn danh sách 12 nhân vật được tạc tượng cùng tên của 3 nhà điêu khắc và năm tạc tượng đã biết nhé:

  1. Yakov Sverdlov |Sergei Merkurov, 1946

  2. Mikhail Frunze |Sergei Merkurov, 1946

  3. Felix Dzerzhinsky |Sergei Merkurov, 1946

  4. Mikhail Kalinin |Sergei Merkurov, 1946

  5. Andrey Zhdanov |Sergei Merkurov, 1948

  6. Joseph Stalin |Nikolai Tomsky, 1970

  7. Klime
    ...xem tiếp
16:08 Saturday,6.4.2019 Đăng bởi:  Đặng Thái
@Giang: Gửi bạn danh sách 12 nhân vật được tạc tượng cùng tên của 3 nhà điêu khắc và năm tạc tượng đã biết nhé:

  1. Yakov Sverdlov |Sergei Merkurov, 1946

  2. Mikhail Frunze |Sergei Merkurov, 1946

  3. Felix Dzerzhinsky |Sergei Merkurov, 1946

  4. Mikhail Kalinin |Sergei Merkurov, 1946

  5. Andrey Zhdanov |Sergei Merkurov, 1948

  6. Joseph Stalin |Nikolai Tomsky, 1970

  7. Kliment Voroshilov

  8. Semyon Budenny |Nikolai Tomsky, 1975

  9. Leonid Brezhnev |Iulian Rukavishnikov

  10. Mikhail Suslov |Iulian Rukavishnikov

  11. Yury Andropov

  12. Konstantin Chernenko

 
12:07 Friday,5.4.2019 Đăng bởi:  Giang
Xin hỏi tác giả 12 tượng gồm những ai vậy?
...xem tiếp
12:07 Friday,5.4.2019 Đăng bởi:  Giang
Xin hỏi tác giả 12 tượng gồm những ai vậy? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả