Điện ảnh

“Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới 06. 07. 19 - 11:07 am

Sáng Ánh

Một quyết định táo bạo của nhà nước

Đợt sóng mới (New Wave) của điện ảnh Đài Loan ra đời 1982. Đó là thời gian chót của 38 năm thiết quân luật tại hòn đảo và chế độ kiểm duyệt khắt khe đã nới lỏng. Điện ảnh Đài Loan từ đầu mang tính chất tuyên truyền để phục vụ chế độ Dân quốc và công cụ này là Công ty Trung Ảnh (CMPC) của nhà nước.

Logo của CMPC

Đầu thập niên 60, CMPC đã bắt đầu khuyến khích đường lối gọi là “Kiện khang tả thực chủ nghĩa”, tức là tả thực “lành mạnh”. Một thí dụ nổi tiếng của thể loại này do giám đốc CMPC Cung Hoằng (Gong Hong) đề xướng là “Dưỡng áp nhân gia” (Beautiful Duckling,1965, đạo diễn Lyy Hành-Li Tsing). Trong Luyến luyến phong trần của Hầu Hiếu Hiền, có đoạn cặp nhân tình đi xem hát, thì chính là phim này trên màn hình.

Một cảnh trong phim “Dưỡng áp nhân gia”

Nhưng đến 1980, điện ảnh Đài Loan đứng trước nguy cơ toàn diệt bởi điện ảnh Hong Kong. Băng video bùng nổ và theo ngả các đầu máy video này là phim hành động, kiếm hiệp Hong Kong. Nhà nước Đài Loan nắm các rạp hát và kiểm soát được phim nhựa chiếu rạp nhưng không kiểm soát được các băng VHS tràn lan. Điện ảnh Đài Loan phải có phản ứng trước đe dọa diệt vong, và quyết định là thay vì chạy theo trào lưu vừa đá bay vừa bắn súng hai tay thì ta quay sang nhắm máy vào đời thường. Chuyện đi ngược thị trường này chỉ có thể làm được với giúp đỡ của quỹ điện ảnh quốc gia. Đợt sóng mới Đài Loan ra đời với “bà mụ” này. Cho đến giờ CMPC vẫn làm công việc nâng đỡ đó, mỗi năm có quỹ giúp 15-20 bộ phim truyện và phim tài liệu Đài Loan.

Giọt nước lớn: Hầu Hiếu Hiền

Trong số các nhân vật của đợt sóng mới này, phải kể đến Hầu Hiếu Hiền (Hou Hsiao Hsien). “Luyến luyến phong trần” (Dust in the wind, 1986) là bộ phim nổi tiếng nhất trong bộ ba phim truyện “vào đời” của ông. Đó là “Đông đông đích giả kỳ” (A summer at Grandpa’s, 1984) và “Đồng niên vãng sự” (The Time to live and the time to die, 1985) và “Luyến luyến phong trần” (1986). Cả ba đều có nhà văn nữ Chu Thiên Vấn (Chu Tien Wen) là đồng biên kịch. Hai phim chót trong bộ ba này có quay phim là L‎ý Bình Tân (Mark Lee Bing Ping). Hai bộ phim đầu dựa vào hồi ức của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền trong những năm 1950-1960. Còn bộ thứ ba được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết của Ngô Niệm Chân (Wu Nien Jieng). Cả ba bộ phim đều mang tính cách tự truyện, thuật lại tuổi thơ và cái khoảnh khắc chạm vào cuộc sống để trở thành người lớn, cái bước ngoặt của sự trưởng thành và không còn quay lưng lại được.

Đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền phát biểu sau khi được trao giải Đạo diễn Hay nhất tajii Cannes Film Festival lần thứ 68, 2015

“Đồng niên vãng sự” cũng là bộ phim truyện thứ sáu của Hầu Hiếu Hiền. Các phim trước của ông thuộc thể loại hài kịch lãng mạn (Rom-Com, romantic comedy) ăn khách. Thể loại tân tả thực (Neo Realism) trong “Đồng niên vãng sự” xin nhắc lại, phát sinh ở Đài Loan nhờ chính sách của CMPC. Cạnh Hầu Hiếu Hiền, còn có Dương Đức Xương (Edward Yang) hay Thái Minh Lượng (Tsai Ming Liang)… vì một giọt nước không làm nên một làn sóng. Đã gọi là một phong trào thì hiếm khi nào từ trên trời rơi xuống trúng ngay một anh hào. Nó cần có những điều kiện khách quan như đã nói. Đó là một guồng máy điện ảnh quốc gia biết uyển chuyển trong một thời kỳ mới (thiết quân luật chính thức chấm dứt tại Đài Loan vào 1987), để đối phó với một tình thế mới (sự đe dọa của điện ảnh Hong Kong) và có sự hưởng ứng của một số nhân sự, nhóm, đoàn. Chọn lựa của nó là, nếu ta không thể qua mặt Hong Kong với Tây Thái Hậu hay Mãnh Long đấu súng, thì ta chọn đề tài về cuộc sống trong một hộ gia đình tầm tầm ở một tỉnh nhỏ cạnh Cao Hùng.

Poster phim “Đồng niên vãng sự”

Nói qua, nếu phim truyện Đài Loan có hơi hướm và không khí của một bộ phim Nhật Bản (như Ozu trong thời kỳ sau và phim màu), thì đó không phải chỉ là một lý do văn hóa. Đài Loan từng là thuộc địa của Nhật, và trước năm 2000, các bộ phim truyện trên thế giới đều được quay bằng phim nhựa. Hong Kong, cũng như Tây phương, dùng phim nhựa Eastman Kodak. Khối Liên Xô dùng phim màu Svema, là kỹ thuật lấy được từ Đức (Agfa) sau Thế chiến. Đài Loan dùng phim Fuji của Nhật và mỗi loại phim màu nhựa này có một sắc khác biệt và cá tính. Dĩ nhiên là ngày nay với kỹ thuật số thì muốn màu gì chẳng được, nhưng trước đó mỗi mỗi loại phim nhựa màu có một sắc riêng, đến nỗi có nhà phê bình điện ảnh bảo phim Hong Kong trong thập niên 70-80 mang chất “ngây ngô” vì dùng phim nhựa Eastman loại rẻ tiền! Đây không hẳn là vô l‎ý vì phim nhựa dùng tại Hong Kong không có “chiều sâu” và rõ nét “tinh vi”, lại mang một sắc xanh lợt lạt khi in tráng. Vẽ tranh trên giấy bản thì dĩ nhiên là nó phải khác là vẽ trên bố vải.

Một cảnh trong phim “Đồng niên vãng sự”

Về “Đồng niên vãng sự”: tự nhiên như cuộc đời (thực)

Ngoài cái sắc phim nhựa Fuji, về nội dung thì “Đồng niên vãng sự” cũng tựa như một bộ phim Ozu. Nó trôi đi tự nhiên như cuộc đời. Kịch bản không có sắp xếp và cấu trúc thường thấy ở một bộ phim truyện quy ước. Thí dụ với một chuyện tình cố hữu, sẽ có hai người gặp nhau, thích nhau dần dà, họ vừa chớm yêu nhau thì tình yêu của họ bị đe dọa (bởi một người thứ ba, bởi gia đình, bởi hoàn cảnh, bởi hiểu lầm). Họ vượt qua các trở ngại, và đe dọa này được giải tỏa. Họ đèo nhau trên xe máy ra đi trên con đường hạnh phúc, hết phim.

Ở bộ phim này của Hầu Hiếu hiền, không có tiết tấu được cài đặt và dàn xếp. Nó khi mưa khi nắng như thời tiết, và chậm như là thời gian.

Nhân vật chính là A-Hao, lên 10 tuổi lúc phim bắt đầu. Cha em (Điền Phong – Tien Fen) là một giáo viên người Quảng Châu, và mang gia đình sang Đài Loan làm việc trước 1949. Trong nhà có chị cả 16, anh trai 14 và sau A-Hao còn có hai em trai nhỏ. Họ sống với bà nội (Đường Như Uẩn – Ru Yun Tang), là người thương cháu A-Hao nhất vì thầy bói bảo cháu này về sau sẽ thành đạt, làm quan.

Bà nội A-Hao

A-Hao lớn dần, đánh bi đánh đáo trong khi bố em thì càng ngày càng ốm. Ông mất vì bệnh lao; thì đời sống phải có cái chết. Người anh lớn phải vào sư phạm đi xa vì đó là trường không tốn học phí và khi tốt nghiệp thì có việc. Bà nội thì lẫn, có khi nhầm Đài Loan với lại quê quán, cho xe lô địa chỉ ở Hoa Lục. Chị cả lấy chồng lên Đài Bắc khi A-Hao trở thành thiếu niên (Du An Thuận – Yu An Shun thủ vai). Em theo các bạn cùng lứa, lúc đánh nhau, lúc phá làng phá xóm.

A-Hao thiếu niên

Đến lượt mẹ lâm bệnh phải lên Đài Bắc với con gái, nhà chỉ còn ba anh em chăm bà nội. Rồi mẹ mất vì ung thư cuống họng, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục. A-Hao theo các bạn lần đầu đi chơi gái tại một hồng lâu ọp ẹp, được cô gái tặng cho hồng bao 5 đồng, là tập tục của địa phương dành cho trai tân. Anh tơ tưởng một nữ sinh trong xóm (Tân Thụ Phân – Hsin Shu Fen, sau này giữ vai chính trong “Luyến luyến phong trần”), khi cô này đi ngang các bạn nói lớn “Ê, thằng này nó mất trinh rồi!”, cô không thèm quay lại. Một hôm, đạp xe đi theo cô, A Hao đưa thơ, cô cầm thơ tỏ tình và chỉ nói “Đợi anh khi nào thi đậu vào đại học đã”. Đây là câu thoại độc nhất của vai này trong phim.

.

A Hao bèn cắm đầu vào sách và thi… rớt. Bà nội chết, các cháu chỉ biết khi thấy bà bị kiến bò. Nhà quàn đến lau xác, khi lật bà lên thấy thịt đã thối vì nằm mãi một bên, bên ném cho các cháu trai một cái nhìn “đồ bất hiếu”. Phim hết. Đúng là “vãng sự”, 7-8 năm của một cuộc đời.

Toàn bộ phim là những cảnh tĩnh, con đường vào nhà, cái cây đầu ngõ, trời mưa. Những sự cố chính trị, xã hội bên ngoài gia đình như chiến tranh eo biển với Đại Lục (1958) rì rào qua đài radio hay có lúc kỵ mã cỡi ngựa qua xóm. Máy ít khi nào động, vì động máy phải có chỗ trong phim trường, và phải đặt đường ray để đẩy. Thường thì khi không động máy thì ta động diễn viên cho bớt tẻ nhưng ở đây thường diễn viên cũng tĩnh, không có qua lại và hoán chuyển chỗ trước máy, thí dụ như là trong tuyệt tác Hoa Kỳ “Citizen Kane”.

Cảnh đây là cảnh thật, một xóm tỉnh lẻ, một căn hộ bình dân, không có đại cảnh tốn phí, như đám ma hay đám cưới là những sự kiện lớn trong gia đình. Hiếm khi có cảnh trên một chục diễn viên và cảnh lớn duy nhất là khi gia đình tiễn mẹ ở nhà ga khi bà lên Đài Bắc. Còn đi học về thì leo tường, mẹ nấu nước cho tắm, chị thì chặt thịt thái rau. Thoại cũng tủn mủn và cộc lốc, chỉ có những cơn giông là dài rũ rượi. Bộ phim dài 138 phút, các nhân vật cũng như khung cảnh, ngồi lỳ ở đó chờ mùa mưa lại đến và mùa mưa đi qua.

Bốn anh chị em A-Hao và bà nội

Đồng niên vãng sự không lôi kéo như Luyến luyến phong trần và ít được biết đến hay yêu mến hơn có lẽ là vì vậy. Người xem phải đợi đến lúc kiến bò lên tay thì mới… tỉnh dậy. Sự thờ ơ và đơn giản của thường nhật rất là chính xác, các cảm xúc diễn tả chỉ khua có lộp bộp rồi lắng. Đây là sắc thái riêng của nó và ở quan điểm này, ta có thể chuộng nó hơn những bộ phim sau này của Hầu Hiếu Hiền. Nó rất tĩnh, và quan điểm nói tới của nó, có thể là quan điểm giả dụ của một máy TV đặt ở trong phòng khách của một hộ, bất động mà nhìn cuộc sống của người trong hộ này chung quanh.

Đồng niên vãng sự đoạt giải của các nhà phê bình (FIPRESCI) ở LHP Berlin 1986 và phim không phải Âu-không phải Mỹ hay nhất ở LHP Rotterdam 1987. Các bộ phim sau của phong trào này đoạt các giải lớn tại các LHP Berlin, Venice hay Cannes khi Từ Lập Công (Hsu Li Cong) làm phó giám đốc rồi giám đốc CMPC. Một Lý An (Ang Lee) xuất chúng hay Trần Quốc Phú (Chen Kuo Fu) cũng chẳng từ đất mà nảy ra nếu không có điều kiện vun xới. Hoa ít khi nào mọc dại, và ít khi chỉ mọc một mình.

*

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 

*

Sáng Ánh viết về điện ảnh:

- Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt

- Sống cùng điện ảnh

- Bài học từ “The Room” (phần 1):
Dở không tả được

- Bài học từ “The Room” (phần 2):
Cái gì cũng dở tuy dùng toàn thứ chuyên môn

- Bài học từ “The Room” (phần 3):
Thành công bất ngờ và ngậm ngùi cá nhân (tôi)

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được

- “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu

- Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền)

- Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay

- Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu

- Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá

- Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào?

- “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới

- “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu?

- “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc

- “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta

- ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời…

Ý kiến - Thảo luận

3:38 Monday,8.7.2019 Đăng bởi:  LeLex
Phải, đúng như Đài Loan vậy, biết sở trường sở đoản của mình. Biết không làm phim hành động giỏi như Hồng Kông thì làm phim tình cảm xã hội, vừa sử dụng cảnh thực ngoài đời, đỡ phải dàn cảnh phim trường....tốn kém. Chỉ cần cốt truyện hay, hình ảnh đẹp, âm thanh rõ ràng, diễn xuất sống thực và đạo diễn có tài... thì phim vẫn xuất sắc ăn khách như thư
...xem tiếp
3:38 Monday,8.7.2019 Đăng bởi:  LeLex
Phải, đúng như Đài Loan vậy, biết sở trường sở đoản của mình. Biết không làm phim hành động giỏi như Hồng Kông thì làm phim tình cảm xã hội, vừa sử dụng cảnh thực ngoài đời, đỡ phải dàn cảnh phim trường....tốn kém. Chỉ cần cốt truyện hay, hình ảnh đẹp, âm thanh rõ ràng, diễn xuất sống thực và đạo diễn có tài... thì phim vẫn xuất sắc ăn khách như thường. Phải cố tìm một con đường thích hợp cho mình.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả